1. Chứng phong ngứa thể nhiệt là gì?
Các nghiên cứu cho rằng các bệnh ngoài da phong ngứa thể nhiệt biểu hiện ngứa, sưng, nóng, đỏ, đau… phần nhiều do huyết nhiệt độc ứ kết ở bì phu. Bệnh liên quan chủ yếu đến 3 tạng: Tâm, Phế, Can vì “Tâm chủ huyết mạch”; “Phế chủ bì phu da lông”; “Can chủ điều huyết giải độc”.
Nếu biểu hiện da khô sần ngứa nứt nẻ phần nhiều là do tạng phế nhiệt táo. Nếu ngứa lở đỏ đau là do tạng tâm huyết nhiệt. Nếu da sưng nổi đỏ dày sần nứt nẻ đau ngứa là tâm can huyết nhiệt độc.
Mặt khác, do quá trình chuyển hóa, hoạt động của các tạng tâm can tỳ thận suy yếu, đào thải kém đều có thể dẫn đến huyết trệ mà sinh phong ngứa thể nhiệt.
Bệnh liên quan vốn nội nhiệt, lại hay ăn cay nóng quá mà phế táo, có khi lo nghĩ phẫn nộ thái quá mà tâm nhiệt huyết ứ kết.
Phép trị chủ yếu thanh nhiệt tiêu độc, nhuận phế táo, thông tâm huyết ứ, thanh can hòa huyết, lý khí thông huyết, dưỡng huyết, tăng cường khí huyết nuôi dưỡng tới bì phu…
Nếu bệnh nặng, lâu khó khỏi trước tiên cần giảm các cơn ngứa, hạn chế tình trạng bội nhiễm, giảm sưng đau, loại bỏ các mảng da sần nứt nẻ cũng rất cần thiết.
Nên ăn uống bổ mát dễ tiêu, tránh ăn mặn khô nóng, bổ béo quá. Vệ sinh cơ thể sạch, nếu vệ sinh không tốt có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn, nấm từ bên ngoài trị rất lâu khỏi, ảnh hưởng xấu đến thời gian chữa trị và sức khỏe toàn thân.
2. Bài thuốc gia giảm chữa phong ngứa thể nhiệt
– Thành phần: Kim ngân 12g, liên kiều 12g, đơn bì 12g, huyền sâm 12g,xích thược 12g, thiên hoa phấn 12g,trần bì 12g, ngưu bàng tử 12g, phòng phong 12g, kinh giới 12g,khương hoạt 12g, đương quy 12g, cam thảo 8g.
– Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống khi thuốc còn ấm. Bệnh nhẹ mới phát uống khoảng 3-5 thang, bệnh mạn có thể uống 20- 30 thang, bệnh mạn người yếu khí huyết suy duy trì lâu hơn.
– Tác dụng: Thanh nhiệt tiêu độc, mát huyết thông mạch, sinh tân nhuận phế, lý khí hòa huyết thông huyết, chỉ ngứa, hóa thấp…
Khi nhiệt độc can huyết được giải, huyết ứ tạng tâm được thông, phế táo được tư nhuận, từ đó âm huyết được tư dưỡng, như vậy giúp can hòa huyết, tư nhuận phế khí, tâm dẫn huyết mạch nuôi dưỡng đến bì phu và đào thải tốt, từ đó các chứng ngoài da ngứa sưng nóng đỏ đau da khô sần ngứa nứt nẻ phong ngứa thể nhiệt tự khỏi.
– Chống chỉ định: Không dùng cho người nổi mề đay, dị ứng, viêm da, mụn nhọt trứng cá, chàm, vảy nến, tổ đỉa… do phong hàn huyết hàn. Biểu hiện: Da nhợt nhạt, vùng da bệnh màu sắc trắng nhiều, gặp gió lạnh bệnh tăng, chườm ấm xoa dầu nóng đỡ, khi nổi mụn nhọt vỡ mủ lâu lành, đầu mụn thường lõm có màu thâm đen. Không dùng cho người dương khí hư hay sợ lạnh sợ gió, hoặc người tỳ vị hư hàn đang bị đau bụng tiêu lỏng.
– Dẫn giải bài thuốc
- Kim ngân, liên kiều, ngưu bàng tử: Công năng thanh nhiệt tiêu độc ở năm tạng.
- Đơn bì: Thanh tán huyết ứ, giúp thông kinh mạch tạng tâm…
- Xích thược: Thanh thấp nhiệt, tán ứ huyết tạng can…
- Huyền sâm: Tả hỏa giải độc, dưỡng âm sinh tân, tán huyết ứ, bớt đau…
- Thiên hoa phấn: Sinh tân dịch, chỉ khát, phế khí nhuận táo, da khô sần nứt nẻ đau.
- Trần bì: Lý khí táo thấp… khí trệ khí nghịch, giúp khí hành huyết hành…
- Phòng phong: Phát biểu, thông kinh, trừ phong, tăng cường dẫn thuốc đến bì phu…
- Kinh giới: Khử phong tại biểu, chỉ ngứa, cầm huyết…
- Khương hoạt: Khu phong thông kinh trừ hàn thấp phần khí, giúp bớt đau mỏi phần bì phu…
- Đương quy: Bổ huyết hoạt huyết điều huyết…
- Cam thảo sống: Hòa dược tăng thải độc…
– Phần gia giảm
+ Nếu bệnh phát chủ yếu phần trên đầu mặt, hoặc sưng đỏ đau tăng vị thanh giáng hỏa như kimngân, liên kiều, ngưu bàng tử… hoặc vị tác dụng thanh tả phong hỏa.
+ Nếu bệnh phần bụng sườn trung tiêu “do can uất” tăng thêm vị khai can uất như: Xích thược, sài hồ…
+ Nếu bệnh chủ yếu ở mông, hai chân, chảy nước (do thấp nhiệt nhiều) thêm thanh nhiệt lợi thấp như thổ phục, thương truật, xa tiền, hoàng bá…
+ Nếu có mụn nước có mủ thêm vị hóa mủ tiêu độc tăng thiên hoa phấn, thêm bối mẫu, bạch chỉ…
+ Nếu biểu hiện da khô sần ngứa đau nhiều là do phế nhiệt táo, tăng thiên hoa phấn, huyền sâm…
+ Nếu da lở sưng đỏ đau là do tâm can huyết nhiệt ứ, bội vị đơn bì, xích thược, huyền sâm…
+ Nếu người gầy huyết hư bội vị đương quy 20g, thêm sinh địa.
+ Nếu người mập yếu gặp gió lạnh bệnh tăng gia thêm vị bổ khí như hoàng kỳ, đảng sâm, hoặc nhân sâm…
Lưu ý: Bài thuốc chỉ mang tính tham khảo, người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà cần có sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ.