Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ hè đến cuối thu.
Đặc biệt, trong thời gian ngắn đau mắt đỏ có khả năng bùng phát thành ổ dịch bởi rất dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua đường tiếp xúc. Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng, không để lại di chứng về sau và có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nhiều lần ở một người bởi cơ thể con người không thể sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh này.
Nguyên nhân đau mắt đỏ
Theo Y học cổ truyền
Nguyên nhân chủ yếu do phong nhiệt và hỏa độc xâm phạm vào cơ thể, gây mất cân bằng âm dương khí huyết, rối loạn công năng của các tạng phủ trong cơ thể mà chủ yếu là hai tạng can và phế.
Biểu hiện của bệnh là mắt cảm thấy có dị vật, ngứa mắt, ngủ dậy hai mi mắt dính với nhau khó mở mắt, mắt nhiều dử, mắt sưng đỏ do bị sung huyết, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt khi gặp gió…
Bệnh lành tính, khoảng một tuần thì mắt hết sung huyết. Trường hợp nghiêm trọng có thể kéo dài 2-3 tuần, cần điều trị triệt để. Người có thể chất nhiệt (Can nhiệt và Phế nhiệt) khi bị ngoại tà xâm nhập vào cơ thể rất dễ sinh bệnh.
Theo y học hiện đại
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau mắt đỏ, trong đó một số nguyên nhân thường gặp và các triệu chứng đi kèm như:
Do virus: Đây là nguyên gây bệnh hay gặp nhất với các triệu chứng ra ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt do cộm, sưng mi, thị lực giảm, chói sáng khi biến chứng khô mắt. Bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. .
Do vi khuẩn: Thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus Influenzae …, có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng thường gặp như ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng, ngứa và chảy nước mắt, nếu bệnh nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hoặc vật dụng dính dịch tiết mắt.
Do dị ứng: Như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, … thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, viêm mũi dị ứng, bệnh xảy ra cả hai mắt và không lây.
Theo Y học cổ truyền đau mắt đỏ do phong nhiệt và hỏa độc xâm phạm vào cơ thể. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Bài thuốc nam giúp phòng và điều trị đau mắt đỏ
Đối với trường hợp bệnh nhẹ
Triệu chứng: Hai mắt sưng đỏ, nóng, tức, sợ ánh sáng, thức dậy nhiều dử mắt…
Phương pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, lợi thấp
Bài thuốc:Tùy điều kiện, dùng một trong số các bài thuốc sau (uống liên tục trong 5 ngày).
Bài 1: Trà búp 3g, tang diệp 4g, cúc hoa 10g, cam thảo 5g, sắc nước uống.
Bài 2: Cốc tinh thảo 12g, tang diệp 3g, cúc hoa 6g, sắc nước uống.
Bài 3: Kim ngân hoa 10g, bạc hà 5g. Hãm với nước sôi trong bình kín, uống thay trà.
Bài 4: Trà búp 5g, mướp đắng tươi 50g (khô 20g), sắc nước uống.
Bài 5: Củ mã thầy 60g, mía tươi 60g; mã thầy và mía gọt, róc bỏ vỏ, rửa sạch, thêm nước, sắc uống trong ngày.
Bài 6: Bồ ngót tươi 50g, lá dâu 30g, cà gai 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g, cỏ xước 30g. Nấu với nước cho sôi sắc lại, uống suốt ngày.
Bài 7: 6 đọt dâu tằm, 3 bông cúc trắng, 10 lát củ sả, 3 lát gừng sống, 1 muỗng đậu xanh giã nát sắc lấy nước uống.
Bài 8: Rễ tranh, cỏ mực, rau má, cây muồng, cây ké, cỏ mần trầu, vỏ quýt, cam thảo đất mỗi thứ 1 nắm (khoảng 30g). Đổ ngập nước sắc lại còn 2 chén, chia làm 2 lần uống hết trong ngày.
Bài 9: Hạt thảo quyết minh (hạt muồng) sao vàng; bông cúc vàng (cam cúc) mỗi thứ 1 nắm; quả bạch tật lê 10g. Cho tất cả vào đun uống như nước chè.
Mắt đỏ là biểu hiện thường thấy của những bệnh lý về mắt nên dễ nhầm lẫn và thường bị bỏ qua. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Đối với trường hợp bệnh tương đối nặng
Triệu chứng: Mắt sưng đỏ, đau nhức, cộm mắt (như có vật gì ở trong mắt), chảy nước mắt, có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai…
Phương pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, dưỡng âm
Bài thuốc: Thanh nhiệt tả hỏa thang
Thành phần bài thuốc: Kinh giới 12g, bạc hà 12g, kim ngân hoa 16g, chi tử (hạt dành dành) 12g, cát cánh 10g, tang bạch bì 10g, xuyên khung 8g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g.
Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 600ml nước, còn 250 ml, chia 2 phần, uống trong ngày. Dùng liên tục trong 5-7 ngày là một liệu trình.
Gia giảm:
Nếu đau mắt đỏ kèm theo nhức đầu gia mạn kinh tử 6-8g.
Nếu đau mắt đỏ kèm theo đại tiện táo gia đại hoàng 4-6g.
Thuốc dùng ngoài hỗ trợ điều trị
Bài 1: Rau diếp cá tươi 30g. Dùng nước đun sôi để nguội rửa sạch. Cho thêm vài hạt muối, gói vào một miếng gạc, đắp lên mắt. Ngày 2-3 lần.
Bài 2: Lấy cây sống đời (cây bỏng) rửa sạch, giã nhỏ (dụng cụ cần được tẩy trùng sạch), lấy một miếng gạc đã tiệt khuẩn (hoặc vải màn sạch) đặt lên mắt, đặt dung dịch lá sống đời vừa bào chế lên trên miếng gạc rịt chặt, nhất là về đêm để khi ngủ không rơi. Mỗi tối làm 1 lần cho đến khi khỏi.
Bài 3: Có thể cho bạch tật lê 2g đun sôi, sau đó đổ ra cốc để ngay dưới mắt vào dùng hơi nước xông cho đến khi khỏi (lưu ý cẩn thận kẻo bỏng mắt).
Lá diếp cá, thảo dược hỗ trợ trị đau mắt đỏ. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Lưu ý khi áp dụng bài thuốc nam điều trị đau mắt đỏ
Những cách trị đau mắt đỏ nêu trên là các phương pháp được dân gian lưu truyền và chưa được kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả. Nhiều người cho rằng nếu kiên trì sử dụng sẽ đem lại kết quả tốt, tuy nhiên người dùng cần phải thực hiện đúng và kiên trì trong thời gian dài.
Các phương pháp dân gian lưu truyền được nhiều người áp dụng thực hiện khi đau mắt đỏ tuy nhiên các phương pháp này không thể thay thế được công dụng của thuốc chữa đau mắt đỏ bằng kháng sinh, kháng viêm do bác sĩ kê đơn. Dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết để đạt hiệu quả tốt nhất:
Đảm bảo nguyên liệu và dụng cụ sạch sẽ
Thực hiện các phương pháp dân gian chữa đau mắt đỏ hãy chú ý tới nguyên liệu và dụng cụ sử dụng. Đảm bảo rửa sạch nguyên liệu và sát trùng, khử khuẩn các dụng cụ trước khi thực hiện các phương pháp dân gian này để hạn chế xâm nhập của vi khuẩn, virus tác động trực tiếp lên mắt.
Thường xuyên vệ sinh mắt
Sử dụng nước muối sinh lý hay thuốc nhỏ mắt natri clorid 0,9% trong quá trình vệ sinh mắt có hiệu quả cao trong việc điều trị đau mắt đỏ kể cả đối với điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em, giúp rửa trôi bụi bẩn, vi khuẩn có trong mắt, tử đó giảm thiểu các triệu chứng bệnh đau mắt đỏ.
Không sử dụng chung đồ sinh hoạt
Khi bị đau mắt đỏ không được sử dụng chung đồ dùng như gối, chăn, khăn mặt, đồ trang điểm với người khác để tránh tình trạng lây nhiễm bệnh sang người khác.
Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
Khi bị đau mắt đỏ, mắt cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Bằng cách hạn chế sử dụng thiết bị điện tử sẽ ngăn ngừa ánh sáng xanh tác động lên mắt khiến cho mắt yếu và trở nên mệt mỏi. Tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn mắt làm biện pháp tốt giúp tình trạng đau mắt đỏ nhanh khỏi hơn.
Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
Không gian sống sạch sẽ là điều quan trọng giúp cho khi áp dụng cách chữa đau mắt đỏ tại nhà đạt được hiệu quả cao. Tăng cường vệ sinh không gian, giặt vỏ gối và chăn màn thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng nhiễm bụi bẩn hay tình trạng gỉ (ghèn) của mắt.
Sử dụng kính mắt
Cần sử dụng thêm kính mắt khi phải đi ra ngoài cũng như khi cần tiếp xúc với người khác. Khi phải tiếp xúc với người khác nên sử dụng kính mắt để tránh lây nhiễm. Đồng thời, đau mắt đỏ tình trạng mắt còn rất yếu, dễ tổn thương nên khi đeo kính sẽ giữ cho mắt được sạch sẽ, hạn chế sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong quá trình đau mắt đỏ, không nên dùng kính áp tròng để hạn chế viêm nhiễm mắt.