Hen suyễn
Hen suyễn hay hen phế quản là tình trạng viêm nhiễm loại mãn tính xảy ra ở đường hô hấp, khiến bệnh nhân bị khó thở theo từng cơn vì phế quản co thắt. Người bệnh luôn có cảm giác muốn ho để đẩy chất nhầy trong cổ họng ra ngoài. Các triệu chứng này xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần, ngày càng thường xuyên hơn khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định cho đến nay, điều trị hen suyễn theo các phương pháp tây y chỉ tập trung kiểm soát và tạm ngưng các cơn co thắt chứ không thể điều trị bệnh dứt điểm. Do đó, vẫn có rất nhiều bệnh nhân phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đe dọa đến tính mạng với chi phí điều trị cao.
Người bệnh hen suyễn có thể có một số biểu hiện triệu chứng nổi bật như:
Thở khò khè: khi ngủ, bạn sẽ phát ra tiếng khò khè và tiếng rít trong khi thở. Dấu hiệu này chỉ có thể nhận biết thông qua người thân và bạn bè, bạn đời của bạn.
Khó thở: hơi thở của bạn ngắn hơn bình thường, cần phải thở gấp để lấy không khí và thường xuyên ở tình trạng khó thở. Đặc biệt, khi ngồi hoặc đứng lên, cần phải đỡ ngực và thở bằng miệng để lấy nhiều hơi hơn.
Ho: đại đa số các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp đều đi kèm với triệu chứng ho. Đối với bệnh hen suyễn, các cơn ho có tần suất cao vào buổi tối và buổi sáng sớm, thường kéo dài. Đặc biệt, cơn ho của bạn cũng nhiều hơn trong thời tiết khô lạnh.
Hen suyễn có tỷ lệ gây tử vong rất cao và khi bệnh kéo dài rất nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như:
Khí phế thũng: biểu hiện qua triệu chứng khó thở, môi tím tái, ho và khạc đờm thường xuyên.
Viêm phế quản: đây là biến chứng thường gặp của bệnh nhân hen suyễn sau khi tiếp xúc với bụi, lông động vật hay khói thuốc lâu ngày.
Suy hô hấp: đây là biến chứng rất nguy hiểm của bệnh, xuất hiện ở cả bệnh nhân bị hen suyễn cấp và mãn tính, có thể gây tử vong.
Ngừng hô hấp kèm với tổn thương ở não bộ.
Xẹp phổi: biến chứng hen suyễn thường gặp đối với trẻ em.
Tràn khí màng phổi: xảy ra nhiều với bệnh nhân hen suyễn mãn tính…
Điều trị hen suyễn
Điều trị hen suyễn theo y học hiện đại thông qua các phác đồ điều trị sử dụng một số nhóm thuốc như sau:
Thuốc cắt cơn (giãn phế quản): Nhóm thuốc chữa hen suyễn có tác dụng nhanh, thời gian tác dụng ngắn nên được sử dụng trong các cơn hen cấp và thường được bào chế dưới dạng hít hoặc uống;
Nhóm thuốc dự phòng: Tác dụng làm chậm và kéo dài thời gian tái phát cơn hen;
Nhóm thuốc kháng viêm: Tác dụng kiểm soát tình trạng viêm đường thở, giúp giảm các triệu chứng của bệnh, giảm số lượng cơn hen nặng.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng các nhóm thuốc trên như sau:
Nhức đầu, khô miệng, chóng mặt, mất ngủ, tim đập nhanh…
Ảnh hưởng xấu đến dạ dày, thị lực và có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan, thận..;
Tăng nguy cơ giòn xương, loãng xương;
Suy giảm sức đề kháng, ức chế miễn dịch.
Mặc dù có thể xảy ra các tác dụng phụ nhưng việc sử dụng các nhóm thuốc tây y trong điều trị hen suyễn là vô cùng quan trọng, giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa cơn hen tái phát. Việc điều trị bằng các nhóm thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bên cạnh việc điều trị hen suyễn theo các phác đồ thuốc tây y, việc sử dụng các loại thảo dược được chứng minh là hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích trong điều trị cho người mắc bệnh hen suyễn.
Sử dụng thảo dược được chứng minh mang lại hiệu quả và lợi ích cho người hen suyễn. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Thảo dược hỗ trợ điều trị hen suyễn
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng nhiều loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh hen suyễn hiệu quả. Một số loại thảo dược chữa hen suyễn có thể kể đến như sau:
Lá hẹ
Lá hẹ vị hăng nồng, la lá giữa mùi tỏi và hành lá, thế nên có rất nhiều người không yêu thích lá hẹ. Thế nhưng, nếu bạn bị hen suyễn, bạn nên kết thân hơn với lá cây này bởi khoa học đã tìm ra rất nhiều công dụng tuyệt vời của lá hẹ trong điều trị hen.
Trong lá hẹ có chứa nhiều thành phần có hoạt tính kháng khuẩn mạnh mẽ allicin, adorin, sulfit,…nên nó được ví như một loại kháng sinh tư nhiên, giúp điều trị hen suyễn có nguyên nhân nhiễm khuẩn. Lá hẹ còn tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp chữa lành tổn thương do hen suyễn nhanh chóng hơn.
Lá trầu không
Lá trầu không có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,…Vì thế lá cây này sẽ giúp điều trị hen suyễn có nguyên nhân do vi khuẩn, hoặc cũng có thể phòng tránh và ngăn ngừa biến chứng hen suyễn bội nhiễm.
Ngoài ra, lá trầu không còn có khả năng kháng histamin (chất trung gian của phản ứng viêm) nên có thể góp phần giúp ngăn ngừa và kiểm soát sự tiến triển của bệnh.
Lá hen
Qua nhiều nghiên cứu về tác dụng của lá hen cho thấy lá hen có khả năng chống oxy, dọn dẹp các gốc tự do, giúp ngăn chặn tình trạng stress oxy hóa. Stress oxy hóa là tình trạng cơ thể bị mất cân bằng giữa chất oxy hóa và chất chống oxy hóa. Từ đó không chỉ khiến phổi bị tổn thương mà còn kích hoạt cơ chế gây viêm và tham gia vào quá trình bệnh sinh phức tạp của bệnh hen suyễn.
Khuynh diệp
Trong tinh dầu khuynh diệp có chứa nhiều hàm lượng hoạt chất Eucalyptol có khả năng làm phân hủy lớp dịch giúp mũi thông thoáng, là bài thuốc phù hợp để sử dụng cho trẻ em giúp bé dễ dàng hơn trong các hoạt động hô hấp, bên cạnh đó tinh dầu khuynh diệp còn dùng để massage cho bé bị hen suyễn rất có ích.
Tỏi
Không chỉ được sử dụng như một loại gia vị giúp làm tăng độ hấp dẫn của thức ăn mà tỏi còn có công dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn hiệu quả. Bởi tác dụng kháng viêm và diệt khuẩn cao nên thực phẩm này giúp điều trị và hạn chế tình trạng viêm nhiễm xảy ra trong bệnh hen suyễn;
Gừng
Thảo dược mang lại nhiều công dụng trong điều trị nhức đầu, cảm lạnh, khó tiêu, đau bụng… Bên cạnh đó, gừng còn được xem là một thần dược giúp điều trị hen suyễn hiệu quả;
Tía tô
La tía tô tính ấm, vị cay nên có công dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn và làm giảm các triệu chứng ho, tức ngực… Bên cạnh đó, thảo dược này còn được dùng như một vị thuốc điều trị nhiều triệu chứng bệnh như sốt, cảm mạo, ra mồ hôi…
Bạch quả
Các hoạt chất trong bạch quả các tác dụng kháng viêm, kháng histamin nên được sử dụng trong điều trị viêm phế quản và hen suyễn. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2007 cho thấy chiết xuất từ bạch quả có tác dụng làm giảm sự lan rộng của các tế bào gây viêm tại đường hô hấp do bệnh hen suyễn gây ra.
Hen suyễn nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Một số bài thuốc nam hỗ trợ điều trị hen suyễn
Người mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là người cao tuổi dễ xuất hiện triệu chứng ho nhiều, đờm đặc, lưỡi đỏ nhiều chất nhầy… Trong Y Học Cổ Truyền, bệnh hen suyễn còn được gọi là đàm ẩm, ngoại cảm phong hàn, xảy ra do sự suy giảm công năng của 3 tạng tỳ, phế, thận. Việc sử dụng các bài thuốc nam bào chế từ thảo dược trị hen suyễn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Một số bài thuốc có thể kể đến như sau:
Bài 1: Lá hen (còn gọi là tỳ bà diệp, lau sạch lông, phơi khô trong bóng dâm tẩm mật sao) 20g; cúc tần (phơi khô sao vàng) 14g; lá tía tô sao vàng 8g. Các vị thuốc hãm với nước sôi trong bình kín, uống trong ngày, có thể thêm đường cho dễ uống.
Bài 2: Lá ngâu 40g, bồ kết 5g, phèn chua 5g. Tất cả đem sắc uống liên tục 10 -15 ngày.
Bài 3: Lá nhọ nồi, lá cối xay mỗi thứ một nắm sắc uống thay trà, uống liên tục cho tới khi khỏi.
Bài 4: Lá táo, lá nhót đồng lượng 16g (hai lá này lấy ở cây chưa ra quả tốt hơn), vỏ quýt 6g, phèn phi 5g, mần tưới 20g, bạc hà 16g, bồ kết 5g. Tất cả đem sắc uống ngày 01 thang, dùng liên tục trong 15 – 20 ngày, nghỉ rồi nhắc lại một vài liệu trình. Bài thuốc có tác dụng cho cả hen trẻ em.
Bài 5: Bí đao, hương nhu tía, rễ lá lốt mỗi thứ một nắm sắc nước uống hằng ngày, liên tục cho tới khi khỏi.
Bài 6: Độc vị rễ cỏ tranh tươi 1 nắm sắc uống 3 – 5 ngày.
Bài 7: Độc vị cây sả (cả rễ chặt nhỏ phơi khô trong dâm), sao vàng hạ thổ sắc uống liên tục trong ngày cho tới khi cải thiện được triệu chứng.
Bài 8: Hạt cải bẹ xanh rang vàng tán nhỏ 01 muỗng cà phê, rau giấp cá 1 nắm giã nhỏ chiết lấy dịch. Có thể cho thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống. Uống liên tục 10 ngày.
Bài 9: Lá tỳ bà bỏ lông, bỏ nhựa phơi khô 1 lạng, hạt dành sống 20g. Sắc lấy nước, chia uống trong ngày với đường phèn.
Bài 10: Củ gai đốt tồn tính tán ngày dùng 15 – 20g với đậu sống ăn liên tục 10 -15 ngày.
Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng nhiều loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng của bệnh hen suyễn hiệu quả. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Lưu ý để giảm, phòng ngừa cơn hen
Lợi ích bất ngờ của cà phê với người bệnh hen suyễn
Chăm sóc bản thân và điều trị các bệnh khác liên quan đến bệnh hen.
Người bệnh cần loại bỏ được các tác nhân gây bệnh như: Viêm mũi họng, viêm xoang kéo dài, các yếu tố gây dị ứng như: phấn hoa, lông chó mèo, khói bụi…
Trên thực nghiệm lâm sàng chúng tôi thấy có một số bệnh nhân hen suyễn tăng và tái phát bệnh nhanh hơn khi ăn lòng lợn và nhộng tằm…
Tập thể dục thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe tim và phổi, giúp giảm các triệu chứng hen.
Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen.
Việc sử dụng các bài thuốc nam bào chế từ thảo dược chữa hen suyễn mang lại nhiều lợi ích và giúp cải thiện triệu chứng ở người bệnh hen suyễn. Tuy nhiên phương pháp điều trị nào cũng có những tác dụng phụ đi kèm nên người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng trong điều trị bệnh.