Theo kinh nghiệm được ghi chép lại trong cuốn Dược phẩm vậng yếu của Danh Y Hải Thượng Lãn Ông, cách sắc thuốc có tác động rất nhiều đến dược tính của thuốc.
Cách sắc thuốc thông thường là cho thuốc thang vào nồi, đổ nước ngập thuốc. Khi nước đã sôi, đun lửa nhỏ, sôi âm ỉ, tránh để sôi trào ra ngoài. Đậy vung nồi kín, không nên mở vung nồi ấm sắc, vì dễ bay hơi, mất hoạt chất của thuốc và thường sẽ cho 3 phần nước, đun cô đặc còn 1 phần.
Trường hợp, bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tự sắc thuốc tại gia, nên lưu ý một số điểm để đảm bảo chất lượng dược tính của thang thuốc:
1. Dụng cụ sắc thuốc
Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều mẫu mã ấm sắc thuốc tiện lợi, dễ sử dụng, dung tích phù hợp với không gian bếp sống hiện đại. Ấm sắc được làm từ nguyên liệu đa dạng như nồi sắc kim loại, inox, siêu đất…
Việc lựa chọn chất liệu dụng cụ sắc thuốc có vai trò rất quan trọng, vì chất liệu ở ấm sắc có thể sẽ làm biến chất dược tính của các vị thuốc, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị của bài thuốc.
Tuyệt đối không dùng nồi kim loại để sắc thuốc thang. Tốt nhất, nên dùng siêu đất để sắc thuốc. Chúng ta có thể tham khảo một số siêu ấm điện làm từ gốm được sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
2. Chú ý trong khi sắc thuốc
2.1.Trước khi sắc thuốc
Đa số chúng ta thường bỏ qua bước ngâm thuốc, mà sắc thuốc luôn. Đối với thang thuốc điều trị bệnh cấp tính như cảm mạo phong hàn, rối loạn đường tiêu hóa… bệnh mới mắc thì có thể bỏ qua bước này.
Tuy nhiên, với thang thuốc điều trị bệnh mạn tính, bệnh đã diễn biến một thời gian khoảng từ 3 tháng trở lên thì cần ngâm thuốc trước khi sắc.
Nên ngâm với nước sạch từ 15 – 20 phút để nước ngấm đều vào bên trong vị thuốc. Như vậy khi sắc sẽ chiết xuất được tối đa thành phần dược tính của thuốc.
Không nên để nguyên vị thuốc đối với một số vị thuốc cứng rắn, có nguồn gốc từ động vật như miếp giáp, qui bản, long cốt, mẫu lệ… hoặc loại thuốc thực vật có dạng hạt, quả khô cứng như hạnh nhân, đào nhân, sa nhân, nhục đậu khấu…
Trong trường hợp thang thuốc có những vị thuốc từ động vật và thực vật có tính chất cứng rắn như nêu trên, thì trước khi sắc thuốc cần đập vụn, giã nhỏ mịn vị thuốc, rồi mới bỏ vào nồi đun. Có như vậy hoạt chất từ thuốc mới ngấm ra tốt hơn, nhanh hơn.
Riêng những vị thuốc nhỏ, có sợi lông nhỏ… có thể kích thích lên niêm mạc hầu họng gây dị ứng, khó chịu với người uống thuốc. Để khắc phục tình trạng này chúng ta nên đựng các vị thuốc đó vào một túi vải lọc, gói lại, để vào ấm sắc chung các vị thuốc khác. Hoặc cần cẩn thận lọc kĩ cặn thuốc sau khi sắc thuốc xong.
Một số vị thuốc từ thực vật sử dụng lá hoặc toàn thảo có kích thước lớn như ty qua lạc, kim tiền thảo, lá khôi… sẽ chiếm nhiều diện tích ấm sắc, ảnh hưởng đến việc lấy tỷ lệ nước sắc và cô đặc thuốc. Vậy nên, cần sắc bỏ bã trước, sau đó cho phần nước thuốc đã sắc vào ấm sắc thang thuốc chung, lấy nước sắc với các vị thuốc khác để uống.
Cuối cùng trước khi sắc thuốc cần sắc những vị thuốc có độc như hắc phụ tử… vào nồi sắc trước, sau đó mới bỏ các vị thuốc còn lại vào sau.
2.2. Trong khi sắc thuốc
Đối với thuốc thuộc nhóm giải biểu, có hương thơm… không nên đun quá lâu với lửa nhỏ. Vì khi sắc những vị thuốc đó lâu, sẽ phát tán hương liệu, làm giảm dược tính của thuốc.
Lưu ý, khi nước sôi, bỏ vị thuốc vào nồi, chỉ sắc trong vòng 3-5 phút thì bắc nồi thuốc ra. Hoặc tán nhỏ thuốc hòa vào nước thuốc uống.
Đối với thuốc thuộc nhóm bổ là chính như thục địa, bạch truật, hoài sơn, long nhãn, liên nhục… thì cần đun thuốc với lửa nhỏ, sắc thuốc từ từ.
Sau khi sắc thuốc xong, nước thuốc còn sôi thì cho các vị thuốc có tính dẻo, dính như: Di đường, mật ong, a giao… đợi các vị thuốc này hòa tan vào nước thuốc rồi mới uống.
Lưu ý: Bệnh nhân sử dụng bất kì vị thuốc đông y nào cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn tham vấn.