Bài thuốc hay từ long nhãn

Theo y học cổ truyền, long nhãn có tác dụng dưỡng huyết, an thần, vào hai kinh tâm và tỳ, thường được dùng chữa suy nhược cơ thể, bổ thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, hay quên, hoảng hốt,…

Bài thuốc hay từ long nhãn
Chè sen long nhãn giúp ngủ ngon

Vị thuốc long nhãn

Tính vị: Vị ngọt, tính bình, ấm, không chứa độc

Quy kinh: Long nhãn có khả năng quy vào 2 kinh Tâm và Tỳ

Tác dụng của long nhãn: Trong Đông y, long nhãn có tác dụng bổ tâm tỳ, an thần, lợi khí, dưỡng huyết. Chủ trị suy giảm trí nhớ, chữa hay quên, rối loạn giấc ngủ, lo âu, thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, kéo dài tuổi thọ.

Một số nghiên cứu hiện đại cho thấy, các thành phần trong long nhãn cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

Vitamin C giúp chống cảm cúm, cải thiện hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch.

Thành phần chất đồng được tìm thấy trong quế viên giúp ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.

Hoạt chất Riboflavin có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề về mắt, đặc biệt là căn bệnh đục thủy tinh thể.

Ngoài ra, với thành phần vitamin A, C dồi dào cùng nhiều khoáng chất thiết yếu, long nhãn còn có tác dụng chống lão hóa, làm đẹp da.

Cách dùng và liều lượng

Tùy theo lứa tuổi, thể trạng có thể dùng 9 – 18g long nhãn một ngày. Dược liệu này được dùng phổ biến dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng, thuốc hoàn, ngâm rượu hay chế biến thành các món ăn bài thuốc để cải thiện sức khỏe.

Bài thuốc từ long nhãn

Bài 1: Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu: Long nhãn 15g, hạt sen 20g, hồng táo 15g, lạc nhân 15g, gạo nếp 50g. Tất cả các vị trên cho vào nồi để nấu cháo ăn ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Dùng 10 -15 ngày.

Bài 2: Bổ tâm, an thần: Long nhãn 200g, liên nhục 200g, táo tàu 200g, táo nhân 200g, hoài sơn 200g, lá vông nem 150g, cam thảo 130g. Long nhãn, táo tàu, lá vông nem nấu thành cao lỏng; liên nhục, hoài sơn, táo nhân sao giòn, tán nhỏ, rây bột mịn. Trộn cao và bột, đánh đều, làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 20 – 40 viên, chia làm 2 lần.

Bài 3: Chữa mất ngủ: Long nhãn 9g, toan táo nhân 9g, khiếm thực 15g, sắc uống trước khi đi ngủ.

Bài 4: Chữa thiếu máu, mất ngủ, thể trạng mệt mỏi: Long nhãn 16g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, thục địa 16g. Sắc uống ngày một thang, chia hai lần, uống ấm. Dùng 10 – 15 ngày.

Bài 5: Chữa kém ăn, ra mồ hôi trộm, mệt nhọc: Long nhãn 50g, cao ban long 40g. Sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.

Bài 6: Hồi hộp, mệt mỏi, đau lưng mỏi gối: Long nhãn 15g, hạt dẻ 10 – 20 hạt, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, khi cháo được cho long nhãn vào, đun sôi đều, khi ăn thêm đường.

Bài 7: Giải nhiệt, an thần: Long nhãn và hạt sen, hai thứ lượng bằng nhau. Hạt sen lột vỏ bỏ tim, luộc chín. Long nhãn ngâm nước khoảng 10 phút cho nở mềm. Hòa nước luộc hạt sen với nước lã cho đủ 1 lít nước, cho đường vào, đặt lên bếp nấu sôi cho đường tan, cho hạt sen và long nhãn vào đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút là dùng được.

Bài 8: Trẻ nhỏ ra nhiều mồ hôi trộm: Long nhãn 30g, hồng táo 15g. Sắc nước uống hàng ngày hoặc ăn cả cái.

Bài 9: Bồi bổ sức khỏe sau bệnh nặng dài ngày: Long nhãn 20g, ba ba 1 con nhỏ, sơn dược 20g. Ba ba làm sạch, cho long nhãn, sơn dược và nước, thêm gia vị hầm cách thủy ăn trong ngày. Tuần ăn 2-3 lần.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *