Phát huy tinh thần “Nam dược trị Nam nhân” của đại Danh y Tuệ Tĩnh trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

“Nam dược trị Nam nhân” là: Dùng thuốc Việt chữa bệnh cho người Việt. Đây là quan điểm cốt lõi có giá trị đặc biệt quan trọng trong ứng dụng chữa bệnh, được lưu truyền trong y văn mà đại Danh y Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế cách đây 700 năm. Ngày nay, Hội Nam Y Việt Nam ra đời chính là để tôn vinh và phát huy vai trò của y học cổ truyền của dân tộc vào khám, chữa bệnh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ta.

Phát huy tinh thần “Nam dược trị Nam nhân” của đại Danh y  Tuệ Tĩnh trong chăm sóc  sức khỏe nhân dân

TTND.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm – Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam khám bệnh cho người nghèo.

Quan điểm của bậc đại Danh y…

Thuốc Bắc hay Đông y có nguồn gốc từ Trung Quốc được du nhập và ứng dụng vào chữa bệnh cho người Việt. Bản chất là gia truyền, bí truyền, không để lọt kiến thức, không tiết lộ cho người ngoài biết về kinh nghiệm bào chế thuốc, phương chữa và bài thuốc chữa bệnh. Ngày xưa khi lâm bệnh nếu không mời được thầy, không có tiền mua thuốc Bắc là bệnh nhân chỉ còn nước bó tay mà chịu chết.

Với Tuệ Tĩnh, không chỉ học y, không chỉ chữa bệnh cứu người mà ông có một quan điểm tiến bộ là giàu lòng nhân ái, giàu tính nhân văn như: Dùng thuốc Việt Nam chữa bệnh cho người Việt Nam. Vì ông nhận thấy những vị thuốc phải mua từ Trung Quốc thì ở Việt Nam cũng có rất nhiều cây thuốc thảo dược, nhiều loại động vật, khoáng vật cung cấp vị thuốc không kém gì giá trị chữa bệnh so với thuốc đem sang từ Trung Quốc.

Viết sách để lưu truyền và hướng dẫn sử dụng những bài thuốc Nam đến với nhân dân là một chủ trương của Tuệ Tĩnh. Ông dạy nhân dân cách trồng thuốc, phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe… Đây là tư tưởng cực kỳ tiến bộ, sử dụng thảo dược thiên nhiên, phát huy thế mạnh của toàn dân để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Ông phân tích về dược lý, hướng dẫn điều trị từ 630 vị thuốc để chữa các bệnh thường gặp.

Việt Nam là khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, thế nên người dân thường mắc bệnh về nhiệt (nóng), phong (gió), hàn (lạnh), thấp (ẩm) hoặc khí hư yếu nên cần tìm những cây thuốc, bài thuốc đông y, điều trị tả hỏa, hóa đàm, trừ phong thấp, thanh nhiệt giải độc…

Ông là lương y nổi tiếng thương người bệnh, y đức sáng ngời, do vậy ông luôn cố gắng tìm cách chữa bệnh cho nhiều người, ông dày công kiếm tìm những cây thuốc, vị thuốc để đưa vào chữa bệnh… Ông còn kết hợp sử dụng và hướng dẫn các phương pháp như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, xông hơi, ngâm chân… giúp người dân tự chữa bệnh mà không tốn kém.

Đại Danh y Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế một kho tàng quý báu về những bài thuốc Nam và ông là người khai mở ngành Nam y Việt Nam. Những cuốn sách quý của ông về Nam y được lưu truyền cho hậu thế phải kể đến: “Nam dược thần hiệu” với 10 chương chính, bộ sách – Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển), bản thảo 500 vị thuốc Nam; Bài Phú thuốc nam 630 vị thuốc; “Dược tính chỉ nam” và “Thập tam phương gia giảm”. (Tuy nhiên, bộ sách này không còn nguyên vẹn do giặc ngoại xâm sang chiếm nước ta phá hủy)… Đặc biệt, đại Danh y Tuệ Tĩnh còn tự mình truyền bá những phương pháp điều trị bệnh trong các thôn xóm và nhà chùa.

Ông đã xây dựng được 24 ngôi chùa và cơ sở chữa bệnh, tổng hợp được 182 bệnh với 3.873 bài thuốc.

Ông để lại hai câu thơ nổi tiếng như một lời tuyên ngôn về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần – Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.

Nam y hội nhập và phát triển

Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam – nền y học của 54 dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lao động sản xuất, đấu tranh để dựng nước và giữ nước, giao lưu với các dân tộc khác trong khu vực. Việt Nam có nền y học truyền thống rất phong phú và đa dạng, trong đó thuốc cổ truyền Việt Nam (thuốc nam) có nguồn gốc từ thực vật, động vật và khoáng vật.

Từ niềm tự hào về “Nam dược trị Nam nhân”, những tư tưởng lớn của đại Danh y Tuệ Tĩnh đã được nhân dân ta lưu truyền, ứng dụng và phát triển trong công tác khám, chữa bệnh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tế cho thấy có rất nhiều loại cây thuốc, vị thuốc ta có thể tự trồng và thu hái được, tự bào chế được dùng để chữa bệnh ngay tại nhà. Điều này đã được GS.TS Đỗ Tất Lợi nghiên cứu và xuất bản thành cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” giúp chúng ta biết được tính dược, tác dụng và liều dùng của rất nhiều cây thuốc, vị thuốc ứng dụng vào chữa bệnh. Những kiến thức kinh nghiệm y học thường thức về sử dụng cây thuốc, vị thuốc, xoa bóp bấm huyệt, tập thiền, tập yoga, tập dưỡng sinh… đều là phương thuốc chữa bệnh hữu hiệu nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Mỗi chúng ta nên tiếp cận, ứng dụng, chia sẻ cho nhiều người cùng biết cùng thực hiện theo đúng quan điểm và phương châm của Tuệ Tĩnh. Mỗi gia đình nên trồng một số cây thuốc Nam, nhớ kỹ tác dụng của chúng, khi cần có thể dùng ngay cho chính bản thân mình và gia đình.

Theo TTND.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm – Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, con người thời nguyên thủy từ động vật tiến hóa chuyển sang người, khi hái lượm hoa trái, săn bắn đã biết sàng lọc ăn củ cay, nóng như một vị thuốc (như củ gừng chẳng hạn), ngược lại có loại ăn vào rất mát… Cùng với sự tiến hóa của loài người, dần dần đã hình thành các bài thuốc.

Cho đến thời kỳ đồ đá, đồ đồng, con người có ý thức ăn chín, uống sôi và đã biết sử dụng đồ ăn, thức uống, các vật dụng để chữa bệnh. Thời phong kiến, có các lang y chữa bệnh cho quan lại, binh lính và người dân.

Y học dân tộc cổ truyền Việt Nam xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhưng thời trước 1945, chăm sóc sức khỏe của nhân dân hầu hết là thuốc Nam, Đông y mà thuốc Nam là chính. Về sau này, đất nước phát triển hội nhập với thế giới nên đa dạng trong các phương thức chữa bệnh, trong đó có Tây y. Bên cạnh đó, thuốc Nam vẫn phát triển, có nhiều ưu điểm trong việc hỗ trợ cải thiện các bệnh mãn tính, bồi bổ cơ thể… và ngày càng khẳng định đúng với giá trị “Nam dược trị Nam nhân”.

Đánh giá về các bài thuốc dân gian (thuốc Nam), TS. BS Nguyễn Hồng Siêm cho rằng, đây là những bài thuốc trong dân gian, có những người học theo các bài thuốc của các lương y cổ xưa; còn các bài thuốc truyền miệng gọi là thuốc gia truyền đời này truyền cho đời kia, chỉ có một vài bài thuốc. Ví dụ, bài thuốc chữa sởi cho trẻ em chẳng hạn. Bài thuốc này thường được gia đình giữ kín để làm nghề chữa bệnh cho dân.

Hiện nay y học cổ truyền thế giới đang dần quay lại y dược học tự nhiên, phục vụ đời sống con người. Tại một số nước phát triển, họ dùng nhiều kinh phí để dùng cho y học cổ truyền phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, nước ta có hàng triệu loại cây có thể sử dụng làm thuốc, các cây thuốc phân bố khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật là Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc mà phần lớn là các dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có tập quán, niềm tin và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau. Hiện nay, đã tập hợp được khoảng 4 vạn bài thuốc dân gian gia truyền của hơn 10 nghìn lương y.

Gần đây, nhiều dược phẩm dựa trên việc sử dụng cây chè dây để hỗ trợ chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, hay sử dụng cây Tật lê hỗ trợ chữa bệnh của người Chăm… Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới, mang lại một tương lai đầy hứa hẹn cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã nêu tầm quan trọng của phát triển cả Đông y (trong đó có Nam y) và Tây y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện nay, Nam dược có thế mạnh riêng, hỗ trợ chữa bệnh mãn tính (kéo dài) có hiệu quả, bồi bổ cơ thể “đi đến đích”, cần có nghiên cứu sâu, như chiết xuất các hoạt chất từ cây thuốc đưa vào chữa bệnh thì rất hiệu quả. Chúng ta còn có các bệnh viện tuyến trung ương về y học cổ truyền, ngay tại các bệnh viện đa khoa ở các địa phương cũng đều có khoa y học cổ truyền.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo phát triển mạnh mẽ việc nghiên cứu, ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền dân tộc, kết hợp với y học hiện đại. Phát triển nuôi trồng cây con làm thuốc, trang bị thêm phương tiện cho việc khám chữa bệnh và sản xuất thuốc y học cổ truyền dân tộc, khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ và cán bộ đầu đàn y học dân tộc. Tăng thêm đầu tư và nâng cấp các cơ sở y học dân tộc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII lần thứ 4 đã có nghị quyết về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng – Chính phủ đã thông qua và ra Nghị quyết số 37/CP về định hướng chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong thời gian 1996 – 2000 và chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam.

Y học cổ truyền dân tộc, trong đó có Nam y là một trong năm quan điểm chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong định hướng chiến lược bảo vệ sức khoẻ nhân dân với nội dung sau: Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc. Y học cổ truyền là một di sản văn hoá dân tộc cần được bảo vệ, phát huy, phát triển. Triển khai mạnh mẽ việc nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại nhưng không làm mất đi bản chất của y học cổ truyền Việt Nam. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực y học cổ truyền, ngăn chặn và loại trừ những người lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với y học cổ truyền gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân.

Sự ra đời của Hội Nam y Việt Nam là bước ngoặt đối với những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh bằng thuốc Nam. Hội là nơi tập hợp những người đã đang hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, sản xuất thuốc Nam, tập hợp những kinh nghiệm dùng thuốc của các thầy thuốc Nam, thầy thuốc dân tộc, sàng lọc phổ cập ứng dụng trong chữa bệnh và sản xuất thuốc, nghiên cứu đánh giá, xác minh hiệu quả, xây dựng thương hiệu mang tính đặc thù độc đáo của thuốc Nam. Hội cũng là nơi để trau dồi kiến thức, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các thầy thuốc Nam để tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là nhân dân nghèo ở các vùng miền đồng bào dân tộc ít người miền núi, hải đảo xa xôi.

Hội Nam y Việt Nam ra đời góp phần thực hiện những định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, trong đó, coi trọng việc phát huy tinh thần “Nam dược Trị Nam nhân” của đại danh y Tuệ Tinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *