Các thầy thuốc nỗ lực nghiên cứu, chia sẻ phương pháp đông y./suckhoeviet.org.vn |
Kế thừa những kết quả trên, Hội Đông y tỉnh vừa tổ chức hội nghị thừa kế tâm đắc phương pháp hay, bài thuốc quý với chuyên đề “Điều trị di chứng liệt do tai biến mạch máu não bằng đông y châm cứu”, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội khôi phục cho bệnh nhân.
Theo ThS – BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, hiện nay, các bệnh lý về đột quỵ, tai biến mạch máu não đang diễn ra ra ngày càng phổ biển và trẻ hóa ở nhiều lứa tuổi, gây sự lo lắng và tăng ý thức phòng bệnh ở các tầng lớp nhân dân.
Điều đó đặt ra yêu cầu, thách thức và trách nhiệm của Hội Đông y tỉnh nhà trong việc nghiên cứu các phương pháp phòng bệnh, điều trị di chứng bệnh sau tai biến nhằm góp phần hạn chế những hệ quả nghiêm trọng mang lại từ bệnh lý, như: Người bệnh không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, tăng trách nhiệm chăm sóc và điều trị bệnh cho các thành viên trong gia đình.
Năm 2023, Hội Đông y tỉnh chọn chủ đề “Điều trị di chứng liệt do tai biến mạch máu não bằng đông y châm cứu”, nhằm huy động trí tuệ, kinh nghiệm chữa lành của các thầy thuốc đông y tiêu biểu trên cả tỉnh. Trên cơ sở 55 bài thuốc hay, các thầy thuốc đông y có dịp giao lưu, chia sẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm, tri thức để việc chữa trị tại các phòng khám đông y ngày càng hiệu quả hơn.
Theo thầy thuốc Trần Thụy Duẩn (Chi hội Đông y cơ quan Hội Đông y tỉnh), tai biến mạch máu não là vấn đề thời sự cấp thiết của y học nói chung và y học cổ truyền nói riêng, với mọi quốc gia, dân tộc, đây là bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Bệnh để lại nhiều di chứng, có thể làm giảm hoặc mất khả năng vận động của con người dẫn đến tàn tật nhiều nhất.
Ở nước ta, bệnh tai biến mạch máu não thường gặp nhất vào mùa lạnh, nhất là thể xuất huyết. Bệnh gia tăng khi thời tiết thay đổi đột ngột. Trong đó, yếu tố hàng đầu là tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Số người mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở các thành phố lớn, nguyên nhân một phần từ những áp lực trong công việc và lối sống. Bệnh danh theo y học cổ truyền được mô tả trong phạm vi trúng phong, di chứng gây nên bán thân bất toại.
Bệnh án điển hình là chị P.T.B.H. (46 tuổi, ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên), người mệt, tay chân yếu, méo miệng, được đưa vào Bệnh viện Tim mạch với chẩn đoán nhồi máu não bán cầu trái. Sau nằm viện 10 ngày, bệnh nhân được người nhà đưa đến Trung tâm Đông y châm cứu bằng y học cổ truyền. Sau 1 liệu trình điều trị bằng phương pháp điện châm, laser châm, nội tĩnh mạch, bệnh nhân hết méo miệng, không còn ngọng, ù tai, chóng mặt, tay chân bên liệt được phục hồi 80%.
Thầy thuốc Trần Thụy Duẩn lưu ý, trong chương trình điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền cho người bệnh liệt nửa người, cần sự tham gia của gia đình và bản thân người bệnh, phải kiên trì với các giải pháp phục hồi chức năng để sớm trả lại vận động cho người bệnh. Cần chăm sóc chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý, theo dõi huyết áp thường xuyên, tình trạng tim mạch, tránh ngừa tái phát tai biến mạch máu não lần 2. Trong cuộc sống hàng ngày, người bình thường nên phòng bệnh bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, như: Huyết áp, đường huyết, Lipid máu; thay đổi lối sống (ăn nhạt, giảm lượng rượu, bia, bỏ thuốc lá, tăng cường vận động thể lực, kiểm tra sức khỏe định kỳ).
Qua kinh nghiệm tiếp xúc và điều trị bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, các thầy thuốc đều khuyến khích bệnh nhân có lối sống lành mạnh, cân bằng giữa công việc và gia đình, tăng cường vận động thể dục – thể thao để lưu thông máu huyết, phòng ngừa bệnh. Thường xuyên quan tâm sức khỏe tinh thần, tăng cường dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện những vấn đề bất thường trong mạch máu, tim mạch, huyết áp…
Khi có người lớn tuổi trong gia đình, các thành viên cần có kiến thức chăm sóc người cao tuổi, lưu ý cách sơ cứu và thời điểm vàng để giúp đỡ người bệnh. Ngay khi bệnh, bên cạnh điều trị theo tây y cần kết hợp các biện pháp đông y để giúp bệnh nhân sớm hồi phục, tránh tình trạng để quá lâu sẽ gây khó khăn cho quá trình phục hồi của người bệnh.