Tìm hiểu sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông qua một số tài liệu lưu trữ

Hải Thượng Lãn Ông là vị danh y nổi tiếng, là người thầy y đức của nền y học cổ truyền Việt Nam, không chỉ tinh thông y thuật, ông còn là người học cao, hiểu biết sâu rộng về văn chương, dịch lý. Sự uyên bác về y thuật của ông được vinh danh là “Danh nhân Việt Nam thế kỷ XVIII” và nhận được sự kính trọng của đông đảo nhân dân

Nền y học cổ truyền được bắt nguồn từ một nền y học dân gian phong phú. Thông qua thực tiễn nhiều đời, các kinh …

Đó là câu nói của Tuệ Tĩnh thiền sư, thể hiện quan điểm biện chứng đặc sắc về mối tương quan mật thiết giữa con …

Tiểu sử Hải Thượng Lãn Ông

Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (theo dương lịch là ngày 11 tháng 12 năm 1720), nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng ( nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thọ 71 tuổi. Sinh trưởng trong một gia đình khoa mục, cha là Lê Hữu Mưu đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ công, Triều Lê Dụ Tông, gia phong chức Ngự sử, tước Bá, khi mất được truy tặng hàm Thượng thư và mẹ là Bùi Thị Thưởng.

Lê Hữu Trác lúc nhỏ theo cha đi học ở Kinh thành Thăng Long, nổi tiếng là người thông minh học giỏi, hiểu rộng, thơ hay. Năm Kỷ Mùi (1739), cha mất, ông phải thôi học, về nhà tiếp tục đọc sách, ông thi vào Tam Trường rồi sau không đi thi nữa.

Lê Hữu Trác lớn lên giữa lúc chế độ phong kiến triều Lê đang tan rã, Nhà Trịnh đoạt quyền vua Lê. Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn tranh giành quyền lực, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi. Năm 1740, nghĩa quân Hoàng Công Chất đánh chiếm Khoái Châu, sát huyện Yên Mỹ, Lê Hữu Trác khi ấy 20 tuổi, phải lánh đi nơi khác để tiếp tục đọc sách, ông học binh pháp, rồi tòng quân. Song sống trong hàng ngũ quân Trịnh, ông tận mắt nhìn thấy sự mục nát của chính quyền phong kiến, cảnh đau thương của nhân dân.

Được tin người anh ở Hương Sơn tạ thế, Lê Hữu Trác viện cớ xin về nuôi mẹ, ông ra khỏi quân Trịnh. Về nhà ít lâu, Lê Hữu Trác bị bệnh nặng. Ông tìm đến Lương y Trần Độc ở Rú Thành (Nghệ Tĩnh) để điều trị, dưỡng bệnh ở đó hơn một năm. Ông mượn sách thuốc để đọc, lại thấy làm nghề y là có lợi thiết thực cho mình, cho người nên ông quyết chí học thuốc. Khỏi bệnh về nhà, ông mải miết đọc sách thuốc, một lần tướng Trịnh mời ông ra cầm quân, nhưng ông cương quyết chối từ. Ông xác định chí hướng làm thuốc giúp người.

Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra kinh đô để học thêm nhưng không gặp được thầy giỏi, ông mua thêm sách thuốc mang về Hương Sơn nghiên cứu, đồng thời chữa bệnh cho nhân dân ở địa phương. Sau mười năm, ông đã nổi tiếng khắp vùng Hoan Châu (Nghệ Tĩnh).

Từ năm 1760, ông mở lớp truyền dạy y thuật, nghiên cứu kinh điển Trung y kết hợp với y học cổ truyền biên soạn trong 26 năm bộ sách thuốc Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, 28 tập, 66 quyển, là một bộ sách lớn về y học.

Ngày 12/1 năm Cảnh Hưng 43 (1782), Chúa Trịnh triệu Lãn Ông ra chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán, Lãn Ông không muốn phải lụy về thư danh, nhưng ông vẫn phải từ biệt quê hương lên kinh đô. Thế tử uống thuốc, bệnh bớt nhưng Lãn Ông xét bệnh khó lòng khỏi, nhân có người tiến cử một lương y khác vào chữa, ông lấy cớ người nhà đau nặng xin về.

Về Hương Sơn, ông bổ sung bộ sách Tâm lĩnh và viết thêm tập Thượng kinh ký sự. Cuốn Thượng kinh ký sự cũng như toàn bộ sách của Lãn Ông là một tài liệu vô giá đối với các môn khoa học, văn học, sử học Việt Nam thời cuối Lê Trịnh, thế kỷ thứ XVII – XVIII.

Y đức và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông

Tìm hiểu sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông qua một số tài liệu lưu trữ

Văn bản của Bộ Y tế về việc tổ chức Lễ kỷ niệm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 265 (1720-1985) (1). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc Hội, Hồ sơ 5402.

Với những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông cho nền y thuật nước nhà, ngày 16 tháng 10 năm 1985, Bộ Y tế ban hành văn bản số 6083/YH về việc tổ chức lễ Kỷ niệm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 265 (1720-1985) – tài liệu này đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, Hồ sơ 5402.

Văn bản số 6083/YH ngày 16 tháng 10 năm 1985 của Bộ Y tế có nêu: “Hải Thượng Lãn Ông trên 200 năm nay đã để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn về y đức”.

Tận tụy phục vụ nhân dân, quên mình vì người bệnh

Theo quan niệm của Hải Thượng Lãn Ông: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người và vui với cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”.(2)

Trong suốt sự nghiệp chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh, không quản ngại nắng mưa.

“Ông đã đi bộ hai ba mươi dặm đã chữa bệnh ở Huyện Nghi Xuân hay vượt qua núi Thiên Nhẫn trong đêm khuya sương lạnh để cấp cứu bệnh nhân ở Huyện Nam Đàn, Nghệ An (Nghệ Tĩnh), không nề hà khó nhọc.

“Đêm nay vất vả vô cùng

Vì người cấp cứu mặc lòng gian nan”(3)

Ông không phân biệt địa vị trong cứu người và còn cho rằng “nhà giầu không thiếu gì thầy, gì thuốc, còn như nghèo thì khó lòng rước được lương y. Vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được” chủ cấp cả cơm gạo cho người bệnh vì “có thuốc mà không có ăn uống thì cũng đi đến chỗ chết”.

“Một câu chuyện đến nay còn được nhiều người truyền tụng, Lãn Ông chữa bệnh cho một em bé con nhà thuyền chài nghèo khổ em bé mắc bệnh đậu mùa nặng, săn sóc hơn một tháng trời, không ngày nào bỏ vắng, ông cứu chữa được em lúc khỏi hoàn toàn. Ông không lấy tiền thuốc mà còn giúp đỡ gia đình bệnh nhân cả gạo, cũi, dầu đèn. Nếu xét đến hoàn cảnh xuất thân của Lãn Ông và thành kiến của xã hội đương thời chúng ta mới thấy hết ý nghĩa cao quý trong việc làm trên đây của ông”.(4)

Gặp bệnh nhân hiểm nghèo, Lãn Ông không ngại khó khăn, tránh tiếng, hết lòng cứu chữa, đôi lúc ông còn băn khoăn “e rằng y lý mênh mông không tránh khỏi thiếu sót, hoặc giá bệnh nặng thuốc nhẹ chưa đủ sức chăng?”.(5)

Hết lòng vì sự nghiệp y học nước nhà

Sống trong hoàn cảnh xã hội rối ren, Lãn Ông thông cảm sâu sắc với nổi khổ cực của nhân dân.

“Mong đời hết kẻ ốm đau.

Tháng ngày thơ túi rượu bầu thảnh thơi”.(6)

Chí hướng của Lãn Ông về nghề y là mong muốn phải có sự nghiệp đóng góp với đời. Ông quan niệm:“Đạo làm thuốc cũng không khác gì đạo làm tướng”. Làm nghề thuốc trị bệnh cứu người, biến nguy thành an thì sự quan trọng có khác gì làm tướng. Ông coi việc làm nghề y là làm việc nghĩa:

“Đã làm nghề y với ý chí là đem hết sức mình để làm mọi việc đáng làm thì cần trước tác sâu rộng, dương cao ngọn cờ đỏ thắm của nền y học”.(7)

Để chữa bệnh, giúp đời, sách thuốc không mấy khi rời tay, Ông nói:

“Khi có chút thì giờ nhàn rỗi nên luôn luôn nghiên cứu sách thuốc xưa nay, luôn phát huy biến hóa, thâm nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm là không phạm sai lầm”.(8)

Không chỉ chữa bệnh, Lãn Ông còn mở lớp truyền dạy y thuật. Ông tìm hiểu quan hệ giữa khí hậu thời tiết với bệnh tật ở nước ta, nhất là bệnh dịch. Ông ghi chép cẩn thận, học hỏi, trao đổi việc chữa bệnh để rút kinh nghiệm.

Trong suốt đời làm thuốc chữa bệnh, hết sức, hết lòng vì người bệnh, ông còn có nhiều đóng góp cho nền y học cổ truyền nước nhà, đúc rút, ghi lại các phương pháp điều trị, về dược vật, nhất là dùng thuốc nam.

Tìm hiểu sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông qua một số tài liệu lưu trữ
Bài giới thiệu về Hải Thượng lãn Ông – Lê Hữu Trác của Nhà Nghiên cứu Lịch sử Trần Văn Giáp. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nhà Nghiên cứu Lịch sử Trần Văn Giáp, Hồ sơ 362.

Bộ Hải thượng y tông tâm lĩnh 66 quyển bao gồm Lý, Pháp, Phương, dược và biến chứng, trị bệnh… và bàn về đạo đức người thầy thuốc, cuốn Vệ sinh yếu quyết hướng dẫn vệ sinh về ăn, ở, phân, nước, rác.

Đọc mấy câu diễn ca sau đây của sách Vệ sinh quyết yếu của ông, ta thấy ông đã chỉ dẫn cho mọi người phương pháp vệ sinh toàn diện theo hoàn cảnh sinh hoạt của nhân dân ta: phòng bệnh tận gốc. Trước hết là tu dưỡng tinh thần và ăn uống kiêng khem như thế nào, từ lúc bẩm sinh trong bụng mẹ đến khi tuổi già, coi lao động là yếu tố chính:

“Cần lao cung ứng nhu cầu,

Ở đời muốn sống, dễ hầu ngồi dưng!

Cần lao thân thể khang cường,

Tinh thần vui vẻ, gân xương chuyển đều.

Nhàn cư bất thiện mọi điều,

Nghĩ tham làm bậy, đói nghèo theo thân.

Nhàn cư ủ rủ tinh thần,

Nằm nhiều khí huyết kém phần lưu thông”.(9)

Bộ Y tông tâm lĩnh của ông được đánh giá rất cao, chẳng những phục vụ cho việc truyền dạy y thuật, giúp ích các thầy thuốc mà còn góp phần vào việc tổng kết lý luận và kinh nghiệm y học dân tộc cổ truyền Việt Nam, xây dựng, phát triển nền y học dân tộc cổ truyền một cách hoàn chỉnh.

“Trong bộ Lãn ông tâm lĩnh, ông thường khuyên các nhà làm thuốc phải yêu nghề mình, giữ lấy tính cách cao cả của nghề mình, phải coi mệnh người là trọng”.(10)

Bên cạnh Y tông tâm lĩnh với các nội dung xuất sắc về y thuật, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc khi viết cuốn Thượng kinh ký sự. Đây là những trang dã sử quý báu, có giá trị về văn chương và lịch sử.

Thừa kế học thuật tiên y, nêu cao tinh thần độc lập, sáng tạo, tiếp thu học thuật nước ngoài, có phê phán, phát triển

Hải Thượng Lãn Ông có chủ trương thừa kế luận thuyết y học cổ truyền của các tiên y nhưng không quá câu nệ sách vở kinh điển, không sử dụng cổ phương một cách cứng nhắc.

Lãn Ông đề cao óc độc lập suy nghĩ, vận dụng linh hoạt vào chữa bệnh, đúc rút kinh nghiệm làm sáng tỏ nhiều điều ngờ vực, bổ sung những chỗ người xưa chưa nói tới. Trong tập Đạo lưu dư vận, ông biện luận và bổ sung những vấn đề y lý mà các sách xưa chưa nói rõ, nói chưa đúng hoặc chưa bàn đến. Quyển Ngoại cảm thông trị có các phương thuốc thích hợp với tính chất bệnh và cơ thể người Việt Nam.

Coi trọng các nghiệm phương của nhân dân, ông viết tập Bách gia trân tàng ghi chép 644 phương thuốc, một số bài thừa kế của họ ngoại, một số thu lượm trong dân gian, một số ghi lại của người nước ngoài, một số được các y gia truyền hay bán lại cho. Tập Hành giản trân nhu ghi chép 2.210 bài thuốc đơn giản có tác dụng tốt rút trong bản thảo của tiên y và sưu tầm trong nhân trị 126 loại bệnh tử nội, ngoại khoa, thương khoa, cấp cứu.

Trong tập Lĩnh nam bản thảo, ông ghi chép được tính 496 vị thuốc nam biên tập theo Tuệ Tĩnh và 305 vị được bổ sung về công dụng hoặc mới sưu tầm thêm.

Thận trọng trong chữa bệnh, khiêm tốn trong học tập

Lãn Ông coi nghề y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh con người là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, ông rất thận trọng khi khám bệnh, chữa bệnh, có trường hợp gặp bệnh nặng, triệu chứng phức tạp, ông đợi hôm sau xem mạch thêm lần nữa và nghiên cứu bệnh tình thật chắc chắn rồi mới cho đơn. Theo ông, một trong 8 tội cần tránh của người thầy thuốc là “ngại đêm mưa vất vả không chịu tới thăm mà đã cho phương, đó là cái tội lười”.

“Đạo làm thuốc là nghệ thuật bảo vệ sinh mệnh con người là nguồn gốc xây dựng đạo đức, người có kiến thức rộng không thể không biết đến, mà đã biết thì phải cho sâu rộng, và tính mệnh người ta ở trong tay mình. Há không nên cẩn thận lắm sao?”, cho nên trong âm án số 10 của Hải Thượng Lãn Ông có ghi “Lại như xét bệnh còn lờ mờ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát”.(11)

Lãn Ông khám bệnh rất kỹ, vận dụng các phương pháp, vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, xem mạch người bệnh), chuẩn đoán toàn diện có kết luận chính xác rồi mới kê đơn. Khi kê đơn ông ghi rõ chi tiết và chỉ dẫn cách chế thuốc, sắc thuốc, cách uống, liều lượng rất tỷ mỷ. Gặp trường hợp nguy cấp, ông bình tĩnh giải quyết theo đúng tinh thần “cứu bệnh như cứu hỏa” vừa khẩn trương vừa chu đáo.

Lãn Ông đề cao tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân một cách thành khẩn. Ông ghi chép lại những bệnh đã điều trị một cách trung thực, khách quan và khoa học. Y dương án ghi lại những bệnh ông đã chữa khỏi, y âm án ghi lại những bệnh ông chữa không khỏi. Thận trọng trong chữa bệnh, Lãn Ông lại rất khiêm tốn học tập, đêm ngày trao đổi nghề nghiệp, trong lòng luôn luôn nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người một cách rộng rãi. Sau vài ba năm học thuốc, ông bắt đầu chữa một số bệnh thông thường trong gia đình, thôn xóm. Khi đã nổi tiếng, ông vẫn lên kinh đô mong tìm thầy học thêm. Lãn Ông cũng tranh thủ gặp gỡ nhiều thầy thuốc trao đổi kinh nghiệm và sưu tầm thêm phương thuốc gia truyền.

Học trong sách vở, học trong quá trình chữa bệnh, học trong nhân dân kết hợp với thái độ thận trọng, phương pháp chuẩn đoán toàn diện trong điều trị là một bài học quý giá trong y đức Hải Thượng Lãn Ông.

Quan hệ đúng đắn trong nghề nghiệp

Trong tập Y huấn cách ngôn, Hải Thượng Lãn Ông dặn người thầy thuốc “Khi gặp đồng nghiệp cần nên khiêm tốn học nhã, giữ gìn thái độ, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi thì kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt học.(12)

Tinh thần của Lãn Ông nhắc chúng ta nhớ lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế (tháng 2/1955): trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt qua được mọi khó khăn giành được nhiều thành tích”.(13)

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là vị danh y truyền cảm hứng lớn tới các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Ông đã để lại kho tàng y học cổ truyền vô giá, vẫn vẹn nguyên giá trị và ứng dụng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp y học nước nhà. Nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2022), xin có đôi dòng để tưởng nhớ về thân thế và sự nghiệp của vị Thánh y này./.

————

Chú thích:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, Hồ sơ 5402, tờ 40-45.

2,3,4,5,6,7,8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, Hồ sơ 5402, tờ 42.

9. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nhà Nghiên cứu Lịch sử Trần Văn Giáp, Hồ sơ 362, tờ 24.

10. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Nhà Nghiên cứu lịch sử Trần Văn Giáp, Hồ sơ 362, tờ 22.

11. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, Hồ sơ 5402, tờ 43.

12,13. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Quốc hội, Hồ sơ 5402, tờ 44.

Nguồn: Tìm hiểu sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông qua một số tài liệu lưu trữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *