Hải Thượng Lãn Ông những lời khuyên giúp bạn sống trường thọ

Hải Thượng Lãn Ông là đại danh y tài năng xuất chúng, người giàu y đức với một nhân cách cao thượng và là một nhà tư tưởng lớn ở thế kỷ XVIII. Ông là người đặt nền móng xây dựng và phát triển y thuật cho nền y học dân tộc, được nhân dân và giới y học tôn vinh là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn và Đại danh y.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một đại danh y tài năng xuất chúng, người hết lòng thương yêu người bệnh, một nhân cách cao thượng, một nhà tư tưởng, nhà văn nổi tiếng trong nước vào thế kỷ XVIII. Ông đã để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển được coi là bộ y học hay nhất của Việt Nam thời trung đại, chắt lọc những tinh hoa của Y học cổ truyền. Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông đã góp phần to lớn xây dựng nền Y học dân tộc Việt Nam, ông được suy tôn là Đại y tôn Việt Nam. Những gì ông để lại có giá trị xuyên suốt hơn 200 năm lịch sử cho đến tậm hôm nay. Thực hiện những điều khuyên răn của ông, đối với sức khỏe chúng ta mà nói muôn vàn lợi ích. Dưới đây là 10 lời khuyên của ông:

Vệ sinh phép giữ thân mình

Sao cho khoẻ mạnh an ninh mới là

Mười điều cơ bản đề ra

Thứ nhất: làm lụng, hai là nghỉ ngơi

Ba là đừng trái tiết trời

Xông pha mưa gió nắng nôi lạnh lùng

Còn khi dịch lệ cuồng phong

Biết chừng mà tránh, mà phòng mới yên

Thứ thị hiếu chớ quên

Mắt trông ham muốn, lòng quên cương thường

Sinh ra làm bậy làm xằng

Chữ “tham” sánh với chữ “thâm” một vần

Năm là cần phải thủ chân

Giữ lòng trong sạch cho thần được yên

Định tâm như kẻ tham thiền

Bỏ lòng lợi dục đua chen đường đời

Sáu là ngủ dậy theo thời

Luyện thân, luyện khí đứng ngồi thong dong

Làm cho khí huyết lưu thông

Chân tay cứng cáp trong lòng thảnh thơi

Bảy: răm tửu sắc chơi bời

Thoả lòng chốc lát, cuộc đời ngắn đi

Tinh hao, chân khí phải suy

Nguyên thần ly tán, bệnh gì chẳng sâu

Tám: cần ăn uống hàng đầu

Nhưng đừng quá bội mà đau dạ dày

Kiêng ăn các thứ đắng cay

Các thứ sống lạnh tích dầu khó tiêu

Chín là nằm ngủ thuận chiều

Hướng phương sinh khí (về đông) đầu cao hơn mình

Vòng tay lên ngực: mộng kinh

Vào giường không nghĩ, thẳng mình ngủ yên

Mười nên tắm giặt cho liền

Ra ngoài dù, nón không quên trên đầu

Đề phòng hàn thấp nhiễm vào

Áo quần ấm áp, tà nào dám xâm

Mấy điều nên nhớ nhập tâm

Tháng ngày giữ trọn, trăm năm thọ trường.

Hải Thượng Lãn Ông, “Vệ sinh quyết yếu”

Lời khuyên của Hải Thượng Lãn Ông giúp bạn sống trường thọ
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh internet https://suckhoeviet.org.vn/

Đại danh y Lê Hữu Trác hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ra trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, cuộc đời ông phần nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn), đây cũng là giai đoạn mà ông có duyên nghiệp với nghề Y, hành nghề bốc thuốc và trở thành Đại danh Y của nước ta.

Ông đã đúc kết hàng nghìn bài thuốc hay và phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng.

Cuộc đời của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp; lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông xứng đáng là người đã dựng ‘ngọn cờ đỏ thắm’ trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về Y đức, Y thuật và Y đạo cho đời sau noi theo.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không những là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc.

Sau khi mất, ông được Nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”.

Hội thảo “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng”

https://suckhoeviet.org.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *