Kết hợp âm dương
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam, ngoài phản ánh vũ trụ quan “trời tròn, đất vuông”, bánh chưng xanh còn tượng trưng cho sự kết hợp âm dương, trời đất.
Chiếc bánh chưng dạng hình khối, có 4 mặt hình chữ nhật, 2 mặt hình vuông. Hai mối lạt vuông góc với nhau tại tâm mỗi mặt hình vuông, cùng với các cạnh của mặt hình vuông tạo nên một chữ “điền”(田) , “điền” có nghĩa là ruộng, tượng trưng cho đất.
Cắt đôi chiếc bánh chưng thành 2 nửa bằng nhau theo chiều dài từng mối lạt, mỗi nửa mặt vuông cùng mối lạt còn lại ở giữa tạo thành một chữ “nhật”(日), nên mỗi mặt vuông sẽ có 4 (hai cặp) chữ “nhật”, hai mặt vuông có 8 chữ “nhật”.
Mỗi mặt bên là một chữ “nhật’ (các cạnh mặt bên hình chữ nhật cùng với mối lạt ở giữa). Vậy trên 6 mặt của chiếc bánh chưng có 12 chữ “nhật”, “nhật” có nghĩa là ngày, là mặt trời. Mười hai chữ “nhật” trên 6 mặt chiếc bánh chưng nhằm mô tả tất cả các vị trí quanh chiếc bánh chưng đều có mặt trời chiếu rọi.
Mặt trời thuộc dương, trái đất thuộc âm; như vậy chiếc bánh chưng mô tả mối quan hệ kết hợp của âm dương, trời đất; dương (chỉ mặt trời) ở bên ngoài, âm (chỉ đất) ở bên trong, âm dương kết hợp để vạn vật sinh trưởng (tượng trưng bởi màu xanh của lá dong).
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Ảnh internet https://suckhoeviet.org.vn/ |
Gạo nếp
Bánh chưng với nguyên liệu chính là gạo nếp còn gọi là (ngạnh mễ), theo Y học cổ truyền gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, tỳ phế, ích khí, kiện tỳ dưỡng vị, chỉ hãn (trị ra mồ hôi); trị chứng lao tiết tả, tỳ vị hư nhược, đau thượng vị, nhiều mồ hôi, váng đầu chóng mặt, có thể dùng chữa nôn mửa, tăng tiết sữa, chống tiêu chảy. Gạo nếp chứa chất bột (gluxit). Nếu thiếu chất bột khi ăn dễ bị tụt đường huyết, người mệt mỏi, chân tay bủn rủn, làm việc khó tập trung, bụng đói cồn cào… Tuy nhiên, không dùng nhiều với người đái tháo đường, người đang cần giảm cân.
Thịt lợn
Thịt lợn còn gọi “trư nhục”, theo Y học cổ truyền thịt lợn có vị hơi ngọt, mặn, tính bình, ăn lành, tác dụng tư âm, nhuận da thịt, dưỡng khí huyết, ích ngũ tạng… Là nguồn cung cấp chất đạm (protein) không thể thiếu cho mọi lứa tuổi. Nếu trẻ em thiếu đạm sẽ chậm lớn, thấp bé nhẹ cân. Người lớn tuổi thiếu đạm hay bị mệt mỏi… Tuy nhiên, người bệnh gút không ăn nhiều thịt trong nhân bánh chưng.
Bánh chưng xanh là món ăn có tác dụng bồi bổ cơ thể. Ảnh: Từ Ân https://suckhoeviet.org.vn/ |
Đậu xanh
Nhiều người sợ rằng ăn bánh chưng rất nóng, thế nhưng bánh chưng có thêm nhân đậu xanh giúp ôn hòa thanh nhiệt, theo Y học cổ truyền đậu xanh vị ngọt, tính mát, không độc, tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, sinh tân, trừ phiền, tiêu phù, hạ khí, ích ngũ tạng, sáng mắt, mịn da, giải tất cả các chất độc. Đậu xanh rất giàu protein, lipit, carbohydrat và các axit amin, các vitamin A, B1, B2, PP, B6… Rất thích hợp cho người suy nhược, người già, trẻ em khó lên cân, da khô sần ngứa dùng rất tốt.
Hành
Theo Y học cổ truyền, hành có vị cay, tính ấm, vào kinh phế. Hành củ là gia vị chính của thịt heo, làm tăng độ ngon của thịt heo, có tác dụng hành khí, phòng ứ trệ do tác dụng bổ tỳ, bổ thận của các thành phần khác trong bánh chưng, tiêu thực, giải tà khí phong hàn.
Lá dong
Theo Y học cổ truyền, lá dong có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn có tác dụng lợi niệu, chỉ huyết, giải độc, lương huyết, làm se và thanh nhiệt. Do đó thảo dược này thường được dùng để giải ngộ độc rượu, trị lở loét miệng, men gan cao, suy nhược và cầm máu vết thương. Ngoài ra rễ của cây còn có tác dụng chữa lỵ, tiểu tiện đỏ, đau, sưng gan.
Sự điều hòa 5 thành phần (cũng là 5 vị thuốc) trong chiếc bánh chưng, làm cho nó tăng thêm khẩu vị ngon, bồi bổ sức khỏe, giữ đưọc mức quân bình của ngũ hành để lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể.