Theo các tài liệu thành văn và theo truyền thuyết ở quê hương thì Tuệ Tĩnh sinh năm 1225, dưới triều nhà Trần, tại làng Nghĩa Phú, Tổng Văn Thái, Phủ Thượng Hồng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông xuất thân từ một gia đình bần nông, lên sáu tuổi thì mồ côi cha mẹ, được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thuỷ (Nam Định) nuôi ăn học. Năm 22 tuổi, thi đậu Thái học sinh dưới triều Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở chùa đi tu và làm việc thiện, bốc thuốc chữa bệnh giúp nhân dân.
Tuệ Tĩnh là một nhà Y dược học danh tiếng của nước ta, sự nghiệp và tác phẩm nghiên cứu ông để lại ảnh hưởng rất lớn đến nền Y dược học cổ tryền Việt Nam. Ông đã tổng hợp biên soạn Y dược học cổ truyền trong những tác phẩm lớn là “Nam dược thần hiệu” và “Hồng Nghĩa giác tư y thư”. Trong bộ “Nam dược thần hiệu”, Tuệ Tĩnh đã nêu lên nguyên nhân, bệnh lý và chứng trạng của nhiều bệnh trong điều kiện Việt Nam, xây dựng nghiệm phương và truyền phương để trị liệu. Đây là phương pháp trị liệu khoa học, đơn giản, đại chúng và rất dễ áp dụng và đặc biệt là trong các đơn thang đó hầu hết là thuốc Nam rất sẵn có ở mọi miền đất nước. “Nam dược thần hiệu” có 11 quyển, gồm 580 vị thuốc, 3873 bài thuốc để trị 182 chứng bệnh của 10 khoa. “Hồng Nghĩa giác tư y thư” tóm tắt công dụng của 630 vị thuốc, 13 phương gia giảm, có thiên dùng thuốc theo chứng, có các thiên bàn về y lí, chẩn đoán, mạch học. Ngoài ra, Tuệ Tĩnh còn dùng các phương pháp trị bệnh bằng thức ăn, vật lý trị liệu như cứu, châm, chích, chườm, bóp, xoa, ăn, uống, hơ, xông, v.v…
Tài nguyên Nam dược của nước ta vô cùng đa dạng và phong phú/https://suckhoeviet.org.vn |
Thiền sư Tuệ Tĩnh được mệnh danh là ông tổ của nghề thuốc Nam. Những tác phẩm nổi tiếng của Tuệ Tĩnh, bên cạnh kiến thức y lý cổ truyền sâu sắc, những kinh nghiệm phong phú về sử dụng thuốc Nam, còn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là xây dựng những quan điểm về y học dân tộc mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó. Đó là xây dựng nền y dược học trên tinh thần tự cường dân tộc. Tuệ Tĩnh không câu nệ vào sách xưa mà biết kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần dân tộc trong y học hài hoà giữa lý luận với kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm dân gian theo thực tiễn bệnh tật, khí hậu, thổ nhưỡng và con người Việt Nam. Ông sử dụng nguồn dược liệu phong phú và các phương pháp chữa bệnh của dân tộc với quan điểm phòng bệnh chủ động tích cực là tập luyện dưỡng sinh, bồi bổ tinh – khí – thần để sức khoẻ tốt hơn, tuổi thọ tăng hơn, sống vui và hạnh phúc hơn.
Năm 55 tuổi, Danh y Tuệ Tĩnh bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Sang Trung Quốc, ông vẫn làm thuốc, nổi tiếng và được vua nhà Minh phong là Đại y Thiền sư. Sau đó ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc, không rõ năm nào (theo nhiều nguồn tài liệu Danh y Tuệ Tĩnh mất vào năm 1400).
Thiền sư Tuệ Tĩnh – Ông Thánh thuốc Nam/https://suckhoeviet.org.vn |
Có thể nói, Danh y Tuệ Tĩnh là người mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu các bài thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những bài thuốc, kinh nghiệm quý báu của ông đã cứu sống hàng trăm nghìn người, thoát khỏi nỗi sợ bệnh tật. Đặc biệt, với những tài liệu, sổ sách để lại tạo cơ hội cho thế hệ sau thừa kế và phát huy những tinh hoa, giá trị cũ, đưa nền y học Việt phát triển bền vững.
Đến nay đã gần 10 thế kỷ trôi qua nhưng những phương pháp, châm ngôn hành nghề y của Tuệ Tĩnh vẫn được lưu truyền, áp dụng thành công. Sau này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc, trong đó có thuốc Nam, đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư.
“Nam dược trị Nam nhân” là dùng thuốc Nam trị bệnh cho người Nam. Thuốc Nam được các lương y người Việt ta nghiên cứu, chắt lọc và kết tinh trí tuệ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuệ Tĩnh có biệt tài tìm ra các loại dược liệu, là cây cỏ xung quanh nơi nhân dân cư trú, làm thuốc chữa trị các bệnh cho người Việt, chứ không chuộng các vị thuốc Bắc, vừa đắt tiền vừa không hợp phong thổ, thời khí. Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu là những nguyên liệu lấy từ thiên nhiên như thân cây, rễ cây, lá cây, quả, hoa… Do đó thường không có độc tính và tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh. Không những thế, quá trình chế biến thuốc cũng rất truyền thống và thủ công, dựa chủ yếu vào tự nhiên.
Nhiều cây cỏ hoa lá quen thuộc xung quanh chúng ta là những vị thuốc quý/https://suckhoeviet.org.vn |
Những rau trái quen thuộc trong ngành ẩm thực như đậu xanh, rau sam, rau răm, kinh giới, tía tô, bạc hà, cải cúc, rau muống, rau má đều được dùng như một vị thuốc. Cây cỏ hoang dại như cỏ nhọ nồi, mần trầu, bách bộ, cam thảo đất, mộc hương…, đều có mặt trong một số bài thuốc. Một số loài hoa như thược dược, ngọc lan, nhài, hoa hồng, mào gà cũng được xem là vị thuốc để chữa bệnh. Đó là chưa kể những loài thảo mộc là cây thuốc Nam quý giá như cà gai leo, giảo cổ lam, nha đam, hà thủ ô, sâm cau, cây mật gấu, ráy gai, bồ công anh, địa hoàng v.v…
Ngoài những toa thuốc uống vào trong người, có loại dùng xoa đắp, bôi ngoài da hoặc xông hơi. Cách đo lường lượng thuốc so với thuốc Bắc cũng tương đối di dịch, thay vì cân đong thành từng chỉ, từng lạng thì đơn thuốc dùng muỗng, dùng chén.
Cách đo lường lượng thuốc Nam so với thuốc Bắc cũng tương đối khác biệt/https://suckhoeviet.org.vn |
Tài nguyên dược liệu của Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú, với hàng nghìn bài thuốc dân gian của các dân tộc được nghiên cứu, gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ.
Theo Cục Y dược Cổ truyền, Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc có nền y học cổ truyền lâu đời và phong phú. Y học cổ truyền Việt Nam bao gồm y học dân gian của các dân tộc và y học cổ truyền trong hệ hàn lâm. Việt Nam có một nguồn tài nguyên và hệ động thực vật phong phú đa dạng trải dài khắp cả nước. Việt Nam được là đánh giá là quốc gia giàu có về dược liệu của khu vực và thế giới khi sở hữu hơn 5000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, lan thạch học, thông đỏ…
Từ năm 1954 tới nay, y dược cổ truyền đã có bước phát triển mạnh và là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế chính thống của Việt Nam.
Đến nay Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới y dược cổ truyền và từng bước hoàn thiện hệ thống từ trung ương xuống địa phương cả về dịch vụ đào tạo đến nghiên cứu khoa học.
Việt Nam có Học viện Y dược cổ truyền, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã thành lập khoa, bộ môn về y dược học cổ truyền, 22 trường cao đẳng y thuộc các tỉnh thành phố cũng thành lập bộ môn y dược cổ truyền.
Dùng Nam dược chữa bệnh cho người nước Nam/https://suckhoeviet.org.vn |
Hệ thống bệnh viện y dược cổ truyền tuyến trung ương và tuyến tỉnh là 65 bệnh viện. Tỉ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền đạt 92,7%. Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đạt 84,8%. 89% trạm y tế xã có vườn thuốc Nam. Y dược cổ truyền Việt Nam đã tham gia vào hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia và được bảo hiểm y tế chi trả các mức độ khác nhau ở các tuyến.
Để ghi nhớ công lao trời biển của Tuệ Tĩnh thiền sư, từ sau Đại hội Phật giáo Việt Nam kỳ 2 (1987) những cơ sở chữa bệnh đặt tại các chùa đều thống nhất mang tên Tuệ Tĩnh Đường.
Điều này xuất phát từ truyền thống lâu đời: Các nhà chùa làm thuốc để chữa bệnh cho dân nghèo. Ngọn cờ “Nam dược trị Nam nhân” mãi mãi tỏa sáng trong Y học và Y giới Việt Nam.