Tại triển lãm lần này, Ban tổ chức đã có một buổi tọa đàm với chủ đề “Kế thừa và ứng dụng y học cổ truyền trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” thu hút rất nhiều khách thăm quan. Tại buổi tọa đàm, người dân được PGS.TS Hồ Bá Do – Phó chủ tịch Hội Nam y Việt Nam chia sẻ rất nhiều về lịch sử phát triển của y dược cổ truyền Việt Nam, về các đại danh y trong nền y học cổ truyền nước nhà. Đặc biệt là bài nói chuyện chuyên sâu về “Phổ biến kiến thức về phòng và điều trị bệnh cơ xương khớp”.
Ông Bùi Quang Trung – Đại diện công ty AMF Pharma và TruQuest Nutriscience Inc, một việt kiều hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm tại Hoa Kỳ chia sẻ: Sau đại dịch Covid-19, một sự thật được phơi bày là y dược hiện đại đang rất thiếu thốn các phương pháp điều trị mới. Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng kháng thuộc ngày càng tăng, do quá lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến thuốc không còn hiệu quả điều trị.
Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, đến năm 2050 nếu tình trạng kháng thuốc không được cải thiện thì mỗi năm sẽ có ít nhất 10 triệu người chết vì tình trạng kháng thuốc, khi bệnh nhân bị kháng thuốc kéo theo chi phí điều trị sẽ tăng lên khủng khiếp, ước tính nhân loại tiêu tốn khoảng 70.000 tỷ USD/năm.
Từ hai vấn đề lớn của y học hiện đại là kháng thuốc và khan hiếm sản phẩm mới, các nhà khoa học nghiên cứu đang khẩn trương tìm kiếm các nguồn thuốc mới, do đó y học cổ truyền sẽ là hướng đi được lựa chọn để phát triển trong tương lai. Nhưng để làm cho y học cổ truyền Việt Nam trở lên phổ biến thì cần có sự kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại, áp dụng quy trình và công nghệ hiện đại để chuẩn hóa các tiêu chuẩn trong lĩnh vực y dược.
Một trong những trở ngại của y học cổ truyền là việc bảo vệ bản quyền đối với sản phẩm, vì y học cổ truyền phát triển và tồn tại theo cơ chế mở. Tức là, trong y học cổ truyền các bài thuốc và kinh nghiệm chữa bệnh được chia sẻ một cách tự do, rộng rãi. Luật sở hữu trí tuệ rất khó áp dụng cho những bài thuốc và phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nhận ra sự phong phú, đa dạng trong y dược cổ truyền. Do đó, những loại thuốc cổ phương bản địa của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam ngày càng được các công ty dược sử dụng những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất dược phẩm.
Dẫn chứng sự phát triển của y dược cổ truyền, ông Trung cho biết: Năm 2020, doanh số của lĩnh vực y dược cổ truyền là 185,86 tỷ USD, con số này đã tăng lên 230,03 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ bùng nổ vào năm 2028 với doanh số khoảng 430,05 tỷ USD.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của y dược cổ truyền Việt Nam, ông Bùi Quang Trung mong muốn: “Là một người Việt Nam, bản thân và gia đình mong muốn sản phẩm của Việt Nam vươn ra quốc tế. Do đó, AMF không ngại khó khăn mang công nghệ hiện đại của mình về nghiên cứu và phát triển y dược cổ truyền Việt Nam”.
Nền tảng phát triển y dược cổ truyền của Việt Nam rất vững chắc bởi nguồn dược liệu phong phú với hơn 6.000 cây thuốc, y học cổ truyền lưu giữ rất nhiều bài thuốc hay và có giá trị từ hàng ngàn năm.
Thay vì sử dụng các bài thuốc Nam thông thường như hiện nay, ông Bùi Quang Trung và cộng sự về Việt Nam nghiên cứu, sử dụng công nghệ hiện đại phân tích thành phần và hàm lượng trong bài thuốc cổ phương để xây dựng công thức chuẩn cho mỗi bài thuốc. Từ công thức chuẩn đó sẽ sản xuất ra sản phẩm và thực hiện lâm sàng trước khi sản xuất hàng loạt như thuốc tây y.
Nguyễn Sáng – Trần An