Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng bệnh lý xảy ra khi đường tiêu hóa xuất hiện các dấu hiệu bất thường về cấu trúc hoặc hoạt động. Theo đó, các chuyên gia y tế đã chia làm hai loại chính gồm:
Bệnh lý tiêu hóa thực thể (xảy ra khi hệ tiêu hóa xuất hiện những bất thường về cấu trúc, dẫn đến hoạt động bị ảnh hưởng).
Rối loạn tiêu hóa chức năng (Xảy ra khi hệ tiêu hóa không hoạt động bình thường nhưng không có bệnh thực thể).
Tình trạng xuất hiện với các triệu chứng đa dạng, ảnh hưởng cùng lúc đến nhiều bộ phận trong hệ thống. Cụ thể, tiêu hóa là quá trình phá vỡ và biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng, đi qua thành ruột và vào máu. Tất cả bắt đầu tại vùng miệng, khi nhai, thức ăn trộn cùng nước bọt sau đó bị phân hủy và nghiền nát do sự co bóp của dạ dày. Khi đến ruột, dịch tiêu hóa từ túi mật cùng tuyến tụy sẽ tiếp tục thực hiện phân hủy lần nữa. Lúc này, các chất dinh dưỡng được đi qua thành ruột và vào máu, phục vụ cho mục đích sản xuất năng lượng. Trong khi đó, lượng thức ăn không được hấp thụ sẽ kết hợp với tế bào chết để chuyển hóa thành phân trong ruột kết.
Đây là quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường. Nếu hiện tượng rối loạn xảy ra, một hoặc nhiều giai đoạn sẽ bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng khó chịu thường gặp.
Rối loạn tiêu hóa có thể do viêm ruột, viêm đại tràng hoặc do suy giảm chức năng gan. Ảnh internet |
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa xuất phát từ một số bệnh lý liên quan đến hệ thống này. Trong đó, các yếu tố điển hình phải kể đến gồm:
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Vì vậy, tình trạng rối loạn phần lớn xuất phát từ nhóm nguyên nhân này. Trong đó, một số loại thực phẩm có nguy cơ cao gây tác động tiêu cực cho tiêu hóa gồm:
Thực phẩm bị hỏng hoặc chưa được vệ sinh: Vi khuẩn từ thực phẩm bị hỏng, thiếu vệ sinh xâm nhập vào hệ tiêu hóa sẽ dẫn đến ngộ độc, co thắt cơ trơn ống tiêu hoá gây đau quặn thắt và một loạt các vấn đề khác.
Đồ ăn cay nóng: Nhóm thực phẩm này sẽ khiến bao tử bị tổn thương, về lâu dài có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa.
Sản phẩm từ sữa: Ở một số nhóm đối tượng, hệ tiêu hóa không thể dung nạp được sữa và các sản phẩm từ sữa (kem, phomat…). Do đó, việc ngừng sử dụng là cần thiết, thay vào đó có thể thử một số nguồn thực phẩm giàu Vitamin D khác như: cá hồi, rau xanh…
Thực phẩm có tính axit: Các loại thực phẩm có tính axit cao như bưởi, cam , cà chua, chanh… có thể gây kích ứng lên niêm mạc dạ dày. Do đó, lựa chọn thay thế lý tưởng hơn là táo, chuối, rau giàu chất xơ (hành tây, măng tây, atiso…)…
Uống nhiều thức uống chứa cồn
Rượu bia sẽ kích thích cơ vòng thực quản, gây nên hiện tượng ợ chua và một loạt các vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó, để bảo vệ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, việc hạn chế sử dụng là cần thiết.
Bệnh lý liên quan đến dạ dày
Các bệnh lý liên quan đến dạ dày cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Trong đó, hai tình trạng điển hình phải kể đến gồm:
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Thực quản được kết nối với miệng và bao tử. Hiện tượng trào ngược xảy ra khi dịch vị tiết ra đi ngược lên khu vực này, gây ra đau rát, khó chịu. Nếu bệnh không được điều trị sớm, về lâu dài sẽ dẫn đến tổn thương thực quản.
Loét dạ dày tá tràng: Vết loét hình thành trong thành của đường tiêu hóa, trở nên đau rát khi tiếp xúc trực tiếp với dịch vị. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống.
Viêm đại tràng
Đây là bệnh viêm ruột, ảnh hưởng đến niêm mạc đại trực tràng. Tình trạng này thường xuất hiện phổ biến ở nhóm đối tượng từ 30 – 40 tuổi, kể cả nam và nữ. Bệnh được nhận biết với nhiều triệu chứng đa dạng như: tiêu chảy, nhầy và/hoặc máu trong phân, đi tiêu thường xuyên, mệt mỏi…
Viêm ruột thừa cấp
Đây là tình trạng ruột thừa bị viêm đột ngột. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 10 – 30 tuổi, trong đó nam giới chiếm tỉ lệ cao hơn. Viêm ruột thừa cấp tính ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa, những cơn đau dữ dội xuất hiện kèm các triệu chứng tiêu chảy, đầy hơi, cứng bụng… Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, nguy cơ cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng phúc mạc…
Bệnh sỏi đường tiết niệu
Sỏi đường tiết niệu xuất hiện do sự tích tụ của các khoáng chất, axit và muối trong nước tiểu. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ có cảm giác đau dữ dội ở xương sườn, lưng, bụng. Đây cũng được coi là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rối loạn đường tiêu hóa.
Chữa rối loạn tiêu hóa bằng đông y là phương pháp an toàn, lành tính. Ảnh internet |
Những cây thuốc quý hỗ trợ phòng, điều trị rối loạn tiêu hóa
Cỏ sữa lá nhỏ
Cây cỏ sữa lá nhỏ là loại cây thảo có lông và nhựa mủ trắng. Thân và cành thường tỏa rộng trên mặt đất có mày đỏ tím. Lá nhỏ, mọc đối xứng nhau có hình thuôn hay bầu dục với chiều dài 7 mm và rộng 4mm. Mặt dưới lá có lông và mép có răng. Hoa mọc thành cụm dạng sim. Quả nang và có đường kinh 1,5 mm. Quả có chứa hạt nhắn với chiều dài 0,7 mm.
Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, cây cỏ sữa có vị hơi chua, tính hàn có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, thong huyết, thông sữa và tiêu viêm. Cây cỏ sữa lá nhỏ là một trong những vị thuốc quý có tác dụng điều trị bệnh đường ruột.
Hoài sơn
Hoài sơn là rễ của cây củ mài. Củ mài không đơn giản chỉ là món ăn dân dã quen thuộc với đồng bào miền núi, còn là vị thuốc quý của y học dân gian được sử dụng rất lâu đời được dùng để trị chứng tỳ hư, chán ăn, tiêu hóa kém, đi tiêu lỏng lâu ngày.
Lá mơ
Từ dân gian ngày xưa đã sử dụng, lá mơ lông để đặc trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, đặc biệt lá mơ là thuốc trị tiêu chảy và kiết lỵ rất hiệu nghiệm.
Bài thuốc phổ biến nhất, là hái một nắm lá mơ lông, thái nhỏ rồi trộn với 1 quả trứng gà ta. Sau đó, nướng chúng trên chảo có lót lá chuối hoặc hấp cách thủy cũng được, chỉ cần tránh dầu mỡ. Có thể ăn một ngày 2 – 3 lần liên tục trong 3 đến 4 ngày, bệnh sẽ hết hẳn.
Đối với trẻ em, có thể dùng lá mơ thay rau trong món cháo cũng được.
Gừng
Gừng có hợp chất Gingerol và Shogaol có khả năng giảm viêm, giảm đau hiệu quả. Ngoài ra gừng cũng bổ sung các enzyme kích thích việc giải phóng dịch vị dạ dày, giúp thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn và giảm hẳn chướng bụng, đầy hơi.
Bạn có thể ngậm vài lát gừng sống, uống trà gừng hoặc nước ép gừng hòa với nước dừa tươi. Tuy nhiên, không nên sử dụng gừng quá nhiều để tránh bị ợ nóng.
Cam thảo
Trong các cách chữa rối loạn tiêu hóa bằng Y học cổ truyền, thì rễ cam thảo một loại dược liệu có tác dụng chống co thắt và ngăn chặn tình trạng viêm đường tiêu hoá. Khi bị đau bụng và khó tiêu, người bệnh có thể nhai rễ cam thảo để làm giảm các triệu chứng. Bên cạnh đó, việc dùng rễ cam thảo hãm trà cũng mang đến hiệu quả tương tự. Thời gian sử dụng phương pháp này tốt nhất là trước khi ăn 30 phút hoặc sau khi ăn khoảng 1 tiếng.
Tuy nhiên, cần lưy ý không nên dùng quá nhiều cam thảo, vì có thể gây huyết áp cao. Liều lượng tối đa nên sử dụng là 2,5g/người lớn/ngày.
Bạch truật
Y học cổ truyền sử dụng phần thân rễ (tức phần củ) của Bạch Truật làm một vị thuốc để cầm đi ngoài, bổ máu, tăng cường chức năng giải độc, chống viêm loét các cơ quan đường tiêu hóa. Đặc biệt, Bạch Truật vừa giúp ngăn ngừa tiêu chảy vừa có công dụng giảm táo bón nên phù hợp cho những bệnh nhân đi ngoài không ổn định.
Theo cuốn “Tài nguyên cây thuốc Việt Nam”, vị này có tác dụng kháng viêm chống loét, đồng thời làm giảm rõ rệt lượng dịch vị tiết ra và không làm giảm độ acid tự do của dịch vị nên có công năng rất tốt trong việc điều hòa hệ tiêu hóa.
Mộc hương bắc
Đây là một dược liệu có nguồn gốc từ Ấn độ, được sử dụng cách đây hàng nghìn năm để trị bệnh đầy chướng bụng, ăn khó tiêu, ỉa chảy. Mộc hương bắc là vị thuốc số 1 của phần khí Tam tiêu. Khí và vị của nó thuần dương, cho nên trừ được tà, giảm đau. Vì tiêu chảy và thức ăn không tiêu là bệnh của tỳ, tỳ thổ thích ôn táo mà gặp được Mộc hương thì hiệu nghiệm ngay.
Hoàng liên
Trong thân rễ của cây Hoàng Liên có berberin, coptisin, palmatin là những kháng sinh đường ruột có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng và kiện vị giúp tiêu hoá tốt thức ăn. Chỉ có Hoàng Liên mọc hoang ở độ cao 1300-1400m ở Quản Bạ tỉnh Hà Giang và trên 1.500m ở Sapa tỉnh Lào Cai mới có hàm lượng hoạt chất cao và tác dụng trị bệnh tốt.
Bạch linh
Bạch Linh là loại nấm ký sinh trên rễ cây thông, được coi là phần tinh túy nhất của cây thông trên mặt đất, có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn. Y học Trung Hoa thường dùng Bạch Linh để tăng cường miễn dịch, làm thuốc bổ chữa suy nhược, chóng mặt, lợi tiểu, bụng đầy chướng, tiêu chảy, tỳ hư.
Nhục đậu khấu và Đẳng sâm
Với những người mắc chứng rối loạn tiêu hóa, Đẳng Sâm có tác dụng làm ấm và bồi bổ Tỳ Vị làm cơ quan tiêu hóa khỏe hơn. Nhục Đậu Khấu làm se ruột và cầm đi ngoài, chữa chứng tỳ thận dương hư gây tiêu chảy sáng sớm hằng ngày. Vì vậy, hai vị này phối hợp với nhau để trị bệnh tiêu chảy mạn tính rất hiệu quả.
Sa nhân
Sa Nhân là một vị thuốc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Theo các tài liệu cổ, Sa Nhân tán nhỏ, uống với nước ấm để chữa ngộ độc thức ăn, hoặc phối hợp Sa Nhân với Trần Bì chữa lạnh bụng, đầy hơi khiến người bệnh không còn thấy đầy tức, ấm ách, khó tiêu, đau bụng.
Ổi
Thuốc trị tiêu chảy mà bị lạnh bụng, hoặc ăn uống không vệ sinh, hiệu nghiệm nhất có lẽ là lá ổi. Bà con chỉ cần lấy tầm chục cái lá ổi non và thêm vào vài hạt muối nữa và cứ thế ăn thôi là bệnh sẽ đỡ ngay. Ngoài ra, nếu bệnh nặng ta có thể dùng các bài thuốc sau đây:
Cách 1: Búp ổi 20g, gạo rang 20g, vỏ măng cụt 20g, gừng nướng 10g sắc lấy nước uống nhiều lần.
Cách 2: Búp ổi 20g, củ riềng 8g, củ sả 16g. Thái nhỏ rồi sao qua, sắc lấy nước đặc uống.
Cách 3: Búp ổi 20g sao qua, gừng nướng chín 10g, vỏ quýt khô 10g. Tất cả cắt nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Trần bì
Người xưa nói: “Nam bất thiểu Trần Bì, nữ bất ly Hương Phụ”. Có lẽ do phái nam thường uống rượu, thích ăn những món chiên xào, nhiều chất béo bổ… mà theo Y học cổ truyền, những chất béo, rượu cay nóng… sẽ làm cho tỳ vị bị tổn thương, không vận hóa được thức ăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tinh dầu Trần Bì có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa, giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị, có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột.
Rau sam
Rau sam là một trong những vị thuốc tiêu hóa, có thể áp dụng cho nhiều người khi bị bệnh đường ruột. Khi bị đau bụng và tiêu chảy nhiều: dùng rau sam tươi 100g, cỏ sữa tươi 50g sắc uống thay nước trong ngày.
Nếu nguy hiểm hơn là đi ngoài ra máu có thể bổ sung thêm 20g nhọ nồi, 20g rau má vào sắc uống cùng.
Lưu ý khi sử dụng dược liệu trị rối loạn tiêu hóa
Khi sử dụng dược liệu để trị rối loạn tiêu hóa, cần tuân thủ các lưu ý sau đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả:
Tham khảo chuyên gia y tế: Trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp nào, bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để xác định nguyên nhân của rối loạn tiêu hóa và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Tuân thủ đúng liều lượng: Sử dụng dược liệu theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn của lương y. Không nên tự ý tăng hoặc giảm liều lượng mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Kiểm tra tác dụng phụ: Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ, như buồn ngủ, tiêu chảy, hoặc táo bón. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng không mong muốn nào sau khi sử dụng dược liệu hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Tuân thủ thời gian sử dụng: Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên tuân thủ thời gian sử dụng thuốc, có thể là trước hoặc sau bữa ăn tùy thuộc vào hướng dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn của lương y.
Tránh thức ăn và chất kích thích: Trong trường hợp của một số rối loạn tiêu hóa, như dạ dày nhiễm Helicobacter pylori, bạn cần kiêng thức ăn cay, mỡ, chua và tránh uống nước có ga, cà phê, và thuốc lá.
Cân nhắc về tác động với các loại thuốc khác: Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác, hãy thông báo cho bác sĩ về những loại thuốc này để đảm bảo rằng không có tương tác gây hại giữa các loại thuốc.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện rối loạn tiêu hóa. Hạn chế thức ăn có thể kích thích rối loạn và tăng cường tiêu hóa thức ăn giàu chất xơ.
Thực hiện kiểm tra định kỳ: Đối với một số trường hợp, như bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bạn cần kiểm tra định kỳ với bác sĩ để theo dõi tình trạng của mình và điều chỉnh liệu trình điều trị.
Tuân thủ lối sống lành mạnh: Sử dụng thuốc chỉ là một phần của việc điều trị rối loạn tiêu hóa. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm việc ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng, và không uống nhiều rượu hoặc hút thuốc.
Nhớ rằng rối loạn tiêu hóa có thể có nguyên nhân và triệu chứng khác nhau, do đó, tốt nhất là thảo luận chi tiết với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để có kế hoạch điều trị phù hợp cho trường hợp của bạn./.