Kim tiền thảo
Kim tiền thảo còn gọi đại kim tiền thảo, giang tô kim tiền thảo, quá lộ hoàng, quảng kim tiền thảo, tứ xuyên đại kim tiền thảo, đồng tiền lông, mắt rồng, mắt trâu, vảy rồng…
Tên khoa học của cây kim tiền thảo là Desmodium styracifolium có đặc tính chịu được khô hạn, có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều nơi, kể cả những nơi có nhiệt độ cao và thiếu nước, thiếu độ ẩm.
Cây kim tiền thảo được trồng nhiều ở vùng Nam Trung Quốc và một số nước khác như Lào, Ấn Độ, Campuchia và cả Việt Nam. Tại nước ta, cây kim tiền thảo có mặt ở nhiều tỉnh như Nghệ An, Phú Thọ, Lạng Sơn,…
Trước khi tìm hiểu cây kim tiền thảo có mấy loại bạn cần phân biệt được đó có phải là kim tiền thảo hay không. Một số đặc điểm nhận dạng dưới đây giúp bạn phân biệt kim tiền thảo với các loại cây khác.
Đặc điểm phần thân cây: Cây kim tiền thảo là loài cây sống lâu năm và có dạng thân thảo. Người ta thường bắt gặp kim tiền thảo mọc sát dưới đất với phần thân bò, rễ cây đâm sâu dưới đất để hút chất dinh dưỡng và nước nuôi cây. Nhờ phần rễ này mà kim tiền thảo có thể sống ngay ở nơi có điều kiện khắc nghiệt. Thông thường thân cây kim tiền thảo có thể cao khoảng 1m và có nhiều cành con xung quanh, phủ quanh thân cây là lớp lông mịn.
Đặc điểm phần lá cây: Lá của cây kim tiền thảo có dạng hình tròn, hơi thuôn nhẹ ở đầu lá và có màu xanh nhạt. Mặt trên lá kim tiền thảo màu xanh còn mặt dưới có một lớp lông mỏng màu trắng bạc. Phần gân lá hiện rõ và tán lá phủ rộng từ 2 – 4cm.
Đặc điểm hoa: Hoa cây kim tiền thảo có màu hồng nhạt hơi ngả tím và hình dáng giống hình con bướm, hoa mọc theo dạng chùm nhỏ với mỗi chùm là 2 – 3 bông hoa. Hoa kim tiền thảo thường mọc ra từ nách lá và nở khoảng độ tháng 6 đến tháng 9.
Đặc điểm của quả: Cây kim tiền thảo có quả rất nhỏ, thường chỉ bằng đầu ngón tay út hoặc thậm chí nhỏ hơn. Trong mỗi quả kim tiền thảo có từ 4 – 5 hạt khô bên trong.
Kim tiền thảo vị thuốc quý với nhiều công dụng trị bệnh. Ảnh internet |
Công dụng kim tiền thảo
Theo Y học cổ truyền
Kim tiền thảo có vị ngọt, tính mát, vào các kinh: can, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu.
Kim tiền thảo được dùng chữa suy thận, sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm
Lợi tiểu, tiêu tích tụ (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Điều trị đau răng, ghẻ lở (theo sách Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Giải độc, tiêu viêm, tiêu sạn, thanh nhiệt (theo sách Trung Dược Học).
Thường dùng để chữa:
Sỏi niệu đạo, sỏi bàng quang và sỏi mật.
Phù thũng, viêm thận, nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu.
Viêm gan, suy giảm chức năng gan gây vàng da.
Theo y học hiện đại
Tác dụng lên hệ thống tim mạch, hạ áp lực ở động mạch, tăng tuần hoàn mạch vàng, làm giảm lượng oxy ở tim và góp phần điều trị nhịp tim nhanh gây hồi hộp.
Ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn xanh và vi khuẩn lỵ.
Lợi tiểu, tăng bài tiết mật, giảm đau ống mật và hỗ trợ điều trị vàng da.
Nước sắc Kim tiền thảo có thể điều trị sạn ở đường tiểu và mật.
Nước cốt Kim tiền thảo có thể cải thiện viêm tuyến vú.
Tác dụng lợi tiểu
Cây thuốc kim tiền thảo có nhiều tác dụng giúp lợi tiểu hay còn được hiểu là tăng thể tích nước tiểu, đồng thời làm chậm quá trình to lên của viên sỏi và có thể bào mòn sỏi. Vị thuốc có ít tác dụng phụ nên có thể sử dụng điều trị trong thời gian dài.
Theo những tài liệu Y Học Cổ Truyền, kim tiền thảo còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc và lợi niệu. Vị thuốc này thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiết niệu như trừ sỏi, các chứng tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu vàng sẫm… Vì tác dụng lợi tiểu của Kim tiền thảo, vì vậy sẽ khiến lượng nước tiểu và số lần đi tiểu trong 1 ngày của bạn nhiều hơn, có thể xảy ra một số bất tiện trong quá trình sử dụng thuốc. Cũng không nên dùng vào buổi tối, sẽ khiến bạn buồn tiểu và ảnh hưởng đến giấc ngủ
Giảm đào thải canxi niệu
Theo các nghiên cứu đã chứng minh rằng, kim tiền thảo làm giảm nồng độ canxi trong nước tiểu. Nhờ đó, có công dụng giúp đào thải lượng canxi cặn ra bên ngoài cơ thể mà không lắng đọng tạo thành tinh thể khi chưa đạt đến nồng độ bão hòa.
Đồng thời, thảo dược này còn có tác dụng giúp tăng bài tiết lượng citrat niệu qua đó tăng đào thải oxalat, giảm hình hình thành canxi oxalat và giảm hình thành sỏi thận.
Kháng viêm, kháng khuẩn
Tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn của kim tiền thảo giúp giảm sự phù nề của niệu quản, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi di chuyển xuống niệu quản và bị đẩy ra ngoài.
Với những công dụng như kể trên, dược liệu kim tiền thảo đã được nhiều người biết đến và sử dụng như một vị thuốc quan trọng nhất trong điều trị các bệnh sỏi thận viêm đường tiết niệu và sỏi đường tiết niệu.
Kim tiền thảo là một vị thuốc quý. Ảnh internet |
Bài thuốc chữa bệnh từ kim tiền thảo
Chữa sỏi đường tiết niệu
Kim tiền thảo 30g, hải kim sa 15g (gói trong vải), đông quỳ tử 15g, xuyên phá thạch 15g, hoài ngưu tất 12g, hoạt thạch 15g. Sắc nước uống.
Kim tiền thảo 30g; xa tiền tử 15g; chích sơn giáp, thanh bì, ô dược, đào nhân mỗi vi 10g; xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.
Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, tỳ giải 20g, trạch tả 12g, uất kim 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 8g. Các vị trên thái nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày. Nếu đái ra máu thêm nhọ nồi 16g. Hoặc kim tiền thảo, mã đề, rễ dền gai (sao vàng), rễ thiên lý, vỏ bí đạo, rễ cỏ tranh, dâu đen (sao thơm); mỗi vị 12g, sắc nước uống.
Chữa sỏi đường mật
Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 10 -15g, xuyên luyên tử 10g, hoàng tinh 10g, sinh đại hoàng 10g. Sắc nước uống.
Hoặc kim tiền thảo 20g; rau má tươi 20g; nghệ vàng 8g; cỏ xước 20g; hoạt thạch, vảy tê tê, củ gấu, mỗi vị 12g; mề gà 6g; hải tảo 8g; nước 500 ml. Sắc còn 200 ml, uống làm một lần lúc đói, hoặc sắc uống làm hai lần trong ngày.
Chữa viêm thận, phù, viêm gan, viêm túi mật
Kim tiền thảo 40g; mộc thông,ngưu tất mỗi vị 20g; dành dành, chút chít, mỗi vị 10g, sắc uống, ngày một thang.
Trị viêm đường tiết niệu, hệ thống tiết niệu có sỏi: Kim tiền thảo 30g, hạt mã đề (hoặc cây mã đề), dừa nước, kim ngân hoa mỗi thứ 15g. Sắc uống, trị.
Trị sỏi đường tiết niệu, tiểu buốt, kèm táo bón: Kim tiền thảo 30g, xa tiền tử 15g, thanh bì, ô dược, đào nhân, mỗi thứ 10g, ngưu tất 12g. Sắc uống.
Trị sỏi hệ thống tiết niệu, tiểu đục, tiểu buốt: Kim tiền thảo 40g, xa tiền thảo, tỳ giải, mỗi thứ 20g, trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi thứ 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống.
Trị sỏi thận, sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang: Kim tiền thảo 16g, ké đầu ngựa 16g, cối xay 16g, rễ cỏ xước 16g, đinh lăng (rễ) 16g, cỏ tranh rễ 16g, mã đề 16g, thổ phục linh 16g, vỏ bi ngò 16g, mộc thông 10g. Sắc ngày 1 thang.
Trị mụn nhọt, ghẻ lở: Kim tiền thảo Xa tiền thảo tươi, giã nát, cho rượu vào, vắt lấy nước cốt, lấy lông ngỗng chấm thuốc bôi vào vết thương.
Trị sạn mật: Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 10-15g, xuyên luyện tử 10g, hoàng tinh 10g, sinh địa 6-10g (cho vào sau). Sắc uống.
Hoặc: Kim tiền thảo 30g, xuyên phá thạch 15g, trần bì 30g, uất kim 12g, xuyên quân (cho vào sau) 10g. Sắc uống.
Trị sạn đường tiểu: Kim tiền thảo 30-60g, hải kim sa (gói vào túi vải) 15g, đông quỳ tử 15g, xuyên phá thạch 15g, hoài ngưu tất 12g, hoạt thạch 15g, sắc uống.
Trị sỏi đường tiểu do thận hư thấp nhiệt: Kim tiền thảo 20g, hoàng kỳ 30g, hoàng tinh 15g, hoài ngưu tất 15g, hải kim sa (gói vào túi vải), xuyên phá thạch 15g, vương bất lưu hành 15g. Sắc uống.
Trị trĩ: Mỗi ngày dùng toàn cây kim tiền thảo tươi 100g (nếu khô 50g) sắc uống.
Kim tiền thảo có tác công dụng giúp cơ thể kháng viêm kháng khuẩn. Ảnh internet |
Lưu ý khi dùng kim tiền thảo
Trên thực tế, các bài thuốc này từ kim tiền thảo khá lành tính, an toàn với sức khỏe bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp sử dụng đều không gặp phải phản ứng phụ hay các vấn đề quá nghiêm trọng.
Theo Y học cổ truyền, kim tiền thảo là loại cây lành tính, an toàn và không để lại tác dụng phụ gì nhiều đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cần lưu ý một số trường hợp sau:
Điều trị bệnh sỏi thận: Như đã trình bày ở trên, kim tiền thảo có tác dụng tốt trong điều trị sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Nhưng, kim tiền thảo chỉ có giá trị trong điều trị sỏi nhỏ hơn 1cm. Vì vậy trước khi bạn có ý định sử dụng vị thuốc này trong điều trị bạn cần xác định được kích thước và tình trạng sỏi thận của mình.
Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, nếu muốn sử dụng vị thuốc này bạn cần sự tư vấn và theo dõi sát từ các bác sĩ sản khoa. Bởi đây có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho thai nhi.
Điều trị hoặc tiền sử mắc bệnh dạ dày: Bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá trước khi sử dụng kim tiền thảo.
Tóm lại, trước khi sử dụng kim tiền thảo hay bất cứ loại thảo dược nào trong điều trị bệnh hoặc sử dụng hàng ngày bạn cần tham khảo và được tư vấn bởi các chuyên gia y tế. Điều này giúp việc sử dụng đạt được hiệu quả tốt nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra./.