Công dụng, bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây mần tưới

Cây mần tưới còn được gọi là cây lan thảo, hương thảo, trạch lan, co phất phứ (Thái)… có vị hơi đắng, cay, tính ấm, mùi thơm đặc biệt. Theo Y học cổ truyền mần tưới được dùng để điều trị ăn kém, buồn nôn, rối loạn kinh nguyệt, phụ nữ ứ huyết sau sinh, phù thũng, choáng váng hoa mắt, các bệnh ngoài da (lở, loét, nhọt).

Mần tưới

Cây mần tưới còn được gọi là cây lan thảo, hương thảo, trạch lan, co phất phứ (Thái)… tên khoa học Eupatorium Fortunei Turez, họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae), tên dược: Herbal Eupatoria.

Đây là loại cây thân thảo có chiều cao trung bình từ 30 – 100cm. Sống lâu năm, mọc đối xứng, phần thân và cành cây màu tím, những rãnh chạy dọc rồi phủ bên trên lớp lông. Lá cây dải rộng, đầu nhọn có răng cưa có chiều dài từ 5 – 10cm, rộng từ 2.5 – 4.5cm. Gốc tròn và thon. Hoa của cây mần thường mọc thành cụm có màu tím nhạt, ra hoa đều đặn tháng 7 – tháng 11. Còn quả có 5 cạnh màu đen, ra quả vào khoảng tháng 9 – tháng 12 hàng năm. Cây mần tưới mọc hoang ở các vùng đất ẩm ướt hoặc gieo trồng để thu hoạch. Tại Việt Nam, cây mần tưới mọc ở cả 3 miền.

Theo các chuyên gia nghiên cứu thì dược liệu này mọc hoang ở các vùng ẩm ướt. Ngoài ra, cũng được gieo trồng ở nhiều nơi làm thuốc. Tuy vậy, vài năm gần đây, do nhu cầu sử dụng lá mần tưới ngày càng cao, nên có nhiều nơi làm vườn dược liệu sạch đã nuôi trồng cây rất hiệu quả.

Phần lá và thân là 2 bộ phận được dùng để làm thuốc. Theo dân gian, các cây thuốc được thu hoạch mùa hè là thời điểm chứa nhiều hoạt chất tốt nhất. Hơn nữa, không nên hái khi cây còn non vì những bộ phận này chưa trưởng thành, có ít dược tính và khi dùng chắc chắn không mang đến hiệu quả tốt nhất.

Thu hái xong, người dùng phải rửa qua bằng nước để loại bỏ bụi bẩn. Có thể sử dụng ngay dưới dạng tươi, phơi khô làm thuốc hoặc làm gia vị tăng hương thơm đặc trưng cho những món ăn. Khi bào chế dạng khô thì phải bảo quản nơi thoáng mát, hạn chế nơi ẩm thấp để dược tính bên trong giữ toàn vẹn.

Công dụng, bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây mần tưới
Cây mần tưới với đặc điểm hoa màu tím nhạt mọc thành cụm cùng với lá có răng cưa. Ảnh internet

Công dụng của mần tưới

Không phải ngẫu nhiên mà cây này được mọi người tin dùng nhiều trong những bài thuốc Đông y đến thế. Thực tế, tác dụng của nó đã được ghi lại trong các tài liệu y học cổ truyền. Hơn nữa, cũng có một số nghiên cứu của Tây y đã kiểm chứng hiệu quả mà dược liệu này đem đến cho cơ thể. Vậy tác dụng chính của cây mần tưới là gì?

Theo Y học cổ truyền

Dựa trên nhiều tài liệu về Đông y thì cây mần tưới có tính ấm, vị cay và hơi đắng nhưng có mùi tương đối thơm nên được quy vào 2 kinh Can và Tỳ. Với những tính vị đó thì nó sẽ có đầy đủ công dụng dược lý phổ biến sau:

Tác dụng: Thông kinh, lợi tiểu, hoạt huyết, phá ứ huyết

Chuyên trị những chứng bệnh như: Kinh nguyệt không đều, ăn uống kém, ăn không ngon, mệt mỏi mất ngủ, giảm mụn nhọt.

Ngoài ra thì tinh dầu của cây còn có công dụng trị ho và diệt một vài loại côn trùng ký sinh tại động vật như: rệp, bọ chét, bọ gà, chấy rận, mọt,…

Người dân một số vùng tại Trung Quốc còn sử dụng mần tưới để làm thuốc điều kinh, bổ dạ dày, hạ sốt và lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Các nghiên cứu y học hiện đại chứng minh trong thành phần từ cây mần tưới chứa thành phần hóa học:

Tinh dầu, alkaloid

Các hợp chất terpenoid và acid phenolic như b-Sitosterol, taraxasteryl acetat, acid o-coumaric, và trans-melilotosid

p-cymene

Neryl acetate

Thymol và isothymol

Nhờ những thành phần trên mà cây mần tưới mang đến nhiều công dụng trị bệnh tuyệt vời.

Điều trị buồn nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng

Có hoạt tính kháng nhiều loại vi khuẩn

Ức chế virus RNA sao chép nhờ tăng sản xuất các interferon, các cytokins tiền viêm, điều hòa đáp ứng miễn dịch khởi đầu của các đại thực bào mô nhờ các chất quercetin, psoralen, và quercitrin.

Chống oxy hóa

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường

Ức chế tăng sinh mạch máu ở các khối u và chống ung thư di căn nhờ giảm hoạt tính của MMP-9, giảm kích hoạt các yếu tố NF-κB, giảm phosphoryl hóa p38 và JNK.

Công dụng, bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây mần tưới
Cây mần tưới có một số công dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Ảnh internet

Bài thuốc chữa bệnh từ mần tưới

Bài thuốc điều trị rong kinh

Chuẩn bị: Mã đề, ké hoa vàng và chỉ thiên mỗi vị 15g, mần tưới 20g.

Thực hiện: Đem sắc uống đều đặn.

Bài thuốc trị thống kinh (đau bụng kinh) và kinh nguyệt không đều

Chuẩn bị: Hương phụ, mần tưới, ngải cứu, nhọ nồi và ích mẫu mỗi vị 15g.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

Bài thuốc chữa chứng chậm kinh, máu kinh xấu, thường ra màu nâu đen

Chuẩn bị: Nghệ xanh, ngưu tất, ích mẫu và hương phụ (tứ chế) mỗi vị 16g, chỉ xác, tô mộc và mần tưới mỗi vị 12g.

Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

Bài thuốc trị tỳ vị hư yếu khiến tiêu hóa kém, bụng đầy trướng và đau tức ngực

Chuẩn bị: Trần bì 6g, lá sen và hậu phác mỗi vị 8g, bán hạ chế, mần tưới, đại phúc bì và hoắc hương mỗi vị 12g.

Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

Bài thuốc trị người nóng vào buổi chiều, miệng đắng, đi tiểu vàng, rêu lưỡi nhờn hơi vàng

Chuẩn bị: Hoàng cầm, hoắc hương và bán hạ chế mỗi vị 12g, ý dĩ nhân, hoạt thạch mỗi vị 16g, hoàng liên 6g, mần tưới, chỉ thực, hậu phác mỗi vị 8g.

Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

Bài thuốc chữa mụn nhọt sưng chưa sinh mủ, da sưng tấy, bầm tím do chấn thương

Chuẩn bị: 1 nắm mần tưới tươi khoảng 50g.

Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và giã nát với 1 ít muối, sau đó đắp lên chỗ sưng đau.

Bài thuốc giải cảm do nắng nóng

Chuẩn bị: 100g lá mần tưới non.

Thực hiện: Đem nấu canh ăn trong ngày, nên dùng khi canh còn nóng. Sử dụng liên tục trong vòng 3 ngày.

Bài thuốc giúp kích thích tiêu hóa và giải nhiệt cơ thể

Chuẩn bị: Mần tưới 20g (hái trước khi cây có hoa, thái nhỏ rồi sấy khô).

Thực hiện: Sắc với 300ml nước, còn lại 100ml dùng uống hằng ngày.

Bài thuốc trị chứng mất ngủ, mệt mỏi và ăn uống kém ở phụ nữ sau khi sinh

Chuẩn bị: Rẻ quạt 4g, nhân trần 6g, ngải cứu 10g, vỏ quả bưởi đào khô 4g, mạch môn và mần tưới mỗi vị 20g.

Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang, nên dùng liên tục trong vòng 10 ngày.

Bài thuốc giúp giảm gàu ở da đầu

Chuẩn bị: Lá bưởi 20g, bồ kết 3 – 5 quả và mần tưới tươi 25g.

Thực hiện: Đun dược liệu rồi lấy nước gội đầu. Nên gội 2 lần/ tuần.

Bài thuốc giúp xua đuỗi muỗi

Chuẩn bị: Lá mần tưới tươi 20g.

Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và xát trực tiếp lên chân tay để xua đuỗi muỗi. Cách này có hiệu quả trong vòng 2 – 3 giờ. Có thể xát lại nếu cần thiết.

Công dụng, bài thuốc chữa bệnh tuyệt vời từ cây mần tưới
Bộ phận mần tưới thường dùng đề làm thuốc là thân và lá cây. Ảnh internet

Lưu ý khi dùng mần tưới chữa bệnh

Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị cao nhất thì các bạn cần lưu ý những điều sau:

Chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua ngoài

Chống chỉ định với người bị huyết nhiệt và âm hư; đối với phụ nữ có thai, mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng

Không tự ý uống cùng với các loại thảo dược hoặc thuốc tây y khác khi chưa được chỉ định

Dùng ấm đất hoặc ấm sứ để sắc thuốc, hạn chế dùng ấm kim loại vì giảm dược tính của thuốc

Tránh một số loại thực phẩm cần kiêng trong khi sử dụng cây mần tưới chữa bệnh để tăng hiệu quả điều trị.

Mần tưới là một vị thuốc Nam có hoạt tính chống ung thư và nhiều tác dụng tốt trong điều trị bệnh. Tuy nhiên quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn về chỉ định cũng như liều lượng sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như tránh các tác dụng không mong muốn./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *