Những cây thuốc Nam hỗ trợ, phòng và điều trị bệnh gan

Gan là bộ phận quan trọng trong cơ thể, có chức năng lọc máu, thanh lọc cơ thể và bài tiết độc tố. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, lá gan của chúng ta dễ bị tổn thương và suy giảm chức năng. Hỗ trợ phòng và điều trị những tổn thương này, chúng ta có thể sử dụng thuốc giải độc gan từ các loại thảo dược trong cuộc sống.

Những cây thuốc Nam hỗ trợ, phòng và điều trị bệnh gan mật
Một số cây thuốc nam khi sử dụng đúng liều lượng và cách dùng sẽ có tác dụng tốt đối với hoạt động chức năng của gan, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan,…. Ảnh internet

Vai trò, chức năng của gan

Gan là tạng lớn nhất của cơ thể, chiếm khoảng 2% tổng khối lượng cơ thể, khoảng 1,5 kg ở ngưởi trưởng thành. Gan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể, điển hình phải kể đến gồm: Lọc và dự trữ máu, chuyển hóa carbohydrate, protein, chất béo, hormon và các chất ngoại lai, hình thành mật, dự trữ vitamin và sắt, tổng hợp các yếu tố đông máu.

Vai trò giải độc của gan

Gan là một tạng lớn nhất của cơ thể, vừa có chức năng ngoại tiết, vừa có chức năng nội tiết, vừa là kho dự trữ của nhiều chất, vừa là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể và có tính chất sinh mạng.

Chức năng chuyển hóa

Sự chuyển hóa các chất cơ bản (glucid, lipid, proid) diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau trong c ơ thể, nhưng ở gan quá trình chuyển hóa này diễn ra rất mạnh mẽ.

Chuyển hóa glucid

Glucid cung cấp năng lượng sống cho cơ thể (nó đảm bảo 2/3 toàn bộ năng lượng sống trong cơ thể). Chuyển hóa glucid tại gan thông qua quá trình tổng hợp glycogen dự trữ cho cơ thể và tăng phân giải glycogen cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Chuyển hóa lipid

Chuyển hóa lipid chủ yếu xảy ra ở gan. Các acid béo đến gan phần lớn tổng thợp thành triglyceride, phospholipid, cholesterol ester. Từ các chất này gan tổng hợp tạo lipoprotein và đưa vào máu để vận chuyển đến các tổ chức, tế bào khắp cơ thể.

Chuyển hóa protid

Với protein, gan là một trung tâm chuyển hóa quan trọng đồng thời cũng là một kho dự trữ quan trọng nhất của cơ thể.

Protein được dự trữ ở gan dưới dạng nhiều protein enzyme và một số protein chức năng. Các protein này khi phân giải sẽ tạo thành các acid amin đưa vào máu cung cấp cho các tế bào khác trong cơ thể.

Chức năng chống độc

Gan được xem như là một lá chắn của cơ thể có tác dụng ngăn chặn các chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, đồng thời làm giảm độc tính và thải trừ một số chất cặn bã do chuyển hóa chất trong cơ thể tạo nên.

Gan thực hiện chức năng chống độc bằng 2 cách như sau:

Bằng các phản ứng hóa học: đây là cơ chế chủ yếu để biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi đào thải qua đường thận. Các phản ứng hóa học bao gồm: phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp và phản ứng oxy hóa khử.

Bằng cách cố định và thải trừ một số kim loại nặng, các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại không biến đổi gì và đào thải ra ngoài qua đường mật.

Chức năng tạo mật

Mật được sản xuất liên tục từ tế bào gan và được dự trữ cô đặc ở túi mật rồi từ đó được bơm xuống ruột non trong các bữa ăn. Mật có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu, giúp hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể.

Chức năng dự trữ

Dự trữ các vitamin tan trong dầu : Gan vừa có tác dụng làm tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu nhờ chức năng bài tiết mật, vừa là nơi dự trữ các vitamin ấy. Một số vitamin tan trong dầu được dự trữ tại gan như : vitamin A, vitamin D, vitamin E ..

Dự trữ vitamin B12: Vitamin B12 sau khi được hấp thụ sẽ được vận chuyển về gan và dự trữ ở đó rồi được giải phóng dần cho cơ thể sử dụng. Lượng dự trữ vitamin B12 ở gan rất lớn, có thể dùng cho cơ thể khoảng 2 năm ở điều kiện bình thường .

Dự trữ sắt: Sắt được dự trữ tại gan dưới dạng liên kết với apoferritin. Từ gan, sắt được vận chuyển dần tới tủy xương, tham gia vào quá trình tạo hồng cầu.

Dự trữ máu: gan là cơ quan nhận được nhiều máu nhất trong cơ thể. Do đặc điểm cấu tạo của gan, các tế bào nội mạc của các xoang mạch nam hoa không gắn chăt vào nhau mà chỉ xếp chồng lên nhau, khiến cho các xoang này dễ giãn và giãn to hơn bình thường và như vậy sẽ chứa được nhiều máu hơn ở các mạch khác trong cơ thể, thực hiện chức năng dự trữ máu.

Những cây thuốc Nam hỗ trợ, phòng và điều trị bệnh gan mật

Để giải độc gan bằng phương pháp dân gian có hiệu quả, bệnh nhân cần được hướng dẫn, tư vấn điều trị bởi các bác sĩ y học cổ truyền, tránh “tiền mất tật mang”. Dưới đây là một số cây thuốc có thể hỗ trợ chức năng gan:

Những cây thuốc Nam hỗ trợ, phòng và điều trị bệnh gan mật
Theo Y học cổ truyền cây an xoa có tính bình, có tác dụng mát gan, giải độc, tăng cường và phục hồi chức năng gan. Ảnh internet

Cây an xoa

Cây an xoa hay còn gọi là cây tổ kén cái, được nhiều người truyền tai nhau là cây thuốc nam chữa bệnh gan rất hiệu quả. Cây an xoa thuộc loại thân gỗ, mọc thành từng cụm, lá rộng to bằng bàn tay và có lông trắng, cứng. Cây nở hoa màu tím, quả dài và nhỏ như hình con sâu, quả còn non có màu xanh nhưng càng về già thì càng lộ màu nâu.

Cây an xoa tính bình, có tác dụng mát gan, giải độc, tăng cường và phục hồi chức năng gan. Cây an xoa được dùng như là cây thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gan, gồm viêm gan siêu vi B, C, men gan cao, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Ngoài ra, cây có tác dụng chữa đau lưng, nhức mỏi, da xanh, mất ngủ, hỗ trợ chữa bệnh đại tràng, bệnh trĩ và kích thích tiêu hóa.

Cách sử dụng cây an xoa là rửa sạch, cắt nhỏ, phơi khô, sau đó sao vàng hạ thổ rồi đem nấu nước uống. Ban đầu thì nấu thành một chén nhỏ thật đặc, sau đó lấy bã còn trong bình nấu loãng thêm 2 chén nữa.

Cây an xoa mọc ở nhiều nơi, trong đó được tìm thấy nhiều ở khu vực tỉnh Bình Phước, nơi gần biên giới, mọc hoang gần các đường mương hoặc nơi ẩm ướt.

Atisô

Cây atisô, tên khoa học là Cynara scolymus, vừa cây thuốc quý, vừa được xem là một loại thực phẩm chữa bệnh gan. Cây atisô có tính mát, vị đắng nhẹ, hương thơm dịu. Atisô có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, đã được người Hy Lạp cổ đại trồng làm rau ăn và làm thuốc và được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930 bởi người Pháp.

Atisô có tác dụng nhuận gan, nhuận tràng, lợi tiểu, tăng tiết mật, thông mật, hạ cholesterol máu, bảo vệ gan và chống độc. Atisô được coi là cây chữa bệnh gan vì nó làm sạch các độc tố trong gan, từ đó làn da cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Chất chống oxy hóa cynarin và silymarin trong atisô có tác dụng phục hồi chức năng của gan. Ngoài ra, việc kích thích sự tiết dịch của gan khiến atisô có tác dụng giảm triệu chứng ợ nóng và xây xẩm sau khi say xỉn.

Không chỉ được dùng cho các bệnh về gan, tác dụng của atisô còn mở rộng sang phòng chống xơ vữa động mạch và giảm tình trạng tăng mỡ trong máu hoặc trị chứng khó tiêu.

Atisô có thể sử dụng để nấu canh như một loại rau củ hoặc cây còn được phơi khô làm trà và dược liệu. Bạn cũng có thể ngâm hoa atisô đỏ với đường để tạo nên một thức uống thơm ngon và tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, atisô không nên dùng cho những người bị tắc ống mật, bị sỏi mật hoặc những người bị dị ứng với atisô.

Rau đắng đất

Rau đắng đất hay còn gọi biển súc, cây càng tôm, cây xương cá (tên khoa học: Polygonum aviculare L) là một loại cây mọc nhiều ở vùng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Theo y học cổ truyền, toàn cây rau đắng đất có vị đắng, tính mát, bổ gan, thận. Cây có tác dụng lợi tiêu hóa, nhuận gan, ích mật, thanh nhiệt. Do vậy, rau đắng đất cũng là một loài cây được dùng chữa viêm gan, làm mát gan và tiêu độc cho cơ thể rất hiệu quả.

Theo y học hiện đại, rau đắng đất có chứa hàm lượng vitamin C khá cao giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm bền vững thành mạch. Ngoài ra, cây còn có chứa nhiều chất có khả năng kháng khuẩn rất tốt.

Ngoài việc sử dụng như là một loại dược liệu chữa bệnh gan, rau đắng đất còn thường được dùng làm gia vị trong các món ăn ngon như cháo cá lóc, cá kho tộ, lẩu cá kèo, lẩu mắm.

Những cây thuốc Nam hỗ trợ, phòng và điều trị bệnh gan mật
Theo Y học cổ truyền, diệp hạ châu có vị đắng, tính mát, tác dụng nổi bật nhất là thanh can, giải độc gan, hỗ trợ chữa viêm gan siêu vi. Ảnh internet

Diệp hạ châu

Diệp hạ châu thường được gọi là cây chó đẻ răng cưa, tên khoa học là Phyllanthus urinaria L, mọc phổ biến ở nông thôn tại những vùng đất ẩm.

Theo Y học cổ truyền, diệp hạ châu có vị đắng, tính mát, tác dụng nổi bật nhất là thanh can, giải độc gan, hỗ trợ chữa viêm gan siêu vi.

Diệp hạ châu là loại thảo dược không thể thiếu trong các bài thuốc chữa viêm gan, viêm gan do virus B. Ngoài ra, cây còn có tác dụng bảo vệ gan đối với những người uống nhiều bia rượu, giảm nguy cơ nhiễm độc gan.

Cách sử dụng loại cây này rất đơn giản khi chỉ cần phơi khô, sao vàng rồi đun lấy nước uống hằng ngày. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng loại cây này quá nhiều trong ngày vì cây có tính mát, nếu lạm dụng sẽ gây lạnh gan, dẫn tới xơ gan.

Cây kế sữa

Cây kế sữa có hiệu quả tốt trong điều trị men gan tăng, gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan do rượu bia. Cây kế sữa (cúc gai) đã có mặt hầu khắp các nước trên thế giới.

Ở Mỹ, có đến 1/3 dân số sử dụng các thuốc từ kế sữa một cách thường xuyên để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Ở Châu Âu như Pháp, Đức, Italia, các sản phẩm này cũng đã được ưa chuộng và tin dùng từ lâu.

Hoạt chất có tác dụng chữa bệnh của cây kế sữa chính là Silymarin với tác dụng cố cấu trúc màng tế bào gan, làm cho một số những chất độc nhất định không vào được tế bào.

Silymarin thúc đẩy tổng hợp RNA polymerase A (còn được gọi là polymerase 1), tăng tổng hợp ribosom, dẫn đến tăng tổng hợp tế bào gan mới thay thế. Ngày nay, Silymarin được dùng để điều trị những trường hợp nhiễm độc gan, hỗ trợ điều trị viêm gan mạn và xơ gan như viêm gan mạn tính, gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và những hóa chất độc hại.

Ngũ vị tử

Ngũ vị tử có tác dụng tái tạo các nhu mô gan bị tổn thương. Thành phần lignin trong Ngũ vị tử có tính bảo vệ gan rõ rệt. Phần lớn báo cáo cho biết thuốc Ngũ vị tử tăng tồn trữ glycogen và sử dụng glucose, cũng như mức acid lactic. Ngũ vị tử là vị thuốc kháng khuẩn, bảo vệ gan, cường tim và an thần.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, ngũ vị tử có tác dụng chống độc cho gan. Các lignan trong ngũ vị tử có tác dụng làm giảm tổn thương gan trong các trường hợp viên gan virus mạn tính. Ngũ vị tử được dùng để điều trị viêm gan mạn tính có nồng độ transaminase huyết thanh cao, tổn thương gan, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, stress mạnh…

Vị thuốc này còn có tác dụng hồi phục chức năng gan và làm giảm ALT huyết thanh nhanh trong viêm gan mạn tính, kích thích cytochrom P450 làm tăng khả năng giải độc trong cơ thể. Ngũ vị tử làm tăng tổng hợp protein trong gan và làm tăng hoạt động các tiểu thể gan, các tiểu thể này làm tăng khả năng giải độc và tăng hoạt động chức năng gan

Nhân trần

Là phần trên mặt đất của cây nhân trần (Adenosma caeruleum R.Br.), họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta. Toàn cây có vị hơi đắng, mùi thơm dễ chịu do chứa tinh dầu. Theo Đông y, nhân trần có tác dụng thanh lợi thấp nhiệt, thoái hoàng, lợi mật, giải độc. Trị viêm gan hoàng đản, viêm gan vàng da, lòng trắng mắt bị vàng, kể cả thể dương hoàng (viêm gan cấp tính) hoặc âm hoàng (viêm gan mạn tính); trị viêm gan virut B. Liều dùng 12-16g/ngày, sắc hoặc hãm uống. Để tăng hiệu quả điều trị, có thể phối hợp nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 4g, sắc uống ngày 1 thang, uống liền 3 – 4 tuần.

Bồ bồ

Là phần trên mặt đất của cây bồ bồ hay còn gọi là nhân trần bồ bồ [Adenosma indianum (Lour.) Merr.], họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta. Toàn cây có vị đắng, mùi thơm hắc do chứa tinh dầu. Bồ bồ gây tăng tiết mật rõ rệt, nhất là dạng cao cồn. Dùng trị viêm gan, vàng da; còn dùng trị cảm mạo phong nhiệt hoặc viêm ruột với liều 8-12g, hãm hay sắc uống.

Nghệ

Là thân rễ của cây nghệ (Curcuma longa L.), họ gừng (Zingiberaceae).

Nghệ chứa tinh dầu, chủ yếu là phellandren, borneol, curcumin… Chất curcumin gây co bóp túi mật và tác dụng giảm cholesterol trong máu, chống viêm, giảm đau. Dùng nghệ, đặc biệt là curcumin để trị viêm gan vàng da hoặc dịch mật bài tiết khó khăn.

Ngoài ra, còn nhiều vị thuốc khác có tác dụng tốt cho gan, mật, như chi tử (Fructus Gardeniae) có tác dụng tăng bài tiết dịch mật; ngũ vị tử (Fructus Schisandrae chinensis) tăng tác dụng chống oxy hoá, bảo vệ và tái tạo tế bào gan, khi gan bị viêm nhiễm; cà gai leo trị các xơ gan; cúc gai hay còn gọi là kế sữa, chứa silymarin, tác dụng ức chế virut viêm gan C, chống oxy hóa giúp tế bào gan tránh khỏi bị hủy hoại do viêm gan.

Những cây thuốc Nam hỗ trợ, phòng và điều trị bệnh gan mật
Theo Y học cổ truyền, cây mã đề tính hàn, vị ngọt, không độc, lợi về kinh can, thận và tiểu trường. Ảnh internet

Cây mã đề

Mã đề cũng là cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh gan. Mã đề có tính mát, được dùng nhiều trong những trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận, mắc các bệnh về gan.

Có thể dùng cây mã để hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan cổ trướng, đặc biệt hiệu quả khi kết hợp cùng với các loại thảo dược khác như quả dứa dại, cây chó đẻ và bột tam thất bắc.

Hoa cúc

Để giải độc gan và cải thiện sức khỏe, hoa cúc là một lựa chọn tuyệt vời. Với vị ngọt ngào và tính mát, hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt giải độc và làm dịu căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, nó còn có tác dụng phòng ngừa ung thư, tiêu độc, kháng khuẩn và hạ huyết áp.

Có thể kết hợp hoa cúc với các loại thảo dược khác như hoa kim ngân sắc, cam thảo có thể đem lại hiệu quả tốt hơn.

Cây nhọ nồi

Có tính hàn, vị ngọt và không chứa độc tính. Loại thảo dược này không chỉ có tác dụng chữa cảm sốt hiệu quả mà còn là vị thuốc bổ thận, mát gan rất lành tính. Cỏ nhọ nồi giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ các chứng tâm thận nóng rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, đây cũng là cây thuốc Nam giải độc gan hiệu quả, cải thiện chức năng gan cũng như chữa bệnh lý về gan hay triệu chứng vàng da. Cỏ nhọ nồi có thể được sắc nước uống giải độc gan hoặc tán thành bột mịn rồi trộn với nước cơm để dùng.

Cà gai leo

Cây cà gai leo có tác dụng tiêu độc, khi chế biến thành trà giải độc gan có thể trị gan nóng và gan yếu. Các chất dinh dưỡng như các saponin steroid, solasodinon, flavonoid và glycoalkaloid có trong cây cà gai leo giúp hỗ trợ việc điều trị viêm gan vi rút, ngừa tăng trưởng khối u và ngăn chặn các chứng xơ vữa động mạch.

Cây cà gai leo còn được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để giải rượu và cải thiện các triệu chứng chướng bụng, vàng mắt vàng da, mệt mỏi và táo bón.

Bìm bìm biếc

Bìm bìm biếc (tên khoa học: Pharbitis nil (L.) Choisy) còn gọi là Bìm lan, Khiên ngưu, Hắc sửu thuộc họ khoai lang. Chúng mọc hoang ở các hàng rào hay lùm bụi cây.

Bìm bìm biếc là một cây thuốc được dùng rất phổ biến trong kinh nghiệm dân gian. Hạt phơi khô của cây bìm bìm trong Đông y gọi là Khiên ngưu tử có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, tác động vào 3 kinh: phế, thận, đại tràng. Hạt bìm bìm biếc có tác dụng trừ thủy phần, bí đại tiểu tiện, trị bụng trướng do xơ gan hay viêm thận mạn tĩnh, lợi tiểu, tiêu sưng, sát trùng, tẩy giun…

Đông y thường sử dụng Bìm bìm biếc kết hợp với actiso, rau đắng đất, diệp hạ châu cho những người có vấn đề về gan, suy giảm chức năng gan do dùng nhiều rượu bia để tăng khả năng đào thải độc tố cho cơ thể. Tuy nhiên, việc sử dụng các vị thuốc này cần có liều lượng hợp lý.

Tóm lại, một số loại thuốc nam có tác dụng nhất định trong việc giải độc gan, hỗ trợ điều trị chức năng gan. Tuy nhiên, việc sử dụng các cây thuốc nam không đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đôi khi gây hại cho chính lá gan của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân nghi ngờ hoặc được chẩn đoán nhiễm độc gan cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các phương pháp dân gian để điều trị bệnh./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *