Rau diếp – Lactuca sativa L var longifolia Lam, thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Cây thảo sống 1-2 năm, có thân thẳng hình trụ. Lá mọc ngay từ gốc thân, càng lên càng nhỏ dần; lá ở gốc có cuống còn lá ở thân không cuống. Khác với các thứ xà lách là lá không cuộn bắp và lá mềm nhẵn, màu xanh thẫm. Cụm hoa gồm nhiều đầu hoa hợp lại thành chuỳ kép, mỗi đầu có 10-24 hoa dạng lưỡi nhỏ màu vàng. Quả bế hình trái xoan dẹp, màu nâu, có mào lông trắng.
Ra hoa tháng 3-4.
Bộ phận dùng: Phần cây trên mặt đất – Herba Lactucae Longifoliae.
Nơi sống và thu hái: Rau diếp chỉ là một thứ của xà lách vốn xuất xứ từ châu Âu, được nhập vào trồng ở nước ta. Hiện ta có các chủng như diếp vàng, diếp xanh, diếp ngõ và diếp lưỡi hổ. Rau diếp chịu nóng khá hơn, có thể trồng sớm muộn được.
Thành phần hoá học: Trong rau diếp tươi có 92,3% nước, 1,7% protid, 0,5% lipid, 9% cellulose, 3,2% dẫn xuất khô protein và 1% khoáng toàn phần.
Người ta còn biết cây có nhiều Vitamin (E. G.K và cholin và các muối khoáng. Trong cây có 0,023mg% As. Cây tươi cho 0,0038% và cây khô chứa 0,071% acid oxlic. Trong cây alcaloid lactucopicrin và cũng như các thứ khác cùng loài các loài cũng chỉ Lactuca, đều chứa Lactucarinum.
Tính vị, tác dụng: Có vị đắng, tính lạnh; có tác dụng bổ gân cốt, lợi cho tạng phủ, thông kinh mạch, lợi khí làm thông miệng, sáng mắt, dễ ngủ và giải độc rượu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Rau diếp thường dùng làm rau ăn sống, trộn đều giấm hoặc làm cuốn diếp. Cũng được làm thuốc thông sữa, thông tiểu, sát trùng.
Ở Ấn Ðộ, người ta dùng Rau diếp như xà lách làm thuốc gây buồn ngủ trong bệnh viêm khí quản, hen suyễn, còn dùng ngoài trị bỏng và loét nhức nhối.
Ðơn thuốc tham khảo:
1. Sữa không thông: Dùng 100g rau diếp đem sắc nước thêm một chén rượu uống.
2. Tiểu tiện không thông hoặc đái ra máu: Dùng một nắm rau diếp giã nhỏ đắp lên trên rốn.
3. Sâu kiến trong tai không ra: Dùng rau diếp vắt lấy nước cốt nhỏ vào tai.