Trị lạnh tay, chân theo phương pháp Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân của chứng lạnh tay, chân là do khí huyết không lưu thông dẫn đến tắc nghẽn mạch, là một dạng “bế trứng”. Khi trời chuyển lạnh hoặc cơ thể bị lạnh, các can mạch cũng bị lạnh làm cho chức năng tái tạo máu của gan bị ảnh hưởng, dẫn đến thận không đủ dưỡng khí.

Nguyên nhân dẫn đến chứng tay, chân lạnh

Tay chân lạnh không liên quan đến thời tiết môi trường xung quanh được xem là một dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe bất thường của cơ thể. Do đó những người hay bị tay chân lạnh tuyệt đối không được quá chủ quan với tình trạng này. Vậy bị tay chân lạnh phải làm sao? Trước hết chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Hệ tuần hoàn trong cơ thể có vấn đề, trong đó có thể bao gồm việc tim hoạt động kém hiệu quả. Hệ tuần hoàn suy yếu khiến quá trình lưu thông máu không ổn định sẽ khiến lượng máu đưa đến chân tay không đầy đủ và dẫn đến tình trạng tay chân lạnh;

Thiếu máu được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng tay chân lạnh khi số lượng hồng cầu hạ thấp so với nhu cầu cơ thể. Bên cạnh những triệu chứng của thiếu máu thông thường, bệnh nhân sẽ có biểu hiện tay chân lạnh dù cho thời tiết nóng hay lạnh;

Khí huyết kém lưu thông: Nhiệt độ môi trường hạ thấp khiến các thành mạch, đặc biệt là mạch ngoại vi ở tay chân, co lại. Khí huyết không lưu thông thuận lợi, đặc biệt là tắc nghẽn mạch máu không hoàn toàn, sẽ biểu hiện triệu chứng tay chân lạnh;

Sự thay đổi hormone, đặc biệt là các hormone sinh sản, cũng có thể dẫn đến chứng tay chân lạnh. Chính vì vậy mà tình trạng này hay gặp ở nữ hơn nam giới. Cơ thể phụ nữ vào chu kỳ hành kinh do mất đi một lượng máu tương đối nhiều khiến thân nhiệt cơ thể giảm đi đôi chút, trong đó bao gồm nhiệt độ tay chân;

Một số bệnh lý: Những người có tiền sử bệnh lý như tim mạch, viêm tĩnh mạch, tắc mạch máu tay chân thường xuyên tay chân lạnh. Ngoài ra, trạng thái tinh thần căng thẳng và mệt mỏi cũng có thể làm chứng bệnh này thêm trầm trọng.

Trị lạnh tay, chân theo phương pháp Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân của chứng lạnh tay, chân là do khí huyết không lưu thông. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Chữa lạnh tay, chân bằng các bài thuốc Y học cổ truyền

Lạnh tay, chân do thận dương suy yếu

Biểu hiện lạnh tay chân, đau lưng mỏi gối, da xanh, sức yếu, ăn uống kém, hay bị hoa mắt chóng mặt. Nếu là nam giới dễ bị tảo tiết, ngủ mơ, tim hồi hộp. Phép trị là ôn bổ thận dương. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: Phá cố chỉ 6g, nhục thung dung 10g, ngũ gia bì 16g, sơn thù 12g, tần giao 12g, hoàng kỳ 12g, mẫu lệ chế 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đại táo 3 quả, ngải diệp 12g, trần bì 10g, cam thảo 10g, quế 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 2: Thục địa (sao khô) 12g, đậu đen (sao thơm) 16g, ngũ gia bì 16g, cẩu tích 12g, ngải diệp 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, khởi tử 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 10g, quế 8g, thiên niên kiện 10g, trần bì 10g, đại táo 3 quả, sinh khương 4g, phòng sâm 12g, cam thảo 12g, ngũ vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 3: Phòng sâm 12g, đương quy 12g, thục địa 10g, liên nhục 12g, tơ hồng xanh 16g, cẩu tích 16g, phụ tử 6g, sinh khương 4g, ngải diệp (khô) 12g, tần giao 12g, tế tân 10g, dâm dương hoắc 10g, trạch tả 12g, sơn thù 16g, tất bát 12g, lương khương 10g, chích thảo 12g, hoàng kỳ 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. 10 – 13 ngày một liệu trình.

Lạnh tay, chân do tỳ hư

Biểu hiện chân tay lạnh, dày da bụng, da xanh, môi nhợt, bụng đau âm ỉ, thỉnh thoảng sôi bụng, phân lỏng, ăn uống kém, chân tay yếu mềm. Phép trị là ôn bổ tỳ dương. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: Bạch truật (sao hoàng thổ) 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, trần bì 12g, đại táo 6 quả, củ đinh lăng 16g, ngũ gia bì 12g, quế 8g, sa nhân 10g, hoàng kỳ (sao mật) 12g, sinh khương 4g, chích thảo 12g, đương quy 12g, hậu phác 10g, thần khúc 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: Cao lương khương 12g, ngũ gia bì 12g, ngải diệp 10g, bạch truật 16g, đương quy 12g, hậu phác 10g, sinh khương 6g, phòng sâm 16g, hà thủ ô 16g, rễ đinh lăng 16g, cây ngấy hương 16g, trần bì 10g, thần khúc 10g, chích thảo 12g, quế 8g, đại táo 6 quả. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Một số bài thuốc khác

Thường xuyên lạnh tay chân, thể lực yếu, mệt mỏi…: Sử dụng bài Thập toàn đại bổ gia giảm bao gồm các thành phần là nhân sâm, bạch truật, phục linh, thục địa, đương quy, xuyên khung, hoàng kỳ, chích thảo, nhục quế, càn khương… Bệnh nhân đem tất cả sắc uống với công dụng đại bổ khí huyết. Bài thuốc này thích hợp với người thường xuyên bị tay chân lạnh đồng mắc các bệnh như đái tháo đường, huyết áp thấp, ốm lâu ngày…;

Thường xuyên lạnh tay kèm da xanh mét hoặc vàng úa, ăn uống kém, tiêu lỏng lâu ngày do tỳ vị khí hư có thể sử dụng bài thuốc Tứ quân tử thang gia giảm bao gồm các thành phần nhân sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, càn khương. Bệnh nhân có thể sắc hoặc tán thành bột uống với tác dụng ích khí, kiện tỳ, dưỡng vị… Bài thuốc này rất tốt cho người tay chân lạnh kèm tỳ vị dương khí yếu;

Chân lạnh phải làm sao? Những người chỉ lạnh chân kèm tiểu tiện không tự chủ, thủy thũng, đại tiện lỏng buổi sáng do thận dương hư “hỏa hư” có thể dùng bài Thận khí hoàn gia giảm với các thành phần thục địa, hoài sơn, đơn bì, phục linh, trạch tả, nhục quế, phụ tử, bổ cốt chỉ… Bài thuốc này có công dụng ôn bổ thận dương nên thích hợp cho người thường xuyên lạnh hai chân, hoặc trên đầu nóng dưới chân lạnh.

Trị lạnh tay, chân theo phương pháp Y học cổ truyền
Có thể áp dụng những cách chữa lạnh chân bằng những bài thuốc Y học cổ truyền. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Chữa lạnh tay, chân bằng động tác massage

Đại chùy: Cách xác định là cho bệnh nhân ngồi cúi đầu, quay cổ qua trái hoặc phải, khi đó u xương nào cao nhất và động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ 7, huyệt đại chùy sẽ nằm ngay chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7;

Quan nguyên: Vị trí dưới rốn 3 tấc, trên bờ xương mu;

Khí hải: Vị trí dưới gai sống thắt lưng số 3, đo ngang ra 1.5 tấc;

Túc tam lý: Vị trí huyệt này ở dưới mắt cá ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước và khe giữa xương chày và xương mác;

Thận du: Vị trí dưới gai sống thắt lưng số 2 đo ngang ra 1.5 tấc. Huyệt này nằm ngang với huyệt mệnh môn;

Mệnh môn: Chỗ lõm dưới đầu mỏm gai đốt sống thắt lưng số 2;

Dũng tuyền: Co bàn chân và các ngón chân, chỗ lõm xuất hiện ngay ở 1⁄3 trước gan bàn chân chính là huyệt dũng tuyền.

Trị lạnh tay, chân theo phương pháp Y học cổ truyền
Bên cạnh các bài thuốc như trên, có thể áp dụng các cách chữa lạnh chân, lạnh tay bằng động tác massage các huyệt. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Một số biện pháp phòng ngừa chứng tay, chân lạnh

Một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý sẽ hỗ trợ bàn tay, bàn chân luôn ấm áp, ngay cả khi nhiệt độ môi trường xung quanh xuống thấp vào mùa đông. Sau đây là một số biện pháp dự phòng chứng tay chân lạnh:

Giữ ấm cơ thể: Khi thời tiết trở lạnh, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý giữ ấm tay chân, đặc biệt là bàn chân. Trong đó nên ưu tiên sử dụng các loại tất chân hoặc bao tay mềm mại, có khả năng giữ ấm cũng như thấm hút mồ hôi tốt;

Buổi tối trước khi đi ngủ, bệnh nhân hãy ngâm chân tay theo những cách liệt kê ở trên hoặc ngâm trong nước ấm pha chút muối từ 10 – 15 phút. Sau đó lau khô rồi đi tất ấm và tuyệt đối không để tay chân tiếp xúc với đất hoặc nước lạnh. Đồng thời, bệnh nhân có thể cho vào nước ngâm chân một chút tinh dầu hoa cúc, nhục quế hoặc oải hương vì chúng hỗ trợ khí huyết lưu thông dễ dàng hơn;

Hạn chế mang tất chân, bao tay hoặc mặc quần áo quá chật để giữ ấm vì như vậy cũng không tốt cho việc lưu thông máu trong cơ thể;

Thường xuyên vận động: Vận động nhiều sẽ làm “ấm nóng” cơ thể, qua đó tăng cường và điều tiết quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể. Bệnh nhân bị tay chân lạnh không được để chân tay “ngủ yên” trong những đôi tất ấm mà hãy vận động thường xuyên để giúp giãn nở mạch máu và lưu thông khí huyết tốt hơn;

Ăn uống hợp lý. Những thực phẩm chứa nhiều calo và chất béo sẽ là sự lựa chọn của bệnh nhân tay chân lạnh trong mùa đông giá rét vì chúng cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng để sản sinh nhiệt lượng “sưởi ấm” cơ thể;

Đừng quên bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, vitamin C, E và các acid amin. Các loại vitamin và khoáng chất này hỗ trợ sản sinh tế bào hồng cầu trong máu và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bệnh nhân ăn nhiều cà rốt, cà chua, súp lơ, ớt, tiêu…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *