Nhà báo, Nhà nghiên cứu y học Phương Đông Nguyễn Thái Hà – Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt. |
– Xin ông vui lòng cho biết thuận lợi, khó khăn và một số thành tựu trong công tác truyền thông của Hội thời gian qua?
– Hội Nam y Việt Nam tuy mới thành lập được 6 năm, nhưng sớm đã tập hợp được một đội ngũ những chuyên gia hàng đầu về y học cổ truyền tiêu biểu như: Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam; Thầy thuốc Ưu tú, Lương y, Dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam; Bác sỹ Hoàng Sầm – Chủ tịch Viện y học bản địa Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nam y Việt Nam…
Một trong những tín hiệu rất đáng khích lệ là sự tăng trưởng của hội viên Hội Nam y Việt Nam. Tính đến tháng 5/2023 Hội đã có 47 chi hội ở nhiều địa phương trong cả nước với hơn 3.000 hội viên đã và đang hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh (dùng thuốc, không dùng thuốc) và sản xuất thuốc Nam. Họ là những lương y trong cả nước tâm huyết vì sự nghiệp y học dân tộc, khơi sáng di huấn “Nam dược dụng nam nhân” của Thiền sư, Thánh thuốc Nam Tuệ Tĩnh, thường trực ứng dụng thuốc Nam trong đời sống đương đại, góp phần bảo tồn kho tàng quý giá về thuốc Nam của dân tộc.
Những năm gần đây mặc dù nguồn tài chính chủ yếu là xã hội hóa nhưng bằng sự đồng tâm của các hội viên, Hội Nam Y Việt Nam đã có nhiều hoạt động mang ý nghĩa có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng được các cơ quan thông tin và truyền thông đánh giá cao.
Ngay ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Hội Nam y Việt Nam đã phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng Y học dân tộc và dưỡng sinh Việt thành lập Hội đồng khoa học “Nghiên cứu, ứng dụng thuốc nam phòng và hỗ trợ điều trị Covid”. Nhiều chuyên gia hàng đầu về y học dân tộc là thành viên của Hội đồng; Giáo sư Trương Việt Bình là Chủ tịch hội đồng. Các nhà khoa học và y học đã đề xuất sáng kiến thành lập Liên minh Y học Nhân dân trong cuộc chiến chống Covid. Tại Tọa đàm “Giải pháp phòng và hỗ trợ điều trị Covid – 19” do Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, đề án công phu trên đã được báo cáo và nhận được sự hưởng ứng của nhiều chuyên gia hàng đầu đất nước. Những thông tin về đề án Liên minh Y học Nhân dân trong cuộc chiến chống Covid được Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Việt Nam đưa tin cùng ngày.
“Tọa đàm tiềm năng thuốc nam phòng, hỗ trợ điều trị Covid” được tổ chức thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận. |
Cũng trong thời gian này, Hội Nam Y đã tổ chức “Tọa đàm tiềm năng thuốc nam phòng, hỗ trợ điều trị Covid” tại Vinmec – Sao Phương Đông và “Tọa đàm về giải pháp hỗ trợ điều trị sau Covid – 19” tại văn phòng Hội. Hai tọa đàm có ý nghĩa học thuật này đã thu hút được nhiều chuyên gia có uy tín về y học cổ truyền. Một số nội dung quan thiết của tọa đàm được đề cập trong phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam và một số báo chí ở trung ương.
Trong dịp Tết Nhâm Dần, được sự chỉ đạo của Hội Nam Y, Viện Nghiên cứu ứng dụng y học dân tộc và dưỡng sinh Việt cùng Y dược Sao Phương Đông đã phối hợp với VTV3 thực hiện phóng sự “Không gian số vì sức khỏe cộng đồng” (thời lượng 30 phút), kế đó Xuân Quý Mão, là phóng sự “Vì sức khỏe cộng đồng” được phát trên nhiều kênh của Đài truyền hình Việt Nam, khơi sáng thế mạnh Chăm sóc sức khỏe ban đầu của y học dân tộc trong cộng đồng. Di huấn của Hải Thượng Lãn Ông: “Hãy chữa bệnh khi chưa có bệnh, để bệnh rồi mới chữa chẳng khác gì khát mới đi đào giếng, có trận mới đúc binh đao” được thể hiện rõ tại hai phóng sự này.
– Thưa ông, trong năm qua Hội Nam Y đã có những hoạt động mang ý nghĩa cộng đồng gì nổi bật? Và ông vui lòng góp ý về định hướng hoạt động của Tạp chí Sức khỏe Việt?
– Đầu tháng 12 mới đây Hội Nam Y Việt Nam và Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã thực hiện “Chương trình khám bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí” cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn tại xã Lương Trung, Lương Ngoại (Bá Thước – một huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa).
Đoàn thiện nguyện gồm gần 50 chuyên gia về y học, có hầu hết lãnh đạo của Hội Nam Y và nhiều giáo sư, bác sĩ có uy tín, đã thăm khám tư vấn chữa bệnh, cấp thuốc cho 600 người dân; 300 xuất quà đã được gửi đến các cụ cao niên và các cháu học sinh tiểu học, mẫu giáo. Tổng số tiền và quà ủng hộ cho chương trình này là hơn 800 triệu đồng. Chương trình mang ý nghĩa cộng đồng này được truyền tải trên Báo Nhân dân, Báo Thanh Hóa, Tạp chí Sức khỏe Việt, Truyền hình thông tấn và Truyền hình Việt Nam. Phát huy thành quả này, năm nay Hội sẽ tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh từ thiện, cấp thuốc cho đồng bào nghèo ở miền núi Tây Bắc và nhiều vùng đất nước.
Chương trình “Không gian số vì sức khỏe cộng đồng” phát trên kênh VTV3. |
Tạp chí Sức khỏe Việt là cơ quan ngôn luận của Hội Nam Y với hai ấn phẩm (báo in và báo điện tử) trong năm qua đã có một số chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao chất lượng tờ báo, đáp ứng nguyện vọng của những thầy thuốc hoạt động trong lĩnh vực Y học cổ truyền và nhiều bạn đọc trên cả nước.
Tuy nhiên, tạp chí cần nâng cao nghiệp vụ làm báo cho đội ngũ biên tập và thiết kế để trở thành một tạp chí có uy tín trong lĩnh vực y học cổ truyền, là địa chỉ tin cậy về học thuật với bạn đọc. Nên mở thêm chuyên mục “Y học cổ truyền trong đời sống đương đại” đề cập vấn đề lý luận và thực hành Y học cổ truyền (ở cả hai mảng dùng thuốc và không dùng thuốc) hiện đại hóa y học cổ truyền và kết hợp hai nền y học Đông – Tây trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội Nam Y đã hội tụ được nhiều chuyên gia về Y học cổ truyền, đặc biệt là mảng thuốc nam của dân tộc, đã đến lúc cần có chính sách phù hợp để thu hút được nhiều cây viết có thẩm quyền chuyên môn đóng góp cho Tạp chí.
Tọa đàm “Nam dược dụng Nam nhân ” do Hội Nam y Việt Nam chỉ đạo, Viện Y học bản địa Việt Nam và Viện Nghiên cứu Y học dân tộc và Dưỡng sinh Việt tổ chức |
Ông Nguyễn Thái Hà phát biểu tại Tọa đàm “Nam dược dụng Nam nhân “ |
– Với tư cách là Trưởng ban tổ chức của chương trình “Dấu Ấn Việt Nam” ông vui lòng cho biết sự tham gia của Hội Nam Y Việt Nam với chương trình này như thế nào?
– Dưới sự bảo trợ của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, tháng 06/2022 GS.BS Trương Việt Bình đã cùng một số nhà khoa học tâm huyết với văn hóa Việt khởi xướng chương trình Hãy nói tiếng nói người Việt trên thế giới, sự kiện này là tiền đề phối hợp với VTV4 xây dựng chuyên mục Dấu Ấn Việt Nam. Đến nay chuyên mục đặc biệt này đã phát được 8 số, được cộng đồng ghi nhận, đặc biệt là kiều bào khắp năm châu đón nhận và hưởng ứng. Giáo sư Trương Việt Bình được mời là thành viên quan trọng trong Hội đồng khoa học của Dấu ấn Việt Nam.
Ông Nguyễn Thái Hà (ngoài cùng bên trái) trong chương trình Họp báo công bố chương trình “Dấu ấn Việt Nam”. |
Có thể thấy nhiều nội dung liên quan đến Y học cổ truyền và hoạt động của Hội Nam Y được phản ánh trên Dấu ấn Việt Nam với một số chuyên đề: Y học cổ truyền trong đời sống đương đại; Ẩm thực theo âm dương ngũ hành; Sâm Việt. Trong chuyên đề Y học cổ truyền trong đời sống đương đại (số thứ 5) nhiều lãnh đạo Hội: TTND, GS, TS Trương Việt Bình; Bác sĩ CKI Hoàng Sầm; TTUT, PGS, TS Đoàn Quang Huy… đã tham gia phỏng vấn.
Hy vọng sang năm 2024, Hội sẽ có cơ hội hợp tác với nhiều cơ quan báo chí truyền thông ở Trung ương và địa phương. Dấu Ấn Việt Nam sẽ đồng hành với Hội trong một số sự kiện … nhất là mới đây, UNESCO đã vinh danh Hải Thượng Lãn Ông là danh nhân văn hóa thế giới
– Phải chăng những hiểu biết về văn hóa dân tộc nói chung và Y học cổ truyền nói riêng ở thế hệ trẻ là bất cập. Ông có nhận xét, lý giải và bàn về giải pháp khắc phục hiện tượng này như thế nào?
– Nhiều thập kỷ qua, dường như trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, bản sắc về văn hóa dân tộc và Y học cổ truyền chưa thật đậm nét. Chúng ta chưa có phương thức truyền thông hấp dẫn và thuyết phục để tác động vào nhận thức, tình cảm của thế hệ trẻ trong bối cảnh toàn cầu hóa chịu sự tác động của nhiều nền văn hóa ngoại lai. Chính vì vậy, sự am hiểu và tình yêu với giá trị di sản của dân tộc ở thế hệ trẻ đang bất cập ở mức độ nghiêm trọng.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Kế tiếp tư tưởng của Người, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đã đến lúc Nhà nước, đặc biệt là ngành văn hóa, giáo dục, thông tin truyền thông, y tế cần nhận diện rõ và có giải pháp tổng thể để cải thiện hiện trạng đáng báo động này. Chỉ một khi có sự đầu tư bài bản mang tầm chiến lược cho lĩnh vực văn hóa dân tộc, người Việt mới khẳng định được bản sắc của mình ở ngay quê hương và trên thế giới. Đây là một sự nghiệp lớn trong đó có vai trò tiên phong của truyền thông giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức về văn hóa truyền thống và Y học cổ truyền.
Trong lĩnh vực truyền thông Tạp chí Sức khỏe Việt cần làm rõ 2 mảng là: Y học dân gian (thuần túy là kinh nghiệm trong nhân dân – gia truyền) và Y học Phương đông (có lý luận và đang được hiện đại hóa và có sự kết hợp nhuần nhuyễn với Y học hiện đại).
Tạp chí cần chọn lọc thể hiện nhiều nội dung mang tính phổ cập với bạn đọc về các phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và ko dùng thuốc có hiệu quả tại cộng đồng ở nhiều miền đất nước; góp phần chữa được nhiều bệnh rối loạn chức năng, tổn thương thực thể ở giai đoạn đầu và cải thiện di chứng. Đẩy mạnh truyền thông để khôi phục lại nguồn thuốc nam tại nhà có quy mô tới từng thôn xã trên cả nước. Với vai trò dẫn dắt của Hội Nam Y Việt Nam, khơi động phong trào luyện tập thân tâm bằng thiền học và dưỡng sinh tâm thể trong thanh thiếu niên từ bậc PTTH tới đại học. Điều đó sẽ tạo môi trường cho lớp trẻ gần gũi và thêm hiểu biết về Y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
Tôi tin tưởng các hội viên Hội Nam Y trong cả nước tâm huyết với văn hóa truyền thống nếu kiên trì đồng hành bên nhau vì sự nghiệp “Nam dược dụng nam nhân” thì tiền đồ của Y học cổ truyền ngày càng tỏa sáng và được tôn vinh trong đời sống hiện đại. Kính chúc các hội viên Hội Nam Y Việt Nam đón năm Giáp Thìn sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành tựu.
– Trân trọng cảm ơn ông!