Quả liên kiều (nguồn internet) |
Liên Kiều còn gọi là trúc căn, hoàng thọ đan, hạn liên tử. Tên khoa học Forsythia suspensa Vahl. Thuộc họ Nhài Oleacae. Liên kiều (Fructus Forsythiae) là quả phơi hay sấy khô của cây liên kiều.
A. Mô tả cây
Liên kiều là một cây cao từ 2 đến 4m. Cành non gần như 4 cạnh có nhiều đốt; giữa các đốt thân rỗng, bì không rõ. Lá đơn mọc đối hoặc có khi mọc thành vòng 3 lá, cuống dài 0,8-2cm. Phiến lá hình trứng, dài 3-7cm, rộng 2-4cm, mép có răng cưa không đều, chất lá hơi dai. Hoa màu vàng tươi. Đài và tràng hình ống, trên xẻ thành 4 thuỳ. 2 nhị thấp hơn tràng. Nhuỵ có 2 nuốm. Quả khô, hình trứng dẹt, dài 1,5-2cm, rộng 0,5- 1cm, hai bên có cạnh lồi, đầu nhọn, khi chín mở ra như mỏ chim, phía dưới có cuống hay chỉ còn sẹo. Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Trong quả có nhiều hạt, nhưng phần lớn rơi vãi đi, chỉ còn sót lại một ít. Mùa hoa tạiTrung Quốc: tháng 3-5; mùa quả: tháng 7-8.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây liên kiều chưa thấy ở Việt Nam. Hiện nay vị liên kiều ta dùng vẫn phải nhập từ Trung Quốc.
Cây này chủ yếu mọc ở Trung Quốc (Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Cam Túc). Còn mọc ở Nhật Bản. Tại nhiều nơi đó người ta còn trồng dùng làm cảnh.
Dùng làm thuốc có khi người ta chia làm thanh kiều và lão kiều. Thanh kiều hái vào các tháng 8-9 khi quả chưa chín, nhúng vào nước sôi, rồi lấy ra phơi hay sấy khô. Lão kiều hái vào tháng 10 khi quả đã chín vàng.
Thanh kiều và lão kiều cũng giống nhau, nhưng thanh kiều phần nhiều đầu quả chưa tách ra như mỏ chim mở, hạt còn nguyên không rơi rụng. Lão kiểu không có mùi đặc biệt, vị đắng.
C. Thành phần hoá học
Theo nghiên cứu sơ bộ của Hệ dược học, Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh thì trong thanh liên kiều có chừng 4,89% saponin và 0,2% ancaloit (Trung được chí – Bắc Kinh 1959).
Theo Tăng Quảng Phương (1936, Trung Hoa Y học tạp chí) thì trong liên kiều có một glucozit gọi là phylirin C H48O16, saponin, vitamin P và tinh dầu.
Cây liên kiều |
D. Công dụng và liều dùng
Tính vị liên kiều theo đông y: Vị đắng, hơi hàn, không độc, vào 4 kinh tâm, đởm, tan tiêu và đại trường có tác dụng tán khách nhiệt ở các kinh, chữa sang thũng.
Hoặc giả còn nói liên kiều tán chữa kinh huyết ngưng, khí tụ, lợi thuỷ đạo, sát trùng, chỉ thống, tiêu thũng, bài nùng (tiêu mủ).
Tính chất theo nhân dân thường dùng: Dùng trong những trường hợp vi huyết quản dễ vỡ đứt, chữa mụn nhọt, ghẻ lở, giải độc, tràng nhạc. Còn dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa nôn mửa, thông kinh nguyệt.
Ngày dùng 6-12g (nếu dùng phối hợp với các vị thuốc khác) hoặc với liều 10-30g (nếu dùng một vị này thôi). Dùng dưới hình thức thuốc sắc để uống hay để rửa ngoài.
E. Đơn thuốc có liên kiều
Chữa tràng nhạc và ổ gà (viêm hạch ở nách)
Đơn thuốc thứ nhất : Liên kiều và vừng đen hai vị bằng nhau, tán nhỏ, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.
Đơn thuốc thứ hai gồm nhiều vị : Liên kiều 8g, hạ khô thảo 6g, hải tảo 5g, cam thảo 5g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày (Kinh nghiệm của Duyệp Quyết Tuyền).
Đơn thuốc chữa sưng vú: Liên kiều 6g, bồ công anh 5g, kim ngân hoa 4g, gai bồ kết 3g, nước 500ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.