Khám phá những vị thuốc “độc, lạ” trong Đông y

Không ít lần thương lái lùng mua đỉa, giun, xác ve sầu hay một loại lá cây, rễ cây tưởng chừng vô dụng nhưng kỳ thực những mặt hàng ấy dưới góc nhìn Đông y đều là các vị thuốc.

Những cách giảm cân an toàn theo y học cổ truyền Chữa ngứa da theo đông y

Đông y có cách chữa bệnh vô cùng gần gũi với đời sống con người.

Theo Đông y dược liệu không chỉ là những thứ có giá trị cao, quý hiếm như Sâm, Nhung, Quế, Phụ, mà nhiều thứ rất giản đơn như cốc nước đun sôi, một bát cháo hay một cọng hành cũng có tính vị và tác dụng của mình.

Có rất nhiều thứ chúng ta tưởng chừng như vô ích, không bao giờ nghĩ rằng ở một góc nhìn nào đó chúng cũng là những vị thuốc được nhiều thầy thuốc Đông y sử dụng.

Vị thuốc từ đất

Đất là thứ mà đâu đâu cũng có nhưng ít ai ngờ rằng đây cũng là một vị thuốc quý được Đông y chia thành rất nhiều loại để dùng.

Trong các thư tịch Đông y cổ có ghi chép về nhiều loại đất làm thuốc như cam thổ có tác dụng giải độc; xích thổ chuyên dùng để chữa bỏng; hoàng thổ là loại đất được sử dụng rộng rãi nhất chuyên trị các chứng tiết lị, nhiệt độc giao kết gây đau bụng, đi ngoài ra máu.

Bên cạnh đó còn có Đông bích thổ chuyên trị các chứng ung nhọt vùng hạ bộ, thoát giang, tiết lị, hoắc loạn. Ngoài ra, còn có các loại đất lấy ở những địa điểm khác nhau, dùng tượng để chữa bệnh như thái dương thổ, xa liễn thổ, thị môn thổ…

Nói chung mỗi loại đất lại có một công dụng và cách sử dụng độc đáo khác nhau.

Đỉa cho vị thuốc thủy điệt

Đỉa được Đông y sử dụng với tên gọi thủy điệt. Thủy điệt có vị mặn, đắng, tính bình, có độc nhẹ, quy kinh can, bàng quang, có công dụng phá ứ huyết, tiêu ung, chuyên điều trị các chứng bế kinh, đầy bụng, đau ngực, đau bụng, táo bón do ứ huyết.

Gần đây, dựa vào một số nghiên cứu y học hiện đại, vị thuốc này còn được dùng để điều trị các chứng tăng tiểu cầu, điều trị xuất huyết não và tụ máu nội sọ, hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành… nên có thời gian được thương lái lùng mua với số lượng rất lớn.

Khám phá những vị thuốc "độc, lạ" trong Đông y
Đỉa cho vị thuốc thủy điệt.

Ruồi và vị thuốc manh trùng

Đông y dùng ruồi trâu điều trị bệnh với tên thường gọi là manh trùng hay mang trùng, vị thuốc này rất hay phối hợp cùng thủy điệt, cho tác dụng hiệp đồng.

Theo Đông y, manh trùng có vị đắng tính hơi lạnh, quy kinh can, cũng có tác dụng phá ứ huyết, thông kinh, chủ trị các chứng huyết tích lâu ngày, phụ nữ bế kinh, ứ huyết ở hạ tiêu, đau và ứ huyết do chấn thương…

Xác ve sầu

Gần đây các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin bài về việc thương lái thu mua xác ve sầu với giá cao. Kỳ thực xác ve theo Đông y cũng là một vị thuốc có tên gọi là thiền thoái với tác dụng trị bệnh rất độc đáo.

Theo Đông y, xác ve có vị ngọt, mặn, tính mát, quy kinh phế, can, có công dụng sơ tán phong nhiệt, lợi yết khai âm, thấu chẩn, sáng mắt, trừ màng mộng mắt, tức phong chỉ kính.

Sách Bản thảo bị yếu khi nói về vị thuốc thiền thoái viết: Ve là do dư khí của cây và đất hóa sinh thành, uống sương gió mà không ăn, khí của nó trong sạch, hư không mà có vị ngọt tính lạnh nên có thể trừ được phong nhiệt; thể của nó nhẹ, trôi nổi nên phát được đậu chẩn; tính của nó giỏi trong việc lột xác nên có thể trừ được màng mộng mắt, thúc sinh; ve lột ra xác trị được các chứng ung nhọt ở bì phu; âm thanh của ve trong mà vang nên trị được chứng trúng phong không nói được; lại có đặc tính ngày kêu đêm nghỉ nên chữa được chứng dạ đề ở trẻ nhỏ…

Ngoài xác ve, xác rắn với tên gọi xà thoái cũng là một vị thuốc được dùng trong Đông y. Hiện nay tuy chưa có nhiều nghiên cứu y học hiện đại về những loại thuốc này nhưng tác dụng chữa bệnh của xác ve, xác rắn đã được chứng minh qua rất nhiều thư tịch cũng như các ca bệnh lâm sàng của Đông y.

Khám phá những vị thuốc "độc, lạ" trong Đông y
Xác ve sầu cho vị thuốc thuyền thoái.

Tổ bọ ngựa

Tổ bọ ngựa được dùng làm thuốc là loại tổ bọ ngựa trên cây dâu tằm, có tên gọi theo Đông y là tang phiêu tiêu. Tang phiêu tiêu có vị ngọt, mặn, tính bình quy kinh can, thận, có các tác dụng cố thận, ích tinh, bổ hư, thường dùng điều trị các chứng di tinh, di niệu, liệt dương, kinh nguyệt bế, đái dầm…

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng/ SK&ĐS

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *