Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu năm 2024 – 2025

UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn số 170/KH-UBND ngày 4/6/2024 ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 – 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 – 2025 là phát triển, nuôi trồng các giống dược liệu có giá trị y tế và giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từng bước mở rộng diện tích gieo trồng dược liệu theo định hướng sản xuất chuyên canh tập trung. Đẩy mạnh sản xuất dược liệu chuyên canh tập trung gắn với chuỗi liên kết, xây dựng, duy trì, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu. Phát triển nuôi trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao, dược liệu hữu cơ, hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số… Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ thuật cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người sản xuất về công nghệ trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chế biến cây dược liệu theo hướng GACP – WHO.

Theo kế hoạch, thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển 16 loại cây dược liệu gồm: trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chỉ, nghệ vàng, gừng, đông trùng hạ thảo.

Ngoài các loài cây dược liệu được lựa chọn và ưu tiên phát triển nêu trên, tùy theo lợi thế, điều kiện thực tế, các địa phương có thể lựa chọn, phát triển các loài dược liệu khác có thế mạnh và giá trị kinh tế, có đầu ra cho sản phẩm, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các tiểu vùng sinh thái của địa phương như: thìa canh, khôi tía, cây tràm, nhân trần, chè vằng, đu đủ đực, mùi già, diếp cá, rau má, sâm, sương sáo…

Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu năm 2024 – 2025
Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố – https://suckhoeviet.org.vn/

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND thành phố Hà Nội sẽ tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh tập trung; thông tin, tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm dược liệu của thành phố.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm (qua các phương tiện: báo chí, phóng sự, đài phát thanh, ấn phẩm nông nghiệp…), vận động, thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình: xây dựng tin, bài, phóng sự về kết quả phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội; tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo quản, chế biến; thông tin thị trường tiêu thụ cây dược liệu.

Hàng năm, tổ chức hội nghị, hội thảo về khoa học – kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Lồng ghép hoạt động tiêu thụ, quảng bá tại các hội nghị xúc tiến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng, duy trì, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu quả, không chồng chéo theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để bổ sung, đề xuất ban hành mới mang tính đặc thù phù hợp với điều kiện của thành phố nhằm khuyến khích doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, chế biến dược liệu. Đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo, báo cáo UBND thành phố theo quy định…

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, cấp phép và quản lý những cơ sở kinh doanh, sản xuất thành phẩm (thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế…) và kinh doanh sản phẩm dược liệu trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) và các sở, ngành liên quan trên địa bàn thành phố trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện GACP tại các cơ sở trồng trọt, thu hái, chế biến dược liệu hoạt động trên địa bàn thành phố.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *