Lá ổi – vị thuốc trong y học cổ truyền Các loại thảo dược giúp “quét sạch” mỡ máu |
Cây muối là một trong những thực vật có sức sống kháng cự mạnh mẽ, thường được tìm thấy ở các khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt như sa mạc và vùng đất cằn cỗi.
Cây muối không chỉ là biểu tượng của sự sống mãnh liệt giữa môi trường khắc nghiệt, mà còn có nhiều ứng dụng đa dạng trong đời sống con người.
Đặc điểm tự nhiên
Cây muối là một loại cây gỗ nhỏ, thường cao khoảng từ 2 đến 8 mét. Cành non của cây thường phủ đầy lông mềm màu hung bên ngoài. Lá của cây mọc so le, có hình dáng giống như lông chim lẻ, có chiều dài từ 25 đến 40 centimet. Mỗi lá thường có từ 9 đến 13 lá chét mỏng, hình mũi mác, chiều dài khoảng từ 8 đến 10 centimet và chiều rộng từ 4 đến 6 centimet, với đầu lá nhọn và gốc thuôn.
Mặt trên của lá có màu sỉn hơn so với mặt dưới, thường có các gân nổi rõ và mép lá có những răng nhỏ. Phần cuống của lá có dạng hình trụ, lá thường bị côn trùng gây hại và đẻ trứng, dẫn đến việc xuất hiện các bướu sần sùi không đồng đều trên lá.
Hoa của cây muối. |
Cây muối thường cho hoa nhỏ màu trắng ngà, các cụm hoa này thường mọc ở kẽ lá gần đỉnh của cây, hình thành thành chùy rộng và chia thành nhiều nhánh. Đài hoa thường có lông và tràng hoa thường có cánh dài gấp ba lần so với đài, phần nhị thường chỉ có nhị dài. Quả của cây muối có lông mềm, hình tròn hơi bầu, có thể có màu vàng cam hoặc đỏ. Thời gian ra hoa và cho quả thường từ tháng 10 đến tháng 1.
Dược liệu này được tìm thấy khá nhiều ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia. Ở nước ta, cây muối mọc hoang nhiều trên các đồi cây bụi, trải dài từ miền Bắc đến tận các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Lâm Đồng…
Thành phần hóa học
Hạt chứa tanin 50 – 70%, có khi 80%, thành phần chủ yếu là penta-m-digaloyl-β-glucose. Ngoài ra còn có acid galic 2 – 4%, lipid, nhựa, tinh bột, acid hữu cơ, acid tartric, acid citric, flavonoid.
Rễ có flavon, phenol, acid hữu cơ, tanin, dầu béo. Từ lá chiết tách được 4 flavon và ethvl galat, acid semialatic.
Các acid moronic, betulenic, 6-pentadecylsalicylic là những chất có tác dụng sinh học.
Tất cả các phần của cây, từ rễ, lá cho đến quả, đều có thể được sử dụng như là một vị thuốc. Tuy nhiên, phần cây được sử dụng phổ biến nhất là ngũ bội tử, hay còn gọi là những nốt dài ở phần trên của cuống lá và cành, do ấu trùng của sâu Schlechtendalia chinensis gây ra.
Phần ngũ bội tử có vị chát, hơi chua và tính bình. Còn phần rễ và lá thì lại có vị mặn và tính mát.
Cây muối. |
Công dụng của cây muối
Chống hoạt động của virus herpes simplex
Các nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng chiết xuất nước nóng từ cây muối có hiệu quả dự phòng và điều trị chống lại virus herpes simplex (HSV) loại 1 (HSV-1). Ngoài ra, chiết xuất này cũng cho hiệu quả chống lại nhiễm trùng HSV-1 và HSV loại 2 (HSV-2) kháng acyclovir ở chuột, đồng thời cải thiện hiệu quả điều trị của acyclovir ở chuột bị nhiễm HSV-1.
Chống ung thư
Một số phân tử có trong cây muối như pentagalloylglucose và axit gallic đã được chứng minh là có hoạt tính chống ung thư. Pentagalloylglucose có tác dụng chống ung thư in vivo, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và sarcoma. Nó cũng có tác động ức chế in vitro đối với sự phát triển và/hoặc xâm lấn của ung thư vú, bệnh bạch cầu, u ác tính và ung thư gan. Pentagalloylglucose có thể phát huy hoạt tính chống ung thư thông qua việc ức chế hình thành mạch và sự xâm lấn của tế bào ung thư ác tính khi di căn.
Chống đái tháo đường
Axit tannic là một hỗn hợp gallotannin có chứa pentagalloylglucose, đã được phát hiện có tác dụng giảm đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Pentagalloylglucose đã được chứng minh làm giảm mức đường huyết và insulin trong các thử nghiệm ống nghiệm và trên các mô hình động vật.
Chống tiêu chảy
Chiết xuất methanol từ quả chín khô của cây muối cho tác dụng chống tiêu chảy đáng kể trong các thử nghiệm về bệnh tiêu chảy do dầu thầu dầu gây ra ở chuột. Điều này thể hiện qua việc giảm 80,70% tốc độ đại tiện của động vật đối chứng với liều 600mg/kg thể trọng, cũng như giảm sự bài tiết dịch ruột và nhu động đường tiêu hóa sau khi dùng bữa ăn than ở chuột.
Chống HIV
Trong một nghiên cứu gần đây, các phân đoạn khác nhau của cây muối đã cho thấy hoạt tính kháng HIV-1 mạnh mẽ. Hai hợp chất trong cây muối đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự nhân lên của HIV-1 trong các tế bào H9 bị nhiễm mãn tính.
Một số bài thuốc từ cây muối
Bài thuốc chữa kiết lỵ ra máu
Chuẩn bị: 40g ngũ bội tử và 20g phèn phi 5 đồng cân.
Thực hiện: Các nguyên liệu trên được tán thành bột và viên với hồ. Liều lượng là 2 – 8g, sử dụng 2 – 3 lần/ngày, kèm uống với nước cơm.
Vỏ rễ cây muối có nhiều tác dụng. |
Trị ho lâu ngày, khạc ra máu
Chuẩn bị: Phần cuống lá cây muối.
Thực hiện: Dược liệu đem đi sao và tán thành bột, sử dụng mỗi lần 4g kèm với nước chè sau bữa ăn. Tần suất sử dụng là 2 – 3 lần/ngày.
Bài thuốc trị đau răng, loét lợi
Chuẩn bị: Ngũ bội tử (lượng vừa đủ).
Thực hiện: Đem dược liệu tán nhỏ và xát trực tiếp vào chỗ đau nhức.
Bài thuốc chữa thủy thũng
Chuẩn bị: 4 – 8g vỏ rễ cây muối.
Thực hiện: Cho vào ấm sắc cùng 1 thăng nước trong 15 – 20 phút trên lửa nhỏ, sử dụng 1 thang/ngày.
Trị bệnh thận hư, thận ứ nước
Chuẩn bị: 20g cây muối, 20g cây mực, 20g cây quýt gai, 20g cây nổ.
Thực hiện: Các vị thuốc trên sắc chung và chia làm 3 lần uống/ngày, mỗi lần khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc trị đau bụng, đi tiêu lỏng
Chuẩn bị: Ngũ bội tử (lượng tùy ý).
Thực hiện: Dược liệu được tán thành bột và viên với hạt đậu xanh, sử dụng khoảng 15 – 20 viên/ngày.
Chữa chứng trớ ở trẻ em
Chuẩn bị: 3g ngũ bội tử, 20g cam thảo.
Thực hiện: Ngũ bội tử được nướng chín, sau đó tán nhỏ và trộn với cam thảo. Mỗi lần sử dụng 2g, kèm với nước cháo hoặc nước cơm.