Tọa đàm được tổ chức nhằm phát huy tối đa giá trị cây dược liệu vùng núi Ba Vì trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe con người. Từ đó, đưa ra giải pháp hữu hiệu để phục hồi, khai thác, bảo tồn, phát triển cây thuốc nam đặc hữu vùng núi Ba Vì; đề xuất các biện pháp cụ thể, tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu cho người dân bản địa, đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo thông tin tại tọa đàm, nhờ đặc thù thổ nhưỡng phù hợp, vùng núi Ba Vì sở hữu hơn 500 loài dược liệu quý và đặc hữu như: tam thất, diệp hạ châu… Từ xa xưa, những loài cây này được đồng bào ở địa phương sử dụng để điều chế thuốc chữa bệnh: thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp, viêm xoang…
Tuy nhiên, trước xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng, nguồn dược liệu quý tại vùng núi Ba Vì đang bị khai thác quá mức, đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Quang cảnh tọa đàm – https://suckhoeviet.org.vn/ |
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, Ba Vì hiện có 3 thôn Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn được công nhận là làng nghề thuốc truyền thống. Hiện nay, nghề thuốc nam phát triển ở cả 3 thôn, khoảng 80% gia đình trồng, thu hái, sơ chế các cây dược liệu. Trong đó, thôn Yên Sơn có 250/250 hộ đều làm nghề thuốc và được công nhận là Làng nghề thuốc nam. Ba Vì cũng thành lập Hội Đông y Ba Vì với trên 477 hội viên.
Hầu hết nguồn dược liệu Ba Vì được phát triển tự nhiên, khai thác tự phát nhiều năm nay do đó nguồn cây dược liệu dần giảm đi. Đáng chú ý, có nhiều loại cây thuốc quý như: hà thủ ô đỏ, cây huyết dòng, cây bổ máu… đều sinh trưởng trên núi, được y học đánh giá cao, cần được bảo tồn.
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam Phạm Minh Củng nhấn mạnh, để phục hồi, bảo tồn cây dược liệu, địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển vùng trồng dược liệu; việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu; hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản nguyên liệu dược phẩm; có chính sách đặc thù về phát triển dược liệu, đặc biệt đối với dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; phát triển dược liệu với quy mô công nghiệp… Để làm được điều đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần chung tay phối hợp hành động, hỗ trợ.
Lãnh đạo huyện Ba Vì cũng cần quan tâm hơn đến phát triển dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, hơn 500 cây thuốc của Ba Vì cần được khảo sát, kiểm kê lại, qua đó xác định được những cây thuốc quý, hiếm, có giá trị sử dụng, giá trị kinh tế cao để bảo tồn, phát triển, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, huyện cần xây dựng vùng trồng dược liệu chuyên canh để giúp truy xuất nguồn gốc; đưa khoa học vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, sử dụng cây dược liệu an toàn, hiệu quả…
Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội cho biết, Kế hoạch số 170/KH-UBND về phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024 – 2025 nêu rõ ưu tiên 16 loại cây dược liệu. Trong đó, Ba Vì có 4 loại cây dược liệu được ưu tiên phát triển. Đây là điều kiện để các địa phương bảo tồn, khôi phục những cây dược liệu quý. Vì vậy, thời gian tới, huyện Ba Vì cần hình thành vùng chuyên canh tập trung để kiểm soát chất lượng từ vùng trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa có cơ sở sản xuất dược liệu lớn nên cần ưu tiên các hộ trồng cây dược liệu. Các ngành chức năng cần thường xuyên mở lớp tập huấn từ nuôi trồng, thu hái, chế biến cây dược liệu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Các Sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu; nghiên cứu khoa học, phối hợp với các cơ quan để chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân.
Các địa phương cần quan tâm tới vấn đề sản xuất cây dược liệu sạch, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng dược liệu.