Theo đó, thông tư 14/2024/TT-BYTcủa Bộ Y tế hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (cơ sở).
Phương pháp chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo thông tư này làm căn cứ để cơ sở xây dựng quy trình sản xuất dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Trường hợp cơ sở sử dụng phương pháp chưa có hoặc chưa được quy định tại phụ lục II ban hành kèm theo thông tư này thì cơ sở tham khảo phương pháp chế biến được ghi trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới hoặc trong sách đào tạo dược sĩ, bác sĩ y học cổ truyền để xây dựng phương pháp chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại cơ sở và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, an toàn, hiệu quả của sản phẩm sau chế biến.
Ảnh minh họa – https://suckhoeviet.org.vn/ |
Thông tư đã hướng dẫn phương pháp chung chế biến dược liệu, vị thuốc cổ truyền gồm: phương pháp sơ chế, phương pháp phức chế và phụ liệu chế biến.
Trong đó, phương pháp sơ chế gồm: loại tạp, rửa, ngâm, ủ, thái phiến, cắt đoạn, phơi, sấy.
Phương pháp phức chế gồm: sao qua, sao vàng, sao vàng cháy cạnh, sao vàng hạ thổ, sao đen, sao cháy, chích rượu, chích gừng, chích muối, chích giấm, chích mật ong, sao cám, sao cách gạo, sao cách bột văn cáp…
Bên cạnh đó, thông tư cũng hướng dẫn phương pháp chế biến cụ thể của một số vị thuốc cổ truyền như: ba kích chích muối, cỏ nhọ nồi thán sao, đại hoàng chích giấm, đảng sâm chích gừng, đỗ trọng sao đen, hoàng liên chích gừng, hòe hoa sao vàng, mã tiền ngâm rượu, thục địa, xuyên khung chích rượu, ý dĩ sao cám…
Thông tư 14/2024/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 28/10/2024. Thông tư số 30/2017/TT-BYT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế hưỡng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền hết hiệu lực kể từ ngày thông tư 14/2024/TT-BYT có hiệu lực.
Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.