Cụ thể, thông tư 13/2024/TT-BYT của Bộ Y tế quy định nguyên tắc xây dựng, tiêu chí lựa chọn dược liệu vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc và ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc nguồn gốc thực vật, động vật, khoáng vật. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2024.
Nguyên tắc xây dựng Danh mục dược liệu độc làm thuốc là: hòa hợp với hướng dẫn của các nước trong khu vực và trên thế giới về phân loại dược liệu độc làm thuốc; phù hợp cơ sở dữ liệu về dược liệu độc làm thuốc trên thế giới; kế thừa Danh mục dược liệu độc làm thuốc đã được ban hành.
Cà độc dược là dược liệu thuộc Danh mục dược liệu độc làm thuốc do Bộ Y tế ban hành – https://suckhoeviet.org.vn/ |
Về tiêu chí lựa chọn dược liệu vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc, dược liệu được xem xét lựa chọn đưa vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
Dược liệu có chuyên luận trong Dược điển Việt Nam hoặc Dược điển các nước trên thế giới, trong đó có thông tin dược liệu có độc, đại độc (trừ trường hợp ghi ít độc);
Dược liệu có độc tính cao gây ảnh đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng;
Dược liệu trong quá trình sử dụng gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng đã được biết hoặc được Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài khuyến cáo.
Theo đó, danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ thực vật gồm 22 dược liệu như: ba đậu (quả), bán hạ (thân rễ), cà độc dược (hoa), dừa cạn (lá), hương gia bì (vỏ rễ), ngoi (lá), mã tiền (hạt), trúc đào (lá)…
Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ động vật gồm 4 dược liệu: ban miêu (con), ngô công (con), thiềm tô (nhựa lấy từ tuyến sau tai và tuyến trên da con cóc), toàn yết (con).
Danh mục dược liệu độc nguồn gốc từ khoáng vật gồm 4 dược liệu: khinh phấn (muối thủy ngân chlorid chế biến bằng phương pháp thăng hoa), hùng hoàng, lưu hoàng, thần sa.
Bộ Y tế đề nghị Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền; thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thủ trưởng cơ quan y tế các Bộ, ngành và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý y, dược cổ truyền) để xem xét giải quyết.