Bài thuốc bổ huyết, hoạt huyết từ đương quy

Đương quy là vị thuốc dùng phổ biến nhất trong Đông y, có mùi thơm rất đặc trưng của “thuốc bắc”, là loại thuốc vừa có thể bổ huyết lại vừa có thể hoạt huyết, chỉ huyết (cầm máu).

1. Đặc điểm và công dụng của đương quy

Vị thuốc là thân rễ của cây đương quy (An gelica sinesis), thuộc họ hoa tán (Apiacea). Cây vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đã di thực vào nước ta và được trồng ở những vùng núi cao.

Đương quy tốt đòi hỏi phải thu hoạch ở những cây trồng được 3 năm trở lên. Thân rễ sau khi thu hoạch được rửa sạch đất cát rồi sấy khô.

Dược liệu đương quy chia ra làm 3 phần:

  • Quy vĩ là các rễ nhỏ có tác dụng hoạt huyết là chủ yếu.

  • Quy thân là các rễ lớn hơn có tác dụng vừa hoạt huyết vừa bổ huyết.

  • Quy đầu là rễ chính to nhất có tác dụng chủ yếu là bổ huyết.

photo-1688306911092

Vị thuốc đương quy.

Người xưa đã từng nói: “Quy đầu bổ đầu, quy thân bổ thân, quy vĩ bổ tứ chi”. Nói chung, đương quy có thể cải thiện tuần hoàn mạch máu. Để chữa trị thiếu máu, điều kinh dùng quy thân; để chữa trị khi bị ngã, bị đánh sưng tấy, ứ máu, khớp xương co duỗi khó khăn, dùng quy vĩ.

Tuy vậy, theo thực nghiệm của các thầy thuốc Đông y thì tác dụng của cả 3 phần này là giống nhau và hiện nay đương quy thương phẩm loại tốt đều là những củ to màu trắng ngà, không có rễ nhỏ.

Theo sách về dược liệu, đương quy có vị ngọt cay, thơm, tính ấm, vào 3 kinh tâm, can, tỳ, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trên lâm sàng có nhiều kết quả tương đối tốt về việc dùng đương quy dạng tiêm để điều trị các bệnh rối loạn nhịp tim,

xơ cứng động mạch,

các chứng đau, viêm tắc động mạch, viêm gan, xơ gan…

2. Bài thuốc bổ huyết ‘ Tứ vật thang’

– Thành phần bài thuốc:

Đương quy, xuyên khung, bạch thược, thục địa hoàng.

Liều lượng các vị thuốc đều bằng nhau.

– Công thức thường dùng:

Đương quy 16gam, xuyên khung 16gam, bạch thược 16gam, thục địa 16 gam.

– Cách bào chế:

Thục địa chưng rượu, đương quy tẩm rượu vi sao. Các vị trên thêm 1500ml nước sắc lọc bỏ bã còn 250ml.

– Công dụng:

Bổ huyết điều huyết.

– Cách dùng:

Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 3 lần.

– Ứng dụng lâm sàng:

Chữa các chứng huyết hư, phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng vùng rốn, rong kinh – băng kinh, kinh huyết nhiều cục, thống kinh…

photo-1688306912505

Bài thuốc “tứ vật thang” bổ huyết điều huyết.

– Phương giải bài thuốc:

+ Đương quy dưỡng huyết, hòa huyết.

+ Thục địa hoàng tư âm dưỡng huyết.

+ Thược dược hòa dinh lý huyết.

+ Xuyên khung hành khí hoạt huyết.

+ Đương quy và xuyên khung phối hợp có tác dụng bổ khí trong huyết.

+ Thược dược và thục địa phối hợp có tác dụng bổ huyết trong huyết.

Hợp dược bài thuốc có tác dụng bổ mà không trệ, dinh huyết được điều hòa, do đó huyết hư thì được bổ, huyết ứ thì được vận hành. Vì vậy bài thuốc vừa bổ huyết vừa điều huyết được ứng dụng rộng rãi.

Gia giảm trong bài thuốc:

Trong Đông y, phụ nữ thuộc âm, thuộc huyết, nên các chứng bệnh của phụ nữ đều lấy đương quy làm chủ vị.

Về bài thuốc thì thường dùng bài

” tứ vật thang”

và tùy chứng mà gia giảm như sau:

– Động thai gia ngải diệp, a giao.

– Băng lậu mất nhiều máu, hư hàn gia a giao, ngải diệp, cam thảo.

– Huyết hàn, trong kỳ kinh có đau lưng, đau bụng gia can khương, quế chi, ngô thù, chỉ xác, hương phụ, tang ký sinh, tục đoạn để ôn trung tán hàn, lý khí, hành huyết, chỉ thống.

– Huyết ứ gia đan sâm, hồng hoa, đào nhân để trục ứ hành huyết.

– Huyết hư có uất nhiệt gia hoàng cầm, đan bì để thanh nhiệt can uất.

– Khí hư không nhiếp huyết gia đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật để bổ tỳ.

– Kinh trước kỳ lượng nhiều, sắc nhợt, chân tay yếu, người mệt tinh thần ể oải gia nhân sâm, hoàng kỳ để ích khí nhiếp huyết.

– Kinh trước kỳ, lượng nhiều, sắc đậm đặc dính, hoặc có máu cục, đau bụng, chướng bụng gia đào nhân, hồng hoa để hoạt huyết trục ứ.

Nguồn: Bài thuốc bổ huyết, hoạt huyết từ đương quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *