Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo

Táo mèo hay còn gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra…có vị chua ngọt, tính hơi ấm có công dụng làm tăng vị giác, kích thích tiêu hóa, hoạt huyết hóa ứ, ích khí bổ thận. Từ lâu táo mèo đã được Y học cổ truyền sử dụng như một vị thuốc quý để chữa các bệnh gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, viêm khớp, đau đầu mạn tính, viêm xoang, mất ngủ…

Táo mèo

Táo mèo hay còn gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra, táo rừng, mác cắm, mác sầm chá (Tày), sơn tra Việt Nam, chi tô ma (H’ Mông). Tên khoa học: Docynia indica (Wall.) Decne. Họ: Hoa hồng (Rosaceae).

Táo mèo là cây gỗ bán thường xanh, chiều cao trung bình từ 2 – 5m. Cành cây khi nhỏ có màu nâu tía, rậm lông, khi già không có lông và chuyển thành màu nâu đen. Lá kèm, hình mác, đỉnh nhọn, thường rụng sớm. Cuống lá dài khoảng 0.5 – 2cm, có phủ lông tơ. Lá nguyên, hiếm khi có răng cưa.

Hoa mọc thành cụm, mỗi cụm có khoảng 3 – 5 bông, đường kính 2.5cm. Đài hoa có hình chuông, lá đài hình mác tam giác, đều được phủ lông tơ. Cánh thuôn dài, có màu trắng, 1 bông hoa có khoảng 30 nhị. Quả táo, hình cầu, màng vàng, đường kính khoảng 2 – 3cm. Cây ra hoa vào khoảng tháng 2 – 3, sai quả vào tháng 8 – 9.

Táo mèo thường sinh sống ở các sườn núi, bụi rậm có độ cao từ 2000 – 3000m. Phân bố chủ yếu ở Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, vùng Tây Nam Trung Quốc và Việt Nam.

Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo theo Y học cổ truyền
Táo mèo được sử dụng như một vị thuốc quý để chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Ảnh internet

Công dụng của táo mèo

Theo Y học cổ truyền

Tính vị

Theo Tân tu bản thảo: Dược liệu có vị chua, tính hàn và không độc.

Theo Nhật dụng bản thảo: Dược liệu có vị chua, ngọt và không độc.

Theo Bản thảo cương mục: Dược liệu có vị chua, ngọt và tính hơi ôn.

Quy kinh

Theo Dược phẩm hóa nghĩa: Quy vào các kinh Tỳ, Can.

Theo Bản thảo kinh sơ: Quy vào các kinh Thái âm, Túc dương minh.

Theo Lôi công bào chế dược tính giải: Quy vào kinh Tỳ.

Công dụng: thanh nhiệt, tán huyết ứ, kích thích tiêu hóa…

Chủ trị: Đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, bệnh gan do lạm dụng rượu…

Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo theo Y học cổ truyền
Quả táo mèo sau khi sấy khô. Ảnh internet

Theo y học hiện đại

Táo mèo có thành phần hóa học đa dạng, bao gồm: acid crataegic, vitamin C, protid, calci, sắt, ursolic, acetylcholin, acid citric, acid cafiic, hydrat cacbon, phospho, acid oleanic, phytosterin…Táo mèo chứa chất tannin 2,76%, các acid hữu cơ là 2,7%, đường 16,4 %.

Điều trị chứng mất ngủ: Quả táo mèo có tác dụng an thần, còn hạt táo giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Khi sử dụng đúng cách, hạt táo mèo có thể giúp điều trị chứng mất ngủ.

Bảo vệ tim mạch: Do hàm lượng axit amin cao, quả táo mèo giúp loại bỏ cholesterol có hại ra khỏi cơ thể và bảo vệ hệ thống tim mạch, ngăn ngừa các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, đau tim và tăng huyết áp.

Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch: Trong quả táo mèo có chứa hàm lượng vitamin C cao giúp tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng và giảm khả năng mắc một số bệnh thông thường như cảm cúm, cảm lạnh, viêm họng.

Bảo vệ gan: Ăn quả táo mèo có thể hỗ trợ giải độc gan và bảo vệ gan, ngăn ngừa các bệnh về gan.

Hỗ trợ tiêu hóa: Quả táo mèo giúp thúc đẩy hoạt động của các enzym tiêu hóa, từ đó tạo cho chúng ta cảm giác ngon miệng hơn khi ăn uống.

Hỗ trợ giảm cân: Đối với người có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hoặc béo phì thì rượu từ quả táo mèo sẽ giúp giảm lượng chất béo no – một loại chất béo không tốt – hấp thụ vào cơ thể giúp giảm cân và giữ cho bạn một vóc dáng thon gọn.

Tốt cho da: Hỗn hợp giấm táo mèo và nước giúp da trắng sáng mịn màng, se khít lỗ chân lông và ngăn ngừa bã nhờn tích tụ trên da từ đó giảm tình trạng nổi mụn.

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy thêm quả táo mèo có hoạt tính gây độc tế bào chống lại các dòng tế bào ung thư Hela và HepG-2.

Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo theo Y học cổ truyền
Táo mèo còn có tên gọi khác là sơn tra. Ảnh internet

Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo

Trị huyết áp cao, phòng biến chứng: Sao đen 12g táo mèo, 12g thảo quyết minh, 9g hoa cúc trắng. Sau đó tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút, có thể uống thay trà trong ngày.

Hoặc:Sơn tra 15g, hà diệp (lá sen) 20g. Hai thứ tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Tăng cường khả năng tiêu hóa: Dùng 200g táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15ml. Sau khi uống hết rượu, trái táo mèo còn lại trộn với đường kính ăn dần.

Chữa gan nhiễm mỡ: Mỗi ngày ăn 5-7 quả táo mèo, hoặc dùng 10-15 quả sắc nước uống. Chữa cao huyết áp, mỡ máu cao: Táo mèo 15g, lá sen 15gr sắc nước uống thay trà trong ngày.

Chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy, tức, đau: Táo mèo 30g sắc nước uống thay trà trong ngày.

Đau bàng quang: Mỗi bữa ăn, uống một cốc nước có pha hai thìa nhỏ giấm táo mèo và mật ong, khi tiểu sẽ tốt hơn.

Chữa bệnh viêm khớp: Sau mỗi bữa ăn, uống 1 cốc nước 200ml pha 10 thìa nhỏ giấm táo mèo và mật ong sao cho vừa đủ ngọt.

Chữa bệnh viêm thận, nước tiểu có mủ: Hàng ngày đếu đặn trong bữa ăn uống 1 cốc nước 200ml có pha 2 thìa giấm táo mèo và 2 thìa mật ong cho đến khi khỏi hẳn.

Chữa bệnh zona: Dùng giấm táo mèo bôi nguyên chất lên chỗ đau ngày 4 lần, ban đêm bôi thêm 3 lần. Sau khi bôi, đắp khăn nhúng giấm táo, cảm giác đau sẽ dần dần bớt đi, và sẽ chóng ăn da non.

Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo theo Y học cổ truyền
Táo mèo là một đặc sản của vùng núi Tây Bắc. Ảnh internet

Chữa toàn thân đau mỏi hiệu quả và có tác dụng tăng cường khả năng tiêu hóa: 200g táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 15ml. Sau khi uống hết rượu, trái táo mèo còn lại trộn với đường kính ăn dần.

Viêm xoang, chảy nước mũi, nước mắt: Mỗi ngày, vào bữa ăn, uống một cốc nước có pha hai thìa giấm táo mèo, một ít mật ong và nhai thêm một miếng sáp ong (nhả bã).

Làm giảm đau nhức: Lấy lòng đỏ trứng gà đánh với một thìa lớn giấm táo mèo và một thìa nhỏ tinh dầu thông bôi lên vùng da nơi đau nhức và xoa mạnh.

Chữa giãn phồng tĩnh mạch: Mỗi ngày 2 lần lấy giấm táo mèo thoa vào chỗ bị giãn. Và mỗi bữa ăn uống 1 cốc nước 200ml có pha 2 thìa giấm táo mèo.

Điều trị chứng giãn tĩnh mạch: Các vùng giãn tĩnh mạch thường do hoạt động nhiều gây khó chịu, bạn có thể ngâm bông vào trong giấm táo sau đó đắp lên nơi bị giãn tĩnh mạch.

Chữa chốc lỡ đầu trẻ em: Dùng giấm táo mèo bôi vào nơi có mụn cứ 1 ngày bôi 6 lần, mỗi lần cách nhau 2 tiếng. Khỏi sau 2, 3 ngày.

Chữa bệnh nấm tóc: Dùng giấm táo mèo xoa chỗ có nấm 1 ngày 6 lần cách đều 2 tiếng.

Dùng giấm táo mèo để giã rượu: Cứ 25 phút phút uống 6 thìa giấm nhỏ pha mật ong. Khoảng 4 lần là giã rượu.

Chữa bỏng: Nhúng chỗ bị bỏng vào nước giấm táo mèo pha cùng mật ong sẽ giảm đau và tránh khỏi rộp.

Chữa mồ hôi trộn: Trước khi đi ngủ, xoa bóp bằng giấm vào bàn chân và bàn tay.

Khử mùi vùng nách: Giấm táo sử dụng nguyên chất sau khi tắm xong xịt lên nách và massage, bạn có thể thỏa mái hoạt động mà không lo đến mùi.

Trị mùi khoang miệng: Trộn giấm táo với nước tỷ lệ 1:1 sau đó sáng dậy súc hỗn hợp này từ 2-3 phút sẽ giảm thiểu các bệnh về nha chu và hôi miệng.

Dùng làm nước ngâm chân: ngâm chân vào nước nóng trước khi ngủ làm cải thiện giấc ngủ và xua tan được mệt mỏi. Hãy thêm 1 thìa giấm vào nước để hiệu quả cao hơn và loại bỏ được các lớp tế bào chết ở gót chân.

Chữa đầy bụng, khó tiêu: 30g táo mèo khô, sắc uống thay trà hằng ngày, uống liên tục 2-3 ngày.

Bài thuốc chữa bệnh từ táo mèo theo Y học cổ truyền
Quả táo mèo sẽ có màu vàng khi chín. Ảnh internet

Lưu ý khi sử dụng táo mèo

Với những thành phần có trong quả táo mèo các chuyên gia cho biết các nhóm người sau cần lưu ý khi ăn quả táo mèo:

Người có tiền sử mắc bệnh dạ dày không nên ăn táo mèo quá nhiều, đặc biệt là khi đói bụng.

Không nên ăn táo mèo cùng hải sản. Vì trong quả táo mèo chứa axit tannic có thể kết hợp với canxi, sắt, carbon, i-ốt, các khoáng chất khác và protein có trong hải sản để tổng hợp protein tanin gây táo bón, buồn nôn và đau bụng.

Đặc biệt các sản phụ nên tránh ăn quá nhiều táo mèo để không xảy ra tình trạng sinh non, vì ảnh hưởng của táo mèo đối với sức khỏe sản phụ là thúc đẩy co bóp tử cung.

Ngoài ra, không nên lạm dụng rượu ngâm từ quả táo mèo vì uống quá nhiều thường sẽ dẫn đến tác dụng phụ của rượu.

Một số loại táo có hình dạng tương tự như táo mèo, tuy nhiên tác dụng dược lý lại không giống nhau. Bạn đọc nên lựa chọn đúng nguyên liệu để đạt được kết quả điều trị như mong muốn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Vì vậy trước khi dùng hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ cũng như những người có chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *