Hoa sữa
Hoa sữa còn có các tên gọi khác là mồng cua; mò cua; mùa cua, có tên khoa học Alstonia scholaris (L.) R. Br. – Echites scholaris L. Họ Apocynaceae. Họ Trúc đào (Apocynaceae) bao gồm khoảng 250 chi và 2000 loài cây nhiệt đới, cây bụi và dây leo. Họ này được biết đến với những loại cây có hoạt tính sinh học và dược tính rất cao.
Hoa sữa, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Không chỉ được trồng để làm cảnh, cây sữa có tác dụng phát hãn, chỉ thống, thông kinh, bình suyễn, tiêu tích và trừ đờm. Nhân dân thường dùng vị thuốc này để chữa sốt rét, bồi bổ sức khỏe, ho suyễn, thiếu máu,…
Cây hoa sữa có kích thước từ trung bình đến lớn, thường cao tới 20m và rộng 10m. Vỏ cây trưởng thành của nó có màu xám, gần như không mùi và rất đắng, cây có nhiều nhựa màu trắng đục và có vị đắng.
Lá: Lá mọc thành chùm từ ba đến mười lá; cuống lá dài 1 – 3cm (0,39 – 1,18 inch); hình trứng hẹp đến hình trứng rất hẹp, gốc hình nón, đỉnh thường tròn. Mặt trên của lá bóng, trong khi mặt dưới có màu xám.
Hoa: Hoa màu trắng, trắng xanh kem, vàng hoặc kem, thường tạo thành chùm.Những bông Hoa riêng lẻ có mùi thơm nhẹ, nhưng cây nở rộ tỏa ra hương thơm nồng nặc. Nguồn mật hoa phong phú và được thụ phấn bởi côn trùng như các loại bướm và ong. Sự nở hoa xảy ra mỗi năm một lần thường từ tháng 10 đến tháng 3.
Quả: Quả cây Hoa sữa dài từ 25 – 50cm, gầy, mọc thõng xuống, màu nâu, có gân dọc. Hạt nhiều, nhỏ dẹt, dài 7mm, rộng 2,5mm, hai đầu tròn hoặc cụt, trên mặt có lông màu nâu nhạt. Quả già tự tách làm 2 mảnh. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió.
Vỏ: Vỏ cây hoa sữa được thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân hạ. Vì lúc này cây chưa ra hoa và quả nên dưỡng chất còn tập trung nhiều ở vỏ. Sau khi hái vỏ về, đem cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài rồi phơi/sấy khô để dùng dần.
Ở Việt Nam, cây Hoa sữa được trồng và mọc hoang nhiều, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Nam Định.
Vỏ cây được thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân hạ. Vì lúc này cây chưa ra Hoa và quả nên dưỡng chất còn tập trung nhiều ở vỏ. Sau khi hái vỏ về, đem cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài rồi phơi/ sấy khô để dùng dần.
Vỏ thân đã cạo bỏ lớp bần phơi hay sấy khô dùng làm thuốc.
Cây Hoa sữa là một loài cây nhiệt đới thuộc họ Trúc đào. . Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Công dụng của hoa sữa
Theo y học cổ truyền
Tính vị: Vị đắng, tính mát.
Quy kinh: Quy vào kinh Phế và Can.
Công năng, chủ trị
Cây Hoa sữa được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống y học cổ truyền của Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Châu Phi, Úc. Vỏ cây được dùng để điều trị các bệnh sau:
Tẩy giun, trị giun sán.
Trị sốt, tiêu chảy, kiết lỵ (tán bột và trộn với mật ong), rắn cắn và các bệnh ngoài da.
Trị bệnh tim, bệnh phong, bệnh nấm da, khối u, bệnh thấp khớp, bệnh tả, viêm phế quản và viêm phổi.
Được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn, bệnh tim, loét mãn tính, các cơn đau thấp khớp và các bệnh khác.
Theo y học hiện đại
Các nghiên cứu về thực vật học của cây Hoa sữa đã xác định được:
Lá chứa Iridoids, coumarin và flavonoid.
Vỏ rễ và thân cây có chứa alcaloid ditamine, echitenine, terpenoid.
Hoa chứa tinh dầu chứa Caren – 3, Geraniol, Echitin, Terpinolene, Menthanol, Lupeol acetat…
Toàn thân cây Hoa sữa chứa nhiều alkaloid. Trong đó Echitamine là alkaloid quan trọng nhất, nó đã được phát hiện trong tất cả các mẫu nghiên cứu, từ các địa điểm thu thập khác nhau, và cũng được phát hiện trong vỏ cây được bán thương mại như một loại thuốc thảo dược.
Nhờ những thành phần trên mà hoa sữa có các công dụng sau:
Tính kháng khuẩn: Các chiết xuất từ hoa, lá vỏ cây hoa sữa đều có tính kháng khuẩn, chống lại nấm mốc vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
Hỗ trợ giảm đau chống viêm trong cơ thể: Chiết xuất từ lá cây hoa sữa có tác dụng giảm đau và chống viêm mạnh bởi các alkaloid picrinine, vallesamine và scholaricine.
Giảm căng thẳng: Chiết xuất methanolic của vỏ cây Hoa sữa được báo cáo là sở hữu khả năng chống căng thẳng và cải thiện khả năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, chiết xuất ethanol của lá cây hoa sữa được báo cáo là một biện pháp chống lo âu mạnh mẽ.
Hỗ trợ miễn dịch: Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất vỏ cây hoa sữa giúp tăng cường hệ miễn dịch không đặc hiệu, tăng hoạt động thực bào và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Điều hòa kinh nguyệt: Chiết xuất của cây hoa sữa có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, tăng tiết sữa ở phụ nữ. Ở Ấn Độ hoa và vỏ cây sữa được dùng giúp phụ nữ nuôi con bú ăn ngon miệng và tiết thêm sữa.
Làm nước súc miệng: Nhờ vào tính sát khuẩn nên vỏ cây sữa được chiết xuất sử dụng cho vào kem đánh răng hoặc sắc nước để súc miệng trị bệnh hôi miệng viêm nướu.
Làm giảm khả năng sinh sản: Cho chuột đực uống thuốc sắc từ vỏ cây sữa nhận thấy tuyến tiền liệt, túi tinh và tinh hoàn giảm trọng lượng đáng kể. Sử dụng trong thời gian dài có thể làm giảm chức năng sinh sản và hoạt động của tinh hoàn.
Trị đái tháo đường: Methanol trong lá của cây sữa có thể chống lại alpha-glucoside. Do đó một số chuyên gia nhận thấy, vị thuốc này có tiềm năng phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.
Tác dụng kiểm soát ung thư: Tác dụng chống ung thư/khối u của cây Hoa sữa có thể liên quan đến tác dụng chống tăng sinh của tế bào ung thư. Kamarajan và cộng sự đã chỉ ra rằng chất alkaloid echitamine chloride được chiết xuất từ cây hoa sữa làm giảm sự tăng sinh của khối u gây bệnh fibrosarcoma ở chuột.
Keawpradub và cộng sự cũng đã chỉ ra rằng các chất chiết xuất từ metanol vỏ rễ cây Hoa sữa có hoạt tính chống lại bệnh ung thư phổi ở người.
Tiềm năng chống ung thư có thể có của cây hoa sữa. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Bài thuốc chữa bệnh từ hoa sữa
Trị nóng trong người, giúp ăn ngon và tăng cân: Dùng vỏ cây sữa phơi khô hoặc sấy khô tán mịn thành bột. Ngày uống 1 – 3g bột, uống với nước nóng hoặc sắc.
Lưu ý: Vỏ hoa sữa thu hoạch vào mùa Xuân lúc cây chưa ra hoa sẽ nhiều hoạt chất hơn khi cây đang có hoa.
Giúp nâng cao sức khỏe: Dùng vỏ cây sữa tán nhỏ 75g. Rượu 30 – 35o lượng 500ml. Ngâm 7 ngày lọc lấy nước trong rồi thêm rượu vào cho đủ 500ml. Ngày uống 40ml chia 2 lần, trước 2 bữa ăn chính.
Giúp kháng khuẩn trị viêm: Ngâm bột vỏ sữa với cồn 60o trong 7 ngày. Thỉnh thoảng lắc lọc và thêm cồn 60o cho bằng trọng lượng của vỏ, để cuối cùng cho 1kg vỏ sẽ được 1 lít cao lỏng. Mỗi ngày dùng 0,5 – 1,5g. Nhiều nhất chỉ uống mỗi lần 2g và mỗi ngày 6g.
Trị đau răng, trị mụn lở loét: Dùng vỏ cây sữa sắc lấy nước đặc. Sau đó ngậm súc miệng trị đau răng. Hoặc bôi vào chỗ mụn nhọt lở loét giúp giảm mụn nhọt nhanh hơn.
Làm thuốc bổ máu: Vỏ cây hoa sữa 5g, hà thủ ô đỏ 5g, mã tiền 0,2g. Ngâm tất cả trong 500ml rượu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ trước 2 bữa ăn.
Chữa thiếu máu: Với những bệnh nhân bị nôn mửa thiếu máu do hóa trị liệu thì dùng 20g lá cây đã sao vàng sắc lấy nước để uống.
Hỗ trợ điều trị hen, viêm phế quản: Vỏ cây hoa sữa, vỏ quả qua lâu mỗi vị 3g, tử uyển 2g. Tán bột, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Giãn phế quản: Nước sắc từ vỏ cây hoa sữa còn có tác dụng giãn phế quản, chống dị ứng, làm dịu các tổn thương trên da và giảm các triệu chứng dị ứng trên da.
Điều trị sốt rét: Vỏ cây hoa sữa có chứa các alkaloids (amin nguồn gốc tự nhiên do thực vật tạo ra) như chất ditamine, echitenine và echitamine. Những chất này được sử dụng như một loại thuốc có tác dụng kháng khuẩn, điều trị sốt rét thay cho Quinine.
Dùng vỏ cây Hoa sữa quá liều sẽ gây độc hại tới các cơ quan chính của cơ thể. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Lưu ý khi sử dụng hoa sữa chữa bệnh
Cho đến nay các nghiên cứu về tác dụng của cây hoa sữa chủ yếu thực hiện trên động vật chưa thực hiện trên người. Một số đối tượng như người dị ứng, viêm mũi dị ứng cần cẩn thận khi tiếp xúc với hoa sữa vì chúng có thể gây nặng tình trạng dị ứng cho bệnh nhân.
Tránh dùng bài thuốc trong thời gian dài. Vì cây sữa có thể làm giảm trọng lượng của tinh hoàn, tuyến tiền liệt và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới.
Sử dụng các chế phẩm từ hoa sữa cần được sử dụng đúng nồng độ và liều lượng để mang lại lợi ích cho sức khỏe, không nên lạm dụng quá tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Thông tin về tác dụng dược lý và bài thuốc từ cây sữa trong bài viết chỉ có giá trị tham khảo. Khi áp dụng bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này, bạn nên trao đổi, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.