Băng phiến
Băng phiến còn gọi là đại bi, mai hoa băng phiến, mai phiến, long não hương, mai hoa não, ngải nạp hương, ngải phiến, từ bi.
Tên khoa học của cây là Blumea balsamifera. Chúng thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Băng phiến có thể lấy từ 3 nguồn:
– Từ gỗ cây long não hương (Dryobalanops aromatica Gaertn.). Thuộc họ Dầu hoặc họ Quả hai cánh Dipterocarpaceae.
– Chế từ cây đại bi hay từ bi hoặc từ bi xanh Blumea balsamifera DC.. Thuộc họ Cúc Compositae.
– Chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học.
Cây đại bi hay từ bi là cây nhỡ, cao từ 1.5 m đến 2.5 m. Thân có nhiều rãnh chạy dọc, có nhiều lông, trên ngọn có mang nhiều cành. Lá hình trứng, hai đầu nhọn, hơi tù, có thể dài tới 12 cm, trung bình dài 15 cm và rộng 5 cm, mặt trên có lông, mép lá gần như nguyên hay xẻ thành rang cưa. Ở gốc lá thường có 2, 4 hoặc 6 thùy nhỏ do phiến lá phía dưới bị xẻ quá sâu. Khi vò lá sẽ thấy mùi thơm dễ chịu của dược liệu. Hoa của cây có màu vàng, mọc thành chùy ở kẽ lá hay đầu cành. Trên hoa có nhiều lông tơ. Quả bế có 2 cạnh dài 1 mm, mang chùm lông ở đỉnh.
Băng phiến mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, trải dài từ rừng núi đến đồng bằng. Cây thường mọc ở vùng đồi đã phát quang có nhiều ánh sáng, không thấy trong rừng sâu. Chúng thường mọc thành bãi khá rộng. Ngoài ra, cây còn được tìm thấy ở các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philipine…
Lá phiến to dày, nhiều lông và có mùi thơm hắc. Chúng được thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa hè. Rửa sạch phơi âm can.
Mai hoa băng phiến thu được bằng cách chưng cất lá rồi cho thăng hoa. Búp và lá non thường chứa nhiều mai hoa băng phiến hơn các bộ phận khác.
Mai hoa băng phiến ở dạng tinh thể hình phiến trong suốt hoặc nửa trong suốt giống như cánh hoa mai, có mùi thơm nhẹ dễ chịu, vị cay mát. Y học hiện đại gọi hoạt chất này là borneol.
Băng phiến với tên khoa học Blumea balsamifera. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Công dụng của băng phiến
Theo y học cổ truyền
Lá dược liệu chủ yếu được nhân dân dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cảm cúm, làm cho đổ mồ hôi, chữa ho, trừ đờm, đầy bụng không tiêu, đau bụng. Băng phiến thường dùng nhất dưới dạng thuốc xông chữa bị cảm, mồ hôi không thoát ra được.
Nước sắc của lá uống giúp chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho.
Băng phiến được dùng trong y học cổ truyền từ lâu. Dược liệu này có vị cay, đắng, hơi lạnh, không độc. Quy kinh phế, tâm và can.
Tác dụng: thông khiếu, giải uất, sáng mắt, chữa đau bụng, đau ngực. Các trường hợp ho lâu ngày, ngạt mũi, đau họng, đau mắt, đau răng.
Liều dùng hàng ngày là 0.1 đến 0.2 g chia làm nhiều lần uống dưới hình thức thước bột. Dùng ngoài không kể liều lượng và thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Theo y học hiện đại
Một số tác dụng của băng phiến được nghiên cứu như sau:
Tác dụng chống khối u
Ung thư được ví như án tử cho người bệnh mắc phải. Số ca mắc ung thư hiện nay ngày một gia tăng trên toàn cầu. Điều này cho thấy một thực trạng về môi trường sống và sự đột biến gen có tác động khá lớn đến sự phát triển của căn bệnh này. Chiết xuất dihydroflavonol trong băng phiến đã được chứng minh có khả năng gây chết tế bào ung thư theo chu trình. Mặc dù kết quả này mới được thử nghiệm trên động vật thí nghiệm, nhưng là một tín hiệu khả quan cho những nghiên cứu về ung thư sau này.
Tác dụng bảo vệ gan
Gan là cơ quan quan trọng đối với cơ thể con người. Gan giúp chuyển hóa hầu hết các loại thuốc khi chúng ta sử dụng. Do vậy, chúng cũng rất dễ đối mặt với những nguy cơ tổn thương do chính cơ thể tác động. Các nghiên cứu cho thấy, băng phiến dùng đường uống có hoạt tính bảo vệ đáng kể chống lại tổn thương gan do paracetamol và prednisolone gây ra. Đây là các loại thuốc có tính kháng viêm và giảm đau được sử dụng nhiều hiện nay. Kết luận rút ra từ nghiên cứu mở ra hướng nghiên cứu lớn về khả năng bảo vệ gan của băng phiến trong tương lai trên người.
Khả năng chống vi khuẩn và chống viêm của băng phiến
Một số chiết xuất của băng phiến có khả năng ức chế một số vi khuẩn như: S.epidermidis, Enterobacter cloacae và S.aureus. Những kết quả này cho thấy các chất chiết xuất từ B.balsamifera có hoạt động chống lại một số loại vi sinh vật lây nhiễm và sinh độc tố. Nó có thể được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị các bệnh do vi sinh vật gây ra.
Tác dụng chống kết tập tiểu cầu của băng phiến
Khả năng ức chế kết tập tiểu cầu của băng phiến phụ thuộc vào nồng độ của chúng. Các nghiên cứ cho thấy việc tiêm chiết xuất từ B.balsamifera giúp làm giảm huyết áp, dãn nở mạch máu và ức chế hệ thần kinh giao cảm. Từ đó, giúp giải quyết chứng tăng huyết áp và chứng mất ngủ. Ngoài ra chúng còn có chức năng lợi tiểu.
Hoạt động chữa lành vết thương
Wang và cộng sự đã phát hiện ra việc bôi dầu B.balsamifera trên da những con chuột có vết thương ở liều 2000 mg / kg trong 24 giờ không gây ra phản ứng dị ứng hoặc phản ứng độc cấp tính. Nhưng hoạt động phục hồi vết thương tốt hơn so với những con được điều trị bằng công thức dầu không phải B.balsamifera. Kết quả này mở ra nhiều hường nghiên cứu hơn nữa trong tương lai trên người.
Băng phiến (long não) là sản phẩm kết tinh từ nhựa của cây Long não hoặc cây Đại bi. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Bài thuốc chữa bệnh từ băng phiến
Bài thuốc trị mắt sưng đỏ, đau và có màng
Chuẩn bị: Băng phiến một lượng vừa đủ.
Thực hiện: Tán thành bột mịn rồi điểm vào mắt để làm tan màng mộng.
Bài thuốc trị răng sưng đau, đau nhức lợi, viêm niêm mạc miệng ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: Bằng sa, chu sa, băng phiến và nguyên minh phấn.
Thực hiện: Đem dược liệu tán bột, trộn đều rồi dùng thuốc thổi vào miệng cho đến khi nôn ra là được.
Bài thuốc trị bệnh nặng đột ngột gây hôn mê
Chuẩn bị: Hỏa tiêu 24g, chu sa 9g, hùng hoàng 30g, băng phiến 6g, tạo phàn 60g.
Thực hiện: Đem các vị tán bột mịn rồi bảo quản trong lọ thủy tinh kín. Mỗi lần dùng 1 ly điểm vào khóe mắt và dùng 3 phân thuốc uống cùng với nước sôi để nguội.
Bài thuốc trị trúng phong hôn mê, tay chân lạnh, kinh giản
Chuẩn bị: Hoàng cầm, hùng hoàng, uất kim, chu sa, ngưu hoàng, sơn chi, hoàng liên và tê giác mỗi vị 30g, trân châu 1.5g, xạ hương và băng phiến mỗi vị 4.5g.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó làm thành viên và uống theo toa.
Bài thuốc trị thấp chẩn (chàm) vành tai, viêm ống tai ngoài và viêm tai giữa
Chuẩn bị: Băng phiến 1 phần và khô phần 10 phần.
Thực hiện: Đem tán bột mịn và thoa ở ngoài.
Bài thuốc trị mụn đỏ nổi ở mũi
Chuẩn bị: Sữa và băng phiến.
Thực hiện: Tán bột rồi trộn đều với sữa, thoa lên mũi nhiều lần trong ngày.
Bài thuốc trị đầu não đau nhức
Chuẩn bị: Phiến não 3g.
Thực hiện: Tán bột, cuộn trong tờ giấc rồi đốt và xông vào mũi. Sau đó nôn ra đờm nhớt là bớt.
Bài thuốc trị cổ họng sưng đau do nhiệt
Chuẩn bị: Hoàng nghiệt 1.5g (đốt tồn tính), đăng tâm 3g (đốt tồn tính), băng phiến 0.6g, bạch phàn 2.1g (nung qua).
Thực hiện: Đem các vị thuốc tán bột mịn, mỗi lần dùng 0.3- 0 .6g thổi vào cổ họng đau nhức.
Bài thuốc trị đau nhức răng
Chuẩn bị: Chu sa và băng phiến bằng lượng nhau, mỗi thứ 1 ít.
Thực hiện: Tán bột, sau đó chấm bột thuốc vào chân răng đau nhức là được.
Bài thuốc trị nội nhọt
Chuẩn bị: Phiến não 1 – 2 phân.
Thực hiện: Trộn đều với nước hành rồi thoa vào.
Bài thuốc giúp hồi tỉnh, khai khiếu, thích hợp với trường hợp trúng phong co giật, hôn mê hoặc lên cơn động kinh
Chuẩn bị: Vàng lá 50 lá, xạ hương 7.5h, băng phiến 7.5g, chu sa 30g, ngưu hoàng 15g, sừng tê giác 30g, an tức hương 45g, hùng hoàng 30g, hổ phách 30g và đồi mồi 30g.
Thực hiện: Cho các vị nghiền thành bột mịn, sau đó dùng 0.8g uống với nước đun sôi còn ấm. Ngày dùng từ 1 – 2 lần.
Bài thuốc trị trúng phong bất tỉnh, cấm khẩu
Chuẩn bị: Xạ hương 20g, ngưu hoàng 63g, băng phiến 10g, uất kim 63g, chi tử 63g, tê giác 63g, hùng hoàng 63g, hoàng cầm 63g và hoàng liên 63g.
Thực hiện: Đem chế thành hoàn rồi dùng uống theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Bài thuốc giúp giảm đau, chống viêm và hạ sốt
Chuẩn bị: Băng sa, chu sa, băng phiến và huyền minh phấn.
Thực hiện: Đem các vị nghiền thành bột mịn rồi dùng thuốc thoa vào chỗ đau nhức hoặc thổi vào cổ họng. Sau đó nước bọt sẽ tiết ra nhiều, lúc này nhổ nước bọt đi sẽ thấy bệnh thuyên giảm.
Bài thuốc trị bệnh viêm tai giữa có mủ
Chuẩn bị: Chương đơn 10g, băng phiến 2.5g, long cốt 15g, xạ hương 0.5g, hoàng liên 10g, mẫu lệ 10g.
Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 ít bột thuốc thổi trực tiếp vào tai.
Bài thuốc trị đau đầu, chóng mặt
Chuẩn bị: Băng phiến bằng hạt gạo.
Thực hiện: Bỏ vào miếng dán rồi dán lên huyệt Thần môn. Cứ 3 ngày thay 1 lần, thực hiện 4 lần là xong 1 liệu trình.
Bài thuốc trị nhiễm trùng ngoại khoa
Chuẩn bị: Mang tiêu và băng phiến theo tỷ lệ 10:1.
Thực hiện: Tán bột, trộn cho đều, sau đó dùng một ít bột thuốc thoa vào miếng gạc rồi dán vào chỗ đau nhức. Cứ 2 – 3 ngày thay 1 lần.
Bài thuốc trị zona thần kinh
Chuẩn bị: Băng phiến 10 – 30g.
Thực hiện: Tán thành bột mịn, cho nước cơm vào làm thành hồ rồi thoa vào chỗ đau. Ngày thực hiện 3 – 4 lần trong 3 – 5 ngày sẽ thấy bệnh giảm hẳn.
Bài thuốc trị sốt cao gây co giật và hôn mê
Chuẩn bị: Ngưu hoàng, nhân sâm, hùng hoàng, xạ hương, an tức hương, thiên trúc hoàng, hổ phách, tê giác, băng phiến, chế nam tinh, chu sa và đại mao liều lượng gia giảm theo từng trường hợp.
Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 2 – 4g uống với nước ấm. Ngày dùng từ 1 – 2 lần, nếu dùng cho trẻ nhỏ nên giảm liều lượng.
Bài thuốc trị bụng đau do uế khí thuộc sa chứng
Chuẩn bị: Minh nhũ hương, một dược và băng phiến.
Thực hiện: Dùng các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 0.01g uống với nước trà.
Bài thuốc trị lớ loét do nằm lâu
Chuẩn bị: Não sa và băng phiến mỗi vị 2g.
Thực hiện: Tán bột, hòa với cồn 75% 200ml rồi thoa lên vùng da bị lở. Trong trường hợp đã loét da, nên dùng cao mềm hoàng liên tố kết hợp với thuốc bôi ngoài để giúp da màu lành.
Bài thuốc trị chàm ở chân bị loét hoặc bội nhiễm
Chuẩn bị: Đậu hũ 1 miếng và băng phiến 3g.
Thực hiện: Giã nát rồi trộn đều, đắp ở ngoài da.
Bài thuốc trị hậu môn bị thấp chẩn, lở ngứa
Chuẩn bị: Mang tiêu 20g, minh phàn 2g và băng phiến 2g.
Thực hiện: Đem hòa với 600ml nước sôi đợi cho nước ấm và ngâm mông vào trong vòng 10 phút. Thực hiện ngày 2 lần cho đến khi da lành hẳn.
Bài thuốc trị chứng lở ngứa ở trẻ nhỏ
Chuẩn bị: Mè đen, hoa tiêu và băng phiến bằng lượng nhau.
Thực hiện: Đem các vị tán bột mịn, trộn với Vaseline rồi thoa vào vùng da cần điều trị.
Bài thuốc trị nhiễm giun kim
Chuẩn bị: Binh lang 6g, hắc bạch sửu 3g và băng phiến 1g.
Thực hiện: Đem các vị tán bột mịn. Trước khi đi ngủ, nên dùng bột thuốc hòa với 100ml nước sôi rồi đợi nước nguội bớt. Dùng ống tiêm hút nước vào rồi bơm vào hậu môn liên tục từ 3 – 5 lần.
Bài thuốc trị đau khớp do bong gân
Chuẩn bị: Dầu tùng tiết và dầu băng phiến, trộn đều.
Thực hiện: Thoa vào chỗ đau nhức.
Bài thuốc trị cổ họng sưng đau
Chuẩn bị: Hàn thạch thủy, móng tay người, băng phiến, bằng sa và sinh thạch cao các vị bằng lượng nhau.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó dùng bột thuốc thổi vào chỗ đau nhức.
Bài thuốc trị các chứng xuất huyết như phụ nữ băng lậu, tiêu ra máu, dạ dày và phổi xuất huyết, chảy máu do chấn thương
Chuẩn bị: Bột tùng hoa và ô tặc cốt bằng lượng nhau, thêm 1 ít băng phiến.
Thực hiện: Đem ô tặc cốt và bột tùng hoa tán bột, gia thêm 1 ít băng phiến vào rồi rắc trực tiếp lên vết thương, buộc chặt.
Bài thuốc trị mắt hột
Chuẩn bị: Mai mực và băng phiến.
Thực hiện: Tán thành bột mịn rồi chấm vào mắt giúp trị mộng thịt hiệu quả.
Bài thuốc trị bệnh mạch vành
Bài thuốc 1: Dùng xạ hương, nhân sâm, ngưu hoàng, thiềm tô, dầu tô hợp hương, nhục quế và băng phiến, liều lượng điều chỉnh theo tình trạng bệnh. Tán bột làm việc, mỗi lần dùng 2 viên. Ngày dùng 3 lần và sử dụng liên tục trong vòng 3 ngày.
Bài thuốc 2: Dùng chu sa, dầu tô hợp hương, đàn hương, mộc hương và băng phiến.
Bài thuốc 3: Dùng băng phiến và dầu tô hợp hương.
Bài thuốc trị chứng trúng phong đàm quyết chứng bế
Chuẩn bị: Thanh mộc hương, hương phụ, kha tử, an tức hương, bạch truật, tê giác, chu sa, bạch đàn hương, xạ hương, tất bạc, trầm hương và đinh hương mỗi vị 40g, nhũ hương, băng phiến và tô hợp hương mỗi vị 20g.
Thực hiện: Đem băng phiến, xạ hương và tô hợp hương để riêng. Sau đó dùng các vị nghiền cho mịn, thêm 3 dược liệu vào và luyện với mật làm thành viên nặng 4g. Mỗi lần dùng ½ – 1 hoàn uống với nước sôi nóng, ngày sử dụng từ 1 – 2 lần. Nếu dùng cho trẻ nhỏ nên gia giảm liều lượng.
Bài thuốc trị nhổ răng ra máu
Chuẩn bị: Tế tân 1g, băng phiến 0.1g, huyết hư than 1g và địa du than 2g.
Thực hiện: Đem chế thành chất xốp keo rồi rắc lên chân răng vừa nhổ để cầm máu.
Bài thuốc trị bỏng ngoài da có mức độ nhẹ đến trung bình
Chuẩn bị: Đương quy, tử thảo và địa du mỗi vị 1 lạng, cam thảo 2 đồng cân, băng phiến 5 đồng cân.
Thực hiện: Chế thành thuốc đắp ngoài. Cứ 6 – 7 ngày lại thay thuốc 1 lần, nếu có nhiễm khuẩn nên thay thuốc 2 – 3 ngày/ lần.
Bài thuốc trị bệnh viêm tai giữa
Chuẩn bị: Ngũ bội tử, khô phàn bằng lượng nhau, 1 ít băng phiến.
Thực hiện: Sử dụng oxy già 3% để rửa sạch rồi dùng bông lau khô. Sau đó tán bột và trộn đều các dược liệu, sử dụng ống có đường kính 5mm thổi bột thuốc vào.
Bài thuốc trị chàm lở
Chuẩn bị: Thanh đại 30g, lưu hoàng và khô phàn mỗi vị 100g, băng phiến 1.5g, thạch cao nung 500g.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, chế thêm ít dầu thực vật vào rồi thoa vào vùng da cần điều trị. Sử dụng 2 lần/ ngày liên tục trong 5 – 7 ngày.
Bài thuốc trị chấn thương phần mềm gây ứ huyết, áp xe gan và đau dây thần kinh liên sườn
Chuẩn bị: Đào nhân (ngâm rượu sao) 8 – 16g, sài hồ 12 – 20g, đại hoàng (ngâm rượu) 4 – 12g, qua lâu căn 12g, xuyên sơn giáp 8 – 12g. đương quy 12g, cam thảo và hồng hoa mỗi vị từ 8 – 12g.
Thực hiện: Đem sắc với nước và rượu (tỷ lệ 1:3). Dùng thuốc khi còn ấm và nên uống lúc bụng đói. Chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày. Khi nhận thấy cơn đau chấm dứt, nên ngưng bài thuốc.
Bài thuốc trị chứng nứt nẻ chân tay
Chuẩn bị: Đại hoàng 50g, bạch cập 30g và băng phiến 3g.
Thực hiện: Tán bột mịn, gia thêm mật ong vào và chế thành thuốc bôi ngoài. Sử dụng 3 lần/ ngày cho đến khi chân tay hết nứt nẻ.
Bài thuốc trị chấn thương ngoại khoa gây sưng đau
Chuẩn bị: Xạ hương 2g, nhĩ trà 10g, băng phiến 3g, một dược, nhũ hương và chu sa mỗi vị 5g, hồng hoa và huyết kiệt mỗi vị 6g.
Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 0.2g thuốc bột uống cùng với rượu.
Bài thuốc trị chứng nhũ hạch
Chuẩn bị: Hoàng bá, nhũ hương, đại hoàng, một dược đem tán bột, gia thêm 1 ít băng phiến.
Thực hiện: Bảo quản trong lọ nâu, sau đó trộn với lòng trắng trứng rồi đắp lên chỗ đau nhức. Cứ 24 giờ thay băng 1 lần cho đến khi tiêu hạch.
Bài thuốc trị sốt cao do nhiễm trùng, mùa hè trúng hàn thổ tả khiến bụng đau, ung nhọt sưng tấy và các chứng nhiệt độc
Chuẩn bị: Băng phiến 1g, xạ hương 1g, trân châu 1.5g, thiềm tô 1g, minh hùng hoàng 1g, tây ngưu hoàng 1.5g.
Thực hiện: Cho thiềm tô để riêng, các vị thuốc còn lại đem tán bột mịn. Sau đó cho thiềm tô tẩm với rượu, trộn với bột thuốc làm viên to bằng hạt cải. Sau đó dùng bách thảo sương làm áo cho thuốc. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng từ 5 – 10 viên.
Bài thuốc chữa polyp mũi
Chuẩn bị: Ô mai nhục 30g, ngẫu tiết tươi (ngó sen) 60g, băng phiến 3g và bạch phàn 15g.
Thực hiện: Đem các vị tán bột rồi thổi vào mũi đau, cứ 1 giờ thổi 1 lần trong vòng 5 ngày. Nên lặp lại liệu trình cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Bài thuốc trị các bệnh ung nhọt và quai bị
Chuẩn bị: Băng phiến vừa đủ và thanh đại 20g.
Thực hiện: Trộn với nước ấm rồi thoa lên vùng da bị quai bị cho đến khi khỏi bệnh.
Bài thuốc trị loét cổ tử cung
Chuẩn bị: Ngư tinh thảo (rau diếp cá) và băng phiến.
Thực hiện: Trộn đều với Vaseline rồi thoa lên vùng lở loét.
Lưu ý: Chỉ áp dụng khi được thầy thuốc chỉ định.
Bài thuốc trị tưa miệng
Chuẩn bị: Ngũ bội tử 20g và băng phiến 3g.
Thực hiện: Tán bột mịn rồi thổi thuốc vào vùng miệng bị tưa. Thực hiện ngày 2 lần cho đến khi khỏi hoàn toàn.
Băng phiến được trồng ở nhiều nơi trên nước ta. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Lưu ý khi sử dụng băng phiến
Thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai
Không dùng dược liệu với rượu vì có thể gây ngộ độc.
Không để băng phiến tiếp xúc với nhiệt độ cao và không cho vào lửa.
Dùng băng phiến quá liều lượng khuyến cáo có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Băng phiến là dược liệu quý và được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên vị thuốc này có chứa độc tố vì vậy bạn cần thận trọng trong quá trình sử dụng. Ngoài ra để giảm thiểu các tình huống rủi ro phát sinh, nên chủ động trao đổi với thầy thuốc trước khi áp dụng bài thuốc.