Ảnh minh hoạ |
Khí theo quan niệm của Y học cổ truyền đó là một loại vật chất tinh vi, cùng với huyết cấu thành hoạt động sinh mạng của con người. Cách thức hình thành, bộ vị tồn tại, công năng tác dụng và tên gọi của khí cũng không giống nhau. Khí tiên thiên (quan trọng nhất) được bẩm phú từ cha mẹ cho gọi là nguyên khí là tinh khí tàng ở thận, nó có tác dụng thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát dục của cơ thể con người.
Khí được hít thở từ ngoài qua mũi vào trong ngực được gọi là tông khí, nó có tác dụng thúc đẩy sự hô hấp của phế và vận hành huyết trong mạch của tâm. Khí được hình thành từ sự hấp thu các chất tinh vi của đồ ăn thức uống được gọi là vị khí hay trung khí, nó có tác dụng hóa sinh huyết dịch. Những vật chất tinh vi của thủy cốc hóa sinh thành huyết dịch đi vào huyết quản được gọi là dinh khí hoặc dinh huyết, có tác dụng dinh dưỡng toàn thân.
Cũng từ nguồn tinh vi của thủy cốc mà đi ra phân bố ở bì phu thì được gọi là vệ khí, có tác dụng phòng vệ các loại ngoại tà từ ngoài xâm nhập vào bì phu, kinh lạc, điều tiết mồ hôi và điều chỉnh thân nhiệt của cơ thể.
Tóm lại khí của cơ thể con người theo quan niệm của y học cổ truyền có nguồn gốc từ:
- Khí tiên thiên (thận khí)
- Khí hậu thiên từ thủy cốc (thủy cốc khí)
- Khí hít vào từ tự nhiên (thanh khí)
Nếu khí tiên thiên không đầy đủ (bất túc) sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát dục; Nếu tông khí không đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới công năng hô hấp của phế và khả năng vận hành huyết dịch của tâm; Nếu trung khí (vị khí) không đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới sự hình thành huyết dịch, sự vững chắc của các nội tạng (các nội tác dễ bị sa xuống- hạ hãm); Nếu vệ khí không đầy đủ thì khả năng phòng vệ, đề kháng của cơ thể sẽ giảm sút, con người sẽ dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm phạm vào mà gây bệnh.
Để điều trị các trường hợp khí hư bằng dược liệu thì YHCT có một phương thuốc gồm 4 vị thuốc: Nhân sâm, phục linh, bạch truật và cam thảo; Tạo thành bài thuốc có tên là “Tứ quân tử thang” (Phương tễ học). Thế còn đối với chứng này mà điều trị bằng châm cứu thì liệu có một phương huyệt nào có tác dụng trong việc bổ khí tương tự với “tứ quân tử thang” hay không. Câu trả lời là có
Trong các du huyệt được dùng để châm cứu với tác dụng bổ khí có huyệt: Khí hải, quan nguyên, đản trung và đại trùy được gọi là “tứ quân” trong châm cứu. Ngoài ra còn các huyệt: Phế du, tâm du, tỳ du, thận du, túc tam lý… cũng có tác dụng tốt trong vấn đề bổ khí.
Huyệt khí hải nằm dưới rốn 1,5 thốn, từ tên gọi đã hàm chứa ý nghĩa và tác dụng của huyệt đó là bể chứa khí và có tác dụng bổ ích khí. Huyệt quan nguyên nằm dưới rốn 3 thốn, là nơi giao quan giữa nguyên âm và nguyên dương của cơ thể, là huyệt có tác dụng đứng hàng đầu trong việc bổ thận khí. Huyệt đản trung (hay còn gọi là huyệt thượng khí hải ) tác dụng của huyệt này đã được ghi trong các y văn là “huyệt hội của khí” cũng như huyệt khí hải nó có tác dụng bổ ích khí. Huyệt đại trùy là nơi giao hội của mạch đốc với 6 kinh mạch dương nên còn được gọi là “nơi hội dương” mà phân chia theo âm dương thì khí thuộc về dương vì vậy nó là một trong những huyệt vị quan trọng trong điều trị các bệnh về khí hư.
Trong các huyệt kể trên thì đản trung thiên về bổ khí của tâm và phế, có tác dụng chủ yếu trong điều trị các bệnh của tâm, phế khí hư suy dẫn đến các chứng bệnh như đau ngực, khí đoản, ho khí suyễn, nhịp tim không đều, tâm thống… huyệt dại trùy thường dùng trong bổ ích dương khí của cơ thể được ứng dụng trong điều trị các chứng cơ thể dương khí hư như người sợ lạnh, chân tay lạnh, mệt mỏi vô lực… còn 2 huyệt quan nguyên và khí hải có tác dụng bổ khí, bổ thận, hồi dương, khứ hàn, điều hòa khí huyết, điều bổ khí của toàn thân được dùng điều trị trong các chứng bệnh về khí hư của toàn thân.
Ngoài ra các huyệt như: Phế du, tâm du, tỳ du, vị du, thận du có tác dụng bổ ích phế khí, tâm khí, tỳ khí, vị khí và thận khí. Còn huyệt túc tam lý có tác dụng bổ ích khí của ngũ tạng lục phủ.
Phương pháp sử dụng các huyệt trên: trong điều trị bổ khí bằng phương pháp châm cứu chúng ta có thể dùng đơn thuần châm hoặc cứu. Nếu dùng phương pháp cứu thì mỗi ngày tiến hành cứu 1 lần; còn dùng phương pháp châm thì dùng phép châm bổ và cách 1 ngày châm 1 lần; Kết hợp giữa cả châm và cứu thì tác dụng điều trị sẽ được phát huy tốt nhất.