Tương truyền, từ 200 năm trước Công nguyên, cà cuống đã được liệt vào hàng “sơn hào hải vị”, thứ dùng làm cống phẩm cho Vua. Trong cuốn “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng kể: Tục truyền rằng Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ lùng, ông ta gửi dâng vua Hán một mớ và gọi là quế đố, nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ, trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng : “Đó không phải là con sâu sống trong cây quế (quế đố), mà chỉ là một con sâu sống dưới nước” (thủy đố). Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã” (Đó là lời nói láo của Đà). Dần dần chữ “đà cuống” đọc chệch ra thành “cà cuống”. Nó còn có một tên nữa là long sắt nghĩa là “rận rồng”.
Ở Á Châu, cà cuống thường được dùng toàn cơ thể làm thức ăn, từ Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar qua Trung Hoa, Singapore, Indonesia. Người Trung Quốc ăn cà cuống theo kiểu luộc thêm một chút muối ở Quảng Châu, hoặc xào trong dầu mè ở Bắc Kinh. Ở Singapore, fwai fa shim im là một món cà cuống được ưa chuộng. Người Thái Lan gọi cà cuống là mangda. Họ trộn nhuyễn toàn cơ thể, có khi vứt bỏ mắt, cánh và những bộ phận xơ cứng, với hành, kiệu, ớt, đường, thêm vào nước chanh, nước mắm thành một thứ bột nhão gọi là nam prik mangda để ăn với cơm hay rau.
Tại miền Bắc Việt Nam, cà cuống được loại chân, cánh, đuôi phụ rồi hấp cách thủy trong một cái chõ hay nướng trên lò than để ăn. Cũng có khi người chế biến để nguyên con đem thái nhỏ rồi xào mỡ để ăn ngay hay ướp muối để tích trữ. Cà cuống cái không có bọng tinh dầu thơm nên thường người ta chỉ ăn trứng hoặc rang, chiên lẫn cà cuống cái với cà cuống đực thành món chiên cà cuống. Bọng tinh dầu ở gáy cà cuống đực thoang thoảng mùi hương quế rất khó tả, là gia vị quý giá được pha chế vào nước mắm, không thể thiếu trong các món ăn truyền thống như bún chả, bún thang, chả cá, bánh cuốn, và chính nó làm cho các món ăn nói trên có hương vị nổi tiếng của nghệ thuật ẩm thực Hà Nội truyền thống.
Cà cuống là thực phẩm giàu dinh dưỡng/ Ảnh:VietNamnet/https://suckhoeviet.org.vn/ |
Ngoài tinh dầu, thịt và trứng cà cuống cũng chứa nhiều protein, lipid và các vitamin nên vẫn được coi là dược liệu. Thông thường, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc rán. Nó có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Trứng cà cuống rất bé, chỉ như hạt thóc nếp, trong vắt, không mềm như trứng tôm cũng không khô như trứng cá, mà nó chắc chắn, dai dai. Thịt cà cuống cũng thơm ngon đặc biệt. Khi ăn, bạn có thể xé từng phần của con cà cuống và nếm từ từ để cảm nhận đủ các vị cay cay, bùi bùi, béo ngậy mà lại rất thanh. Người nào đã nghiền món này thì có ăn cả trăm con cũng không ngán.
Cà cuống có thể vừa làm thức ăn, vừa làm gia vị cho món ăn khác. Từ món cà cuống rang muối giòn giòn, hay chiên vàng cùng với bơ, phomai hay băm nhỏ xào với trứng, hoặc trộn lẫn với mù tạt và xì dầu để chấm với hải sản… Tất cả đều không chê vào đâu được.
Hiện nay trên thị trường, cà cuống được bán với giá giao động 5-6 triệu đồng/1kg. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sẵn sàng chi trả để thưởng thức bởi sự hấp dẫn tuyệt vời của chúng.