Các bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh viêm mũi hiệu quả, an toàn

Viêm mũi là một tình trạng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Đây là một bộ phận nhạy cảm và phản ứng nhanh với thời tiết. Mũi có thể dễ viêm và gây khó chịu khi gặp thời tiết trở lạnh bất thường hay không khí ô nhiễm hay do bất cứ tác nhân nào bên ngoài tác động. Viêm mũi tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh.

Viêm mũi là gì?

Viêm mũi là tình trạng viêm sưng lớp niêm mạc ở khoang mũi, dẫn đến các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa và hắt hơi. Viêm mũi có thể ảnh hưởng đến người bệnh trong ngắn hạn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính). Viêm mũi cấp tính thường là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc dị ứng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra. Viêm mũi mạn tính thường đi kèm với các bệnh lý viêm xoang – họng mạn tính.

Triệu chứng bệnh viêm mũi

Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi có thể diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chúng thường ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của người bệnh, bao gồm:

  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Ngứa mũi, họng, mắt và tai
  • Chảy dịch mũi sau
  • Hắt xì
  • Ho
  • Viêm họng
  • Chảy nước mắt
  • Ngủ ngáy
  • Đau đầu
  • Đau mặt
  • Giảm khứu giác, vị giác hoặc thính giác.
Các bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh viêm mũi hiệu quả, an toàn
Viêm mũi là tình trạng bệnh lý rất thường gặp ở mọi đối tượng. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Các dạng viêm mũi thường gặp

Viêm mũi được chia thành những dạng sau:

Viêm mũi dị ứng

Là tình trạng niêm mạc mũi bị sưng lên do phản ứng với một số tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như: khói bụi, nấm mốc, lông súc vật, phấn hoa,… Tác nhân gây bệnh chủ yếu là lành tính, người bệnh có những dấu hiệu viêm mũi thông thường và gần như không cần phải dùng đến thuốc. Dấu hiệu sẽ khỏi sau vài ngày.

Viêm mũi do virus

Là tình trạng viêm mũi do sự xâm nhập của virus cúm hoặc cảm lạnh. Niêm mạc mũi sưng lên bất thường làm tăng tiết dịch nhầy, khiến người bệnh cảm giác nghẹt mũi, sổ mũi nhiều và hắt hơi cùng với nhiều triệu chứng khác.

Viêm mũi vận mạch

Khác với dị ứng. viêm mũi vận mạch là do các mạch máu trong mũi nhạy cảm khi mất cân bằng của hệ thần kinh kiểm soát niêm mạc mũi. Cùng với một số tác nhân từ môi trường bên ngoài, các mạch máu này bị giãn ra, khiến cho tăng tiết dịch mũi hơn bình thường gây chảy dịch mũi hoặc tắc nghẽn.

Viêm mũi teo

Đây là một tình trạng bệnh mạn tính do niêm mạc mũi bị viêm lâu ngày dẫn đến teo và cứng lại, hốc mũi vì thế bị nở rộng hơn, không và đóng vảy. Người bị viêm mũi teo thường có khứu giác giảm sút nhiều, nặng có thể không ngửi thấy mùi. Các vi khuẩn gây hại cũng vì thế có cơ hội hoạt động nhiều hơn khiến cho tình trạng viêm mũi tái đi tái lại.

Viêm mũi do thuốc

Đôi khi viêm mũi cũng do nguyên nhân chủ quan của người bệnh khi chữa các triệu ứng dị ứng do thời tiết hay các tác nhân khác. Việc lạm dụng các loại thuốc thông mũi, xông xịt mũi, nhỏ mũi khiến các niêm mạc trong mũi mất dần sức đề kháng, bị kích ứng, nhạy cảm hơn. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng viêm mũi nặng.

Các bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh viêm mũi hiệu quả, an toàn
Viêm mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Nguyên nhân gây viêm mũi

Viêm mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ gây nên viêm mũi dị ứng. Còn viêm mũi không dị ứng là do các tác nhân từ bên trong. Vì thế có thể thấy các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm mũi như:

Người bị hen suyễn: Người bị hen suyễn thường có hệ hô hấp nhạy cảm, dễ dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài, chính vì thế càng dễ bị viêm mũi.

Người lớn tuổi: Theo thống kê những người thường xuyên bị viêm mũi không do dị ứng chiếm phần lớn sau độ tuổi 20.

Giới tính: Phụ nữ thường dễ bị viêm mũi hơn, nhất là trong thời gian mang thai, thời kỳ kinh nguyệt.

Do các tác nhân bên ngoài: Do tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá, lông động vật,… Những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại sẽ có nguy cơ cao bị viêm mũi hơn thông thường.

Do bệnh lý: Một số các bệnh lý về suy giáp, các bệnh lý mạn tính gây suy giảm sức đề kháng như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, lupus ban đỏ,… cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ bị viêm mũi.

Các bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh viêm mũi hiệu quả, an toàn
Liên kiều vị thuốc chủ dược trong bài thuốc Ngân kiều tán trị viêm mũi. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Bài thuốc Y học cổ truyền chữa bệnh viêm mũi

Bài 1: Ngân kiều tán

Thành phần: Liên kiều 12g, cát cánh 08g, đạm trúc diệp 12g, kinh giới tuệ 8g, đậu xị 6g, ngưu bàng 12g, kim ngân hoa 20g, bạc hà 8g, cam thảo 6g.

Cách dùng: Tất cả các vị thuốc trên cho vào nồi đổ 1 lít nước, đun sôi rồi cho nhỏ lửa, đun cạn còn 300ml, chia ra 2 lần, uống sáng chiều, sau ăn 30 phút.

Tác dụng: Điều trị viêm mũi, nhức mũi, cảm cúm có phát sốt, đau đầu do cảm phải ngoại phong.

Phương giải bài thuốc:

Kim ngân và liên liều là hai vị quân chủ chuyên trị viêm mũi, viêm ở phần huyết phận.

Cát cánh, kinh giới tuệ tuyên phế trị khí trệ vùng thượng tiêu, mặt khác làm cho loãng đờm, chống bít tắc mũi.

Đậu xị lợi niệu, giảm gánh nặng cho phế giúp cho phế tuyên giáng tốt hơn, đồng thời làm mạnh tỳ vị giúp bổ sung nguồn hậu thiên tốt.

Cam thảo vị ngọt kiện tỳ, bổ khí làm mạnh hậu thiên, đồng thời làm giảm sự đau nhức.

Bài 2: Thuốc Nam trị viêm mũi

Thành phần bài thuốc gồm: Tân di 10g, thổ phục linh 15g, ké đầu ngựa 15g, bạch chỉ 10g, gai bồ kết 15g, cây cứt lợn 30g, thăng ma 8g, tỳ giải 12g, bạch đồng nam 15g, cỏ mần trầu 20g, cam thảo đất 15g, trần bì 15g, sa sâm 15g, cát căn 12g, cam thảo 5g, tô tử 15g.

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, đổ 1 lít nước đun cạn còn 300ml, chia 2 lần, uống sáng, chiều.

Với các bệnh nhân bị lâu ngày có hơi thở hôi, nên nhỏ thêm nước muối sinh lý hoặc nước sắc đặc lá trầu không vào mũi hằng ngày giúp tăng tác dụng diệt khuẩn.

Tác dụng: Bài thuốc điều trị viêm mũi, xoang lâu ngày, hay gây đau đầu, nhức vùng trán và cung lông mày, kèm hắt hơi sổ mũi buổi sáng sớm hay thay đổi thời tiết.

Phương giải bài thuốc:

Tân di vị cay, tính ôn; vào kinh phế và vị. Tân di có tác dụng khu phong giải biểu, thông khiếu chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau đầu, tắc ngạt mũi, chảy nước mũi, đau răng, viêm xoang mũi má cấp hoặc mạn tính…

Hoa cứt lợn có tính mát, vị hơi đắng và cay có tính kháng sinh mạnh, có thể chữa trị các chứng yết hầu sưng đau … đồng thời làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh viêm mũi xoang.

Các vị thuốc khác làm cho thông thoáng đường mũi họng miệng, giảm các chứng viêm.

Bài 3: Ngọc bình phong tán

Thành phần: Phòng phong, hoàng kỳ, bạch truật liều bằng nhau tán bột, ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10g pha với nước gừng ấm.

Tác dụng: Bồi bổ chính khí cơ thể, điều trị viêm mũi, ngăn ngừa bệnh lý hô hấp mắc phải.

Phương giải bài thuốc: Trong bài thuốc Ngọc bình phong tán, vị thuốc hoàng kỳ có vị ngọt, tính ấm, theo Y học cổ truyền có tác dụng bổ khí cố biểu.

Bạch truật có vị đắng ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, chỉ hãn an thai. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, vị thuốc bạch truật cũng có công năng tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn, chống lão hóa, làm giảm mỡ máu, hạ đường huyết, lợi niệu, chống ung thư, lợi mật và bảo vệ tế bào gan.

Vị phòng phong có vị cay ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng trừ phong giải biểu, trừ thấp, trấn thống và giải kính. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, vị thuốc phòng phong có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, chống dị ứng, giải nhiệt, giảm đau, trấn tĩnh, chống co giật, kháng ung thư và nâng cao năng lực miễn dịch không đặc hiệu.

Gừng có tác dụng ấm kinh lạch, mạnh cho vệ biểu, chống cảm lạnh.

Phòng ngừa viêm mũi

Để phòng bệnh viêm mũi dị ứng có hiệu quả:

Tránh các tác nhân gây bệnh. Ví dụ: Tránh hít phải khói, bụi, phấn hoa, cánh bướm, lông thú, sơn ta, xăng dầu, hơi hóa chất…;

Hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà hoặc cho chúng ngủ trên giường;

Định kỳ vệ sinh chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, màn cửa;

Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.

Về ăn uống, tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua ghẹ… Ngoài ra, chú ý giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;

Hạn chế tối đa việc hút thuốc lá; tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi; đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển mùa.

Tập thể dục đều đặn, có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tuân thủ lối sống khoa học, lành mạnh, giữ cho tinh thần luôn sảng khoái, ngủ đủ, chất lượng giấc ngủ tốt… giúp nâng cao sức đề kháng, bệnh viêm mũi dị ứng sẽ dần thoái lui.

https://suckhoeviet.org.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *