Cảm lạnh là gì
Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến, thường gặp ở tất cả các đối tượng, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi. Đây là một bệnh về đường hô hấp, do bị nhiễm virus đường hô hấp. Tuy mức độ không nặng như cảm cúm nhưng vẫn gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng cho các sinh hoạt thường ngày.
Bệnh thường xuất hiện khi trời lạnh và mưa, hoặc có thể trong thời điểm thay đổi thời tiết một cách đột ngột. Khi đó, cơ thể dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh như virus hay vi khuẩn phát triển.
Đây là căn bệnh thường gặp và hầu như không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khỏe của người trưởng thành, nhưng nó lại gây ảnh hưởng lớn tới trẻ em nếu mắc phải. Nguyên do là bởi vì trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, nếu gặp điều kiện bất lợi có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp như phổi, phế quản.
Nguyên nhân
Bệnh cảm lạnh là virus gây ra, trong đó phổ biến nhất là các virus thuộc chủng Rhinovirus, hoặc Enterovirus. Con đường chủ yếu để virus xâm nhập vào cơ thể con người là thông qua mắt, mũi, miệng, hoặc cũng có thể thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Ít gặp hơn là các trường hợp nhiễm virus do tiếp xúc với các đồ vật chứa virus khi chạm vào hoặc dùng chung đồ với người bệnh.
Người bệnh có thể bị sốt nhẹ khi bị cảm lạnh. Ảnh internet |
Triệu chứng thường gặp
Sau khi cơ thể bị nhiễm virus khoảng 2 – 3 ngày, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện của bệnh tác động lên các cơ quan xoang, mũi, họng, kéo dài từ 3 – 7 ngày. Trong khoảng 3 ngày đầu là khoảng thời gian dễ gây lây nhiễm cho người khác nhất.
Bệnh cảm lạnh thông thường sẽ chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người bệnh, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp nhất có thể kể đến:
- Nghẹt mũi, khó thở.
- Chảy nhiều nước mũi, nước mắt.
- Ho.
- Đau họng, viêm họng.
- Đau đầu, đau nhức cơ thể.
- Hắt hơi.
- Sốt nhẹ.
- Cảm thấy mệt mỏi trong người.
Một số người bệnh có thể bị mất vị giác, sưng hạch bạch huyết. Bên cạnh đó bạn còn hay cảm giác có áp lực trong tai và mặt khi bị cảm lạnh.
Tuy bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày, nhưng cũng có một số trường hợp không được điều trị kịp thời, cảm lạnh sẽ gây ra một số các biến chứng cho cơ thể, như hen suyễn, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính hoặc các nhiễm trùng thứ cấp khác. Vì vậy, người bệnh cần đến bệnh viện để nhận được điều trị kịp thời nếu bệnh không thể tự khỏi.
Nhiều loại thảo dược giúp cải thiện tình trạng cảm lạnh. Ảnh internet |
Phương pháp điều trị cảm lạnh bằng thảo dược
Cây bạc hà
Bạc hà là vị thuốc thường được sử dụng trong đông y với tác dụng kích thích đổ mồ hôi nên dùng để hạ sốt. Có thể dùng bạc hà tươi trong món salad hoặc như một loại trà để giúp bạn đánh bại cảm lạnh trong mùa Đông.
Lưu ý không sử dụng bạc hà trong trường hợp ra nhiều mồ hôi hay trẻ sơ sinh.
Húng quế
Cây húng quế có tác dụng tốt trong việc chống nấm và vi khuẩn có hại, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm. Loại thực vật này còn có tác dụng đẩy lùi những cơn đau đầu. Nếu ăn lá húng quế sống, các chức năng của cơ thể sẽ được tăng cường và tăng mức kháng thể cao hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể làm nước uống hay dùng hỗn hợp mật ong và húng quế để giảm mệt mỏi, điều trị cảm lạnh hay cảm cúm.
Kinh giới Oregano
Đây không chỉ là loại rau gia vị giúp mang đến hương vị thơm ngon mà còn là phương thuốc tuyệt vời với người bị cảm lạnh, cảm cúm, ho. Bạn có thể dùng làm trà hoặc chiết xuất lấy hơi để thành thuốc hít chữa bệnh. Nó cũng có tác dụng chống viêm, điều trị tiền liệt tuyến.
Tía tô
Cây tía tô không chỉ chữa cảm lạnh hiệu quả mà còn rất an toàn cho sức khỏe, hạn chế được việc dùng thuốc. Bạn chỉ cần lấy 20g lá cây tía tô tươi, chế thêm nước sôi, khuấy đều gạn lấy nước nóng; hoặc dùng 10 lá cắt nhỏ trộn với cháo nóng, ăn rồi nằm nghỉ cho ra mồ hôi. Ngoài ra, có thể thêm hành sống giã nhỏ 5g, gừng tươi giã nhỏ ba lát, muối vừa đủ để nấu cháo giải cảm.
Hoặc: Dùng tía tô tươi 15-20g , gừng tươi 6-10g , đường đỏ 20-30g. Cho gừng và tía tô cùng 300ml nước, đun sôi nhỏ lửa chừng 20 phút sau đó cho đường vào khuấy đều rồi đổ ra bát uống khi còn ấm nóng.
Hành hoa
Hành lá được xem là một phương thuốc chữa bệnh hiệu quả trong Đông Y. Vì hành lá có tính ấm, nên được dùng để chữa bệnh cảm lạnh, giải cảm hữu hiệu. Vị cay của hành lá khi được nấu chín hoặc ăn nóng có tác dụng gây tiết mồ hôi, là phương pháp giải độc hiệu quả.
Dùng hành hoa 7 cọng, gừng tươi 6-8g, gạo nếp 80g. Gạo đổ nhiều nước nấu thành cháo. Hành thái nhỏ, gừng băm nhuyễn. Cháo chín thì cho gừng hành vào đun vài phút rồi đổ ra bát ăn nóng để ra mồ hôi.
Nước dừa
Nước dừa không chỉ giúp bổ sung nước mà còn cung cấp nhiều chất điện giải cho cơ thể. Do đó, khi bị cảm lạnh, người bệnh có thể uống thêm nước dừa để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, ngăn chặn tình trạng mất nước, mất cân bằng điện giải. Ngoài ra, nước dừa còn có thành phần chứa axit caprylic và axit lauric có tác dụng chống nấm, kháng khuẩn.
Tỏi phương thuốc trị cảm lạnh vô cùng hiệu quả. Ảnh internet |
Củ tỏi
Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn là phương thuốc trị cảm lạnh vô cùng hiệu quả. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, nằm trong hai kinh can và vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa bệnh lỵ ra máu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đàm, trừ ho.
Còn theo y học hiện đại, trong tỏi có chứa chất oxy hóa mạnh, có thể tiêu diệt vi rút, kháng khuẩn nên chữa cảm lạnh rất tốt. Bạn có thể dùng cách trị cảm lạnh này ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Để chữa cảm lạnh, bạn dùng tỏi tươi bóc vỏ, giã nát rồi ngửi nhiều lần, sau đó pha phần tỏi giã nát với nước và uống. Ngoài ra, bạn có thể thái lát tỏi, ngâm trong giấm khoảng 30 ngày, rồi ngậm lát tỏi trong miệng từ 10 đến 15 phút mỗi ngày.
Hoặc bạn có thể trộn đều tỏi đã băm nhuyễn với mật ong hòa với nước đun sôi để nguội. Mỗi lần dùng 1 thìa con, một ngày uống 4-6 lần sẽ có tác dụng tốt cho việc chữa trị cảm.
Củ nghệ
Nghệ là một trong những nguyên liệu được biết đến với khả năng chống viêm vượt trội, giúp giảm nghẹt mũi, viêm xoang mũi, từ đó, giúp người bệnh dễ thở hơn. Bệnh nhân có thể sử dụng nghệ bằng cách trộn ¼ muỗng cà phê bột nghệ pha với 1 ly sữa ấm, uống hằng ngày.
Củ gừng
Dùng gừng tươi thái nhỏ cho vào tách nước nóng, để khoảng 10 phút là dùng được. Dù bạn không bị cảm cũng có thể pha cho mình một tách trà gừng tươi vì nó rất tốt cho sức khỏe và có công dụng phòng bệnh cảm.
Củ sả
Đây là cây gia vị rất quen thuộc trong nhiều món ăn dân tộc, cũng là vị thuốc Đông y phổ biến trong dân gian. Theo Đông y, cây sả vị cay, tính ấm vào 2 kinh: Phế và vị, được dùng làm thuốc trong các chữa cảm lạnh, ho do lạnh… Dùng 5-6 củ sả tươi hoặc một muỗng sả khô hãm với nước sôi để dùng. Loại thảo mộc này có thể trong bồn tắm bằng cách đựng trong túi một lượng sả đã được cắt nhỏ rồi thả vào nước nóng.
Củ hành tây
Dùng một ít dầu ô liu nóng rưới lên hành tây đã xắt mỏng. Khi ăn hành tây sống có thể ngăn ngừa bệnh cảm. Hoặc dùng 1 củ hành tây, thái miếng, ép lấy nước uống.
Hạt tiêu đen
Tiêu đen là loại gia vị quen thuộc được cất trữ trong nhiều nhà. Đây cũng là một loại thảo mộc giúp bạn đẩy lùi cảm lạnh, cảm cúm. Đặc biệt vào những ngày giá lạnh, bạn có thể dùng cách đơn giản là cho thêm tiêu đen vào nước dùng, nước canh trong bữa ăn.
Quả chanh
Dùng nước ấm giúp làm ấm và dịu cổ họng; chanh giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng; mật ong có tác dụng kháng khuẩn. Khi kết hợp 3 nguyên liệu này, nước chanh, mật ong nóng sẽ giúp giảm đau họng, tăng cường miễn dịch, cải thiện sức khỏe nhanh chóng.
Quả cam
Bạn cũng có thể thay thế cam bằng quýt, chanh, bưởi, kiwi hoặc uống thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C cũng giúp hết cảm dễ dàng nhé.
Vỏ quế
Quế vừa là một gia vị nhưng cũng là một dược liệu có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn và kháng nấm giúp chiến đấu và ngăn ngừa cảm lạnh. Cụ thể hơn, quế được sử dụng để làm ấm cơ thể, làm giảm tắc nghẽn nhầy rõ ràng do cảm lạnh và cảm cúm.
Rửa tay thường xuyên ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn. Ảnh internet |
Các biện pháp phòng tránh
Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có nhiều thay đổi đột ngột, đây là điều kiện thuận lợi để virus phát triển mạnh và xâm nhập vào cơ thể nếu bạn không có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt. Vì vậy, để tránh bị cảm lạnh, bạn cần làm và dạy cho trẻ cách thực hiện tốt các biện pháp sau:
Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên với nước rửa tay hoặc xà phòng.
Không dùng chung đồ với người khác, đặc biệt là người bệnh cảm lạnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đảm bảo không gian nơi ở luôn thoáng, đồ dùng trong nhà được khử trùng tránh vi khuẩn tích tụ.
Chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống khoa học, rèn luyện thường xuyên, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Cảm lạnh là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, gây ra cảm giác mệt mỏi kèm theo các triệu chứng ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Tuy có thể tự khỏi sau một thời gian nhất định nhưng người bệnh không nên chủ quan vì nó có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ nhỏ. Vì vậy, hãy đến bệnh viện khi các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.