Cam thảo dược liệu cổ xưa mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe

Theo Y học cổ truyền, cam thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo là dược liệu được nhiều người biết đến và là thành phần của một số loại thức uống mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tác dụng của cam thảo là chữa ho, đau sưng họng, thanh nhiệt, tăng cường sức đề kháng …

Cam thảo

Cam thảo có tên khoa học là Glycyrrhiza uralensis thuộc họ đậu hay còn gọi là họ cánh bướm (Danh pháp khoa học: Fabacease)

Cam thảo là loài cây sống lâu năm và được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Thân cây có chiều cao khoảng 1 – 1.5m. Xung quanh thân cây có các lông tơ nhỏ, lá kép, dài từ 2 – 5.5cm. Cam thảo nở hoa vào mùa hè và mùa thu, hoa có màu tím nhạt và có hình dáng giống như cánh bướm.

Quả cam thảo có hình cong lưỡi liềm với chiều dài khoảng 3 – 4cm, rộng khoảng 6 – 8 cm. Bề mặt quả màu nâu đen và có nhiều lông, mỗi quả có từ 2 – 8 hạt hình dẹt có thể có màu nâu xám hoặc xanh đen.

Cam thảo có nguồn gốc từ Tây Á và Nam Âu, sau đó được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Cây cam thảo phân bố chủ yếu ở các tỉnh thành của Trung Quốc, gồm Khánh Dương, Côn Minh tỉnh Sơn Tây, Triệu Châu, An Đạt tỉnh Hắc Long Giang, Dân Biên tỉnh Thiểm Tây, Kiến Bình, Phú Tân tỉnh Liêu Ninh,… Hiện nay, cây cam thảo được trồng ở rất nhiều nơi với mục đích làm thuốc.

Rễ và thân cam thảo là bộ phận được sử dụng trong những bài thuốc thảo dược dân gian lâu đời nhất trên thế giới.

Cam thảo còn được sử dụng để tạo hương vị cho bánh kẹo, đồ uống và cả thuốc. Việc sử dụng cam thảo làm thuốc bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại, người ta chế biến rễ thành thức uống ngọt ngào cho các Pharaoh.

Cam thảo dược liệu cổ xưa mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Cam thảo là vị thuốc Y học cổ truyền được dùng rất phổ biến / Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/

Tác dụng của cam thảo với sức khỏe

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cam thảo có khả năng giảm thiểu và chữa được rất nhiều căn bệnh khác nhau. Dưới đây là các tác dụng chữa bệnh tuyệt diệu của cam thảo.

Chữa các bệnh liên quan về đường tiêu hóa và dạ dày: Theo đánh giá của các chuyên gia sức khỏe, cam thảo có khả năng chữa trị viêm loét dạ dày, ợ nóng, đau bụng cũng như viêm dạ dày mạn tính. Thông qua việc thúc đẩy quá trình hoạt động tăng tiết dịch nhầy ở dạ dày. Các chất flavonoid có trong cam thảo giúp ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn helicobacter pylori gây loét dạ dày ở con người.

Chữa các bệnh liên quan đến hệ hô hấp: Cam thảo có khả năng làm loãng dịch nhầy có trong đường hô hấp, giảm trừ long đờm. Vì thế thường được sử dụng để chữa các bệnh như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, hạ sốt, giảm đau đầu.

Chống nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus: Sử dụng cam thảo là phương pháp giúp tăng hệ miễn dịch hiệu quả, thông qua quá trình kích hoạt các Interferon, giúp cơ thể chống lại virus nhiễm bệnh. Đặc biệt là bệnh herpes môi và herpes sinh dục do virus herpes simplex gây ra.

Giảm triệu chứng mãn kinh: Các kích thích tố nữ như estrogen được tìm thấy trong cam thảo có khả năng giảm thiểu các triệu chứng tiền mãn kinh. Ngoài ra còn giảm triệu chứng đau bụng kinh trước kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.

Điều trị các bệnh về da: Do có chứa thành phần có đặc tính kháng viêm, cam thảo được dùng để điều trị các bệnh về da như: viêm da, chàm, chảy máu, lở loét, vảy nến, da bị đốm nám.

Ngăn ngừa bệnh tim mạch: Cam thảo có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol gây ra bệnh tim mạch cũng như tăng lưu lượng acid mật giúp cân bằng nồng độ cholesterol trong cơ thể.

Cải thiện chức năng của tuyến thượng thận: Trong cam thảo có chứa hợp chất acid glycyrrhizic có khả năng làm chậm quá trình phân hủy hormone cortisol. Từ đó giúp giảm các triệu chứng trầm cảm, mệt mỏi, và căng thẳng thần kinh.

Ức chế tế bào ung thư: Theo một bài thuốc Y học cổ truyền, nấu một trái dừa nấu với 2g cam thảo, uống mỗi ngày một ly có thể giúp ức chế tế bào ung thư máu.

Lupus ban đỏ hệ thống: Cam thảo khi kết hợp với các vị thuốc Y học cổ truyền có khả năng chữa được các triệu chứng trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Giúp cơ thể điều hòa khí huyết và giảm thiểu tình trạng bứt rứt và chán ăn.

Kali cao trong máu: Việc hấp thu nồng độ acid glycyrrhizic vừa đủ có trong cam thảo sẽ giúp điều hòa lượng Kali trong máu.

Ngoài các công dụng được tích hợp trong bài viết trên, cam thảo còn có rất nhiều tác dụng khác, chẳng hạn như: Giảm thiểu rối loạn chức năng gan, sốt rét, lao phổi, ngộ độc thực phẩm, áp xe, phục hồi sau phẫu thuật,…

Tuy nhiên cũng nên lưu ý không được lạm dụng cam thảo quá mức để tránh tình trạng phản tác dụng.

Cam thảo dược liệu cổ xưa mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Bài thuốc có cam thảo mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/

Bài thuốc sử dụng cam thảo

Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc chữa bệnh từ cam thảo:

Bài thuốc điều trị bệnh Addison: Sắc cam thảo lấy nước uống 3 lần/ ngày, mỗi lần uống từ 5 – 10ml. Uống trong 25 – 40 ngày và điều trị kết hợp với corticoid.

Bài thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng: Uống cao lỏng có chiết xuất từ cam thảo, mỗi lần dùng 15ml. Sử dụng 4 lần/ ngày và duy trì bài thuốc trong 6 tuần.

Bài thuốc điều trị lao phổi: Dùng 18g cam thảo sống sắc với 500ml nước đến khi còn 150ml, chia thành 3 lần uống. Duy trì uống trong 30 – 90 ngày và kết hợp với thuốc chống lao.

Bài thuốc điều trị rối loạn nhịp tim: Lấy 30g cam thảo sống và 30g chích cam thảo, sắc lấy nước uống, chia thành 2 lần uống (sáng – tối).

Bài thuốc trị run giật chân: Dùng cao lỏng từ cam thảo, mỗi lần dùng 10 – 15ml. Sử dụng 3 lần/ ngày và duy trì trong 3 – 6 ngày.

Bài thuốc trị xuất huyết tiểu cầu: Sắc 30g cam thảo lấy nước uống và chia thành 3 lần uống. Duy trì bài thuốc trong 2 – 3 tuần

Bài thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm: Dùng 9 – 15g sinh cam thảo sắc lấy nước uống, chia thành 3 – 4 lần uống trong 2 giờ. Trong trường hợp nhiễm độc nặng: Dùng 30g cam thảo sắc với 500ml nước đến khi còn 300ml, xông thụt dạ dày 100ml/ lần trong 3 – 4 giờ.

Bài thuốc điều trị nước tiểu nhạt màu: Sử dụng bột cam thảo hòa uống với nước, mỗi ngày uống 4 lần.

Bài thuốc điều trị viêm tuyến vú: Lấy 30g cam thảo và 30g xích thược, mỗi ngày sắc một thang và dùng trong 1 – 3 tháng

Bài thuốc điều trị viêm họng mạn: Dùng 10g cam thảo sống hãm với nước sôi. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng dứt điểm.

Bài thuốc điều trị viêm tắc tĩnh mạch: Sử dụng 50g cam thảo sắc lấy nước và chia thành 3 lần uống. Nên uống trước bữa ăn.

Cam thảo dược liệu cổ xưa mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe
Cam thảo là nguyên liệu thuốc có nhiều thành phần quý giá/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/

Một số lưu ý khi sử dụng cam thảo

Mặc dù có cam thảo có nhiều tác dụng hữu ích, tuy nhiên không phải loại dược liệu này là không gây hại. Trong các thành phần hóa học của cam thảo, có một loại hoạt chất có tên là glycyrrhizin, chiếm từ 6 – 14% hoặc có khi lên đến 23%. Hoạt chất này có vị ngọt, so với đường saccarozơ thì ngọt hơn 50 lần.

Các nghiên cứu đã cho thấy, độc tố của hoạt chất này yếu đi khi đi qua đường miệng. Tuy nhiên, với liều lượng là 5g/kg trọng lượng thì hoạt chất này có thể gây tử vong ở chuột và khi dùng ít hơn 60mg/kg/ngày thì không gây ảnh hưởng gì. Khi tăng liều (lên 1g/kg/ngày) và thời gian sử dụng, phát hiện thấy chuột bị khát nước, tăng huyết áp, tăng giữ muối – nước, thận và tim mạch bị tổn thương.

Đối với người, nếu sử dụng cam thảo dược liệu quá liều cũng có thể gây ra những tác hại sau:

Tăng huyết áp

Giảm nồng độ kali trong máu.

Rối loạn cơ

Rối loạn nhịp tim

Biểu hiện ở người mắc bệnh gan rõ hơn

Với những tác hại đã nêu, những đối tượng sau đây không nên sử dụng cam thảo liên tục hoặc dùng quá liều lượng được khuyến cáo (2 – 9g/ngày):

Phụ nữ nuôi con cho bú bằng sữa mẹ: Nếu không mắc bệnh lý ở gan thì không nên sử dụng cam thảo dược liệu vì có thể xuất tiết ở các tuyến, đặc biệt là tuyến sữa, sẽ dễ dẫn đến mất sữa mẹ hoàn toàn hoặc ít tiết sữa.

Nam giới trong độ tuổi sinh đẻ: Sử dụng cam thảo liên tục với liều dùng 8g mỗi ngày có thể khiến lượng testosterone suy giảm và gây ra tình trạng bất lực ở nam giới. Không chỉ vậy, cam thảo còn làm suy giảm hệ miễn dịch, tăng huyết áp, toàn thân phù nề.

Người bị bệnh gan, thận: Người mắc bệnh thận khi có triệu chứng tiểu ít, phù ở mí mắt hoặc phù nề ở người bị xơ gan, viêm gan thì không được dùng cam thảo dược liệu sẽ khiến tình trạng nặng thêm.

Người bị táo bón mãn tính: Người cao tuổi hoặc đau ốm kéo dài bị táo bón mãn tính cũng không được dùng cam thảo vì sẽ làm chứng táo bón nặng thêm.

Người bị ho nhiều, khó thở, viêm phế quản mãn tính.

Người mắc chứng rối loạn huyết áp hoặc tăng huyết áp.

Người bình thường nếu không mắc bệnh về gan, mật thì không nên sử dụng cam thảo vì sẽ gây áp lực đối với gan, thận.

Không nên sử dụng cam thảo dược liệu hàng ngày vì trong cam thảo có chứa hoạt chất glycyrrhizin có khả năng làm tăng huyết áp, giữ nước trong cơ thể, … nếu dùng liên tục.

https://suckhoeviet.org.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *