Cẩn trọng khi dùng cây ba đậu trong chữa bệnh

Cây ba đậu mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta, dầu cây này thuộc nhóm chất độc bảng A, nếu dùng không cẩn thận có thể gây viêm ruột cấp, ngộ độc,…

Ba Đậu - Vị Thuốc Mọc Hoang Cẩn Thận Khi Sử Dụng
Cây ba đậu

Cây ba đậu còn có tên là cây mắc vát, cóng khói, bã đậu, giang tử, mãnh tử nhân, lão dương tử, ba nhân, mần để, cây đết, phổn (hòa bình).

Tên khoa học: Croton tiglium L., Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.

Ba đậu là một loại cây gỗ nhỡ có chiều cao trung bình ở vào khoảng 3 – 6m, cành nhẵn. Lá mọc so le nhau, nguyên có hình trứng với phần đầu nhọn. Mép lá có răng cưa nhỏ, lá dài khoảng 6 – 8cm, rộng khoảng 4 – 5cm, phần cuống nhỏ và chỉ dài 1 – 2cm.

Hoa mọc thành từng chùm ở đầu cành dài khoảng 10 – 20cm. hoa đực ở đỉnh, hoa cái ở phía dưới. Cuống hoa nhỏ và chỉ dài 1 – 3mm. Quả nang màu vàng nhạt, bề ngoài nhẵn, khi chín tách ra sẽ có 3 mảnh vỏ. Hạt có hình trứng dài khoảng 10mm, rộng 4 – 6mm, phía ngoài vỏ cứng, màu nâu xám.

Ba đậu trong y học cổ truyền

Khí vị: vị cay tính nóng, có độc.

Quy kinh: Túc Dương minh vị, Thủ Dương Minh Đại Trường.

Công năng: tả hàn tích, trục thủy khứ đàm

Chủ trị: Táo bón do hàn tích, cam tích trẻ em do ăn bú, bụng nước cổ trướng, đàm tắc hầu tý, phế ung, tiêu chảy kéo dài, ung nhọt sưng, chàm ghẻ lở lóet ( ác sang giới tiển).

Kiêng kỵ: Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không dùng. Kî Khiên ngưu tử.

Chú ý: Độc tố Ba đậu ( Crotin) ức chế tổng hợp albumin. Dầu Ba đậu dùng tại chỗ gây phóng histamin, chích dưới da làm tăng tiết chất nội tiết bì tuyến thượng thận. Người uống dầu Ba đậu 20 giọt có thể gây tử vong. Với liều 2 giọt trở lên gây viêm ruột và có triệu chứng ngộ độc, nôn mửa, tiêu chảy nhiều tóat mồ hôi và chết. Liều 10 đến 20 giọt đủ chết một con ngựa. Dùng liều nhỏ liên tiếp cũng gây ngộ độc và chết.

Liều lượng: Thường dùng dạng thuốc Ba đậu sương, uống trong 0,1 – 0,3g, cho vào thuốc hoàn tán hoặc viên bọc nhựa. Trị tiêu chảy dùng dạng than Ba đậu, dùng ngoài lượng vừa đủ.

Xử lý ngộ độc Ba đậu: Lúc dùng Ba đậu tiêu chảy quá nhiều, dùng Hoàng liên, Hoàng bá, đậu đũa sắc nước uống nguội, hoặc ăn cháo nguội.

Ứng dụng lâm sàng của Ba đậu

Trị táo bón do tỳ hàn, thực tích: Tam vật bị cấp hoàn: Ba đậu sương, Can khương, Đại hoàng lượng bằng nhau, tán bột luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 0,6 – 1g với nước sôi nguội.

Trị viêm niêm mạc dạ dày, đau bụng:

  • Tam vật bạch thang ( Trương Trọng Cảnh): Ba đậu sương 1g, Cát cánh 3g, Bối mẫu 3g, tất cả tán bột trộn đều. Mỗi lần uống 0,2g với nước ấm.
  • Ba đậu sương 0,5g, Nhục quế 3g, Trầm hương 2g, Đinh hương 3g, tất cả tán nhỏ trộn đều. Mỗi lần dùng 0,5g – 1g với nước sôi ấm ( Diệp quất Tuyền).

Trị rắn cắn: 30g rễ ba đậu, 0,5g lá khô, 1 lít rượu trắng. Phần rễ dược liệu đem ngâm với rượu trắng rồi dùng làm thuốc đắp ngoài. Còn phần lá đem tán thành bột rồi uống với nước mát mỗi ngày 1 lần.

Những bài thuốc từ cây ba đậu chỉ mang tính tham khảo, cần tư vấn của bác sỹ chuyên môn khi sử dụng cây làm thuốc chữa bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *