Lá lốt thuộc loại cây thân thảo sống dai, nó sinh sống, phát triển chủ yếu ở những nơi râm mát có ánh nắng trực tiếp. Độ cao trung bình của cây từ 30 đến 40 cm. Phần thân thường yếu và chia thành nhiều đốt nhỏ. Lá lốt thuộc dạng lá đơn, hình tim, mặt lá láng bóng, có tán rộng xòe to, trên phiến lá có từ 5-7 gân xanh nổi lên và dễ nhận biết bởi mùi thơm đặc trưng. Phần hoa thì chủ yếu mọc thành từng cụm ở nách lá, có màu trắng. Quả lá lốt là quả mọng, bên trong có chứa hạt; rễ lá chứa chất benzyl axetat, lá và thân chứa chất alkaloid và beta-caryophylen.
Ảnh minh hoạ. |
Theo Đông y, công dụng lá lốt là ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống), chỉ thống (giảm đau), yêu cước thống (đau lưng, đau chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu… Lá lốt được dùng để điều trị các chứng phong, hàn, thấp và tê bại chân tay, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đầy hơi, nôn mửa, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng và chảy mồ hôi.
Ngoài ra, người dân dùng lát lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông…sắc lấy nước uống hoặc ngâm chân tay nhằm chữa các chứng bệnh đau nhức xương khớp, chứng ra mồ hôi chân tay, mụn nhọt, đau đầu, đau răng… Trong 100g lá lốt có chứa nhiều thành phần dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, bao gồm: Năng lượng: 39 kcal; Nước: 86,5g,; Protein: 4,3g; Chất xơ: 2,5g, Canxi: 260mg, Photpho: 980mg, Sắt: 4,1mg và vitamin C: 34mg.
Tuy nhiên, do lá lốt có tính nóng nên khi phụ nữ đang cho con bú sử dụng quá nhiều dẫn đến mất sữa hoặc làm sữa bị loãng không đủ chất cho trẻ; bệnh tình sẽ năng hơn đối với trường hợp bị nóng gan, nhiệt miệng, dạ dày, khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng…
Công dụng của cây lá lốt đạt hiệu quả trong điều trị khá nhiều bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên việc sử dụng cũng cần thận trọng để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra.