Cỏ vắp thơm (bạc hà núi) dược liệu trị cảm thần kỳ Ngành Dược: Phát triển yếu thế, phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài |
Bạch phụ tử
Bạch phụ tử còn có tên gọi khác như: san hô xanh, đỗ trọng nam. Tên khoa học của bạch phụ tử Jatropha multifida L thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu). Bạch phụ tử có thể cao đến 4m, thân và cành nhẵn, lá mọc so le, xẻ thùy sâu hình chân vịt. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn, gồm hoa đực và hoa cái riêng biệt, cuống cụm hoa và hoa có màu đỏ nhìn như một nhánh san hô đỏ (do đó, có tên là cây san hô).
Quả bạch phụ tử là quả nang, hình trứng nhẵn, màu vàng; hạt to bằng hạt thầu dầu. Toàn cây có nhựa mủ trắng. Mùa hoa của bạch phụ tử vào tháng 5 – 6 và mùa quả thường rộ từ tháng 7 – 8.
Ở Việt Nam bạch phụ tử được trồng rải rác tại nhiều địa phương để làm cảnh. Một số vườn thuốc của các trạm y tế xã hay chùa (nơi có các sư thầy chữa bệnh bằng thuốc nam) cũng trồng nhiều cây này để sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Bạch phụ tử là loại cây ưa sáng với toàn cây như mọng nước, lá xẻ thùy nhỏ, làm hạn chế sự thoát hơi nước, nên cây có khả năng chịu được trong môi trường khí hậu khô nóng và thiếu nước. Cây ra hoa và quả đều hàng năm. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, song cũng có khả năng tái sinh dinh dưỡng bằng cách giâm cành.
Bạch phụ tử |
Tác dụng của bạch phụ tử
Trong Y học cổ truyền, bạch phụ tử thường dùng trị cảm gió lạnh mất tiếng, trúng phong co cứng bại liệt, đau tim do huyết ứ và các bệnh phong ở đầu mặt. Hạt phụ tử cũng được dùng như hạt dầu mè làm thuốc tẩy mạnh nhưng nguy hiểm, dễ gây ngộ độc, có khi được dùng trị ho, làm ra mồ hôi. Lá phụ tử cũng gây sổ nhưng kém hơn lá dầu mè còn mủ cây dùng cầm máu và dùng đắp vết thương cho liền gân. Ngoài ra bạch phụ tử còn dùng để trị rắn cắn.
Ở một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhựa mủ bạch phụ tử được nhân dân dùng bôi ngoài da, vết thương nhiễm khuẩn, loét và nhiều bệnh ngoài da khác.
Ở Trung Quốc, thường dùng rễ cây bạch phụ tử phối hợp với các dược liệu khác nhằm trị nhức nửa đầu và xuất huyết não, với liều hàng ngày 5 – 10g, dạng thuốc sắc.
Ở Tây Phi, bạch phụ tử được dùng làm thuốc nhuận tràng.
Rễ khô được điều chế dưới dạng thuốc sắc, chữa khó tiêu, đau bụng, viêm tinh hoàn và phù.
Lá được dùng làm thuốc tẩy, trị lỵ và ghẻ. Bạch phụ tử còn được dùng làm thuốc độc cho cá.
Bên cạnh đó còn dùng ngoài để trị bệnh bạch biến và bệnh da.
Theo y học hiện đại cây bạch phụ tử có các công dụng như:
Hoạt tính kháng khuẩn của rễ: Nhóm nghiên cứu tại Khoa Hóa học, Đại học Ibadan, Nigeria và Trung tâm Recherche, Togo đã tiến hành thí nghiệm với chiết xuất từ rễ cây Jatropha multifida đã xác định hoạt tính kháng khuẩn và kháng viêm mạnh mẽ của loại thảo dược này, đây là một trong những cơ sở giải thích vì sao loài cây này lại được sử dụng phổ biến trong dân gian để điều trị vết thương.
Hoạt động cầm máu của nhựa cây: Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm liên ngành hình thành và nghiên cứu môi trường vì sự phát triển bền vững, Đại học Abomey, Belarus đã tiến hành thí nghiệm trên chuột và đi tới kết luận nhựa cây bạch phụ tử Jatropha multifida có tác dụng cầm máu. Hơn nữa, nhựa cây không có độc tính cho da nên sử dụng nó như cầm máu cục bộ.
Xác định trường hợp 2 trẻ nhỏ bị ngộ độc do ăn quả bạch phụ tử: Đây là một trong những trường hợp hiếm gặp khi bị ngộ độc do ăn loại quả này. Hai bé được xác định là đã ăn một lượng lớn quả bạch phụ tử, dẫn đến bị nghẹt thở nhẹ, nôn mửa khó chịu và mất nước, các biện pháp truyền nước và điện giải đã được tiến hành ngay lập tức để cứu sống hai bé.
Các loài thuộc họ thầu dầu có chứa toxalbumin ricin, gây nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng, mất nước, sốc suy thận và gan. Ricin cũng có tác dụng gây độc cho tim và tan máu và một số trường hợp tử vong đã được ghi nhận.
Bài thuốc dân gian sử dụng bạch phụ tử để điều trị bệnh
Trị nhức đầu do đờm nghịch: Bạch phụ tử, thiên ma, bán hạ, nam tinh các vị bằng nhau, trộn với nước gừng và hồ, là thành viên to bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 40 viên với nước sắc gừng.
Trị trúng phong méo miệng, liệt mặt: Bạch phụ tử, bạch cương tàm, toàn yết, lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 8g với rượu.
Trị trẻ nhỏ bị cấp kinh phong: Bạch phụ tử, đởm tinh, toàn yết, bạch cương tàm, câu đằng, thiên trúc hoàng, bạch đàn hương, ngưu hoàng.
Trị trẻ nhỏ bị say nắng, nắng độc nhập vào tim làm hôn mê co giật, đờm chặt ở cổ: Bạch phụ tử, thiên nam tinh, bán hạ (bỏ vỏ), đều bằng nhau, tán bột, trộn với mật heo làm thành viên to bằng hạt đậu, uống với nước bạc hà, tùy trẻ mạnh hay yếu để uống, nên đặt trẻ nằm nghiêng để ra đàm nhớt.
Trị phong hàn chóng mặt, do khí uất tức ngực sườn: Bạch phụ tử ngâm nước sôi, bỏ vỏ, nửa cân, thạch cao nung đỏ nửa cân, chu sa 70g, long não 3g, tán bột, trộn với hồ làm viên to bằng hạt đậu đỏ, mỗi lần uống 30 viên với rượu sau khi ăn.
Trị đau nhức 1 bên hoặc giữa đầu: Bạch phụ tử, bạch chỉ, trư nha trạo giác (bỏ vỏ), các vị bằng nhau, tán bột, uống vào bữa ăn với nước chè xanh.
Trị tai chảy mủ nước: Bạch phụ tử ngâm nước, khương hoạt 30g tán bột, 1 trái thận heo, 1 trái thận dê, cứ mỗi quả thận cho vào 3g thuốc, lấy lá gói lại, nướng chín, ăn lúc gà gáy sáng với rượu nóng.
Trị họng viêm rát: Bạch phụ tử tán bột, khô phàn, 2 vị bằng nhau, tán bột, ngậm trên lưỡi, đàm ra nhiều càng tốt.
Trị sa dịch hoàn, thoát vị bẹn: Bạch phụ tử 1 củ, tán bột, trộn nước bọt của mình đắp trên rốn, lấy ngải cứu, cứu 3 lửa hoặc 5 lửa thì đỡ.
Trị trẻ nhỏ hay mửa, hư Suyễn: Bạch phụ tử, hoắc hương 2 vị bằng nhau, tán bột, uống 1,5g với nước gạo.
Trị đờm lỏng kèm hàn tà: Bạch phụ tử, nam tinh, bán hạ.
Trị chóng mặt do phong đờm, nhức đầu do đờm quyết: Bạch phụ tử chế, nam tinh chế, bán hạ chế mỗi thứ 8g, sắc uống.
Trị nôn mửa co rút do phong đờm: Bạch phụ tử, nam tinh (chế), bán hạ, xuyên ô (chế), thiên ma mỗi thứ 6g, toàn yết 3g, cương tàm 4,5g, trần bì 9g, mộc hương 4,5g, sắc uống.
Trị thấp chẩn ở bìu đái, ngứa lở, phong ngứa lở: Bạch phụ tử, khương hoạt, hoàng kỳ, bạch tật lê mỗi thứ 9g, tán bột lần uống 6g, ngày 2 lần với nước.
Lưu ý khi sử dụng bạch phụ tử
Không dùng cho phụ nữ có thai , cho con bú và trẻ em dưới 15 tuổi.
Những thông tin về thảo dược trên chỉ mang tính chất tham khảo, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bệnh nhân xin vui lòng liên hệ với thầy thuốc để được tư vấn.
Tác dụng của có thể khác nhau tùy theo cơ địa, thể trạng mỗi người.