Thế nào là suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể là trạng thái mà cơ thể thường xuyên thấy mệt mỏi, mất năng lượng, thiếu sức sống và không tập trung. Tình trạng này nếu kéo dài khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, sút cân nhanh và suy giảm trí nhớ. Suy nhược cơ thể thường không thuyên giảm đi khi người bệnh đã dành thời gian nghỉ ngơi. Khi phát hiện suy nhược cơ thể cần có các biện pháp điều trị như dùng thuốc, chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ dinh dưỡng…
Nguyên nhân gây suy nhược cơ thể
Dấu hiệu suy nhược cơ thể xuất hiện do những nguyên nhân nhất định. Chủ yếu là do những nguyên nhân sau đây:
Lao động quá sức: nguyên nhân chính gây suy nhược cơ thể ở những người trẻ tuổi là do lao động quá sức. Lao động nặng, làm việc nhiều giờ trong ngày mà ít nghỉ ngơi, chế độ sinh hoạt không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống và suy nhược về lâu dài.
Do bệnh lý: những người mắc bệnh lý về huyết áp, thiếu sắt, nhiễm trùng, suy giảm miễn dịch, nhiễm virus,… cũng dễ dàng bị suy nhược cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng quá nghèo nàn: những người phải ăn uống kiêng khem, hoặc người kén ăn, người ăn uống thiếu chất,… đều dễ bị suy nhược cơ thể.
Người bị trầm cảm: người bị rối loạn cảm xúc, tâm lý bất ổn khiến cho việc sinh hoạt thường ngày cũng không khoa học, ăn uống không đủ chất, suy nghĩ nhiều, mệt mỏi. Đối tượng này có nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể do tâm lý.
Nguyên nhân khác: phụ nữ mang thai, người cao tuổi kém ăn,… khiến cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng, không đủ cung cấp cho hoạt động của cơ thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài.
Dấu hiệu suy nhược cơ thể là tình trạng mệt mỏi kéo dài. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Những dấu hiệu sau cảnh báo tình trạng suy nhược cơ thể mà các bạn cần lưu ý:
Mệt mỏi kéo dài
Mệt mỏi là điều đầu tiên mà chúng ta cần phải nhận biết. Người bị suy nhược sẽ luôn luôn trong tình trạng mệt mỏi kéo dài. Người bệnh uể oải, thiếu sức sống, cảm giác kiệt sức, không có sức khỏe và tinh thần làm việc. Thường xuyên trong tình trạng đổ mồ hôi trộm. Kèm theo đó là dấu hiệu da xanh tái, hay ngất xỉu và có thể ngất khi làm việc quá độ hoặc bất cứ lúc nào. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần, vài tháng. Nếu không sớm nhận biết và điều trị sẽ rất khó phục hồi được trẻ trạng ban đầu.
Dễ ốm vặt và hay ốm
Một trong những dấu hiệu suy nhược cơ thể dễ nhận thấy nhất là tình trạng suy giảm hệ miễn dịch. Người bị suy nhược sẽ có hệ miễn dịch kém, dễ lây cảm cúm, nhiễm virus, dễ ốm vặt. Hay đau mỏi cơ, viêm họng, viêm đường hô hấp,…
Giấc ngủ kém
Người bị suy nhược cơ thể thường có giấc ngủ rất kém. Thường xuyên trằn trọc mất ngủ, ngủ ít, ngủ không sâu giấc. Giấc ngủ hay mộng mị, ác mộng. Vì thế mà hay lờ đờ, mệt mỏi vào ngày hôm sau. Vì thế mà ăn uống cũng không được ngon miệng, ăn kém, chán ăn, hay buồn nôn, sút cân. Trí nhớ giảm sút, khó tập trung và làm việc không hiệu quả.
Tâm lý thay đổi
Hay khó chịu, cáu gắt, bi quan, suy nghĩ nhiều và lo lắng là những dấu hiệu suy nhược cơ thể. Điều này dần khiến tâm lý người bệnh thay đổi, không còn cảm thấy vui vẻ và hứng thú với công việc cũng như cuộc sống. Nếu tình trạng nặng có thể gây stress thậm chí là trầm cảm, rối loạn cảm xúc.
Tất cả những dấu hiệu suy nhược cơ thể có thể xuất hiện cùng một lúc hoặc xuất hiện dần theo các dấu hiệu vừa kể trên. Mức độ càng nặng thì càng biểu hiện rõ ở tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Mọi biểu hiện đều có thể nhìn thấy trên gương mặt, thái độ sống hàng ngày.
Theo Y học cổ truyền, suy nhược cơ thể được xếp vào chứng tâm căn suy nhược. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Suy nhược cơ thể theo Y học cổ truyền
Suy nhược cơ thể là một trạng thái bệnh lý mà trong đó bệnh nhân bị suy nhược kết hợp kèm với nhiều rối loạn vật lý, tâm thần kinh và cả các rối loạn về thể chất.
Suy nhược cơ thể thường gặp ở tuổi từ 25 đến 45 tuổi, bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và những người trong độ tuổi trung niên. Theo thống kê lâm sàng cho thấy số người nữ giới bị suy nhược cơ thể nhiều gấp 2 lần so với nam giới.
Theo Y học cổ truyền, hội chứng suy nhược cơ thể được xếp vào chứng tâm căn suy nhược. Chứng bệnh này do nhiều nguyên nhân gây nên như thất tình (trạng thái giận, lo sợ), hoặc do cơ địa yếu tiên thiên bất túc, hoặc do yếu tố nội thương mắc bệnh lâu ngày làm ảnh hưởng đến tạng phủ dẫn đến cơ thể suy yếu.
Biểu hiện lâm sàng chung của suy nhược cơ thể theo Y học cổ truyền:
- Người mệt mỏi nhiều do bị chứng hư (có thể là âm hư, dương hư hay khí hư, huyết hư).
- Huyễn vựng (hoa mắt, chóng mặt).
- Đầu thống (đau đầu).
- Kiện vong: rối loạn về tâm thần như hay quên, giảm tập trung và giảm các hoạt động trí óc.
- Phát nhiệt gây nóng trong người, đôi khi có các cơn nóng bừng mặt.
- Tâm quý, chính sung biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực, có khi bị đau ngực.
Ngoài ra bệnh nhân còn thường xuyên rơi vào trạng thái mất ngủ (thất miên).
Để thuận tiện cho việc chữa suy nhược cơ thể, Y học cổ truyền chia thành nhiều thể khác nhau, mỗi thể bệnh sẽ có những phương pháp điều trị tương ứng. Các thể bệnh của suy nhược cơ thể theo Y học cổ truyền bao gồm:
Thể âm hư hỏa vượng
Triệu chứng lâm sàng chủ yếu thể hiện quá trình hưng phấn tăng, sự ức chế bình thường, đau đầu dữ dội, đau thành từng cân, thường đau 1 bên đầu hoặc đau vùng đỉnh đầu kèm theo dễ bị cáu gắt, nóng trong người, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, khả năng tập trung giảm.
Thể can thận âm hư
Lâm sàng biểu hiện sự hưng phấn bình thường nhưng ức chế giảm, đau đầu âm ỉ, hay đau cả đầu, tính chất đau và vị trí đau đôi khi không rõ ràng. Người mệt mỏi, mệt tăng về buổi chiều, mất ngủ, sụt cân nhanh, hay cáu gắt, khả năng tập trung giảm nhiều. Ở nam giới thường có kèm triệu chứng di tinh.
Thể tâm tỳ lưỡng hư
Ở thể này, bệnh nhân bị ức chế thần kinh giảm kèm theo các biểu hiện suy nhược cơ thể mức độ nhiều, ăn uống kém, sụt cân, dễ hoảng sợ, ngủ ít, mắt thâm quầng. Đau đầu có tính âm ỉ, đau cả đầu.
Thể thận dương hư
Khác với các thể trên, với thể thận dương hư, bệnh nhân thường bị giảm cả 2 quá trình hưng phấn và ức chế, biểu hiện lâm sàng nặng hơn. Ngoài các triệu chứng suy nhược cơ thể như trên, người bệnh còn thường xuyên bị sợ lạnh, mạch trầm nhược. Nam giới dễ bị liệt dương, hoạt tinh.
Y học cổ truyền chữa suy nhược cơ thể bằng phương pháp sử dụng thuốc Y học cổ truyền kết hợp với châm cứu. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Điều trị suy nhược cơ thể theo Y học cổ truyền
Với Y học cổ truyền, suy nhược cơ thể có thể do các tạng như tâm, can, tỳ bị hư suy. Nên có thể dùng các bài thuốc như quy tỳ thang, lục vị hoàn, hữu quy hoàn, bát chân thang…để điều trị suy nhược cơ thể. Ngoài ra có thể kết hợp với châm cứu để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Mỗi thể bệnh khác nhau có những triệu chứng lâm sàng cũng như mức độ bệnh lý khác nhau nên phương pháp điều trị cũng hoàn toàn khác nhau.
Đối với thể âm hư hỏa vượng
Pháp điều trị: sơ can giải uất, lý khí an thần hoặc tư âm giáng hỏa, tiềm dương an thần.
Phương thuốc: sử dụng một trong số các bài thuốc sau:
- Đơn chi tiêu dao gia giảm: sài hồ, chỉ tử, phục linh, đơn bì, thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh, cúc hoa mỗi vị 12g, bạc hà, bạch truật sau đất mỗi vị 8g, đương quy bạch thược 10g, sinh khương 6g.
- Kỷ cúc địa hoàng thang: bạch cúc hoa, kỷ tử, trạch tả, đơn bì, phục linh mỗi vị 120g, thục địa 320g, sơn thù 160g, hoài sơn 160g đem tán làm bột hoặc làm thành viên hoàn, mỗi ngày dùng 8 đến 16g.
- Bài thuốc điều trị theo kinh nghiệm: hạ khô thảo, câu đằng, chi tử, muồng trâu mỗi vị 12g, táo nhân sao đen 8g, long nhãn 16g, lá vông 20g.
Ngoài ra có thể kết hợp với châm cứu để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Đối với thể can thận âm hư
Pháp điều trị: bổ thận âm bổ can huyết, an thần hoặc bổ thận âm, bổ can huyết, cố tính.
Phương dùng bài:
- Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp kèm theo triệu chứng như đau ngực, đau vùng tìm thì dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn gia thêm đương quy, bạch thược: thục địa 32g, sơn thù bạch thược 8g, hoài sơn 16g, trạch tả, phục linh, đơn bì, đương quy mỗi vị 12g.
- Nếu bệnh nhân có triệu chứng về tinh hoàn thì có thể dùng bài Kim tỏa cố tinh hoàn: khiếm thực, liên tử, liên tu, sa uyển tật lê mỗi vị 80g, mẫu lệ 40g, long cốt 40g.
Ngoài ra có thể dùng các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian, gia giảm vị thuốc tùy theo triệu chứng cụ thể của bệnh nhân.
Kết hợp châm cứu để rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Đối với thể tâm tỳ lưỡng hư
Pháp điều trị: kiện tỳ, an thần.
- Bài thuốc thường dùng là Quy tỳ thang: phục linh 8g, hoàng kỳ, nhân sâm, bạch truật, long nhãn mỗi vị 10g, toan táo nhân sao đen 4g, viễn chí 4g, đương suy 4g, cam thảo và mộc hương 2g.
- Hoặc có thể dùng bài phục mạch thang: a giao, mạch môn, ma nhân, nhân sâm , quế chi mỗi vị từ 8 đến 12g, sinh địa 16 đến 20g, đại táo 10 quả và chích cam thảo 12 – 20g.
Nên kết hợp châm cứu để bệnh được cải thiện nhanh chóng.
Đối với thể thận dương hư
Pháp điều trị: ôn bổ thận, an thần, cố tinh.
- Phương dùng bài Thận khí hoàn: bạch phục linh, thục địa, sơn thù, trạch tả, phụ tử, sơn dược, quế chi đem tán bột dùng mỗi ngày 8 – 12g thuốc.
- Hay dùng bài Hữu quy ẩm cũng cho hiệu quả điều trị rất tốt.
Kết hợp với châm cứu để tăng hiệu quả điều trị.
Suy nhược cơ thể là một bệnh lý có gây ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức kèm theo sự tiến triển nặng hơn của các bệnh lý đi kèm khác. Do vậy bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa hoặc các cơ sở y tế uy tín nếu bạn đang có những dấu hiệu bất thường cần được thăm khám và tư vấn điều trị, tránh để những biến chứng ảnh hưởng về sau.