Hà thủ ô – dược liệu quý giúp trường thọ, xanh tóc, đỏ da

Hà thủ ô đỏ là loại cây dây leo nhỏ, sống nhiều năm, mọc lẫn với nhiều loại cây khác. Hà thủ ô đỏ có vị chát, ngọt, đắng, tính hơi ấm. Theo Y học cổ truyền, ngoài công dụng làm đen tóc, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét.

Truyền thuyết hà thủ ô

Theo truyền thuyết dân gian, thời nhà Đường, năm Nguyên Hòa thứ 7 (năm 812), Lý Cao soạn “Hà Thủ Ô truyện” như sau: Hà Thủ Ô, người ở huyện Nam Hà thuộc Thuận Châu, có ông tên Năng Tự, cha tên Diên Tú. Năng Tự vốn tên Điền Nhi, sinh ra yếu ớt, đến năm 58 tuổi vẫn chưa lấy vợ, thường ham đạo thuật theo các thầy ở núi.

Một lần, uống rượu say nằm ở núi hoang, chợt thấy có hai cây dây leo, cách nhau hơn ba thước, quấn vào nhau, lâu lâu lại rời ra, rồi lại quấn vào nhau. Điền Nhi cảm thấy rất kinh ngạc trước sự kỳ lạ này, bèn đến đào củ của nó lên rồi mang về. Về đến nhà bèn mang ra hỏi mọi người, nhưng không ai biết. Sau có ông già trên núi chợt đến, Điền Nhi liền đem hỏi. Ông lão đáp rằng “Người không có con, mà loại cây này lại kỳ lạ như vậy, có lẽ đây là vị thuốc thần tiên, tại sao lại không đem mà uống thử?”.

Điền Nhi liền đem tán bột, hòa với rượu, uống mỗi lần 1 đồng cân (1 đồng cân ở Trung Quốc = 3.125 gram), dùng liền 7 ngày đã nghĩ đến chuyện tình dục, dùng vài tháng thấy thân thể tráng kiện, vì thế nên uống mãi, sau tăng lên 2 đồng cân một lần. Uống qua một năm, các bệnh tật trước đây đều khỏi, tóc đen trở lại. Trong vòng 10 năm, sinh liền được mấy người con trai, bèn đổi tên thành Năng Tự. Sau sống cùng với con trai là Diên Tú, thọ sống đến 160 tuổi. Diên Tú sinh ra Thủ Ô. Thủ Ô cũng uống thứ thuốc này, sinh được vài con trai, sống đến 130 tuổi, tóc vẫn còn đen. Có Lý An Kỳ lấy (trộm?) được bài thuốc này đem về dùng cũng sống trường thọ, và thuật lại truyện lạ trên.

Truyền thuyết khác kể rằng, năm 110 trước công nguyên, Hán Vũ Đế lên núi để tế trời đất, phát hiện ra rằng ngôi làng ở gần đó đa số người dân đều trường thọ, liền tò mò hỏi dân làng, biết được rằng dân làng ở đây đều ăn cháo trường thọ Thủ ô, cháo trường thọ này nấu bằng Hà thủ ô mọc ở xung quanh miệng giếng chế với đậu đen mà thành Hán Hán Vũ Đế đến bên miệng giếng, thấy Hà thủ ô mọc tốt tươi xung quanh, liền ban cho tên là giếng trường thọ, mà ngày nay vẫn còn.

Kể từ đó, cháo trường thọ trở thành thức ăn hàng ngày cho nhà vua, Hán Vũ Đế thọ được 70 tuổi (từ 156 TCN – 87 TCN, cũng là vị vua trị vì lâu nhất trong các vua nhà Hán, 54 năm, và lâu thứ 3 trong lịch sử Trung Quốc, sau Tần Chiêu Tương vương – 56 năm, và Khang Hy – 61 năm). Đến khi Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng đế, vì muốn trường thọ, sai Hồ Siêu luyện tiên dược. Hồ Siêu đến núi Tung Sơn tại Đăng Phong – Trịnh Châu – Hà Nam, bên bờ sông Hoàng Hà, là một trong năm ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc lấy được Hà thủ ô và đậu đen, luyện được thành tiên dược, đem cho Võ Tắc Thiên sử dụng, sống được đến 82 tuổi (624 – 705).

Hà thủ ô đỏ - dược liệu quý giúp trường thọ, xanh tóc, đỏ da
Trong hà thủ ô đỏ có những hoạt chất giúp tóc đen và bổ huyết./ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/

Hà thủ ô

Hà thủ ô đỏ còn gọi là dã miêu, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, hà thủ ô. Hà thủ ô đỏ có tên khoa học: Polygonum multiflorum (Thunb.) hoặc Fallopia multiflora (Thunb.), họ rau răm (Polygonaceae)

Hà thủ ô đỏ thuộc nhóm cây dây leo, sống lâu năm. Thân cây hà thủ ô đỏ quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân cây có màu xanh tía, nhẵn, có vân và cây có rễ phình thành củ. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, hoa mọc thành chùm nhiều nhánh, cánh hoa màu trắng. Mùa hoa thường vào tháng 9 – 11, ra quả tháng 12 – 2.

Ở Việt Nam, hà thủ ô đỏ được tìm thấy mọc hoang tại vùng núi rừng, phần lớn thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc, phần còn lại rải rác tại các tỉnh Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,..hoặc các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng, Phú Yên, Đắk Lắk.

Tại châu Á, loại cây này mọc nhiều nhất ở Trung Quốc, chủ yếu trên các vùng đồi núi cao tại Giang Tô, Phúc Kiến, Tứ Xuyên,.. Nhật Bản và Ấn Độ cũng là những nơi hà thủ ô đỏ được tìm thấy.

Công dụng của hà thủ ô đỏ

Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ có tác dụng nhuận tràng, bổ huyết, bổ can thận, tiêu độc, mạnh gân xương, chủ trị các triệu chứng như râu tóc bạc sớm, mất ngủ, táo bón, suy nhược thần kinh, tiêu hóa kém, cao huyết áp, tinh trùng yếu, ho gà..

Theo y học hiện đại, hà thủ ô đỏ có đa dạng công dụng, cụ thể:

Nhuận tràng: Anthraglucozit và anthraquinon có trong hà thủ ô đỏ có công hiệu chính trong việc nhuận tràng. Hai hoạt chất này có khả năng kích thích co bóp ruột, kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột giúp chống táo bón và đi ngoài ra máu.

Giúp “xanh tóc”: Công dụng nổi tiếng của hà thủ ô đỏ là chữa rụng tóc, tóc bạc sớm. Theo kinh nghiệm dân gian, trong vòng 1 – 2 tháng sau khi sử dụng hà thủ ô đỏ tóc sẽ giảm rụng đến 80%; đối với tình trạng tóc bạc sớm, sau 3 – 4 tháng sử dụng sẽ giảm 20 – 30% tỉ lệ tóc bạc.

Bổ huyết, chống suy nhược: Hà thủ ô đỏ đã được khoa học chứng minh có khả năng làm tăng lượng hồng cầu, cải thiện tình trạng thiếu máu lên não, giảm cảm giác mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ.

Bảo vệ gan: Hợp chất stilben có trong hà thủ ô đỏ giúp gan giải độc và chống tác hại của oxy hóa, bảo vệ hoạt động chức năng gan được hiệu quả, tăng cường chức năng gan, ức chế các enzyme trong gan như GOT và GPT.

Kháng khuẩn, giảm mỡ trong máu: Hà thủ ô đỏ sắc lấy nước có thể giúp cải thiện tình trạng ho, ức chế vi khuẩn lao, giảm tình trạng mỡ máu. Hoạt chất resveratrol trong hà thủ ô đỏ cũng giúp kháng nấm, kháng khuẩn, giảm chỉ số cholesterol toàn phần, LDL cholesterol – mỡ xấu, triglyceride, nhờ đó chống xơ vữa động mạch, năng ngừa tai biến.

Tăng hoạt động estrogen: Hoạt tính sinh học trong rễ hà thủ ô đỏ tương tự estrogen trong cơ thể phụ nữ, điều này giúp tạo hồng cầu tốt hơn, có lợi cho phụ nữ đang gặp phải tình trạng thiếu máu, khí hư bạch đới, kinh nguyệt không đều.

Một số công dụng khác: Trị sốt rét mạn tính, ít sữa, các bệnh phụ nữ sau khi sinh, đau lưng, thấp khớp, di tinh, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, bệnh ngoài da, mẩn ngứa, ù tai, hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối cũng được chứng minh là công hiệu mà hà thủ ô đỏ mang đến.

Hà thủ ô đỏ - dược liệu quý giúp trường thọ, xanh tóc, đỏ da
Một số bài thuốc sử dụng hà thủ ô đỏ trong điều trị bệnh/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/

Bài thuốc sử dụng hà thủ ô

Điều trị cao mỡ máu: Hà thủ ô 30g, đổ nước 300ml sắc khoảng 20 phút, lấy nước thuốc 100 – 150ml. Chia 2 lần uống ấm trong ngày.

Điều trị chấn thương thần kinh quay: Hà thủ ô 30g, đổ nước 300ml sắc còn 100ml. Chia uống sáng, chiều 1 lần. Một tháng là 1 liệu trình.

Điều trị táo bón do ruột táo: Hà thủ ô 20g, hỏa ma nhân 15g, mè đen 20g, đổ nước 300ml sắc còn 100ml. Ngày 1 lần.

Hà thủ ô – nhân sâm tửu: Hà thủ ô chế 50g, nhân sâm 30g, lộc nhung 20g, câu kỷ tử 50g. Thêm rượu trắng 0,5 lít, ngâm 1 tháng, mỗi ngày dùng 50ml. Ích khí bổ thận, cường cân kiện cốt. Công hiệu trường thọ, khỏe khoắn, không mắc bệnh.

Canh thịt dê – hà thủ ô: Chích hà thủ ô 50g, thịt dê nạc 750g, đậu đen 30g, quả óc chó 30g, cà rốt 300g, gia vị. Các nguyên liệu lần lượt rửa sạch, nấu chín thì dùng. Công dụng : Bổ can thận, ích tinh huyết. Thích hợp dùng cho các chứng thận hư, lưng gối mỏi yếu, liệt dương, di tinh, huyết trắng quá nhiều, chóng mặt đau đầu, râu tóc bạc sớm…

Gà rừng nấu hà thủ ô: Chích hà thủ ô 20g, nhân sâm 30g, gà rừng 2 con, măng tây 15g, bột nêm gia vị, nấu chín. Dùng canh ăn thịt. Dùng lâu dài giúp tư bổ can thận, đen râu tóc, sống lâu, dưỡng nhan, thể lực mạnh, tăng ngủ ngon.

Chè hà thủ ô: Hà thủ ô 50g, gạo tẻ 100g, đại táo 3 quả, đường phèn vừa đủ. Nấu chè, dùng tùy lượng. Thích hợp cho táo bón và hội chứng Meniere do huyết hư.

Chè mè đen – hà thủ ô: Hà thủ ô 15g, mè đen 1 ly, mật ong và bột năng mỗi thứ vừa đủ. Mè đen rang chín, băm nhuyễn, thêm nước nóng 2 ly trộn đều. Gạn lấy nước, tiếp tục thêm nước nóng 2 ly, gạn lấy nước. Hà thủ ô đổ nước sắc còn 2 ly, trộn chung với nước mè đen, thêm mật ong vừa đủ và nước bột năng, nấu sôi. Công hiệu: Tư nhuận, ngừa táo, làm đen râu tóc. Thích hợp dùng cho làn da thô, chứng râu, tóc bạc sớm.

Điều trị chứng tâm thần phân liệt: Hà thủ ô chế 90g, dạ giao đằng 90g, táo đỏ 5 quả. Hà thủ ô cho vào thố, thêm nước sắc đậu đen và rượu vang trộn đều, đem hấp cách thủy, làm cho bên trong ngả màu nâu sậm, sấy khô. Tất cả nguyên liệu để sắc, chia 2 lần, ngày 1 thang, nửa tháng là 1 liệu trình.

Điều trị huyết hư, tóc bạc sớm: Hà thủ ô chế 30g, trứng gà 2 quả. Hà thủ ô sắc 2 lần, bỏ bã, thêm trứng gà nấu chín thì dùng. Ngày 1 lần, dùng 1 – 2 tháng.

Điều trị chứng tăng cholesterol: Hà thủ ô sống 900g. Rang khô, tán mịn, mỗi lần 15g, uống với nước ấm. Ngày 2 lần, dùng liền 1 tháng.

Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng: Hà thủ ô 60g, tiểu hồi 30g (sao), bao tử heo 1 cái. Hà thủ ô, tiểu hồi bọc kín trong túi vải, cùng bao tử heo thêm nước nấu nhừ, bỏ bã thuốc, mỗi ngày dùng 3 lần, dùng liền 12 ngày là 1 liệu trình.

Điều trị ra mồ hôi trộm: Hà thủ ô vừa đủ. Tán mịn, mỗi lần vừa đủ, trộn với nước đun, đắp vào rốn.

Điều trị đau lưng, mất sức, ngứa mình: Hà thủ ô 0,5kg, ngưu tất 0,5kg. Các nguyên liệu ngâm rượu 7 ngày, đem phơi khô, tán mịn, làm hoàn mật, mỗi sáng tối uống 10g với rượu nhẹ lúc bụng đói.

Điều trị tóc bạc, chóng mặt, huyết hư: Hà thủ ô 50g, thịt gà 0,5kg, măng tây 50g, ớt chuông 100g, rượu trắng, muối, mì chính, nước tương, bột năng, dầu ăn với mỗi thứ vừa đủ. Hà thủ ô dùng nồi đất sắc lấy nước, bỏ bã, sử dụng sau. Thịt gà xắt hạt lựu bỏ trong chén, thêm mì chính, muối, bột năng ướp, sử dụng sau. Măng tây xắt hạt lựu, ớt chuông bỏ cuống, rửa sạch, xắt hạt lựu, đổ dầu vào nồi đất cho nóng, cho thịt gà vào nồi chiên. Khi chín, múc ra tô, chừa ít dầu trong nồi, thêm thịt gà, măng tây, ớt chuông, rượu trắng, muối, nước tương, nước hà thủ ô, đảo nhanh. Sau khi thấm vị dùng bột năng làm sốt, múc ra đĩa.

Điều trị lao tuyến lympho, ung bướu: Hà thủ ô sống xắt nhuyễn, ngâm trong bình rượu trắng, đậy kín 20 ngày, mỗi lần uống 30ml rượu, sau khi tiềm cách thủy 3 giờ thì dùng.

Điều trị can thận âm hư, râu tóc bạc sớm, thiếu máu, váng đầu: Hà thủ ô 60g, gan heo 250g, măng 50g, nấm rơm 50g, trứng gà 1 quả, muối, rượu trắng, mì chính, nước tương, đường, bột năng, hành đoạn, gừng lát, tỏi băm, mỡ heo, dầu mè, canh gà với mỗi thứ một ít. Hà thủ ô rửa sạch cho vào nồi đất, đổ nước, bắc lên bếp đun sôi, chuyển lửa nhỏ đun tiếp, lấy nước, sử dụng sau. Gan heo rửa sạch xắt lát mỏng, nấm rơm xắt lát, trứng gà đập vào chén thêm bột năng, thêm nước hà thủ ô trộn đều, thêm gan heo, nước tương, rượu trắng, muối, đường trắng, mì chính để ướp, sử dụng sau. Đổ mỡ vào chảo cho nóng, thêm gan heo xào giây lát, lần lượt thêm gừng lát, tỏi băm, hành đoạn, măng lát, nấm rơm, canh gà…. đảo nhanh với lửa mạnh, gan chín, múc ra đĩa.

Điều trị phong thấp, chống lão hóa: Hà thủ ô 250g, rượu trắng 0,5 lít. Hà thủ ô rửa sạch xắt lát, cho vào keo, thêm rượu trắng trộn đều, đậy kín, mỗi cách 3 ngày lắc 1 lần, ngâm nửa tháng, bỏ bã lấy rượu và dùng.

Điều trị tăng huyết áp, cao mỡ máu: Hà thủ ô 15g, sơn tra (táo mèo) 15g, đường trắng vừa đủ. Hà thủ ô, sơn tra lần lượt rửa sạch, xắt lát, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun 1 giờ kể từ lúc sôi, bỏ bã lấy nước, thêm đường trắng trộn đều. Dùng thường xuyên.

Điều trị sa tử cung, sa hậu môn: Hà thủ ô chế 30g, gà mái 1 con, muối, gừng tươi, rượu trắng với mỗi thứ vừa đủ. Hà thủ ô chế tán bột, bọc trong túi vải. Gà mái giết mổ bỏ lông và nội tạng, rửa sạch. Bột hà thủ ô chế nhét trong bụng gà, cho vào thố, đổ nước vừa đủ, tiềm chín. Bỏ hà thủ ô, nêm muối, gừng tươi và rượu trắng vừa đủ. Ngày 1 mễ, chia 2 – 3 lần, dùng canh ăn thịt.

Những lưu ý khi sử dụng hà thủ ô

Nên kiêng 3 thực phẩm có màu trắng khi dùng hà thủ ô là củ hành, củ tỏi, củ cải,… Ngoài ra bạn cũng nên kiêng gừng, ớt và hạt tiêu,… vì đây đều là những loại gia vị có tính nóng, dẫn tới phân tán hết những dinh dưỡng từ loại thảo dược này và cuối cùng là ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.

Thông thường nếu muốn đen tóc, bạn cần kiên trì uống hà thủ ô trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên thời gian này còn có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người bệnh khác nhau. Do đó, cần sử dụng thuốc đều đặn, kiên trì.

Hà thủ ô có tính ôn nên khi uống bản sẽ có cảm giác hơi nóng trong. Đó cũng chính là lý do vì sao không nên kết hợp hà thủ ô với những thực phẩm có tính nóng.

Một số đối tượng không nên dùng hà thủ ô là người đang điều trị ung thư, người có vấn đề về hệ tiêu hóa, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và phụ nữ vừa trải qua sinh nở.

Hà thủ ô là một loại dược liệu vô cùng quý nhưng cần dùng đúng cách mới có hiệu quả cao. Ngược lại, việc sử dụng sai cách có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn. Do đó, bạn cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.

Hà thủ ô đỏ - dược liệu quý giúp trường thọ, xanh tóc, đỏ da
Hà thủ ô đỏ giúp cải thiện tóc bạc sớm, giảm rụng tóc/ Ảnh: Internet/ https://suckhoeviet.org.vn/

Hà thủ ô mua ở đâu?

Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý đã được đưa vào ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ làm đẹp đến các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tùy vào từng mục đích sử dụng bạn có thể tìm mua hà thủ ô đã được bào chế theo các sản phẩm hoặc mua dưới dạng đã được sơ chế.

Đối với hà thủ ô đỏ chế sẽ có giá từ 180.000đ – 250.000đ/500g

Đối với hà thủ ô dạng viên hoàn, tùy từng vị dược liệu được thêm vào sẽ có mức giá đắt hơn, từ 980.000đ – 1.200.000đ/hộp

Ngoài ra, các sản phẩm có thành phần hà thủ ô cũng dao động trong nhiều mức giá từ 220.000đ – 450.000đ hoặc đắt hơn.

Bạn có thể tìm mua các sản phẩm từ hà thủ ô tại các nhà thuốc, hiệu thuốc đông y hoặc trên các sàn thương mại điện tử uy tín. Nên tìm hiểu rõ thời gian sản xuất, hạn sử dụng, hình ảnh thật của sản phẩm trước khi đặt hàng.

https://suckhoeviet.org.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *