Hội viên và những người tham gia hội thảo trực tiếp cũng như online sẽ nắm bắt được những nguyên nhân cơ bản gây nên các bệnh lý thường gặp như đau đầu, mất ngủ, đau dạ dày, tiêu hóa, tim mạch… mà chính mình hay người thân thường mắc phải. Việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh giúp chúng ta tìm ra giải pháp để có thể ngăn chặn, phòng bệnh hiệu quả.
TTND.GS.TS Trương Việt Bình thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo, lớp học giảng dạy miễn phí về y học cổ truyền giúp tăng cường, bảo vệ sức khỏe. |
Y học cổ truyền chia nguyên nhân gây bệnh thành 3 loại: Nội nhân, ngoại nhân và bất nội ngoại nhân. Nguyên nhân gây bệnh bên ngoài (ngoại nhân) có nguồn gốc từ lục khí (sáu thứ khí) trong tự nhiên, đa số xâm nhập cơ thể bằng đường cơ biểu (da lông, tấu lý, huyệt vị), miệng mũi mà gây ra bệnh.
Sáu thứ khí gây bệnh gồm phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (độ ẩm), táo (độ khô), hỏa (nhiệt). Trong đó, phong là một trong những tà khí di chuyển vô định, thường xuất hiện và gây bệnh nhiều nhất. Ngoại phong là gió, chủ khí vào mùa xuân nhưng mùa nào cũng có thể gây bệnh. Phong là dương tà hay đi lên trên và ra ngoài, gây bệnh ở phần trên và ngoài cơ thể. Phong (phong động) hay di động và biến hóa nên di chuyển ở nhiều vị trí trên cơ thể như đau nhiều khớp, đau nhiều chỗ, ngứa nhiều chỗ.
Các triệu chứng gây bệnh và xuất hiện do phong hàn gây ra như cảm lạnh, đau dây thần kinh ngoại biên, đau các khớp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang… Phong nhiệt thường sinh chứng cảm sốt, bệnh truyền nhiễm, viêm màng khớp và dị ứng… Phong thấp gây ra viêm khớp dạng thấp, thoái khớp, đau dây thần kinh ngoại biên. Chứng nội phong gây sốt cao co giật, bệnh cao huyết áp, tai biến.
Hàn tà là ngoại hàn và nội hàn gây bệnh. Hàn gây đau tại chỗ làm khí huyết ứ trệ, bế tắc lại không thông. Hàn thấp thường sinh các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng do lạnh… Còn lại, chứng nội hàn sinh ra viêm đại tràng, co thắt, đau dạ dày do lạnh, sốt cao, ỉa chảy, tiểu tiện nhiều lần. Thử là dương tà, khí nóng bức của mùa hạ. Mùa hạ khí hậu nóng bức, thường gặp mưa mà sinh thấp, hao khí thương tân. Triệu chứng của thương thử là phát sốt, khát nước, bứt rứt, khó chịu, ra mồ hôi và buồn nôn…
Thấp là âm tà, 4 mùa đều có, thấp tà ứ trệ ở kinh lạc xương khớp gây nên chứng thấp tý, làm chi thể cảm thấy nặng nề, khớp co duỗi khó khăn. Táo (độ khô) biểu hiện ở da khô, miệng lưỡi khô. Ôn táo (táo kết hợp ôn nhiệt xâm phạm cơ thể) gây sốt, mắt đỏ, sưng đau họng, ho khạc ra máu… Hỏa tà mang tính thiêu đốt, bốc lên trên gây tổn thương chính khí, nhiễu loạn thần minh gây chứng thần chí không yên.
Phong thấp gây ra viêm khớp dạng thấp. |
Bên cạnh đó, nội nhân (thất tình) là 7 loại tình chí: hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh (vui mừng, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, buồn rầu, sợ hãi, kinh dị). Nội nhân trực tiếp tổn thương nội tạng, tổn thương tỳ, ưu thương phế, ảnh hưởng tạng phủ. Tình chí thay đổi thất thường làm cho bệnh tình thêm nặng hoặc diễn biến nhanh.
Bất nội ngoại nhân là một số nguyên nhân khác gây bệnh như đàm ẩu, ứ huyết, ăn uống, sang chấn, trùng thú cắn. Thực chất, những nguyên nhân gây bệnh trong y học cổ truyền có sự liên hệ mật thiết với nhau. Nguyên nhân bên ngoài khó xâm nhập vào cơ thể nếu cơ thể khỏe mạnh, đồng thời nguyên nhân bên trong cũng có thể phát triển nặng hơn nếu gặp một số nguyên nhân bên ngoài khác.
Y học cổ truyền dựa vào biểu hiện lâm sàng, phân tích chứng trạng để tìm nguyên nhân và đưa ra nguyên tắc điều trị từ gốc. Theo đó, phương pháp điều trị bệnh từ gốc là những phương pháp làm cho khí huyết mạnh lên, bồi bổ khí huyết (bổ khí huyết – bổ) hoặc lưu thông khí huyết (tiêu độc tiêu viêm – tả). Các loại thuốc bắc có tính bồi bổ, thuốc nam lại có tính tả nghĩa là tiêu độc, tiêu viêm, thường được sử dụng một thời gian dài để làm tan chỗ tắc nghẽn. Công cuộc chữa bệnh giống như một quá trình hồi xuân của cơ thể, làm khí huyết mạnh trở lại nên cần rất nhiều thời gian. Ngoài quá trình dùng thuốc hỗ trợ thì chúng ta phải kết hợp tập luyện và ăn uống lành mạnh. Mỗi người cần biết cách bảo vệ mình khỏi phong hàn để khí huyết khỏe mạnh, cơ thể dần phục hồi.
Cơ thể được tạo hóa ban cho năng lực tự chữa lành, chống lại những nguyên nhân gây bệnh. Khi chúng ta mắc bệnh, các phương pháp điều trị y khoa hoặc sự can thiệp của thầy thuốc chỉ là hỗ trợ cho cơ thể hoàn thành khả năng tự chữa lành. Cách duy nhất để kích hoạt khả năng tự chữa lành chính là làm thư giãn hệ thần kinh, duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn giàu hoa quả, trái cây, duy trì giấc ngủ ngon, vận động và thiền định.
Chính lối sống lành mạnh và dinh dưỡng cân bằng là hai yếu tố tăng cường sức khỏe, loại bỏ các yếu tố gây hại cho cơ thể. Lối sống lành mạnh là kiểm soát căng thẳng, biết làm chủ và giảm áp lực trong cuộc sống bằng cách ngủ đủ giấc, tham gia hoạt động thể chất, giao lưu xã hội. Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe bao gồm thực phẩm probiotic (lợi khuẩn) và chất xơ hòa tan… là điều cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh.
Khách mời đặt câu hỏi cho GS.TS Trương Việt Bình tại hội thảo. |
Tại hội thảo, TTND.GS.TS Trương Việt Bình đã giải đáp những thắc mắc về các bệnh lý liên quan đến y học cổ truyền. Từ đó, các hội viên và khách mời tham gia hiểu được phương pháp điều trị bệnh từ gốc, cân bằng năng lượng tự chữa lành của cơ thể bằng việc cải thiện chế độ sinh hoạt điều độ và sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền lành tính giúp giảm các triệu chứng do lục khí gây bệnh.
TTND.GS.TS Trương Việt Bình nguyên là Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, được biết đến là một trong những người có đóng góp lớn trong việc phát triển về y dược học cổ truyền với hơn 40 năm gắn bó với nghề, thực hiện khám chữa bệnh, nghiên cứu nhiều đề tài tầm cỡ quốc tế, xuất bản sách chuyên ngành, giảng dạy… Tiếp nối chuỗi hội thảo sức khỏe của Hội Nam y Việt Nam, GS.TS Trương Việt Bình thường xuyên tổ chức những chương trình giảng dạy miễn phí cho hội viên và độc giả quan tâm, lan tỏa những giá trị y học cổ truyền nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe tại nhà cho người dân.