Kim ngân hoa – “vương dược” giải độc trong Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, kim ngân hoa vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường sử dụng để chữa mụn nhọt, rôm sảy, thủy đậu, sởi, tả lỵ. Ngoài ra, đã có một số nghiên cứu cho thấy kim ngân có vai trò trong điều trị dị ứng, viêm mũi và thấp khớp.

Kim ngân hoa

Cây kim ngân hoa hay còn được gọi là nhẫn đông, họ kim ngân, là một loại cây leo bằng thân quấn, cành non có lớp lông bao phủ sau nhẵn và màu hơi đỏ có vân. Lá cây kim ngân hoa dược liệu mọc đối, hình mũi mác, cụm hoa mọc ở tận cùng kẽ các lá thành xim hai hoa.

Hoa cây kim ngân hoa mới ra có màu trắng sau đó chuyển thành màu vàng. Trên cùng một cành cây sẽ có lẫn cả hoa vàng và hoa trắng. Vì vậy nó có tên là kim (vàng), ngân (bạc). Quả hình cầu màu đen. Kim ngân hoa được phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh,… Hiện nay, ngoài mọc hoang dại, cây kim ngân hoa đã được trồng ở nhiều nơi để lấy nguyên liệu làm thuốc, vị thuốc là hoa và dây kim ngân.

Tác dụng kim ngân hoa

Theo Y học cổ truyền

Kim ngân có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc vào 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ. Kim ngân có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, dùng làm thuốc tiêu độc, hạ nhiệt, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, dị ứng; chữa viêm gan mạn tính, viêm gan virus, chữa viêm cầu thận cấp tính, chữa sốt xuất huyết.

Theo kinh nghiệm dân gian thảo dược kim ngân hoa được dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ, giang mai. Một số nơi cùng dùng kim ngân hoa để pha trà với tác dụng thanh nhiệt.

Hoa kim ngân có tác dụng “giải độc” được đề cập gần như thống nhất trong các sách y thư y học cổ truyền. Giải độc ở đây được hiểu như là tác dụng kháng khuẩn của kim ngân.

Kim ngân hoa - "vương dược" giải độc trong Y học cổ truyền
Kim ngân hoa là dược liệu được ví như vương dược giải độc trong Y học cổ truyền. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Theo y học hiện đại

Trong cây kim ngân hoa có chứa nhiều thành phần dược liệu quý: tinh dầu: linalool, eugenol, α – terpineol, α – pinen, geraniol,… Flavonoid: lonicerin, luteolin-7-glucoside, luteolin,…

Với những thành phần này, kim ngân hoa mang đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:

Tác dụng kháng sinh: Một vài nghiên cứu cho thấy trong nước sắc hoa kim ngân có tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn, trùng lỵ Shiga.

Tác dụng trên đường huyết: Một số nhà khoa học Trung Quốc đã thử nghiệm cho thỏ uống nước sắc hoa kim ngân. Kết quả là những con thỏ uống nước sắc có lượng đường huyết cao hơn hẳn và kéo dài 5 – 6 giờ mới trở lại bình thường so với những con không uống.

Tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ: Năm 1966, giáo sư Đỗ Tất Lợi và các cộng sự đã nghiên cứu trên chuột lang và chỉ ra rằng nước sắc kim ngân có tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ.

Không độc tố: Cùng nghiên cứu về tác dụng của kim ngân hoa, giáo sư Đỗ Tất Lợi cho biết, kim ngân hoa không có độc tố. Ông và các cộng sự đã cho chuột thực nghiệm uống rất nhiều nước sắc kim ngân hoa với hàm lượng gấp 150 lần so với liều điều trị cho người. Kết quả, khi giải phẫu cơ thể chuột, ông và mọi người nhận thấy các bộ phận đều bình thường.

Do đó, tác dụng của cây kim ngân hoa được sử dụng điều trị các chứng bệnh như: Rối loạn tiêu hóa (đau và sưng (viêm) ruột non, viêm ruột và kiết lỵ); nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm: cảm lạnh, cúm, viêm phổi; nhiễm khuẩn; sưng não (viêm não); sốt; vết loét; giang mai

Ngoài ra, cây kim ngân còn được sử dụng để chữa các chứng rối loạn nước tiểu, đau đầu, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp và ung thư. Một số người sử dụng tác dụng của kim ngân hoa để tăng tiết mồ hôi, làm thuốc nhuận tràng, chống ngộ độc, ngừa thai, thoa lên da để điều trị viêm, ngứa và diệt vi trùng.

Kim ngân hoa - "vương dược" giải độc trong Y học cổ truyền
Hoa kim ngân có tác dụng “giải độc” được đề cập gần như thống nhất trong các sách y thư y học cổ truyền. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Bài thuốc có kim ngân hoa

Hoa kim ngân có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trị mụn nhọt, mẩn ngứa, hoặc chữa viêm họng theo bài thuốc Ngân kiều tán. Kim Ngân hiện được xếp đầu bảng trong tiêu độc.

Bài thuốc K1 (GS.Đỗ Tất Lợi, 1960): chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng: Kim ngân 6g (nếu là hoa), hoặc 12g (nếu là cành và lá), nước 100ml, sắc còn 10ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (khoảng 4g). Đun sôi và giữ sôi trong 15-30 phút là dùng được. Người lớn: Uống ngày 2 đến 4 liều như trên, còn trẻ em uống 1 đến 2 liều.

Bài thuốc K2 (GS. Đỗ Tất Lợi, 1960): Giống như đơn thuốc K1 nhưng có thêm 3g ké đầu ngựa. Về công dụng và liều dùng cũng giống của đơn K1.

Thuốc chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, thông tiểu: Hoa kim ngân 6g, cam thảo 3g, nước 200ml, sắc còn 100ml, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.

Ngân kiều tán (bài thuốc kinh nghiệm từ cổ) thường dùng chữa mụn nhọt, sốt, cảm: Hoa kim ngân 40g, liên kiều 40g, kinh giới tuệ 16g, cát cánh 24g, đạm đậu sị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, đam trúc diệp 16g. Tất cả sấy khô, tán bột. Có thể làm thành viên. Ngày uống 1-2 lần, mỗi lần uống 12g bột”.

Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng

Kim ngân hoa 6g hoặc 12g (cành và lá), nước 100 ml, sắc còn 10 ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống bịt kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15 phút đến nửa giờ là uống được. Người lớn: ngày uống 2 đến 4 liều trên 2-4 ống, trẻ em từ 1 đến 2 điều 1-2 ống.

Chữa viêm gan mãn tính (hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm)

Kim ngân hoa 16g, nhân trần 20g, hoàng cầm, hoạt thạch, đại phúc bì, mộc thông, mỗi vị 12g, phục linh, trư linh, đậu khấu, mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị)

Kim ngân hoa 20g, thạch cao 40g, tri mẫu, tang chi, ngạnh mễ, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g; thương truật 8g; quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa sốt xuất huyết

Kim ngân hoa, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hoa hòe, mỗi vị 16g; liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 12g; chi tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu khát nước, thêm huyền sâm sinh địa, mỗi vị 12g; sốt cao thêm chi mẫu 8g.

Chữa mụn nhọt

Kim ngân hoa 20g; bồ công anh 16g; liên kiều, hoàng cầm, gai bồ kết, mỗi vị 12g; bối mẫu 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm phổi trẻ em

Kim ngân hoa 16g; thạch cao 20g; tang bạch bì 8g; tri mẫu, hoàng liên, liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa viêm phần phụ cấp tính

Kim ngân, liên kiều, tỳ giải, ý dĩ, mỗi vị 16g; hoàng bá, hoàng liên, mã đề, nga truật, mỗi vị 12g; uất kim, tam lăng, mỗi vị 8g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.

Hoa kim ngân có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trị mụn nhọt, mẩn ngứa, hoặc chữa viêm họng theo bài thuốc Ngân kiều tán. Kim Ngân hiện được xếp đầu bảng trong tiêu độc.

Kim ngân hoa - "vương dược" giải độc trong Y học cổ truyền
Kim ngân hoa có thể bảo quản và dùng nhiều ở dạng khô. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/

Lưu ý khi dùng kim ngân hoa

Theo Y học cổ truyền thì kim ngân hoa có công dụng thanh giải biểu nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thanh thấp nhiệt. Vì thế, dược liệu này hay có mặt trong các bài thuốc trị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt,… Không những thế, kim ngân hoa còn được dùng để trị viêm amidan, bệnh lý, tiểu tiện có máu, đau mắt đỏ,…

Trong tất cả những bài thuốc này kim ngân hoa đều có thể được dùng với liều mỗi ngày 12 – 20g (dùng hoa) hoặc 12 – 16g (dùng dây). Ngoài ra, dược liệu kim ngân hoa còn có thể được dùng để trị đau nhức cơ và gân.

Khi dùng kim ngân hoa để chữa trị bệnh cần chú ý:

– Không được dùng cho người đang cho con bú và thai phụ.

– Nên sắc bỏ lần nước đầu tiên, sắc thật kỹ rồi lấy nước thứ hai để uống. Việc làm này giúp loại bỏ chất saponin có trong kim ngân hoa khiến cơ thể trở nên kém hấp thu.

– Nếu đang dùng một loại thuốc điều trị nào và muốn dùng kim ngân hoa, nên hỏi ý kiến bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích.

Nhờ có nhiều tác dụng tuyệt vời mà dược liệu này ngày càng được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *