Cảm lạnh là một bệnh lý về hô hấp. Có nhiều loại virus khác nhau gây cảm lạnh, nhưng Rhinovirus là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất. Đây cũng là nhóm virus gây kích thích những đợt hen cấp và liên quan đến các trường hợp nhiễm trùng xoang hay tai.
Bệnh thường xuất hiện khi trời lạnh và mưa. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh thường gây khó chịu cho người mắc.
Các dấu hiệu thường xuất hiện từ 1–3 ngày sau khi cơ thể nhiễm virus và có thể khác nhau ở mỗi người như: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; hắt xì; đau họng, viêm họng; đau đầu nhẹ; cảm thấy đau cơ; ho; có thể sốt nhẹ; cảm thấy khó chịu trong người…
Theo Y học cổ truyền, nguyên nhân gây cảm lạnh là do làm việc không điều độ, lao lực hoặc lao tâm; do ăn uống nhiều đồ lạnh làm cơ thể bị khí lạnh tấn công từ bên trong với khí lạnh bên ngoài xâm nhập kinh mạch và tạng phủ; do lo buồn thái quá, ăn uống kém, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể làm giảm sức chống đỡ của cơ thể trước tác nhân gây bệnh…
Các biến chứng của cảm lạnh như viêm phổi cấp dẫn đến khó thở, nhiễm trùng tai cấp tính (viêm tai giữa), hen suyễn, viêm xoang cấp tính, các bệnh nhiễm trùng thứ phát khác… Vì vậy cần theo dõi và xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo sách Nam y nghiệm phương của Lương y, DSCKII Nguyễn Đức Đoàn, 4 bài thuốc sau có thể giúp hỗ trợ trị cảm lạnh:
Bài 1- Viên bạch phàn hồ tiêu trị cảm lạnh
-Thành phần bài thuốc gồm: Phèn chua (phi) 800g, hồ tiêu (hạt tiêu) 20g, long não 200g, địa liền 200g. Sinh khương (gừng tươi) đủ dùng.
-Chủ trị: Cảm lạnh (hàn), nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, tay chân lạnh.
-Cách dùng và liều lượng: Sinh khương chọn củ già, thái lát thật mỏng, phơi sấy khô, cân lấy 200g cho vào công thức trên. Tất cả các vị sấy khô, tán bột mịn, trộn đều, luyện với hồ nếp làm viên hoàn 0,005g (hoặc bằng hạt đậu xanh).
Trẻ em dưới 10 tuổi: Mỗi lần uống 3-5 viên. Trẻ trên 10 tuổi mỗi lần uống 6-10 viên.
Người lớn: Mỗi lần uống 12-20 viên. Ngày uống 2 lần (sáng, chiều) với nước chín nóng.
-Phương giải bài thuốc:
+Phèn chua có vị chua, tính hàn, không độc, vào kinh tỳ, có tác dụng táo thấp, giải độc, sát trùng, làm hết ngứa…
+Hồ tiêu có tính nóng, đại ôn, vị cay, thường quy vào bốn kinh là tỳ, vị, phế, đại tràng. Hồ tiêu có tác dụng giúp trừ đờm, giảm đau, kháng khuẩn, hạ khí, trừ hàn.
+Địa liền có vị cay, tính ấm có tác dụng làm ấm tỳ vị, giảm đau, hành khí, trừ đờm, tán hàn, tiêu thực và trừ thấp.
+Sinh khươnglà tên dược của củ gừng tươi. Với vị cay nồng, tính ấm, tác dụng tán phong hàn, giải biểu, làm ấm phế và chống buồn nôn. Gừng tươi được sử dụng để chữa đau bụng do lạnh, ngộ độc thức ăn, ho lâu ngày không khỏi, cảm lạnh, cảm cúm và đau nhức xương khớp…
-Kiêng kỵ: Không ăn các chất tanh, lạnh. Cảm sốt, đau bụng tiêu chảy thuộc nhiệt không dùng bài thuốc này.
Bài 2- Thang giải cảm hàn (trúng hàn)
-Thành phần bài thuốc: Can khương (gừng khô) 12g, sinh khương (gừng tươi) 10 lát, lá lốt tươi 20g, hành (thái lát mỏng) 1 củ.
-Chủ trị: Cảm lạnh (mùa đông): Người lạnh toát, môi thâm, mặt tái mét, thân thể cứng đờ, không nói được, có thể đau bụng, nôn mửa, không sốt, lưỡi trắng nhuận, mạch trầm khẩn hoặc trầm tế, hoặc không thấy mạch.
-Cách dùng – liều lượng: Các vị cho vào 200ml nước, sắc lấy 100ml nước thuốc, thêm 1 thìa cà phê đường trắng, quấy tan hết đường, cho người bệnh uống.
-Phương giải bài thuốc: Lá lốt có tính ấm, vị nồng và chống hàn. Quy kinh: Kinh vị, gan, mật và tỳ. Cây lá lốt có tác dụng ôn trung (làm ấm bụng), tán hàn (trừ lạnh), hạ khí (đưa khí đi xuống), chỉ thống (giảm đau), yêu cước thống (đau lưng, đau chân), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu…
Bài 3- Rượu gừng
-Thành phần: Gừng tươi (sinh khương) 20g, rượu trắng 30ml.
-Chủ trị: Cảm lạnh (trúng hàn).
-Cách dùng và liều lượng: Gừng tươi giã nhỏ cho rượu, đem đun cách thủy sôi 10 phút, gạn lấy rượu cho người bệnh uống. Mỗi lần uống 10ml, cách 20 phút uống 1 lần. Bã gừng bọc vào miếng gạc hay vải xoa vào lòng bàn chân bàn tay.
Bài 4- Rượu địa liền
-Thành phần bài thuốc: Địa liền 40g, sinh khương 30g, rễ lá lốt 20g, rượu trắng 40 độ 300ml.
-Chủ trị: Phòng ngừa cảm lạnh khi tiết trời thay đổi, mưa gió rét lạnh.
-Cách dùng – liều lượng: Địa liền, gừng tươi, lá lốt rửa sạch, thái mỏng, phơi khô ngâm vào rượu.
Khi đi làm hoặc đi xa về uống 15ml và dùng xoa khắp cơ thể.
Ngoài ra, có thể chữa cảm lạnh bằng cách cạo gió, đánh gió, xông hơi, ăn các loại cháo giải cảm…
Lưu ý: Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.