Quả gấc là một cây thực phẩm đặc biệt của Việt Nam, có danh pháp khoa học momordica cochinchinensis, thuộc chi mướp đắng. Hoa có sắc vàng. Quả hình tròn, sắc xanh, khi chín chuyển sang đỏ cam. Vỏ gấc có gai rậm.
Bổ ra mỗi trái thường có sáu múi, thịt gấc màu đỏ cam, hạt màu nâu thẫm. Ở Việt Nam có khoảng 3 loài thường gọi là gấc nếp, gấc tẻ và gấc lai. Trái gấc được sử dụng trong ẩm thực lẫn y học.
Lượng beta-caroten của gấc cao gấp đôi cà rốt. Dầu gấc được cho là có chức năng phòng chống thiếu vitamin, tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng cơ thể, chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào…
Quả gấc mọc hoang và được trồng khắp nước ta, nhưng tác dụng của gấc tới sức khỏe con người ra sao thì không phải ai cũng nắm được. Không phải ngẫu nhiên mà người Tây phương gọi quả gấc là “một loại quả đến từ thiên đường”.
Những bài thuốc từ quả gấc
Dưới đây là một số bài thuốc quý từ quả gấc, theo BS Vũ Quốc Trung:
Dầu gấc
Quả gấc chín, cắt đôi, lấy hết phần thịt đỏ và thịt vàng, tách hạt lấy màng đỏ bao quanh hạt; phơi nắng khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Khi thấy thịt gấc se lại, không còn bết dính, cắt nhỏ. Đun nhỏ lửa với dầu dừa, hay dầu ô-liu, hoặc dầu ăn. Thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều để phần dầu gấc được chiết xuất ra. Đun đến khi cả 2 hỗn hợp đều keo lại, nhìn dầu đã tan hết là được. Chờ dầu nguội, cho vào hũ, đậy kín, bảo quản dùng dần.
Dầu gấc đỏ tươi, không cháy. Dầu gấc trộn xà lách, cơm xôi, cho vào cháo… chữa suy dinh dưỡng trẻ em, chữa khô giác mạc, quáng gà, phòng ngừa đục thủy tinh thể; giảm tác dụng phụ của các chất hóa học gây ung thư. Dùng cho bệnh nhân sau khi cắt bỏ khối u, sau hóa trị liệu, sau xạ trị; giảm các chất độc hại cho người làm việc trong môi trường ô nhiễm; phòng ngừa viêm gan, xơ gan, ung thư gan, phòng ngừa thoái hóa tế bào thần kinh, bệnh Alzheimer; giảm cholestesterol, chống xơ vữa động mạch; bảo vệ da, giúp vết thương mau lành.
Hạt gấc
Hạt gấc khoảng 30 hạt, sao tồn tính (để lửa già, chảo thật nóng, cho hạt gấc vào đảo đều, đến khi bên ngoài cháy già, bẻ ra bên trong còn màu vàng cũ là được). Cho vào cối giã nhỏ ngâm với 500 ml rượu trắng. Dùng rượu hạt gấc bôi vào chỗ sang chấn có tác dụng tốt gần như mật gấu. Rượu hạt gấc chữa sang chấn đụng giập trong những trường hợp ngã, vết thương tụ máu.
Hạt gấc sống, hoặc đã qua đồ xôi, chặt đôi đem mài với ít rượu, hoặc giấm thanh dùng ngoài, bôi, xoa vào chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị, chữa sán khí ( hạ nang sưng rắn, ngọc hành sưng đau, tiểu khó). Bôi nhiều lần trong ngày, cứ khô lại bôi.
Chữa sưng vú: Nhân hạt gấc, giã nát, hòa với rượu đắp vào nơi tổn thương sưng vú, cố định bằng gạc và băng dính, đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần.
Chữa trĩ, lòi dom: Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, đắp vào hậu môn, cố định bằng vải gạc và băng dính. Để qua đêm. Sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.
Chữa răng lợi sưng đau chảy máu: Hạt gấc nướng chín, giã nhỏ hòa nước ngậm khoảng 30 phút rồi nhổ đi.
Rễ gấc
Rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng sao vàng, tán nhỏ, ngày dùng 6-12g. Trị thủy thũng, cước khí sưng phù. Trị phong thấp, khớp xương sưng nhức, trị nhọt lở.
Lá gấc
Lá gấc non làm rau ăn như ngọn su su, nấu canh, hoặc xào, tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng. Lá gấc phối hợp với tầm gửi đắp vào nơi tổn thương (ngoài da) tiêu sưng tấy.
Những sai lầm khi ăn quả gấc
Bỏ màng đỏ quanh hạt gấc
Nhiều người có thói quen khi ăn quả gấc thường bỏ màng đỏ bao quanh hạt gấc. Tuy nhiên, nghiên cứu của một số nhà khoa học Đại học y Hà Nội và Đại học dược Hà Nội đã chứng minh dầu màng đỏ bao quanh hạt gấc có tác dụng giống như vitamin A hỗ trợ điều trị bệnh khô mắt, giúp tăng cường thị lực.
Dùng hạt gấc sai cách
Trong cuốn “Những cây thuốc thông thường” của TS. Võ Văn Chi, hạt gấc màu vàng, vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào hai kinh can và đại tràng có tác dụng chữa mụn nhọt, sưng tấy, lở loét, tiêu thũng.
Không nên dùng hạt gấc làm thuốc dùng trong qua đường uống một cách bừa bãi, chỉ nên làm thuốc dùng bôi ngoài da, liều lượng chỉ nên 2-4g/ngày. Và khi dùng phải nướng chín hạt.
Khoa dược đại học Y dược TP.HCM đã có một nghiên cứu khoa học về thành phần dược tính của cao lỏng hạt gấc, trong đó xác định độc tính cấp LD50 (liều dùng hạt gấc khi cho chuột uống sẽ làm 50% bị chết). Theo đó, dùng dưới liều 20g/kg không làm chuột chết, còn dùng trên 180g/kg tất cả chuột đều chết. LD50 tính bằng phương pháp Behrens và Karber là 92,27g bột hạt gấc/kg.
Ăn quá nhiều
Quả gấc có chứa rất nhiều dạng tiền vitamin A (beta-caroten). Vitamin A là vitamin tan trong dầu, khi thừa không thải ra khỏi cơ thể hàng ngày như các loại vitamin tan trong nước, mà tích lũy lại trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc. Nếu dùng quá nhiều caroten hay còn gọi là tiền vitamin A (ở các thực phẩm) gây tích trữ dưới da, làm vàng da nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân. Những dấu hiệu này sẽ thuyên giảm nếu ngừng sử dụng vitamin A liều cao.
Ở người lớn, lạm dụng vitamin A sẽ có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khô da, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Đối với trẻ em, khi sử dụng quá lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể, trẻ thường chậm tăng cân, tăng chảy máu và đau xương, kìm hãm sự phát triển xương làm trẻ chậm lớn…
Dùng dầu gấc
Người lớn mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2ml dầu gấc, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn. Khi đã dùng dầu gấc thì không ăn đồng thời các rau quả giàu beta caroten như bí đỏ, cà rốt, đu đủ… trong cùng 1 ngày hoặc liên tục trong 1 thời gian, để tránh gây vàng da.
Không nên dùng mỡ gấc, dầu gấc để rán, vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy carotene. Nên trộn vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống thay dầu cá, mỗi ngày khoảng 10g (2 muỗng cà phê) tương đương 700 microgram vitamin A cho trẻ suy dinh dưỡng. Nếu là dầu gấc nguyên chất ép từ màng gấc đã phơi, sấy khô thì liều cho trẻ em hàng ngày chỉ cần 8 giọt (khoảng 2 viên nang).