Một số cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân an toàn, hiệu quả

SKV – Hiện nay, trong dân gian lưu truyền những cây thuốc như lá lốt, ngải cứu, gừng hay thổ phục linh là những cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân phổ biến, lành tính. Tuy nhiên, vẫn cần biết cách sử dụng một cách đúng và hợp lý để không gây phản tác dụng.

Tê bì chân tay là một triệu chứng phổ biến dễ gặp phải, độ tuổi từ người già đến người trẻ đều có thể mắc phải. Và nếu tình trạng này kéo dài, không có phương pháp điều trị thì hoàn toàn có thể dẫn đến các biến chứng khó lường như: Đau nhức, teo cơ hoặc bại liệt,… Ngoài việc sử dụng thuốc tây hoặc các thủ thuật ngoại khoa, chúng ta cũng có thể sử dụng các loại cây thuốc, đặc biệt là cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân.

Cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân

Lá lốt

Một số cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân an toàn, hiệu quả
Lá lốt không chỉ sử dụng phổ biến trong ẩm thực, chúng còn là cây thuốc nam chữa bệnh tê bì tay chân phổ biến, được dân gian ta tin dùng.

Là cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân, lá lốt được biết đến là cây có tính ấm, vị cay, giúp giảm đau, giảm tê bì tay chân, trừ phong thấp nhờ khả năng quy vào các kinh tỳ, vị. Từ đó làm giảm tình trạng tê bì tay chân cho người mắc phải. Thêm vào đó, thành phần tinh dầu và hoạt chất alkaloid có trong lá lốt theo khoa học chứng minh còn giúp kháng viêm, giải tỏa căng thẳng thần kinh.

Với người bị tê tay chân, cần chuẩn bị từ 15 – 20 lá tốt tươi (tương đương 5 đến 10 gam lá khô) đã rửa sạch, sau đó cho vào ấm sắc cùng với 2 chén nước và đun sôi. Đến khi nước cạn còn một nửa, gạn thu lấy nước và uống khi còn ấm và sau khi ăn tối, mỗi ngày uống 1 lần. Sử dụng phương pháp này thường xuyên, sau khoảng thời gian 10 ngày liên tục hoặc có thể lâu hơn sẽ thấy được tình trạng tê tay chân của bản thân cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên cần lưu ý, lá lốt không nên dùng cho người tê tay chân đang gặp vết thương hở. Khi có trường hợp phụ nữ đang mang thai, người bị tiểu đường hoặc người có triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới thì cũng không nên dùng phương pháp này.

Lá ngải cứu

Một số cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân an toàn, hiệu quả
Một trong những cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân phổ biến mà dễ kiếm, còn dễ sử dụng đó là ngải cứu.

Ngải cứu thường được ngâm với muối hột và đắp lên khu vực chân tay cần điều trị. Với tính chất đặc trưng từ ngải cứu là tính ấm nên khi kết hợp với nhiệt độ, dùng đắp lên khu vực cần điều trị sẽ làm giãn nở các động mạch, hỗ trợ cải thiện giúp máu ở chân tay lưu thông dễ dàng và tốt hơn, giảm thiểu tình trạng tê bì, các dấu hiệu đau nhức cũng sẽ được thuyên giảm.

Người có tình trạng tê tay chân, cần chuẩn bị một bỏ ngải cứu to, muối hột, nước đã đun sôi. Cho ngải cứu vào với nước và muối đã chuẩn bị trước đó, để khoảng 2 – 3 phút, lá cây sẽ mềm ra. Lấy lá cây bỏ nước, đắp vào khu vực bị tê tay chân. Thực hiện thường xuyên, khoảng sau một tuần sẽ thấy có sự thuyên giảm.

Gừng

Một cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân khác phổ biến không thua ngải cứu và lá lốt đó chính là gừng. Ngoài công dụng hay thường thấy là làm gia vị, gừng còn được xem là cây thuốc nam chuyên trị các vấn đề của xương khớp bao gồm cả các chứng bệnh tê tay chân.

Trong gừng chứa nhiều các loại tinh dầu và các hoạt chất có khả năng làm co giãn mạch máu, kích thích bơm máu đến tay chân làm giảm cảm giác tê, thuyên giảm triệu chứng bệnh tê tay chân ở người bệnh như zingiberene, shogaol, gingerol,… Đây là những hoạt chất đã được khoa học chứng minh.

Cũng như ngải cứu, gừng cũng sẽ phối hợp với muối và ngâm chân hoặc tay để giảm triệu chứng. Gừng rửa sạch thái lát, có thể để cả vỏ hoặc giã nát, nấu gừng và muối cùng một lít nước. Gạn lấy nước ấm và dùng ngâm tay hoặc chân. Tần suất mỗi ngày ngâm một lần, từ 15 đến 30 phút. Thực hiện thường xuyên, khoảng sau một tuần sẽ thấy có sự thuyên giảm.

Thổ phục linh

Một số cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân an toàn, hiệu quả
Thổ phục linh có tác dụng điều trị tê tay chân hiệu quả.

Theo y học cổ truyền, đây là cây thân leo có vị ngọt, nhạt, tính bình, quy vào kinh can, vị. Công dụng phổ biến và được biết đến nhiều nhất là về trị phong tê thấp, đau xương khớp và tê tay chân.

Bài thuốc nam có thổ phục linh chữa bệnh tê tay chân gồm có: Thổ phục linh (20 gam), cốt toái bổ (10 gam), thiên niên kiện (8 gam), bạch chỉ (6 gam), đương quy (8 gam) rửa sạch đem thái nhỏ. Sắc tất cả với nhau mỗi ngày một thang hoặc pha với rượu uống. Ngoài ra cũng có thể dùng xoa bóp tay chân khi tê bì.

Lưu ý khi dùng cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân

Việc sử dụng cây thuốc nam chữa tê bì chân tay có tác dụng trừ phong thấp, chữa đau nhức xương khớp hiệu quả. Tuy nhiên người bệnh lưu ý không lạm dụng để tránh phản tác dụng và phát sinh rủi ro. Ngoài ra người bệnh cần lưu ý thêm một số điều dưới đây khi sử dụng thuốc nam để đảm bảo an toàn:

– Nên thăm khám và xác định nguyên nhân gây tê bì tay chân trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào. Đối với trường hợp tê tay chân do bệnh lý chèn ép rễ thần kinh, người bệnh nên áp dụng các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

– Trước khi sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.

– Phương pháp sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân thích hợp với người lớn tuổi và những người sinh hoạt kém lành mạnh khiến mạch máu bị chèn ép, khí huyết không lưu thông. Đối với trường hợp do bệnh lý, việc dùng thuốc nam thường không mang đến hiệu quả.

– Nếu sau khi áp dụng thuốc, tình trạng tê tay chân không thuyên giảm sau 10 ngày áp, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để tìm cách điều trị phù hợp.

– Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc có dấu hiệu bất thường trong thời gian điều trị (chóng mặt, khó chịu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, hoa mắt…), người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc nam và thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.

– Không nên tự ý sử dụng thuốc nam cho những người bị tiểu đường, phụ nữ mang thai, suy gan, suy thận và bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân.

Trên đây là các loài cây thuốc nam chữa bệnh tê tay chân phổ biến. Những cây thuốc nam này khi sử dụng tuy không gây hại, dễ tìm kiếm nhưng không thể điều trị dứt điểm được nguyên nhân của bệnh.

Phạm Thủy

https://suckhoeviet.org.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *