Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường (hay đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ các thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng, lâu dần gây nên hiện tượng tăng dần lượng đường tích tụ trong máu. Nếu lượng đường trong máu luôn ở mức cao sẽ làm gia tăng các nguy cơ bệnh lý tim mạch, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan bộ phận khác như thần kinh, mắt, thận và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF) cũng đưa ra những con số thống kê đáng chú ý về thực trạng bệnh tiểu đường trên toàn thế giới như sau:
Mỗi năm thế giới có khoảng 132.600 trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, chỉ tính riêng số trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 1 trong độ tuổi 0 – 19 tuổi là hơn 1 triệu.
Hơn 21 triệu phụ nữ đang mang thai bị tăng đường huyết và dung nạp đường kém, chiếm tỷ lệ 1/6 tổng số phụ nữ mang thai.
Khoảng 2/3 số bệnh nhân tiểu đường là người cao tuổi, tuy nhiên, số bệnh nhân tiểu đường trẻ tuổi cũng không ngừng gia tăng.
Cứ 6 giây trôi qua sẽ có 1 người tử vong vì các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường.
Năm 2017, số bệnh nhân tử vong do tiểu đường là 4 triệu người. Chi phí điều trị bệnh tiểu đường toàn thế giới là 727 tỷ đô la, trở thành gánh nặng của toàn thế giới.
Các loại tiểu đường thường gặp
Bệnh tiểu đường có 2 thể chính:
Tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 là thể bệnh do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy gây giảm tiết insulin hoặc không tiết ra insulin, khiến lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, không thể điều hòa lượng đường trong máu, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Phần lớn tiểu đường tuýp 1 xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi (thường gặp nhất là dưới 20 tuổi), chiếm khoảng 5 – 10% tổng số trường hợp mắc bệnh tiểu đường. Ở thể này, các triệu chứng bệnh xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh nên có thể dễ dàng phát hiện bệnh.
Tiểu đường tuýp 2
Khác với thể tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 trước kia được gọi là bệnh tiểu đường của người lớn tuổi hay tiểu đường không phụ thuộc vào insulin. Ở thể bệnh này, insulin do tuyến tụy tiết ra mặc dù đạt số lượng như người bình thường nhưng lại giảm, hoặc không có vai trò điều hòa lượng đường trong máu do giảm chức năng của tế bào beta tuyến tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
Đây là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng dần trẻ hóa. Số bệnh nhân ở thể này chiếm đến 90 – 95% tổng số các trường hợp mắc bệnh. Bệnh không có những triệu chứng rõ ràng nên bệnh nhân khó phát hiện.
Ngoài hai thể chính trên, bệnh tiểu đường còn một thể bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, gọi là tiểu đường thai kỳ.
Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng một cách nhanh chóng tại Việt Nam. Ảnh internet |
Nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường
Glucose là một chất cần thiết cho cơ thể có trong các thực phẩm ăn hàng ngày, đóng vai trò là nguồn năng lượng cho các tế bào và được dự trữ trong gan tạo thành glycogen. Khi biếng ăn, lượng glucose trong máu sẽ hạ thấp, khiến gan sẽ ly giải những phân tử glycogen thành glucose để cân bằng lại lượng đường trong máu. Nhờ đó máu sẽ vận chuyển glucose đến các mô giúp hấp thụ glucose để cung cấp năng lượng cho các tế bào.
Tuy nhiên, trong trường hợp các tế bào không hấp thụ glucose một cách trực tiếp mà cần đến sự hỗ trợ của insulin (hormone sản xuất bởi tuyến tụy) sẽ khiến glucose được hấp thụ vào tế bào, giảm nồng độ glucose trong máu. Lâu dần sẽ khiến đường huyết giảm, đồng thời khi đó tuyến tụy cũng giảm sản xuất insulin.
Có thể thấy, quá trình trao đổi chất bất thường sẽ khiến glucose không thể đi vào tế bào và cung cấp năng lượng cho cơ thể, kết quả là lượng đường vẫn còn tồn đọng trong máu. Sự mất cân bằng này tích lũy kéo dài qua thời gian sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Nguyên nhân gây nên tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường tuýp 1 do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy nên người bệnh không còn hoặc còn rất ít insulin, 95% do cơ chế tự miễn (tuýp 1A), do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào sản xuất insulin có trong tuyến tụy, khiến bệnh nhân không có hoặc có ít insulin, dẫn đến lượng đường tích lũy trong máu thay vì di chuyển đến các tế bào, 5% không rõ nguyên nhân (tuýp 1B).
Nguyên nhân gây nên tiểu đường type 2
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường type 2 vẫn chưa được làm rõ, một số trường hợp ghi nhận bệnh có di truyền. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân béo phì cũng có liên hệ chặt chẽ với bệnh, tuy nhiên cần phân biệt không phải ai thừa cân cũng đều mắc bệnh tiểu đường type 2.
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tiểu đường type 2 gồm:
Tiền sử gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột, con mắc bệnh tiểu đường.
Tiền sử bản thân từng bị tiểu đường thai kỳ.
Tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch
Tăng huyết áp.
Ít hoạt động thể lực
Thừa cân, béo phì.
Bị rối loạn dung nạp đường hay rối loạn đường huyết đói
Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
Gần một nửa số người đang sống với bệnh tiểu đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán. Ảnh internet |
Biến chứng nguy hiểm của tiểu đường
Các biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường gồm:
Mạch máu: Việc tăng glucose máu kéo dài có thể làm tổn thương mạch máu. Nếu tổn thương ở mạch máu lớn có thể gây ra bệnh tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tổn thương thành mạch và hẹp các động mạch tứ chi, thậm chí tắc mạch gây hoại tử chi. Tổn thương ở mạch máu nhỏ sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan như thận, võng mạc mắt, thần kinh ngoại biên nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây suy thận mãn dẫn đến nguy cơ phải chạy thận nhân tạo hay phải ghép thận, giảm thị lực dẫn đến mù lòa, dị cảm ở 2 chi dưới…
Hô hấp: Bệnh nhân tiểu đường dễ bị viêm phổi và viêm phế quản do bị bội nhiễm vi khuẩn.
Tiêu hóa: Người bệnh có thể bị viêm quanh nướu răng, rối loạn chức năng gan, viêm loét dạ dày, tiêu chảy.
Da: Bệnh nhân có thể thấy ngứa ngoài da, hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay và bàn chân ánh vàng, xuất hiện u màu vàng gây ngứa ở gan bàn chân, bàn tay, mông, viêm mủ da…
Bệnh Alzheimer: Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer.
Một số biến chứng sản phụ có thể gặp nếu bị tiểu đường thai kỳ gồm:
Sản phụ có thể bị tiền sản giật với biểu hiện tăng huyết áp, dư protein trong nước tiểu, sưng ở chân. Thêm vào đó, sản phụ có nguy cơ tái phát bệnh ở lần mang thai kế tiếp, và tiến triển thành bệnh tiểu đường (phổ biến là tiểu đường tuýp 2) khi về già.
Thai nhi có nguy cơ phát triển nhanh hơn so với độ tuổi, đồng thời có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 về sau. Nếu sản phụ không được điều trị đúng cách và hiệu quả trong suốt thời gian mang thai, thai nhi có nguy cơ tử vong trước hoặc sau sinh.
Điều trị bệnh ở giai đoạn muộn sẽ có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Ảnh internet |
Các loại cây thuốc nam chữa bệnh tiểu đường
Nấm linh chi
Nấm linh chi được xem là “thần dược” chữa nhiều bệnh. Trong đó có bệnh tiểu đường nhờ vào thành phần Polysaccharide có tác dụng giảm lượng đường trong máu rõ rệt, giúp ổn định đường huyết, loại bỏ khả năng nhiễm bệnh và hạn chế biến chứng (huyết áp, tim mạch, đột quỵ) ở bệnh nhân tiểu đường. Polysaccharide còn có công dụng khôi phục tế bào đảo tụy, để từ đó thúc đẩy hoạt động sản sinh insulin.
Nấm linh chi cũng có thể ngăn chặn tổn thương do alloxan với tế bào beta tuyến tụy. Ngoài ra, nấm linh chi còn có tác dụng giảm tiến triển bệnh thận, giảm lượng đường và Triglyceride trong máu. Nấm linh chi được dùng ở dạng thuốc sắc, nấu canh hoặc làm trà uống hàng ngày.
Dây thìa canh
Nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc đã sử dụng dây thìa canh để điều trị tiểu đường, giúp kiểm soát và ổn định đường huyết. Bên cạnh đó dây thìa canh còn giúp hỗ trợ đẩy lùi bệnh tim mạch, huyết áp, giúp thanh nhiệt và giải độc do tính mát, vị dịu nhẹ dễ uống.
Dây thìa canh điều chỉnh lượng đường trong máu nhờ cơ chế ngăn cản hấp thụ đường ở ruột, kích thích tuyến tụy bài tiết insulin. Công dụng này có được là nhờ hoạt chất gymnemic acid có trong dây thìa canh giúp tăng tiết dịch tụy, giúp giảm đường huyết hiệu quả khi kiên trì sử dụng một thời gian dài.
Khổ qua (mướp đắng)
Thành phần charantin và momordicin trong khổ quả giúp tăng hoạt động trao đổi chất, giúp giảm glucose và ổn định đường huyết. Ảnh internet |
Khổ qua có tác dụng trong việc điều trị tiểu đường nhờ thành phần charantin và momordicin giúp tăng hoạt động trao đổi chất, giúp giảm glucose và ổn định đường huyết. Hoạt chất trong khổ qua còn có thể gây ức chế enzyme tham gia phá vỡ monosaccharides và disaccharides, giúp tiêu hóa tốt lượng carbohydrate trong thực phẩm, kích thích sản sinh insulin, duy trì lượng đường trong máu. Ngoài ra, khổ qua cũng giúp tăng cường hoạt động vận chuyển glucose, ngăn tình trạng đường huyết tăng đột ngột.
Hoạt chất Oleanolic acid glycosides trong khổ qua giúp cải thiện tình trạng dung nạp glucose, cải thiện sự đề kháng insulin.
Khổ qua chứa chất chống oxy hóa, hỗ trợ phục hồi tế bào tổn thương, ngăn chặn biến chứng tiểu đường.
Tỏi và hành
2 loại gia vị đã quá quen thuộc này có tác dụng hạ đường huyết và cải thiện tình trạng kháng insulin trong cơ thể, giúp tăng độ nhạy của insulin, ổn định đường huyết, giảm cholesterol xấu trong máu và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như huyết áp, mỡ trong máu, tim mạch…
Húng quế
Cây húng quế vừa là loại rau thơm và là vị thuốc giúp hỗ trợ hạ đường huyết rất tốt. Bệnh nhân nên ăn lượng rau húng quế vừa phải, sử dụng quá nhiều có thể gây hạ đường huyết đột ngột rất nguy hiểm.
Vỏ quế
Quế được biết đến là loại cây mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm khả năng chống oxy hóa, bảo vệ mạch máu khỏi các gốc tự do, kiểm soát cholesterol máu… Bên cạnh đó, quế còn là một trong các loại cây thuốc nam chữa bệnh tiểu đường nhờ vào tác dụng tăng chuyển hóa đường và kích thích tụy bài tiết insulin. Bài thuốc hỗ trợ điều trị tiểu đường từ cây quế:
Chuẩn bị 2 thìa bột quế, 1⁄2 thìa bột yến mạch;
Đem 2 nguyên liệu hòa tan cùng 500ml nước ấm;
Người bệnh chia hỗn hợp trên uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trong 15 ngày liên tục.
Khi mức đường máu đã giảm, người bệnh cần ngưng thuốc vài ngày và sau đó có thể uống bột quế thêm một thời gian để mức đường huyết ổn định, đồng thời cải thiện hệ miễn dịch.
Cây mạch môn
Danh sách những cây thuốc chữa bệnh tiểu đường không thể thiếu mạch môn. Loại cây thường được trồng chủ yếu để lấy củ và ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa nhiều bệnh khác nhau. Các hoạt chất trong củ mạch môn mang lại tác dụng giảm sự đề kháng insulin, tăng mức insulin trong máu nhờ khả năng kích thích quá trình tái tạo tế bào tuyến tụy, qua đó hỗ trợ kiểm soát nồng độ glucose trong máu máu tốt hơn.
Bên cạnh đó, củ mạch môn có có một số tác dụng khác như bảo vệ mạch máu cầu thận và ngăn ngừa biến chứng tại thận liên quan đến đái tháo đường.
Lá sầu đâu
Lá sầu đâu được biết đến là một trong các loại lá chữa bệnh tiểu đường hiệu quả. Ảnh internet |
Lá sầu đâu được biết đến là một trong các loại lá chữa bệnh tiểu đường hiệu quả, khi sử dụng đúng cách sẽ hỗ trợ giảm lượng glucose hấp thu sau ăn, kích thích tái tạo các tế bào beta tuyến tụy đảm nhận nhiệm vụ sản xuất insulin. Bên cạnh đó, lá sầu đâu còn hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường giảm tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.
Cây mã đề
Mã đề thuộc dạng cây thân thảo mọc hoang, sống lâu năm ở các khu vực đất ẩm ướt và nhiều ánh sáng. Mã đề là cây thuốc nam có tính mát, vị ngọt, tác dụng lợi tiểu, kháng viêm, chủ trị các bệnh như viêm phế quản, viêm họng, đái rắt. Đặc biệt, mã đề còn được biết đến là một trong các loại cây thuốc nam chữa bệnh tiểu đường thông qua các bộ phận như lá và hạt.
Cây ổi
Bên cạnh là một loại quả ăn được, ổi còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Theo một số nghiên cứu, bệnh nhân đái tháo đường uống nước ép ổi có thể hỗ trợ kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu. Ngoài ra, ổi đứng trong danh sách những cây thuốc chữa bệnh tiểu đường do thành phần chất xơ dồi dào trong lá và quả nên khi uống sẽ làm giảm chỉ số glycemic, qua đó ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng đột ngột.
Dâu trắng (White Mulberry)
Các loại cây thuốc nam chữa bệnh tiểu đường sẽ bao gồm cây dâu trắng, tên khoa học là Morus alba, và có những tên gọi khác như chi sang, dâu Ai Cập, morin, morus indica. Bộ phận thường dùng để hỗ trợ trị bệnh tiểu đường là phần lá và quả.
Bên cạnh đó, dâu trắng còn mang lại một số lợi ích sức khỏe như:
Kiểm soát nồng độ cholesterol máu;
Hỗ trợ kiểm soát tình trạng huyết áp tăng cao;
Chữa cảm lạnh thông thường, đau cơ, đau khớp trong các bệnh về khớp khác như viêm khớp;
Chữa táo bón;
Giảm chóng mặt, ù tai, rụng tóc hay tóc bạc sớm..
Gừng (Ginger)
Gừng vừa là một loại gia vị nấu ăn quen thuộc vừa là loại thảo dược sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Công dụng của gừng được nhiều người biết đến là chữa các vấn đề tiêu hóa và giảm viêm. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy gừng có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường thông qua tác dụng giảm đường huyết mà không ảnh hưởng đến lượng insulin trong máu.
Theo các nhà nghiên cứu, gừng có khả năng hỗ trợ giảm tình trạng đề kháng insulin ở người mắc tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, cơ chế chính xác thì vẫn chưa rõ, đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về khả năng điều trị tiểu đường của gừng.
Lưu ý khi sử dụng những cây thuốc chữa bệnh tiểu đường
Các loại cây thuốc nam chữa bệnh tiểu đường được cho là an toàn và ít gây tác dụng phụ hơn các thuốc Tân dược. Tuy nhiên, người bệnh khi sử dụng vẫn phải thật thận trọng và chú ý các vấn đề sau:
Không tự ý sử dụng những cây thuốc chữa bệnh tiểu đường theo kinh nghiệm, đặc biệt khi không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần hoạt chất bên trong;
Đặc biệt tránh xa các bài thuốc nam được cho là có thể chữa khỏi hoàn toàn hay trị dứt điểm tiểu đường…;
Thường xuyên kiểm tra đường huyết trong suốt quá trình sử dụng các loại lá chữa bệnh tiểu đường;
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đói cồn cào, thèm ăn, run rẩy tay chân, vã mồ hôi, sụt cân nhanh, choáng váng… người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị;
Tuyệt đối không tự ý bỏ các loại thuốc điều trị tiểu đường theo kê đơn của bác sĩ, bên cạnh duy trì chế độ ăn và chế độ tập luyện phù hợp cho người tiểu đường theo đúng hướng dẫn..