1. Tên gọi
Tên thuốc: Moschus
Tên khoa học: Moschus moschiferus L.
Tiếng trung: 射 香
Lưu ý: Cần phân biệt xạ hương và cỏ xạ hương (có tên tiếng Anh là Thyme hay Common thyme, Garden thyme, danh pháp hai phần: Thymus vulgaris) là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, dược liệu và trang trí. Chúng thuộc Chi Cỏ xạ hương (Bách lí hương) và là loài phổ biến nhất trong chi này.
Xạ hương là một chất đặc lổn nhổn do hạch ở sát dương vật của một thứ cầy hương đực. |
2. Mô tả
Xạ hương là một dược liệu quý. Xạ hương là một chất đặc lổn nhổn do hạch ở sát dương vật của một thứ cầy hương đực (có người còn gọi là hươu xạ) từ 3 tuổi trở lên (Moschus moschi-ferus L ) họ hươu xạ (Moschida).
Con cầy hương giống con cầy cao chừng 50 cm,dài 80 – 90cm, toàn thân màu vàng tro. Nó sống bằng những cây cỏ thơm, vì vậy người ta cho rằng nguồn gốc xạ là ở các cỏ thơm đó. Đi đến đâu nó tiết xạ để nhớ đường về.
Túi xạ ở phía bụng, khoảng 2cm trước chỗ bìu dái và trước dương vật. Hình dạng túi xạ thay đổi, khi thì hình tròn, khi thì dẹt trên phủ lông như những lông khác ở bụng con cầy hương; túi xạ có một điểm sâu, đường kính chừng 5mm, tất cả lông trông như đều hướng về điểm này.
Ngoài ra ở Việt Nam ta còn có loài cầy hương khác (Vicerricula malaccensi Gmelin) và cầy giông (Viverrazibetha, họ Viverridae), cũng có túi thơm nhỏ, người ta cũng lấy chế biến và gọi là xạ. Thứ xạ này không thơm và không tốt bằng xạ hương nói trên.
Các thành phần hóa học trong xạ hương
Trong xạ hương có cholesterol, chất béo, chất nhựa đắng, muối calci, amon và một tinh dầu 34% (chủ yếu là muscon tỷ lệ muscone trong Xạ hương là khoảng 1% và 1,58 – 1,84%. Ngoài ra Xạ hương còn có normuscone và các thành phần khác như protid, các hợp chất nitrogen (acid amine, urê), muối vô cơ (Ca, K,Na, Mg, Phosphor.).
Do có mùi thơm đặc trưng nên thường sử dụng trong công nghiệp làm nước hoa. Hiện nay người ta có thể chế Xạ hương nhân tạo. Xạ hương được biết đến từ thời cổ đại – là 1 loại dược liệu quý hiếm.
Tác dụng dược lý
Đối với hệ thần kinh trung ương
Nếu dùng liều nhỏ Xạ hương và chất muscone ceton Xạ hương có tác dụng làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương, nhưng ngược lại, nếu liều cao thì lại bị ức chế. Thuốc sử dụng xạ hương làm giảm rõ phù não, tăng sự thích nghi của hệ thần kinh trung ương đối với trạng thái thiếu oxy, cải thiện tuần hoàn não. Nhờ các tác dụng trên mà thuốc có tác dụng khai khiếu (tỉnh não) (Trung Dược Học).
Đối với hệ tuần hoàn
Thuốc có tác dụng hưng phấn tim cô lập làm cho lưu lượng máu của động mạch vành tăng gấp đôi.
Tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm
2% ceton Xạ hương dịch pha 1% loãng 1 : 400. in vitro có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng (E coli), khuẩn thổ tả heo, thuốc còn có tác dụng kháng viêm trên mô hình gây viêm khớp cho chuột đồng (Trung Dược Học).
Tác dụng đối với tử cung
Thuốc có tác dụng hưng phấn rõ rệt đối với tử cung cô lập của thỏ nhà, chuột đồng và chuột Hà lan. Tác dụng hưng phấn đối với tử cung có thai càng mạnh hơn (Trung Dược Học).
Tác dụng chống ung thư
Thuốc có tác dụng ức chế tế bào ung thư, đối với các loại ung thư thực quản, ung thư tuyến bao tử, ung thư đại trường. ung thư bàng quang. Nồng độ cao tác dụng mạnh nhưng đối với ung thư tâm vị lại không có tác dụng rõ rệt (Hiện Đại Trung Dược Học).
Tính vị quy kinh
Vị cay, tính ôn. Thông khắp 12 kinh.
Công dụng – chủ trị
Thông khiếu, thông kinh lạc.
Chủ trị các chứng: nhiệt nhập tâm bào lúc mắc bệnh ôn nhiệt, sang thương thũng độc, trung tích kinh bế, kinh phong, kinh giản trúng phong (chứng bế), tâm phúc bạo thống, diệt dã tổn thương, bào y bất hạ (rau thai không ra)
Liều dùng – kiêng kỵ
Liều dùng: Đông y thường dùng 0,06 – 0,1g nhiều đến 1g. Dùng ngoài lượng vừa đủ. Chỉ cho vào thuốc hoàn tán, không cho vào thuốc thang vì khi sắc sẽ bay hết mùi
Xưa kia Tây y hay dùng xạ hương làm chất trấn kinh, cường dương, điều kinh v.v… dưới dạng cồn xạ hương với liều 6 – 10g một ngày, cồn này pha thành thuốc uống, nay ít dùng.
Cần hết sức lưu ý đến việc sử dụng các sản phẩm chứa xạ hương, như nước hoa, xà phòng thơm… hoặc các thuốc Đông y trong thành phần có xạ hương đối với phụ nữ có thai, hiếm muộn, hay bị lưu thai hoặc khó thụ thai. Người bị suy nhược, sức khỏe yếu cẩn trọng khi dùng
Ứng dụng lâm sàng
Xạ hương có tác dụng: khai khiếu tỉnh thần, hoạt huyết tán kết, chỉ thống thôi sản.
Trị bệnh mạch vành, tai biến, huyết khối, đau thắt ngực
Muscone chế thành thuốc ngậm, dùng trị cho các ca đau thắt ngực. Đặc biệt có thể nói tới các viên ngậm cấp cứu của Trung Quốc hay Hàn Quốc sản xuất có tên là An Cung hay An Cung Ngưu Hoàng Hoàn, v.v… được dùng để cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân trong khi và sau tai biến rất hiệu quả.
Dùng để giảm đau tim
Xạ hương, Nha tạo, Bạch chỉ, chế thành cao dán, mỗi lần dán 2 miếng ở vùng đau trước tim và huyệt Tâm du, cứ 24 giờ thay 1 lần.
Trị bệnh viêm gan mạn và xơ gan thời kỳ đầu
Dùng dịch chích Xạ hương 5%, luân lưu chích vào 2 huyệt Chương môn, Kỳ môn 2 bên, mỗi lần 2ml, 1 tuần 1 lần, 4 tuần là một liệu trình.
Trị bong gân vùng eo lưng
Dùng dịch chích Xạ hương 0,2% chích vào A thị huyệt, điểm đau nhất. Mỗi lần 2-4ml, mỗi tuần 1 lần. 2 tuần là một liệu trình, theo dõi 21 ca kết quả tốt (Báo cáo của Triệu Hương Cương, báo Tân Trung Y 1985, 4 : 26).
Trị bạch điến phong
Dùng dịch chích Xạ hương 0,4% chích dưới da vùng bệnh nhiều điểm, lượng tùy theo vùng bệnh to nhỏ. Một tuần 2 lần, 3 tháng là một liều trình, thường là 2-3 liệu trình Theo dõi 78 ca, tỉ lệ kết quả 83:33% (Liêu Tuy Lâm và cộng sự, Hồ Nam Y Học Viện Học Báo 1980, 2 : 157).
Trị nhau thai không ra, thai chết lưu
Hương Quế Tán: Xạ hương 0,15g, Nhục quế 1,5g, tán bột, chia làm 2 lần, uống với nước nóng (Hiện Đại Trung Dược Học).
Các bài thuốc chỉ mang tính tham khảo, người bệnh cần được thăm khám và dùng những bài thuốc trên theo chỉ dẫn của bác sỹ có chuyên môn.