Hiện nay trong người dân có quan niệm phổ biến cho rằng thuốc Y học cổ truyền không độc hoặc ít độc hại hơn thuốc Tây y. Quan niệm này có lý do của nó, phần lớn thuốc Tây y được điều chế bằng phương pháp hóa tổng hợp, tức những khoáng chất, hóa chất ít nhiều có độc tính và tác dụng phụ, trong khi phần lớn thuốc Y học cổ truyền được bào chế từ cây cỏ, là sinh chất thiên nhiên dễ hòa hợp với sự sống của con người hơn các chất nhân tạo.
Nhưng từ quan niệm thuốc Y học cổ truyền ít độc tính để đi đến chỗ lạm dụng, sử dụng bừa bãi theo kiểu “không bổ ngang cũng bổ dọc” là điều hết sức nguy hại. Chưa kể, người ta có thể dùng nhầm thực vật rất độc để làm thuốc, ví dụ như dùng nhầm cây lá ngón dẫn đến không ít người đã tử vong rất thương tâm.
Sức khỏe Việt giới thiệu với bạn đọc những thông tin cần thiết liên quan đến việc sử dụng thuốc Y học cổ truyền bảo vệ sức khỏe hiệu quả.
Dùng thuốc phải hợp với thể bệnh
Theo như nguyên lý của Y học cổ truyền, thì bệnh tật sinh ra trong cơ thể do sự mất cân bằng âm dương, hàn nhiệt, hư thực. Đối với từng bệnh, tùy vào biểu hiện triệu chứng mà Y học cổ truyền phân thành thể hàn (lạnh), thể nhiệt (nóng), thể hư (bản thân các cơ quan trong cơ thể bị hư suy), thể thực ( bệnh cấp, mới mắc do yếu tố bên ngoài là chủ yếu chưa ảnh hưởng tới các tạng bên trong cơ thể)… tương ứng với các phương pháp điều trị đặc hiệu.
Mỗi thể bệnh đều có những phương pháp điều trị đặc hiệu, như: bệnh hàn thì dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn, bệnh hư phải dùng thuốc bổ, bệnh thực phải dùng thuốc tả để công phạt. Do đó, không có một phương thuốc chung cho bất kỳ bệnh nào, sử dụng đúng thuốc, đúng liều để đảm bảo sức khoẻ cho cơ thể, vì nếu sử dụng sai hoặc không đúng đủ liều lượng thuốc có thể dẫn đến bệnh không thuyên giảm mà còn có nguy cơ gây tử vong.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Đông y để đạt hiệu quả tốt/ Ảnh internet/ https://suckhoeviet.org.vn/ |
Không dùng thuốc quá liều và kéo dài
Dùng thuốc Y học cổ truyền quá liều trong một thời gian dài có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho cơ thể như ngộ độc, suy thận.. Chẳng hạn như vị thuốc mộc thông (giúp lợi tiểu) nếu dùng liều cao kéo dài có thể gây suy thận. Các vị thuốc tế tân, bạch quả, ô đầu, phụ tử, hạnh nhân, bán hạ… dùng liều cao cũng có thể gây ngộ độc. Việc dùng kéo dài vị thuốc chu sa, thần sa… có ảnh hưởng đến chức năng gan và thận.
Thời gian sử dụng thuốc nên tùy theo tình trạng bệnh: 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của y, bác sĩ.
Phối hợp thuốc phải chính xác
Khi dùng thuốc cần chú ý đến sự phối ngũ của các vị thuốc, sự cấm kỵ trong khi dùng thuốc. Một số thuốc Y học cổ truyền khi dùng chung sẽ gây ra những phản ứng không tốt, thậm chí gây độc cho cơ thể. Vì vậy khi phối hợp với những vị thuốc khác nhằm hạn chế sự tương tác thuốc không có lợi, hạn chế tác dụng phụ. Ví dụ không được dùng côn bố hoặc hải tảo với chu sa vì có thể gây viêm đại tràng, cam thảo với cam toại, bạch cập với bán hạ, đại kích với nguyên hoa, tế tân với lê lô, ba đậu với khiên ngưu…
Bên cạnh đó, để thuốc Y học cổ truyền phát huy hiệu quả điều trị tối đa, trong thời gian uống thuốc, người bệnh cần kiêng một số thức ăn mà người xưa gọi đó là “sự kiêng kỵ trong khi uống thuốc”. Trong các sách xưa có ghi chép: Bạc hà kỵ thịt ba ba, phục linh kỵ giấm, miết giáp kỵ rau dền, mật ong kỵ hành, thịt gà kỵ sáp ong… Tức là khi uống một vị thuốc gì đồng thời phải kiêng ăn một số đồ ăn kỵ với nó.
Hơn nữa, thuốc Y học cổ truyền có thể làm giảm tác dụng hoặc làm tăng độc tính của các thuốc y học hiện đại đang sử dụng, gây rủi ro cho người bệnh. Thuốc giảm đau opiod, thuốc ức chế bơm proton (PPI) giảm hiệu quả khi dùng chung với nhân sâm.
Tác dụng của thuốc lợi tiểu có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng cùng với cam thảo. Gừng tươi, nhân sâm làm tăng nguy cơ xuất huyết nếu dùng chung với thuốc chống đông. Nguy cơ xuất huyết cũng gia tăng nếu kết hợp tỏi, bạch quả với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
Mua thuốc phải rõ nguồn gốc xuất xứ
Không phải loại thuốc nào cũng có nguồn gốc chính xác mà chủ yếu mua ở các nguồn trôi nổi khác nhau rồi tự bào chế theo “cha truyền con nối”. Vì vậy mới có tình trạng người tiêu dùng mua vài thang thuốc Y học cổ truyền về ngâm rượu uống nhưng sau đó bị ngộ độc do còn sót những loại cây có độc trong thuốc.
Một số người đi du lịch thường tìm mua đủ các loại thuốc Y học cổ truyền bày bán ở chợ biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai… vì giá rẻ và hấp dẫn nhưng không hề quan tâm tới nơi sản xuất hay thành phần thuốc mà chỉ biết tin theo lời người bán, đa số là những thang thuốc này được đưa từ Trung Quốc về dù in tiếng Việt trên đó. Tuy các loại thuốc này có thể không gây tử vong hoặc biến chứng tức thì nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng đến cơ thể bởi những chất độc hại ẩn chứa bên trong nó.
Quá trình bào chế thuốc phải đúng
Việc bào chế có thể làm tăng tác dụng hoặc giảm bớt độc tính của thuốc. Nếu bào chế không tốt, độc tính của thuốc chưa được loại trừ, khi dùng có thể gây phản ứng đáng tiếc.
Trong Y học cổ truyền có nhiều vị thuốc dễ gây ngộ độc, nôn mửa nếu bào chế không kỹ như bán hạ, phụ tử… vị thuốc tỳ bà diệp ( lá nhót) khi bào chế phải làm sạch các lông tơ, nếu không có thể gây ngứa họng, ho, viêm niêm mạc họng.
Cần lưu ý tương tác giữa thuốc y học cổ truyền và tây y khi dùng chữa bệnh/ Ảnh internet/ https://suckhoeviet.org.vn/ |
Sai sót trong cách dùng thuốc
Nhiều vị thuốc độc tính cao thường chỉ được dùng bôi, đắp ngoài da. Nếu dùng đường uống sẽ có thể gây những tác hại nặng nề, thậm chí dẫn tới tử vong. Ví dụ, mật cá trắm, lá vòi voi, dùng đắp ngoài sẽ chữa được các bệnh khớp; nhưng nếu dùng đường uống sẽ có thể dẫn đến suy thận cấp, rất nguy hiểm.
Trong trường hợp người bệnh có vết thương hở, vùng da đang viêm nhiễm lở loét, việc tự ý sử dụng các thuốc bôi, thuốc đắp tại vị trí tổn thương theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, có thể gây bội nhiễm, hoại tử tại vết thương, thậm chí nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc Y học cổ truyền, người bệnh cần đến những cơ sở khám chữa bệnh Y học cổ truyền có uy tín để khám và điều trị, đồng thời tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc.
Không tự ý kết hợp thuốc Y học cổ truyền và Tây y
Việc kết hợp Y học cổ truyền với một số tân dược có thể gây ảnh hưởng xấu: Thông thường người ta chỉ sử dụng thuốc Y học cổ truyền hoặc Tây y trong một liệu trình điều trị bệnh. Nếu sử dụng cả 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm dễ dẫn đến tình trạng công thuốc.
Người bệnh cần lưu ý tuyệt đối sử dụng thuốc theo sự chỉ định của bác sỹ và không được tự ý kết hợp cả thuốc Y học cổ truyền và Tây y.
Tương tự như với Tây y, thuốc Y học cổ truyền cũng cần phải được sử dụng theo chỉ định và hướng dẫn của người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực này. Không nên tự ý bốc thuốc theo lời truyền miệng, theo các bài thuốc lưu truyền trên mạng hay kể cả là đơn thuốc của người cùng mắc bệnh như bạn… Bởi sức khỏe, cơ địa của mỗi người không giống nhau thì việc sử dụng loại thuốc nào, liều lượng ra sao cũng sẽ không giống nhau. Chẳng có đơn thuốc nào có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người cả, dù đó có là thuốc bổ. Người dùng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng, liệu trình khuyến cáo, tuyệt đối không sử dụng thuốc kéo dài quá lâu vì có thể gây phản tác dụng. Bên cạnh đó, công tác bảo quản thuốc cũng là vấn đề cần hết sức lưu ý, nên bảo quản thuốc trong hộp kín, ở nơi khô ráo, thoáng mát.