Quế – “tứ đại danh dược” trong Y học cổ truyền
Quế hay còn được gọi là quế đơn, quế thanh, mạy quẻ, ngọc thụ, thuộc họ long não với danh pháp khoa học là Lauraceae. cây thân gỗ, cao khoảng 10 – 20m, vỏ thân nhẵn. Lá quế mọc so le, có cuống ngắn, dễ gãy, đầu nhọn hoặc hơi tù, có 3 gân hình cung ở mặt dưới, mặt trên lá có màu xanh sẫm, bóng. Hoa quế mọc theo chùm, mọc ở nách hoặc ngọn, cành, hoa màu trắng. Quả có màu nâu tím, hình trứng, nhẵn bóng. Hoa thường nở nhiều từ tháng 6 – tháng 8, quả có từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Theo nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, tinh dầu quế không chỉ có tác dụng cải thiện trí tuệ, nâng cao sức tập trung và ghi nhớ, mà còn có khả năng làm ấm toàn thân, khử mùi hôi, và trị cảm cúm, cảm lạnh, tiêu chảy. Ngoài ra, tinh dầu quế còn giúp giảm buồn phiền, chống đau cơ, kích thích tuần hoàn máu và hô hấp, cũng như tăng bài tiết và tăng cường co bóp tử cung và nhu động ruột.
Theo các nghiên cứu y học hiện đại quế có chứa vitamin B và K cùng các chất chống oxy hóa giúp làm giảm stress, oxy hóa, ngăn ngừa bệnh ung thư, đái tháo đường type 2 và các bệnh lý khác. Ngoài ra, quế còn gây co mạch, tăng bài tiết, co bóp tử cung và tăng nhu động ruột. Tinh dầu quế có tính sát trùng mạnh.
Trong y học cổ truyền, quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị (sâm, nhung, quế, phụ). Quế có vị ngọt cay, tính nóng, và khả năng thông huyết mạch, giúp mạnh tim, tăng sức nóng, và chữa các chứng trúng hàn, hôn mê mạch chạy chậm, nhỏ, yếu (trụy mạch, huyết áp hạ) và dịch tả nguy cấp.
Quế có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe của quế
Giảm lượng đường trong máu
Một số nghiên cứu được thực hiện trên người và động vật mắc bệnh tiểu đường đã cho thấy quế thực sự có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Nguyên nhân là do quế có tác dụng điều hòa đường huyết và tăng khả năng tiêu thụ đường trong các tế bào. Một số chất trong quế còn giúp các tế bào mỡ nhận dạng và phản ứng với insulin.
Giảm viêm
Quế là một trong các chất tự nhiên giúp chống oxi hoá tốt nhất. Nguyên nhân là do trong quế có sự tồn tại của các chất như axit cinnamic, coumarin và aldehyde cinnamic. Các chất này có khả năng giúp giảm sưng và các bệnh liên quan đến viêm và viêm khớp dạng thấp.
Giảm lượng cholesterol trong cơ thể
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ lượng quế tương đương ¼ muỗng cà phê mỗi ngày trong 18 tuần có thể làm giảm LDL và cholesterol toàn phần. Trong quế có chứa pulyphenol có khả năng giúp hỗ trợ giảm cân và tăng khả năng trao đổi chất. Hợp chất hydroxy cinnamaldehyde cũng có khả năng ngừa viêm và ngăn chất béo tích tụ trong máu giúp hạ cholesterol trong máu, mỡ máu và phòng bệnh tim mạch.
Giúp làn da khoẻ mạnh
Nghiên cứu cho thấy quế Ceylon có khả năng đặc biệt để chống lại các loại vi khuẩn gây ra mụn trứng cá. Quế còn được sử dụng để chế biến thành các loại mặt nạ có khả năng chống lại mụn nhọt và mẩn đỏ. Quế cũng có khả năng thúc đẩy sản xuất collagen giúp làn da trở nên trẻ trung và săn chắc hơn.
Giúp điều trị ung thư
Quế có khả năng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, thậm chí trong một số trường hợp quế còn có thể tiêu diệt hoàn toàn các tế bào khối u trong cơ thể. Một số hợp chất của quế còn được chiết xuất để điều chế thuốc chống ung thư.
Tăng cường hiệu suất cho não
Nghiên cứu tại Trung tâm Healthspan của Anh, cho thấy rằng tác dụng ngăn ngừa sự tích tụ của 1 protein trong điều trị Alzheimer. Quế có khả năng làm tăng sản xuất Natri benzoat trong não, hợp chất Natri benzoat tác động trực tiếp lên vùng hải mã đây là khu vực liên quan đến trí nhớ và học tập.
Quế đóng vai trò như một loại thuốc bổ giúp kích thích hoạt động não bộ, làm giảm sự căng thẳng của thần kinh, giảm suy giảm trí nhớ. Quế có hương thơm giúp tăng khả năng tập trung, tăng nhận thức, tăng sự nhạy bén và cải thiện trí nhớ.
Quế là một trong những loại gia vị cổ nhất, được biết đến khoảng 2000 năm trước công nguyên. Ảnh internet. https://suckhoeviet.org.vn/ |
Bài thuốc chữa bệnh từ quế
Chữa cảm mạo
Quế chi thang: Quế chi 8g, cam thảo 6g, thược dược 6g, sinh khương 6g, táo đen 4 quả, nước 600ml. Đem sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày (uống nóng).
Chữa tiêu chảy
Vỏ thân quế 4–8g, gạo nếp rang vàng 10g, hạt cau già 4g, gừng nướng 2 lát. Tất cả đem sắc nước uống.
Chữa suy nhược cơ thể do bệnh đường tiêu hóa
Nhục quế 4g, đảng sâm, bạch truật, hoàng kỳ, đại táo mỗi vị 12g, trần bì, ngũ vị tử mỗi vị 6g, cam thảo 4g, gừng 2g. Tất cả đem sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa viêm loét dạ dày tá tràng
Quế chi 8g, hoàng kỳ 16g, đại táo 12g, hương phụ, bạch thược mỗi vị 8g, sinh khương, cam thảo, cao lương khương mỗi vị 6g. Đem sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa kinh nguyệt không đều, chậm kinh
Nhục quế 4g, bạch truật, đảng sâm, bạch thược, hoàng kỳ mỗi vị 12g, phục linh, thục địa, xuyên khung, đương quy mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa viêm mũi dị ứng
Quế chi 8g, hoàng kỳ 16g, bạch thược 12g, bạch truật 8g, phòng phong, đại táo mỗi vị 6g, gừng 2g. Nếu viêm cấp tính chảy nước mũi nhiều, thêm ma hoàng 4g, tế tân 6g. Nếu mệt mỏi, ăn kém, thêm đảng sâm 16g, kha tử 6g.
Lưu ý khi sử dụng quế
Để sử dụng quế an toàn, bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
- Không sử dụng quế khi đang sử dụng statin, paracetamol, acetaminophen.
- Tuân thủ nghiêm liều lượng và cách sử dụng quế theo chỉ định của bác sĩ.
- Không được tự ý kết hợp quế với các thảo dược khác khi không có chỉ định.
- Kiêng sử dụng thực phẩm cay, nóng trong giai đoạn điều trị bằng quế.
Để an toàn hơn khi sử dụng quế, bạn nên tham khảo và nhờ đến sự tư vấn của chuyên gia. Những bài thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo.