Tìm hiểu chi tiết về Sâm cau
Tên gọi khác: Tiên mao, Cồ nốc lan, Ngải cau, Thài léng tiên mao…
Tên khoa học: Curculigo orchioides Gaertn
Họ: Tỏi voi lùn
Mô tả dược liệu
Đặc điểm thực vật
Sâm cau là loại thảo dược sống lâu năm, cao khoảng 20 – 45cm, thân ngắn, hình trụ. Cây có nhiều lá mọc từ thân tỏa ra hai bên, lá màu xanh, bề mặt nhẵn và có nhiều đường gân nổi rõ, hình dáng tương tự như lá cau.
Hoa sâm cau màu vàng nhỏ, có 6 cánh, mọc thành từng cụm ở kẽ lá. Quả nang thuôn, dài khoảng 1,5cm, chứa từ 1- 4 hạt.
Phân bố
Sâm cau phân bố rộng rãi tại các nước khu vực châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia… trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, sâm cau mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, chẳng hạn như Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình.
Bộ phận dùng
Thân rễ (củ)
Thu hái – Bào chế
Thu hái: Sâm cau thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên thời điểm tốt nhất từ tháng 9 – 12.
Bào chế: Người dân đào cả cây rồi cắt lấy phần củ, loại bỏ rễ con, rửa sạch rồi cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài. Sâm cau có độc nên cần ngâm nước vo gạo 1 đêm để củ tiết ra hết chất độc. Sau đó cắt lát mỏng, cắt khúc hoặc giữ nguyên cả củ đem phơi hoặc sấy cho khô.
Công dụng của sâm cau
Theo Y học hiện đại:
Các nghiên cứu định tính và định lượng ở sâm cau cho thấy sự hiện diện của nhiều chất hữu cơ có ý nghĩa trong y dược học như các lớp lognin, phenolic, saponin (thuộc nhóm ursan, cycloartan), alkaloid, flavonoid, steroid, các acid béo…
Các hợp chất hóa học tách từ sâm cau có khả năng kích thích tăng sinh nguyên bào xương, chống loãng xương và tăng khả năng tạo khoáng cho xương. Dịch chiết từ sâm cau có khả năng chống oxy hóa, giải độc gan, tốt cho hệ miễn dịch.
Đồng thời, sâm cau còn có tác dụng hỗ trợ chức năng sinh lý nam, kháng khuẩn, kháng histamin, hạ đường huyết, chống viêm và chống ung thư. Dược liệu làm gia tăng đáng kể các hormon kích thích nang trứng, hormon luteinizing và testosteron ở chuột.
Các hợp chất polysaccharid từ sâm cau cũng có tác dụng chống ung thư rõ rệt trên các khối u ác tính cổ tử cung ở chuột thử nghiệm, tăng cường chức năng miễn dịch, ức chế sự di căn và xâm lấn của ung thư.
Nghiên cứu của Gulati và cộng sự năm 2015 cho thấy chiết xuất ethanolic của sâm cau có tác dụng chống lại bệnh đái tháo đường, tăng cường hấp thu glucose của tế bào mỡ 3T3-L1 ở chó.
Theo Y học cổ truyền:
Tính vị: Sâm cau có tính ấm, vị cay, hơi mặn.
Quy kinh: Quy vào kinh can, phế, thận.
Theo Y học cổ truyền, sâm cau có công dụng bổ thận mạnh gân cốt, tăng khả năng cường dương, chống ứ, ôn trung, táo thấp và ổn định tỳ vị (chức năng tiêu hóa). Chủ trị liệt dương, yếu sinh lý, tinh lạnh, tiểu tiện không cầm được, chân tay, lưng lạnh. Dược liệu thường được dùng riêng hoặc dùng kết hợp với các vị thuốc khác.
Cách sử dụng sâm cau
Trị tăng huyết áp
Những người bị tăng huyết áp hay các vấn đề như tiền mãn kinh, bế kinh, người có biểu hiện thận dương bất túc, hư hỏa bốc lên… có thể sử dụng bài Nhị tiên thang để điều trị:
- Nhị tiên chữa huyết áp cao
- Mãn kinh bốc hỏa uống vào dịu đi
- Tiên mao, Ba kích, Tiên linh tỳ
- Hoàng bá, Tri mẫu, Đương quy phối cùng.
Thành phần: 12 – 20g Tiên mao (sâm cau), 12 – 20g tiên linh tỳ (dâm dương hoắc), 12g đương quy, 12g ba kích, 6 – 12g hoàng bá, 6 – 12g tri mẫu.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Chữa phong thấp, đau lưng, suy nhược thần kinh
Thành phần: Sâm cau 50g thái mỏng, sao vàng, ngâm với 650ml rượu trắng. Sau 7 ngày ngâm có thể dùng được.
Cách dùng: Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ chừng 25 – 30ml. Nếu không có tửu lượng tốt, nên giảm lượng uống hoặc pha loãng với nước để giảm nồng độ cồn. Ngoài ra, có thể lấy rượu xoa bóp ngoài khi xương khớp đau nhức.
Chữa thận dương suy yếu, liệt dương, di tinh
Thành phần: Sâm cau, dâm dương hoắc, ngũ gia bì mỗi vị 125g, nhãn bỏ hạt 100 quả. Tất cả thái nhỏ ngâm với 1 – 2 lít rượu trắng trong 20 ngày. Sau đó uống ngày 2 lần, mỗi lần dùng 20 – 30ml.
Chữa yếu sinh lý nam, nữ
Thành phần: 20g Sâm cau sắc chung ba kích và hồi hương lượng vừa đủ.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống trong vòng 1 tháng liên tục.
Bổ thận cho người cao tuổi
Thành phần: Sâm cau, dâm dương hoắc, tang thầm, tử hà xa, thỏ ty tử, hoài sơn, hoàng tinh, thục địa, mỗi vị 15g, sơn thù nhục 12g, thận dê 2 quả. Tất cả nấu nhừ, ăn cái, uống nước, chia 2 – 3 lần trong ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng sâm cau
- Sâm cau có độc nên khi sơ chế cần đảm bảo sơ chế đúng cách để loại bỏ bớt độc tố. Có thể ngâm nước vo gạo 1 đêm.
- Sâm cau là vị thuốc có tính táo nhiệt, dễ tổn thương âm. Vì vậy không nên dùng cho người “âm hư hỏa vượng” hay những ngày thời tiết nắng nóng.
- Sâm cau dùng liều cao và kéo dài có thể gây cường dương mạnh, hao tổn tinh lực.
- Những người thể trạng kém, thể trạng hư yếu không nên dùng.
- Trẻ em, phụ nữ có thai không nên dùng sâm cau ngâm rượu.
Bạn có thể liên hệ cho chúng tôi tại Website: botatpharm.vn hoặc Hotline: 0355 818 881 để được tư vấn và hỗ trợ thêm về sản phẩm.